Hôm nay,  

Kẻ Hành Nhân

06/12/202018:44:00(Xem: 4082)

Xuống  xe tắc-xi đi thêm mấy bước, rời con đường nhựa, ông quẹo trái. Con đường vào khu  nhà Thuỷ Tạ hơi nghiêng, lát đá hơi gồ ghề, ông cẩn thận đi chầm chậm từng bước một. Chân yếu, đi đến những nơi lạ, ông thường mang theo cây gậy. Lần này ông quên.

Buổi sáng đầu mùa Đông lạnh. Nhà hàng vắng. Chỉ có một nhóm thanh niên nam nữ đang  quây quần quanh một chiếc bàn tròn cuối một dãy bàn ghế ở ngoài trời bên trên có mái che nhưng không có vách tường. Những phòng bên trong ấm cúng, có máy sưởi, thì lại không có một người khách nào. Dù trời lạnh, ông cũng chọn một chiếc bàn ở ngoài trời nhưng cách xa  đám thanh niên đó. Ông muốn có tầm nhìn khoáng đãng. Ông muốn tìm lại vài hình ảnh cũ. Của cái Nhà Thủy Tạ này. Của cái khung cảnh chung quanh này. Vào cái thời kỳ còn trẻ trung, lãng mạn  trong cuộc sống ngày càng phiền toái của ông.

Trước mặt ông, một cái bàn vuông, nhỏ, chỉ có hai ghế mây đặt bên nhau, có nệm lót cho chỗ ngồi và lưng. Trên mặt bàn, tờ thực đơn nằm cạnh một lọ hoa hồng mới cắt còn lấm tấm mấy giọt nước nhỏ như những hạt sương mai. Ông kéo ghế ngồi xuống chưa biết gọi món gì, thì tiếng cười nói quá ồn ào từ đám thanh niên vang tới. Ông quay nhìn. Quanh chiếc bàn tròn, một nhóm thanh niên nam nữ, nam thì nhuộm tóc vàng, xanh, tím, nữ thì quần rách gối và mông, đang nâng cao những chiếc ly nhỏ. Ủa, uống rượu mạnh buổi sáng sớm?    

Ông đang muốn yên tĩnh. Thì phải rời đây ngay, ông thầm bảo. Ông chưa phát ra một cử chỉ nào, thế mà, chẳng  hiểu sao, cô bán hàng nãy giờ mải chăm chú nhìn đám thanh niên đằng kia bỗng quay người lại bước vội tới ông. Khuôn mặt thanh tú, phấn son không loè loẹt, nhanh nhẹn, gọn gàng, tuổi chừng dưới 20. Cô nghiêng mình, nghiêng thật thấp như ca sĩ trên sân khấu khi hát xong bài hát, rồi nở một nụ cười thật tươi, đôi mắt chớp chớp long lanh. Có một chút dư thừa trong từng điệu bộ. Cô nói tíu tít một tràng:

“Kính chào bác ạ. Bác khỏe chứ. Bác có lạnh không nào? Ối già, hôm nay sao trời lạnh thế. Hay ta vào trong kia đi bác.”

Ông lắc đầu từ chối.

“Vâng, thì thôi vậy. Bẩm bác xơi gì? Nhưng trước tiên phải là cà phê nhé, bác nhé.”

Cô bé giọng Bắc hơi the thé, rất lễ phép. Có tin đồn rằng chủ quán, và cả người  phục vụ, vào thời buổi này coi khách hàng như cỏ rác, “vừa bán vừa la vừa chửi”. Vậy đây là trường hợp ngoại lệ? Hay lời đồn sai?

Ông chưa kịp trả lời thì cô bé đã quay ngoắt người  đi nhanh về phía đám thanh niên đằng kia đang khua ly gọi cô.

Ông sửa lại thế ngồi và nhìn ra hồ. Một con chim nhỏ, quá nhỏ, không biết từ đâu bay sà tới đậu lên lan can cách ông không quá một mét. Nó tròn mắt nhìn ông trong một tích tắc, hoảng hốt, giật mình bay phóng ra ngoài. Ông nghe tiếng vù, và nhìn theo. Nó bay mãi, nhỏ dần, mất dạng. Không biết nó có thể bay vượt qua khỏi mặt hồ này không, ông ngẫm nghĩ. Hay sẽ mỏi cánh, nó nhỏ quá mà, rơi giữa đường. Ông cầm lấy thực đơn ngắm nghía. Cái thực đơn trông cầu kỳ, chữ viết kiểu cọ, rồng bay phượng múa. Nhiều chữ, nhiều con số kỳ quặc ông không đoán nổi nó muốn nói gì.

“Cà phê ở đây ngon lắm bác ạ.” Cô bé đã trở lại. “Ngon nhất. Trên cả tuyệt vời. Trong khi bác chọn món ăn, cháu đi lấy cà phê bác dùng trước cho ấm bụng nhé, bác nhé.”

Sau câu nói là một nụ cười thật tình tứ, khá sỗ sàng, chẳng khác gì nụ cười của hai người yêu xa nhau vừa gặp lại nhau, muốn xoắn xít, vồ vập nhau như chỗ không người. Nụ cười chưa tắt, cô đã quay người, quay hơi nhanh khiến mái tóc nhuộm vàng chen nâu quay theo để lộ chiếc cổ trắng. Và cô đi nhanh về phía quầy hàng.

