Hôm nay,  

Giao Thừa Năm Ấy

10/02/202115:42:00(Xem: 1555)

Thường lệ hàng năm, mỗi khi giao thừa đến thì ba nó sẽ đốt pháo, năm nay nó xí phần. Nó vừa mừng vừa hồi hộp, phong pháo chuột treo tòn ten trước hiên nhà. Nó bèn lấy mảnh giấy báo cuốn vào tim pháo, làm thành một đoạn dài đủ an toàn để sau khi đốt thì lui lại. Tiếng pháo chuột đì đẹt, lách tách nghe vui tai nhưng nhanh chóng tan loãng vào vô số tiếng đì đùng của pháo đại, pháo tống, pháo tổng...Sau khi đốt pháo nó cảm thấy như trưởng thành và lớn hơn một chút, mà thực quả thế, nó đã thêm một tuổi đời! 

Giờ phút giao thừa qua đi, tiếng pháo tắt hẳn rồi, trời đất không gian dường như tịch mịch hơn cả khi chưa có tiếng pháo. Cái tĩnh mịch sâu lắng của đêm trường đã đưa nó vào giấc ngủ đầy mộng đẹp của mùa xuân.

Sáng mồng một tết, nó diện bộ đồ mới mà mẹ mua cho hôm tháng chạp, cả nhà còn ngủ nướng vì những ngày tháng chạp bận rộn. Nó mở cửa ra đường đi loanh quanh trong trấn nhỏ, vui quá là vui, ai ai cũng mặc áo mới, tươi cười như hoa, gặp nhau chúc mừng năm mới, trước nhà ai cũng có một hai chậu hoa như thược dược, cúc, vạn thọ, mồng gà...Bác Ba ròm, người trong trấn mở gian hàng bầu cua cá cọp ngay trước hiên nhà, bác ra điều kiện:” Mình vui xuân là chính, chơi chút chút lấy hên, không đặt cược lớn, kẻo mất vui”. Thiên hạ thường nói:” Nhà cái luôn luôn thắng, vì họ nắm đằng chuôi”, ấy vậy mà có khi cũng sai. Bác Ba ròm cầm cái bầu cua cá cọp chừng một giờ đồng hồ là thua sạch túi, có lẽ bác không gặp may trong ngày đầu xuân.

Đi lòng vòng trong trấn một lát, nó quay về nhà ăn sáng với cả nhà. Mồng một tết ăn chay nên chỉ ăn bánh tét với dưa kiệu và rau sống, món bì thì sang mồng hai mới được ăn. Món bì của ngoại nó làm ngon có tiếng trong thị trấn, mấy phần đầu đuôi thủ vĩ của con heo được ngoại chế biến sơ rồi bọc trong lá ổi và bó rơm ở ngoài, tết không thể thiếu món này! 

Cả nhà qua bên ngoại, lên lầu lễ Phật, lạy gia tiên mừng tuổi ông bà, sau đó thì chúc tết ngoại. Ba nó nói và anh em nó lập lại:” Con kính chúc ngoại mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi, sống vui cùng con cháu, cầu Phật gia hộ cho ngoại”, chúc xong ngoại lì xì mỗi đứa một bao lì xì đỏ tươi. Mồng một tết, ngoại còn cho ba  anh em nó mỗi người một cái phái ( bùa). Phái là một mảnh giấy toàn chữ Tàu, viết bằng mực xạ và đóng con dấu đỏ chót, mảnh giấy gấp lại nhỏ bằng ba ngón tay, ép nhựa kín lại và có dây để đeo lên cổ. Ngoại nói cái phái hộ vệ cho các cháu khỏe mạnh, khỏi bị tà ma quấy nhiễu, đêm ngủ không bị ác mộng...

Ngoại căn vặn má nó: ”Quét nhà dồn vào xó bếp, qua mùng bảy mới được đổ rác, đi chợ nhớ mua trầu cau, muối...” hồi ấy nghe nhưng không hiểu vì sao, sau này lớn lên mới biết những thế hệ ông bà xưa thường kỵ đổ rác ngày tết vì sợ sẽ mất tài lộc. Mua trầu cau là ước vọng vợ chồng anh em trong nhà yêu thương gắn bó nhau như sự tích trầu cau. Mua muối là ước vọng cho sự đầy đủ lương thực thức ăn, đời sống đầy đủ no ấm… Trong nhà ngoài bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên còn có một bàn thờ nho nhỏ gần bên cửa vào gian phòng thờ, không thấy có hình ảnh hay tượng gì, chỉ thấy hai hũ muối và gạo mà thôi. Lớn lên rồi nó mới biết đó là sự cầu kiến một cuộc đời được gia hộ no ấm và đầy đủ.
 