Ông chau mày.  A, cái cô bé này! Tiếp một người đã “quá đát” nên cô không cần phải e dè chăng? Đùa chút chơi thôi, phải không? Hay muốn thử xem nụ cười đó, cử chỉ đó có tác dụng như thế nào đối với một người lớn tuổi, hay cau có như mình? Nghĩ vậy nhưng ông không cảm thấy bị xúc phạm lắm. Không những thế, ông còn muốn đồng loã. Như một buổi sáng mùa đông lạnh miền núi chợt từ sau đám mây xám nặng nề loé lên những tia nắng yếu ớt kết thành hình rẽ quạt ngắt đoạn, thưa thớt. Chắc không mang lại là bao ấm áp, nhưng cũng dễ chấp nhận.   

Ông đảo mắt nhìn quanh. Trước mặt, sóng hồ gờn gợn dưới lớp giá mỏng như đang bốc làn hơi trắng. Có tiếng nước róc rách dưới chân những cây cột đúc xi - măng.  Nhìn ra xa, không thấy bóng dáng những chiếc pédalo nào như thường thấy vào những mùa khác trong năm. Xa hơn, lác đác những cổ xe ngựa chở du khách dạo trên con đường bên kia hồ. Xa hơn nữa, vườn Bích Câu nằm thoai thoải từ lưng chừng một ngọn đồi thấp rồi tràn xuống mép nước. Ông tự hỏi khu vườn hoa nổi tiếng đó có còn giữ lại tên cũ hay không. Đường bên này hồ xe cộ giao thông nhiều hẳn không tiện cho việc du ngoạn bằng xe ngựa. Quay nhìn phía phải thấy ngay cái tháp trường Yersin ẩn hiện sau những cây thông già, nay nó mang tên gì? Ông có cảm tưởng rằng những cây thông già đó vẫn là những cây thông ngày xưa khi ông còn bé tí nay vẫn trơ gan đứng đó cùng với ngôi trường mang tên một bác sĩ người Pháp đã góp công tìm tòi và xây dựng Đà Lạt, và đã yêu mến Việt Nam như quê hương thứ hai.

Ông cố nhìn xa hơn, tầm nhìn bị chận lại. Nhưng ông hình dung ra ngay. Đây là đường đi ngang qua Nhà Ga Đà Lạt, kia là Hồ Than Thở thông reo vi vu, tiếp đến là khu Saint Benoit sau đổi tên là vùng Chi Lăng nơi đó có Trường Võ Bị của Việt Nam Cộng Hoà trước kia ... Ông xoay hẳn người lại. Chênh chếch lưng chừng đồi là khách sạn Palace danh tiếng nay có tên Dalat Palace – Heritage Hotel.

Cảnh vật quanh đây dường như không thay đổi là bao. Ông có cảm tưởng như  gặp lại người bạn cũ thân thương lâu đời  sau thời gian dài xa cách. Những nơi khác ông để tâm quan sát mấy hôm nay thì có thay đổi. Phố phường san sát; nhà cửa mọc lên nhiều và khá bề bộn; xe cộ chạy trên đường khá tấp nập; vườn trồng rau lộ thiên, hay có nhà kính, hay có mái che bạc trắng, tràn ngập gần khắp các thung lũng. Ông cho rằng đấy chỉ là những chiếc áo khoác bên ngoài nhiều chỗ sặc sỡ, thô lỗ, nhưng bên trong, bên dưới, Đà Lạt vẫn dịu dàng, êm đềm, thơ mộng. Ông chỉ tiếc những hàng thông xanh, loại thông ba lá mượt mà, những cây thông  cổ thụ trăm năm ngọn vươn lên cao cách mặt đất vài mươi mét đứng ven các đường phố chính, nay hầu như vắng bóng.    

“Đây, cà phê của bác đây.” Cô gái đã đứng ngay sau lưng ông mà ông không biết. “Bác dùng với mật nhé? Cháu đã pha sẵn mật trong cà phê.”

Ông thảng thốt buột miệng:

“Mật? Sao lại mật?”

“Mật chứ sao lại không mật. Mật ong thật đấy. Lấy từ cánh rừng nằm phía bên trên nguồn của thác ĐaTân La đấy bác ạ. Quý lắm. Bác là khách sang mà. Bác có tham quan thác Đa Tân La chưa?”

Ông không trả lời câu hỏi, chỉ nói vắn tắt:

“Tôi không uống cà phê với mật.”

Cô gái hơi nhíu mày:

“Ô, có ít mật trong đó thôi. Bác pha thêm đường vào cũng được.”

Ông đáp hờ hững:

“Đường cũng không.”

Cô quắt mắt:

“Ô hay. Khó khăn quá nhỉ.” Chỉ tay vào chai nước tương trên bàn. “Đấy, đấy, có chai ma-dzi đấy. Bác hãy uống cà phê ma-dzi nhé.” Cô hất mái tóc qua một bên vai, lạnh lùng tiếp. “Nhưng tôi phải qua ngay bàn đằng kia, bác cứ ngồi đấy tha hồ kén chọn.”

Nói xong cô quay ngoắt người đi nhanh về phía bàn của nhóm thanh niên dù không có tiếng thìa gõ vào ly.

Ông ngẩn người. Mình xưa nay vẫn uống cà phê không đường, chứ có định gây khó khăn đâu. Nhưng thôi, hơi đâu mà đôi co. Ông lấy làm lạ rằng tính mình vẫn cáu kỉnh, nhưng sao bây giờ ông không cảm thấy khó chịu cho lắm. Cái cảm giác bực bội chỉ thoáng qua, và được thay thế bằng nụ cười âm thầm. Vâng, chút nắng yếu ớt ban đầu đã tắt, cái đẹp mong manh ban đầu không còn, ông không muốn đang tay vùi giập thêm. Cứ để niềm vui nhỏ trong buổi sáng hôm nay có một chỗ đứng trong tâm hồn. Nhưng mặt khác, ông cũng biết rằng ông không thể ngồi nán lại nơi này thêm một giây phút nào nữa.

Nhìn giá tiền trên thực đơn: Cà phê 120 nghìn. Ông rút ví. Không có tiền lẻ, ông lấy 150 nghìn đặt dưới bình hoa, rồi đứng dậy rời khỏi bàn. Cô gái từ bàn đằng kia vội chạy theo gọi rối rít:

“Ô, ô, cái ông kia. Trả tiền đi chứ?”

Ông hất hàm trỏ tay về phía chiếc bàn. Và cẩn thận đi từng bước một trên đường lát đá lởm chởm. Và đến đứng chờ trên lề đường.

Chờ khoảng 5 phút, một chiếc tắc-xi trờ tới. Và cũng khoảng hơn 5 phút sau, ông đã xuống xe ghé một góc khu Hoà Bình. Nhà Thuỷ Tạ không xa trung tâm thành phố là bao. Đi đâu? Đi đâu bây giờ? Câu hỏi nhảy nhót trong đầu. Còn hơn nửa ngày, không lẽ trở về khách sạn nằm dài chờ ngày mai xuống Sài Gòn để hôm sau lên máy bay về Mỹ.

Thành phố này thật quen thuộc. Phải rồi, là vì mình không được sinh ra nơi này nhưng đã sống ở đây từ bé.  Kỷ niệm thời thơ ấu khó quên. Thấy vắng xe, ông vội băng ngang qua dãy phố bên kia đường. Ông nhận ra ngay đây là góc phố ngày xưa. Không chừng dưới mấy viên gạch vỡ vẫn còn những lớp đất, đá, nhựa trải đường của trăm năm về trước.

 

Mùa đông trời lạnh lắm và mau tối. Trường tiểu học chỉ cách nhà chỉ hơn 10 phút đi bộ,  nhưng nó về tới nhà thì đã chạng vạng. Bố mẹ hỏi tại sao, mới đầu nó chối. Nó cũng giấu kín mấy hột dẻ rang cầm ấm cả bàn tay bé nhỏ.

Chiều nào cũng vậy, nó và hai thằng bạn học bé con ở cùng phố, không chịu về nhà ngay, đứng thộn người nhìn người ta rang cà phê ngay trước cửa tiệm Vĩnh Chấn. Vĩnh Chấn bán bánh mì, bánh ngọt và cà phê từng bịch chứ không phải cà phê trong tách, trong ly. Tức là cà phê xay tại chỗ sau khi rang rồi cho vào bịch giấy nhỏ để bán. Tây, đầm, ghé xe hơi tới mua đông hơn người mình.

Cái hột gì đó đổ vào nồi rang kêu rổn rảng, sau nó biết là hột cà phê sống. Nồi rang bằng thiếc hình ống tròn to, lọ nghẹ bám đen thui, nằm ngang, có tay quay, đặt bên trên bếp lửa, hay bếp than, nó không rõ. Một chú Tàu bụng bự, ba nó vẫn gọi là chú khách, cầm tay quay quay đều, quay xuôi rồi quay ngược. Chú Tàu thương con nít, thỉnh thoảng cho mấy đứa bé những hột dẻ rang còn nóng muốn phỏng tay. Thường thường rang cà phê xong, nếu còn lửa, chú rang dẻ; nó biết ý đứng chờ. Chỉ một chốc mùi cà phê rang bốc lên, rồi lan ra khắp hè phố. Thơm quá, ấm quá. Mùa lạnh mà được cầm tay quay rang cà phê thì còn gì bằng. Nó còn nhỏ, ba chưa cho uống cà phê, sợ tim con nít đập mạnh, mẹ nói thế.

Mà cần gì uống. Mũi ngửi mùi cà phê rang có trộn bơ thơm tho ngào ngạt trước tiệm Vĩnh Chấn là sướng rồi. Cũng như đối với lỗ tai, lỗ miệng, cần gì học hát, nghe hát ở trường vào cuối tuần khi thầy dạy nhạc tay vung chiếc đũa như nhắp cây roi. Nghe con dế gáy khi nó ngủ, reo to khi nó “thắng trận” khua hai cái râu dài đuổi theo con dế khác, thiệt là hay ho hơn nhiều. Nó ước mơ sau này lớn lên được làm nghề rang cà phê tiệm Vĩnh Chấn. Rang cà phê vào mùa Đông, nhìn con nít đi học về, cho chúng nó hạt dẻ và thêm bánh mì mới ra lò. Mùa mưa tới thì làm nghề trồng rau ở Ấp Hà Tịnh, Ấp Hà Đông, Ấp Thừa Thiên tha hồ bắt dế đá. Mà nghề đánh xe ngựa coi bộ cũng thích. Ngồi trên xe ngựa, hồi đó còn xe ngựa chở người ta đi chợ, và than, củi, “la-ghim”, một tay cầm dây cương, một tay cầm cây roi, quất quất. Nhưng ao ước là một chuyện, bố mẹ có chịu hay không là chuyện khác.