Chúc tết ngoại xong, cả nhả lên chùa Khánh Lâm (tục gọi chùa Bàu Lương) để lễ Phật đầu năm. Thầy trụ trì pháp danh gì hổng biết, chỉ biết mọi người vẫn thường gọi một cách thân mật là thầy Trí. Ông thầy già, hiền lành luôn luôn mỉn cười, lông mày dài, bạc trắng rớt che cả mắt, trông ông thầy cứ như ông Bụt, ông tiên trong truyện cổ tích bước ra. Nó cũng đốt nhang và xì sụp lạp Phật, lạy hết các bàn thờ có ở trong chùa. Mẹ nó đến bàn thờ thần tài và cầm cái hũ đựng những thẻ xăm sóc sóc cho tới khi có một cái thẻ rơi ra. Thẻ ghi toàn chữ Tàu, mọi người cầm cái thẻ ấy xuống nhà khách nhờ thầy Trí giải thích cho. Thầy Trí bận cả buổi sớm mai, bà Ba Bụng, bà Trùm Ba, bà Chín Đỏ, bà Hai Gạo… lần lượt chờ thầy đọc thẻ xăm. Lễ Phật xong, nó theo ba đi tảo mộ tổ tiên, đi thăm viếng và chúc tết họ hàng gần xa. Đến nhà nào mấy anh em nó cũng được lì xì, nó thấy má nó cũng lì xì lại cho những người anh em họ.
 

Lễ chùa và thăm họ hàng xong cũng đã xế chiều, về đến nhà là nó chạy ngay ra chợ. Ngôi chợ giữa trấn đông vui vô kể, mấy mươi gian hàng trò chơi như: bầu cua cá cọp, thảy vòng, ném lon, thảy đầu vịt...rồi những hàng ăn uống nữa, nhưng vui và rộn ràng nhất là quầy hô bài chòi và hô lô tô. Tiếng hò và hô lô tô vang vọng:” … Con mấy vị ra, con mấy vị ra, con gì nó ra đây...ngựa chạy bon bon, con vượn bồng con lên non hái trái, anh cảm thương nàng phận gái thuyền quyên, con hai mươi nguyên...” những người hô lô tô thật giỏi và nhanh nhẹn, phải thuộc nhiều bài hát, ca dao... hát sao cho chữ cuối nó liền vần với con số. 