Thế mà nó chưa lớn lên để biến mơ ước thành sự thật thì đã phải chạy giặc. Nhớ chiếc xe ngựa chở cả gia đình từ Đà Lạt đổ xuống Cầu Đất, và được chuyển qua xe lửa khác chạy xuống ga Tháp Chàm, rồi chuyển qua xe lửa khác một lần nữa chạy tuốt ra Trung hướng về xứ Huế lạ lùng, huyền bí, âm u, xa xôi ngàn dặm. Hồi đó, Khi chưa rời khỏi ngôi nhà của tuổi thơ dại, mới nghe bố mẹ nói lui nói tới “phải về Huế, phải về Huế”, nó đã ngẩn ngơ, hoang mang, sợ sệt.

 

Ông thì thầm trong lòng chắc mình phải trở lại con đường tản cư hồi nhỏ đó, cũng như mấy hôm nay đã trở lại thăm nhiều nơi trong thành phố “rập rờn kỷ niệm này”. Như con cá hồi. Như con chim én.

 

Một cơn gió thoảng qua, ông thấy lạnh dù đã mặc hai lần áo len dày. Ông biết, mình đã già yếu, khả năng chống cự với cái lạnh kém xa thời trai trẻ. Và ông thảng thốt “nhận ra ngay đây là góc phố ngày xưa”, rằng mình đang đứng trước tiệm Vĩnh Chấn tuy nó được khơi cao thêm vài tầng, không còn bán bánh mì nóng và cà phê bịch, và không giữ bảng hiệu chữ Tàu nữa. Bỗng dưng ông cảm thấy thèm một tách cà phê thật nóng, không đường, không mật, sau khi ăn một tô phở tái gân nạm gầu cũng nóng không kém có thêm hành chần, nước béo. Ông nhớ trước kia, gần khu Hoà Bình này, có một quán phở khá nổi tiếng, lẽ dĩ nhiên có cà phê đi kèm - Cà Phê Tùng hay Phở Đắc Tín - nằm trên đường Hàm Nghi, tên đường vào thời Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975. Ngày xa xưa thời Pháp thuộc nó mang tên Rue d’Annam, sau này chắc hẳn đã có tên khác. Và gần cuối đường là ngôi nhà thờ Tin Lành khá lớn, nay cũng gần 100 tuổi. Đi sâu thêm vài trăm thước rồi rẽ trái sẽ gặp một ngôi chùa cổ, chùa Linh Sơn, nay trên 100 tuổi.

Ông đi thong thả đến đường Hàm Nghi. Chỉ đi một đoạn ngắn, ông gặp một bến xe khá nhộn nhịp. Đứng lại một chốc tại một góc phố nhìn xe đến, xe đi, cũng là một cái thú -  ông vẫn thích sinh hoạt của những nơi như chợ búa, nhà ga, bến xe, bến tàu. Bến xe này có những tuyến đường đi Đức Trọng, Tùng Nghĩa hướng về Di Linh, Bảo Lộc rồi về Sài Gòn; hoặc đi Lạc Dương, hoặc Trại Mát, Trạm Hành hướng về Phan Rang, Nha Trang. Một chiếc xe hành khách cố ý chạy chậm ngang qua chỗ ông đứng. Lơ xe kêu to: “Đi Xuân Trường, Cầu Đất, Trạm Hành đây. Chú ơi. Lên xe mau.” Ông giật mình, và chẳng hiểu sao, tự nhiên cánh tay đưa cao lên, vẫy. A, đúng rồi, hai tiếng Cầu Đất vừa nghe vang dội mạnh trong lòng. Xe dừng lại, ông lên. Xe chạy tiếp, lại trờ tới những người khác đứng cạnh lề đường. Thêm vài người lên xe. Khi ông đã ngồi yên, anh lơ xe bước tới:

“Chú đi đâu?”

“Đi Cầu Đất. Cầu Đất là trạm cuối, phải không anh?”

“Trạm Hành mới là trạm cuối.”

Để được yên tâm ông  hỏi tiếp:

“Nghĩa là xe sẽ ghé Cầu Đất rồi mới tới trạm cuối là Trạm Hành?”

“Vâng.” Anh lơ xe trả lời dấm dẳng, rồi định xé vé đưa cho ông. Ông vội nhìn đồng hồ tay và hỏi tiếp:

“Mà chuyến cuối trở về Đà Lạt là mấy giờ?”

“Tùy, khoảng 4 giờ chiều. Còn khách thì 5 giờ.”

“Cho tôi 1 vé.”

“19 ngàn đồng đi Xuân Trường.” 

Ông băn khoăn:

“Tôi đi Trạm Hành chớ không phải Xuân Trường.”

Anh lơ xe sốt ruột, xé vé, chìa tay đòi tiền, đáp:

“Thì cũng đó đó.”

Nhìn vé xe, ông nhẩm tính. 1 tách cà phê Nhà Thuỷ Tạ 120 ngàn, giá cước cho chuyến đi khá xa này chỉ 19 ngàn. Đắt hơn sáu lần.

Trên xe, ngoài một số hành khách buôn bán, hay vô công rồi nghề như ông, còn có mấy đứa học trò nam, nữ, đi những quãng đường dài ngắn khác nhau, chỉ trả 5 ngàn đồng, rồi xuống xe. Hình như 5 ngàn đồng là giá chung cho học trò, khoảng 20 cents Mỹ. Áo màu xanh đồng phục, cũ, nhăn, nhưng trông cũng gọn gàng. Đặc biệt con gái má hồng tự nhiên, không phấn son. Học trò con nít phấn son cái gì, ông bật cười.

Xe vượt qua những phố xá đông đúc, dần dần đổ dốc. Ông thấy một công xưởng khá lớn bên trái con đường, và nhận ra ngay đó là Garage Martinette, tên cũ. Trước kia, quanh vùng này là những đồi thông cây xanh trùm đến ngọn, những thung lũng cũng trùng điệp thông là thông. Nay khác rồi. Nhiều ngọn đồi thưa thớt cây, nhiều thung lũng toàn trồng rau quả. Nhà kính bao trùm kín nhiều nơi. Rải rác hai bên đường mọc lên những khách sạn, nhà hàng. Ông đọc kịp vài tên: Khách sạn Dalat Nature’s, Nhà hàng Xiên Nướng –Ăn Vặt, Chả Ram Bà Béo.

 

Xe tiếp tục chạy về phía Trại Mát. Ông còn nhớ rằng mãi đến cuối thập niên 1960 qua đầu thập niên 1970, vẫn còn đường xe lửa nối liền Đà Lạt (độ cao trung bình là 1,500 mét) với Tháp Chàm thuộc Phan Rang (đồng bằng). Vì cách biệt của độ cao, đường xe lửa phải qua nhiều con dốc rất ngặt nghèo nên ngay giữa hai đường rầy chạy song song còn có đường rầy thứ ba có răng cưa ăn khớp với răng cưa của toa đầu máy và những toa khác (do người Pháp thực hiện gọi là chemin de fer crémaillère, tiếng Anh: cog-rail). Nhờ thế xe lửa khỏi bị tuột khi xuống dốc, và bám được đường khi lên dốc. Đấy là đoạn đường hỏa xa rất hiếm hoi và quý giá vô cùng chạy qua nhiều đồi, núi, rừng cao nguyên tuyệt đẹp. Hồi nhỏ ngồi trên xe chạy trên con đường này, ông thích nhất khi xe leo dốc quanh co luồn qua những rừng lau sậy, cờ lau quẹt vào thành cửa sổ xe sột soạt, hay bay phất phơ trong gió. Trên thế giới chỉ nước ta và Thụy Sĩ có loại đường xe lửa như thế.

Phải mất 30 năm cực kỳ khó khăn và gian khổ mới hoàn thành con đường sắt ấy với độ dài gần 84 km trong đó đường răng cưa chiếm đến 43 km. Đường răng cưa bên Thụy Sĩ chỉ dài 25 km ở đoạn vượt qua đèo Furka trong rặng núi Alps, và không có nhiều dốc cao bằng đường sắt Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1932, con đường được được sử dụng. Sau 40 năm hoạt động, đến năm 1972, chiến tranh tàn khốc đã phong tỏa con đường. Tiếc thay, sau 1975 khi đã có hòa  bình, vì tầm nhìn ngắn hoặc vì tham nhũng, nhà đương cuộc cho gỡ bỏ con đường sắt đó, lấy tà vẹt, đường rầy dùng để tăng cường cho con đường sắt Thống Nhất, hoặc đem bán hết sạch làm sắt vụn. Các đầu máy hơi nước cổ xưa qúy báu nay không còn được sản xuất nữa và một số toa hạng nhất, thì mang bán cho công ty DFB (Dampfbaln Furka-Bergstrecke),Thuỵ Sĩ, với giá rẻ mạt, 650 nghìn đô-la Mỹ. Thụy Sĩ đã vô cùng hân hoan sử dụng những đầu máy và toa đó để góp phần phục vụ cho ngành du lịch núi Alps bằng Hoả Xa rất được thế giới hâm mộ.

(Theo Nguyễn Bảo Châu: http://trithucvn.net/van-hoa/chuyen-buon-ve-tuyen-dương-sat-rang-cua-huyen-thoai-phan-rang-da-lat-html).

Nay chỉ còn đoạn đường sắt ngắn và ít dốc từ Đà Lạt đến Trại Mát. Lại không có đầu máy hơi nước, buộc lòng phải dùng đầu máy chạy điện kéo mấy toa hạng ba nhỏ và xấu, đưa du khách ít ỏi ngày có ngày không, đi xuống đi lên.

 

Đường qua khỏi Trại Mát bắt đầu dốc nghiêng nhiều, dài và rất quanh co, hiểm trở, khiến xe phải chạy chậm. Vài dấu vết xưa liên quan đến con đường răng cưa huyền thoại xuất hiện đây đó. Đấy là những gì còn sót lại, những kiến trúc hoang tàn, đổ nát, trên đó có những hàng chữ cũ kỹ, hoen ố: Ga Cầu Đất, Hầm Hoả Xa. Mong rằng những dấu xưa đó sẽ không bị  bàn tay con người hủy diệt lần chót. Lại cũng gặp những đoạn đường sương mù dày dặc hầu như quanh năm, thì may mắn thay, trước đấy chừng vài trăm mét, có những bảng chỉ dẫn cắm bên đường: Đi Chậm. Đường Nhiều Sương Mù.