Nó đâu có biết rằng, tiếng hô bài chòi, hô lô tô, tiếng pháo giao thừa, âm thanh sôi nổi của hội xuân, hình ảnh hoa quả bánh mức, hình ảnh ngôi chùa quê với ông thầy hiền như Bụt ấy in sâu vào tâm khảm nó. Mà đâu chỉ có thế, hình ảnh bộ lư đồng sáng choang, ngọn đèn hột vịt leo lét trên bàn thờ cũng nạm vào hồn của nó. Sau này lớn lên đi bốn phương trời, nó vẫn nhớ như in những bóng hình ấy, cứ mỗi độ xuân về là tâm nó lại mở ra những ký ức xưa, cứ như một cuộn phim chậm rãi chiếu lại tết xưa đẹp như một truyện cổ tích. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 01/2021 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong trí nhớ của tôi, chị đã đẹp từ thuở mười hai, mười ba, thuở chị vừa rời tiểu học. Nhan sắc diễm lệ theo chị hàng chục năm. Cuối thập niên 70, chị dạy trường trung học bên quận 4. Bao năm qua, bây giờ mường tượng lại thuở ấy, trong trí tôi vẫn rõ hình ảnh chị mặc áo dài tơ lụa màu vàng, màu hồng nhạt, quần trắng, đeo kính mát to kiểu hippie đi dạy.
Ngoại không có học hành nhiều, chỉ qua những lớp bình dân học vụ thời Pháp thuộc nhưng trong đầu là cả một kho tàng ca dao, tục ngữ và cả những câu nói chữ nho. Tôi lớn lên thuộc nhiều ca dao và yêu thích văn chương có lẽ nhờ nghe ngoại hát ru thời thơ ấu.
Trong mỗi mái nhà ở quê tôi, ai ai cũng có một cánh cò thương khó, dù anh là anh bộ đội hay anh lính cộng hoà. Cánh cò của tôi, giờ đây tuy đã cách xa quê hương hàng đại dương vẫn chẳng hề đổi thay - vẫn cái áo bà ba màu nâu xẫm, vẫn chiếc nón lá lấp lánh trong nắng trưa phố Bolsa, … Và dưới cái nón lá ấy, trong bộ bà ba ấy, tâm hồn mẹ là cả một quê hương.
Đôi khi cô nhớ anh bâng khuâng. Nhưng cô không mường tượng ra khuôn mặt của anh thế nào. Lần nọ, anh hát cho cô nghe bài Suối Tóc của Văn Phụng, một bài hát anh rất yêu. Anh hỏi cô, “Biết anh thích nhất đức tính nào của phụ nữ không?” Cô lắc đầu. Anh nhẹ nhàng, “Dịu hiền. Dịu hiền như bé con của anh.”
Chợ Bà Bâu, ngoài tiệm Quảng Lợi Đường còn có hai tiệm thuốc bắc khác là tiệm Đại Sanh Đường và Tân Thạnh Đường, cả ba tiệm đều làm ăn phát đạt cả. Ông già Tàu họ Diệp người triều Châu. Ông chủ tiệm Đại Sanh Đường họ Hàn, gốc người Hẹ. Còn ông chủ tiệm Tân Thạnh Đường người Vân Nam.
Đúng mười một giờ đêm nay là tròn sáu tháng. Sáu tháng ân cần che chắn, chia sẻ êm đềm. Sáu tháng ấm áp nghĩa đồng hương, sáu tháng ngọt ngào tình đôi lứa. Men rượu cháy bỏng hai vành tai, xém cả vùng da cổ. Cái mặt chắc đỏ như mặt trời cuối mùa hạ. Cái mặt trời tối nào cũng đi ngủ muộn
Đó là món ăn để những bà con xa gần, những bằng hữu hay những láng giềng thân quen chan hòa xì xụp nhân ngày kỵ giỗ, ngày mừng lúc mới hay bất cứ dịp vui nào đó. Đó là cái hồn của những quán lá liêu xiêu bên con đường đất hay sùm sụp một góc chợ quê, vỏn vẹn vài ba cái bàn gỗ chông chênh, có những ống đựng đũa bằng tre, có thêm chai rượu đóng nút bằng cùi bắp hay bằng nắm lá chuối khô cuộn tròn kề bên. Đó là những cái tô tai bèo vàng rượm những sợi mì màu nghệ hay trắng tinh màu gạo, lác đác những khoanh ớt đỏ rói, những hạt đậu phộng rang chín vỡ tan màu nâu nhạt, thêm vào những mảnh bánh tráng khô nướng lấm tấm hạt mè. Đó là món ăn mà, bên tiếng vỡ lắc cắc của những cái bánh tráng giòn tan, bên những tiếng “khà” bật ra sau một ngụm rượu đế, người ta rổn rảng kể chuyện mùa màng, chuyện chòm xóm, chuyện gia sự con cái và cả chuyện nước non chính sự nữa. “Hương vị riêng” của mì Quảng, một phần, nằm ở sự chan hòa, sự mộc mạc và xuề xòa ấy.
Thế là gã tỉnh ra, tỉnh hẳn như người lim dim chợt thấy kẻ trộm vào nhà, tỉnh tợ như chơi xì ke vừa vã thuốc gặp cảnh sát. Nói theo lối thiền gia thì gã ngộ, đã một thời gian dài gã cứ thấy cái gì ngộ ngộ là vác, giờ thì khác rồi, không vác nữa nên ngộ hay là ngộ mà không vác nữa thì gã cũng chẳng phân biệt được! Đời vốn đã ngộ mà gã còn ngộ hơn đời, bởi thế mà bạn bè thân sơ đều gọi là gã khờ.
Nhân bài văn của cháu ngoại về phở nên “bàn hươu tán vượn” vể phở và cuốn sách “A Phở Love Story”, rất tiếc báo chí Việt ngữ ở Mỹ không khuyến khích giới thiệu nhiều về quyển sách nầy, cây bút trẻ Loan Le có ý nghĩ chọn món ăn của quê hương để viết cho độc giả Mỹ qua chuyện tình tuổi teen với bìa sách chân dung đôi bạn trẻ (trai, gái) với tô phở thật ý nghĩa.
Cuộc đời của thiên tài Steve Jobs mãi mãi ngừng ở tuổi 56 để lại tiếc thương cho cả triệu người khắp thế giới. Đóng góp của ông cho khoa học đã tạo cảm hứng cho họa sĩ Gudjonsson vẽ hình ông cầm trái táo đứng trước cửa thiên đường, kèm theo lời chú thích : "Có ba trái táo trong lịch sử của nhân loại : trái táo của ông Adam, trái táo của ông Newton, và trái táo của ông Jobs.”
Ca dao bình dân thì đơn giản hơn nhưng cũng rất tha thiết: ”Gió đâu gió thổi sau lưng/ Dạ đâu dạ nhớ người dưng vô cùng”. Rõ ràng cái nhớ thiết tha biết bao, tưởng chừng “Người dưng” rất xa lạ, mơ hồ nhưng lại nhớ không quên.
Mấy tháng trước đây chúng tôi đã gặp một cặp chồng Mỹ vợ Việt tại nhà thờ Saint Patrick trong buổi lễ tang của một bà đồng hương già trên 95 tuổi. Bà Th. trước 75 làm sở Mỹ có chồng lính Mỹ là người sớm nhất đến thành phố chúng tôi đang ở. Những người Việt đến sau như tôi thường đến tá túc một vài tháng đầu tiên tại nhà bà. Lễ tang của bà tập họp gần như đầy đủ người Việt đã từng quen biết bà trong đó có cặp chồng Mỹ vợ Việt nầy đến từ một thành phố khác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.