 

Ông tới Trạm Hành thì đã 2 giờ chiều. Chỉ còn một mình ông đến trạm cuối này. Xe đậu tại một khoảng đất trống nhỏ cạnh con đường cái cách quận lỵ không xa lắm. Nhưng muốn đến đó, phải vượt qua một con đường dốc. Thì giờ còn ít ỏi, ông liệu cũng khó cuốc bộ nổi.

“Anh ơi, khi nào trở lại Đà Lạt?”

“Không có ai đi. Chắc phải chờ một vài tiếng nữa,” anh tài xế trả lời.

“Đây tới Cầu Đất bao xa?”

“Khoảng 10 cây số.”

“Gần đây có quán ăn nào không?”

“Có. Chú chịu khó đi bộ ngược lại độ vài cây số thì tới. Quán bên phải.”

Ông vừa đói, vừa thèm một cốc cà phê thật nóng. Xuống xe, theo lời tài xế, ông đi men theo lề bên trái lên dốc. Cái dốc cong queo và thật dài như không bao giờ hết. Đi mới mấy trăm mét đã mệt nhoài. Trời lạnh, và gió, và đói. Gió chạy luồn theo con đèo cao ngút. Đứng nghỉ chân một bên đường, ông nhìn quanh. Mé trái con đường, thung lũng mênh mông, những vườn chè, vườn cà phê, vườn rau. Đây đó những mái ngói đỏ ẩn núp dưới những chòm thông xanh. Có lẽ đó là những dinh thự lớn lao của các “đại gia”, hay trụ sở của chánh quyền. Trong khi đó, phía bên phải con đường, trên những ngọn đồi xơ xác, những gò đất đá khô cằn, rải rác những túp lều tranh xiêu vẹo.

Ông tiếp tục leo dốc. Qua khỏi một khúc quanh, một cái gọi là cái quán nằm cheo leo trên mô đất cao hơn mặt đường độ vài ba mét. Ông mừng rỡ bước vào quán. Mấy trái dừa nằm dưới đất, vài nải chuối, hai ba chai nước ngọt, đặt trên cái chõng tre rệu rạo. Thế thôi.  Ông nghe tiếng nước sôi sùng sục. Đảo mắt tìm, thấy có cái nồi vung đậy kín nằm trên cái lò đất ở một góc quán. Khói bay lên, mùi thịt gà hầm thơm phưng phức. Bụng ông càng cồn cào. Ông gọi chủ quán hai lần. Không có tiếng trả lời. Bước sâu vào. Sau tấm phên mỏng, một người nằm trên ghế bố trùm mền kín đầu.

“Cháo gà đang nấu phải không? Cho tôi một tô.”

“Tui cảm nặng. Thằng rể nấu cháo cho tui. Không bán.”

“Thế có gì ăn không?”

“Có.” Giọng nói thều thào, mệt nhọc. “Có dừa. Tui đau, chặt lấy mà ăn. Để tiền đâu đó cũng được. Mười ngàn một trái.”

Ông ngán ngẩm, rời ngay khỏi quán. Chỉ bước thêm được mấy bước, ông ngồi bệt xuống lề đường. Ngồi khá lâu chờ chiếc xe Trạm Hành lúc nãy mà không thấy. Bỗng một xe gắn máy chạy từ dưới xa lên, ông đứng dậy bước ra giữa đường dang hai tay xin đi quá giang tới Cầu Đất. May cho ông, gặp người tốt bụng.

Ông không còn sức lê lết từ con đường cái vào chợ Cầu Đất gần đấy. Hồi bé, nó thường thắc mắc vì cái tên Cầu Đất. Nó biết cầu sắt, cầu xi-măng, cầu gỗ. Nó có nghe nói cầu tre. Nhưng  cầu đất? Lấy đất làm cầu cũng được hay sao? Nó xin thua. Trong chuyến đi lần này, ông cũng có ý muốn xem thử cái cầu đó ra thế nào, nhưng liệu có còn đủ thì giờ hay không. Thấy vài quán hàng cũng nằm cheo leo trên gò đất cạnh con đường, ông ráng sức leo lên mấy bậc tam cấp bằng đất lồi lõm, đến gần cái sạp, ngồi phịch xuống chiếc ghế gỗ độc nhất của quán. Cái quán này cũng xiêu vẹo, nhưng chắc chắn “sang trọng” hơn cái quán “cháo gà” gần Trạm Hành. Cô chủ quán trẻ tuổi ân cần chào hỏi:

“Thưa bác mua chi?”

“Ở đây bán chi?”

Cô ta khoảng trên 20 tuổi, quần dài đen, áo bà ba trắng, tóc uốn qua quýt, mặt hiền khô, không cao không thấp, có chút da thịt như những gái quê khác, không đẹp không xấu. Đúng ra, đẹp nhiều hơn xấu nhờ cái vẻ thật thà, hồn nhiên. Thay cho câu trả lời, cô đưa mắt quanh cái sạp hàng nhỏ, ông cũng theo đó mà nhìn. Rổ gạo, rổ đậu xanh, trẹt cá khô, mớ khoai luộc phơi khô, hũ muối, hũ đường, mấy chai nước ngọt, và vài món linh tinh khác. Lại có một chai mật ong đặt cạnh mấy chai nước ngọt. Dưới đất, kế bên sạp hàng, là một chùm dừa. Ông nhớ quán vừa rồi cũng có dừa. Ông nghĩ rằng vùng này có trồng dừa chứ không phải chỉ có trà, cà phê, và rau quả. 

“Đây có chi ăn không cô? Có chi uống không?”

“Chỉ có mấy thứ bác thấy đó, chớ không bán đồ ăn. Bác chịu khó vô trong chợ. A mà chợ giờ này dẹp rồi, chỉ đông buổi sáng. Uống thì có, có dừa, và nước ngọt.”

Ông buột miệng:

“Tôi đói bụng quá.”

“Hay là bác uống nước dừa, xong cháu chẻ ra bác lấy muỗng nạo ăn đỡ đói.” Lim dim mắt ngẫm nghĩ. “A mà cháu có nồi khoai lang mới luộc để ăn trưa. Bác ăn nghe. Khoai lang đây cũng ngon. Mà cháu không lấy tiền đâu.”

Ông thấy vui hẳn lên, tạm quên đói, gợi chuyện:

“Cô bán đây lâu chưa?”

“Lâu lắm. Từ nhỏ. Cháu thôi học sớm. Cái hàng này của má, mà trước đó là của bà. Má tự nhiên yếu đi, thỉnh thoảng ra đây ngồi chơi cho đỡ nhớ hàng họ bà con thôi. Cho nên bây giờ cháu là bà chủ rồi đó.” Cô cười vui vẻ. “Nè, cháu đi lấy khoai lang nghe.”

Trong khi cô hàng loay hoay duống nồi khoai từ lò bếp để lên mé sạp, rồi đi lấy hai cái tô, và lấy khăn lau cho sạch, ông quay nhìn lui con đường đèo vừa đi qua. Ông có cảm tưởng như nhìn xuống vực thẳm. Bỗng thấy lòng bùi ngùi.

Có những người nghèo nàn sống bám vào góc phố, vỉa hè, mé chợ, con đường, từ đời này qua đời khác. Thời gian cứ việc trôi mãi không ngừng cùng với dâu biển, thăng trầm. Phần họ, họ vẫn bám trụ tại một nơi nào đó, buôn thúng bán mẹt, hoặc mở quán nước, quán hàng be bé, hoặc sạp may, sạp hớt tóc, sạp sửa giày dép nho nhỏ. Lại có người vốn liếng chỉ là một nồi cháo trắng và mấy hột vịt muối, bán từ nửa đêm cho tới sáng. Ngồi, mệt thì nằm xuống ngủ, tại những ngã tư đường dưới cột đèn, hay tại một góc chợ tối tăm, phục vụ cho những kẻ lỡ độ đường. Ai đến, phải chờ năm ba phút, tô cháo sẽ được hâm lên cho nóng.

Họ sống lê la ngày lại ngày, đơn sơ, mộc mạc, thiếu thốn, và tốt bụng. Dường như cả trăm năm đã qua, những người như cô hàng hôm nay, chú khách rang cà phê ngày xưa vẫn không có gì khác, vẫn sống bên lề mọi biến động của lịch sử, không quan tâm đến thời cuộc, không tranh giành, mưu mô, lừa gạt, chém giết. Họ cam chịu, không than van, không đòi hỏi.

“Bác ơi, ăn với cháu nghe.”

Ông quay lại:

“Cám ơn cô. Thế còn ông già?”

Cô ngơ ngác:

“Bác nói cái chi?”

“Ông già ba của cô ... Ông làm gì?”

“À, à, ba hả. Ba chết khi cháu chưa đẻ.“

“Cô được mấy con?”

Cô hàng đỏ mặt:

“Cháu chưa có chồng.” Nói xong cô cười nhẹ nhàng. “Bác đi đâu mà tới đây một mình vậy hả bác?”

Ông không biết trả lời ra sao, đành bịa chuyện:

“Tôi ở Đà Lạt về đây tìm bà ... bà ...”

“Bà nào? Bác nhớ tên  không?”

“Bà Thu.”

Cô hàng, cặp mắt sáng rỡ, reo lên:

“Ô, bà Thu, cháu biết. Đúng là bà Thu đó rồi. Bả giàu lắm. Giàu nhứt Cầu Đất. Nhà cháu chỉ cách nhà bả có một cái gò cỏ tranh. Mà cả nhà bả đã đi Mỹ hết trọi. Bác có bà con gần gũi, hay thân thiết gì với bà đó không?”

Ông nói đại:

“Thân chớ sao không thân. Thân lắm.”

Cô hàng lại có vẻ băn khoăn. Ông nhủ thầm, cô này thích lim dim mắt ngẫm nghĩ. Bỗng cô nhíu mày nói lẩm bẩm:

“Cháu thật không ngờ ...”

Nói chưa hết câu, cô hàng dừng lại.  Ông thúc giục:

“Cô cứ nói tiếp đi, tôi đang nghe.”

“Dạ, bà Thu trông phúc hậu. Thế mà ... Thôi, cháu không nói nữa.”

Ông làm bộ khẩn khoản:

“Cô cứ nói đi, tôi đang muốn nghe thêm. Vì bà và gia đình tôi thân nhau lắm.” Nói xong ông cảm thấy ngượng. Người ta chân thật, mà mình quen tính, ưa giở trò.

“Thân thì lẽ ra trước khi đi phải báo cho bác biết chớ. Bác ở xa. Già yếu một mình tìm về đây thăm không gặp. Cháu thấy tội bác quá à.”

Ông giở trò thêm, lần này không chủ ý, như ngọn tên bay khỏi cung khi chưa hết đà:

“Thời buổi này khó khăn lắm cô ơi. Bà ấy im lặng đi như trốn như thế mới an toàn. Nói cho tôi biết thì có thể người khác cũng biết. Công an cũng biết. Nguy hiểm lắm.”

Cô hàng trố mắt nhìn ông, ra vẻ cám ơn:

“Trời đất! Bác không nói cháu chẳng hiểu chi cả. Nghĩ sai cho người ta, tội chết. Cháu cám ơn bác lắm.”

Ông làm lơ, nhìn vào nồi khoai đang bốc khói, rồi làm bộ mừng rỡ  hỏi:

“A này, cô cũng có bán mật? Mật thật hay mật giả?”

“Dạ mật làm sao giả được.”

“Tức là mật đặc biệt Đa Tân La?”

Cô hàng ngơ ngác. Ông ngập ngừng hỏi tiếp:

“Tôi muốn biết cô lấy mật ở đâu?”

“Dạ, ong lúc nào cũng làm tổ trên cây.”

 

 12/2020

         

  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
... Cũng vì vậy, đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi cứ thấy hình ảnh con đường dài, và muôn dặm bóng cô lữ một khung trời viễn mộng dằng dặc nỗi ưu tư...
Phi trường Heathrow ấm dần trong không khí nhộp nhịp vào những tuần đầu tiên của mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Cứ mỗi lần được đến Vương Quốc Anh, tôi có thêm nhiều kỷ niệm với đất nước có nền văn minh lâu đời này. Câu hát "giấc mơ trở thành hiện thực" ("your dream comes true") được cất lên với giai điệu nhẹ nhàng làm ấm cả không gian trắng như tuyết phủ...
Trước cổng nhà, bác bầy một cái tủ kính nhỏ, đã nói là bác khéo tay lắm, trong tủ kính bán bánh mì đó, bác bán bánh mì kẹp thịt đỏ, xá xíu, pâté gan và đồ chua, tất cả là do hai bàn tay thiện nghệ của bác sáng tạo… và bán rất đắt hàng, bán rẻ mà...
Mỗi khi ngày lễ Noel về, hồn chúng tôi ngây ngất với biết bao hoài niệm của thuở thiếu thời. Nhớ về một Sàigòn xa xưa như nhớ về một thiên đường đã mất. Nhà thờ Đức Bà-Notre Dame Cathédrale vẫn sừng sững trong trí nhớ, nơi chúng tôi đã từng đứng trong giáo đường nghe thời gian rơi theo từng hồi chuông nhà thờ đổ. Con đường Catinat, phố Bonnard, phố Nguyễn Huệ... biết bao lần thay đổi, nhưng cái nét Hòn Ngọc Viễn Đông từ ngàn xưa của Sàigòn không một phai mờ...
Thấm thoát Quán Văn đã ra được trăm số báo... Còn niềm vui nào hơn!
Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng...
Canada năm nay kỳ thiệt à nghen! Đó là tôi đang nói đến chuyện thời tiết, mà cụ thể là chuyện “tuyết rơi mùa Đông”, bởi nói đến Canada mà không nói chuyện nàng tuyết thì còn biết nói chuyện gì...
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn "Ba Điều Bốn Chuyện" này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi. Xin giới thiệu truyện ký của nhà văn Thận Nhiên. (Khánh Trường)
Cơn mưa bất chợt đến mang theo nỗi buồn vô cớ. Nỗi buồn chầm chậm len vào tim vào phổi rồi thoát ra thành hơi thở nóng hòa nhịp tiếng mưa rơi. Tiếng hát Thái Thanh vút lên, dội lại những hình bóng nhập nhòa kỷ niệm. Những hình bóng cũ, những hò hẹn xưa. Ngày mưa tháng nắng theo nhau qua...
Bố Nisha người Ấn, mẹ Nisha người Việt, người bắc Hà Nội. Nisha là một cô bé thật xinh với giọng nói dễ thương, có chút màu sắc Quảng Ngãi. Chị của Nisha kể một giai thoại vui. Nisha vào Sài Gòn, ở nhà bên ngoại, buổi sáng, các bác gọi Nisha xuống điểm tâm. Từ trên lầu Nisha trả lời...
Bông và ông bà Phạm văn Huê trân trọng báo tin lễ thành hôn của con chúng tôi là Caden Nguyễn và Sophia Phạm. Hôn lễ sẽ tổ chức ngày… tại nhà hàng… Trân trọng mời ông bà, cô bác… đến tham dự chung vui với gia đình chúng tôi. Sự có mặt của ông bà cô bác là niềm hãnh diện cho chúng tôi…
Nghe tin tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Toàn được Người Việt Books cho in lại 2 tập: Nguyễn Đình Toàn – Tiểu thuyết 1 & 2. Tôi chỉ đọc những giới thiệu trên nhật báo Người Việt và Web Diễn Đàn Thế Kỷ, nhưng tôi chưa được nhìn qua hai đứa con tinh thần này của nhà văn Nguyễn Đình Toàn bằng xương bằng thịt. Định trong lòng một ngày đẹp trời nào đó sẽ đến thăm ông, vấn an sức khoẻ của ông, và sẽ mua 2 cuốn sách này...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.