Hôm nay,  

Nhật Ký "Cấm Túc" Tuần 24

03/09/202016:34:00(Xem: 4988)

Thứ hai 24 tháng 8


Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Oxford ở Anh đã cộng tác với viện bào chế AstraZeneca của Anh và Thụy Điển đã đi đến giai đoạn thử nghiệm vaccine thứ III ở Mỹ.

Vào thứ sáu tuần rồi  (ngày 28 tháng 8), 31 người Mỹ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau đã được chích thử nghiệm thuốc ngừa Coronavirus có tên là “AZD 1222”.

 Một trong những người tình nguyện là Jacob Serrano, 23 tuổi. Chỉ trong vòng vài tháng, Jacob đã mất bảy người thân trong đại gia đình vì COVID-19. Hiểu rõ thảm họa và mất mát do đại dịch cúm Tàu gây ra, anh tình nguyện tham gia chương trình thử nghiệm của AstraZeneca ở Mỹ. Anh là người Mỹ đầu tiên được chích ngừa vaccine tại Headlands Jem Research Institute ở  Lake Worth, Florida vào thứ sáu tuần rồi.


blank

 Courtesy of Jacob Serrano


Bác sĩ Larry Bush, một trong những  người giám sát quá trình thử nghiệm vaccine của AstraZeneca ở Mỹ cho biết "hệ thống miễn nhiễm của người được thử nghiệm đã hoạt động rất tích cực sau khi được chích thuốc".


Theo National Institute of Health (NIH), giai đoạn thử nghiệm thứ III của AstraZeneca thử nghiệm trên 30 ngàn người lớn trên 18 tuổi ở 80 địa điểm trên toàn nước Mỹ.

Sau khi được kiểm tra sức khỏe, những người tình nguyện sẽ được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm sẽ được chích hai lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần. Chỉ có hai nhóm được chích thuốc AZD 1222 , nhóm thứ ba được chích một loại nước muối dược phẩm (tên gọi chuyên môn là "placebo").


Để không có thiên kiến, các chuyên gia y tế, bác sĩ giám sát sẽ không biết ai là người được chích “AZD 1222”, ai là người chỉ nhận "placebo" . Dĩ nhiên người tình nguyện cũng hoàn toàn không biết mình thuộc nhóm nào.

Tất cả những người tham gia thử nghiệm đều được theo dõi cùng một quy trình.


Chỉ có chuyên gia y tế của Oxford University và AstraZeneca biết ai được chích "AZD 1222", và ai được tiêm chủng "placebo".

Việc thử nghiệm giai đoạn 3 của thuốc chủng ngừa ở Mỹ còn được tổ chức độc lập “Data and Safety Monitoring Board” (DSMB) giám sát để bảo đảm sự an toàn và đạo đức không bị vi phạm.


AstraZeneca thử nghiệm thuốc chủng ngừa Coronavirus trên 50 ngàn người tình nguyện thuộc mọi lứa tuổi trên khắp thế giới. Tuần này, giai đoạn 3 thử nghiệm sẽ được thực hiện ở Nhật, và Nga.


Đến cuối tháng 8, ngoài AstraZeneca, còn có Moderna (Công Ty Sinh Hóa ở Massachusetts, US); và Pfizer(Công ty Dược phẩm ở New York, có văn phòng ở khắp thế giới) cùng nghiên cứu với BioNTech (Công Ty Sinh Hóa ở Đức) cũng đã tiến vào giai đoạn III thử nghiệm thuốc chủng ngừa COVID-19.


Khi nào các Công Ty trên tiến vào giai đoạn IV (vaccine trial phase IV) thì nhân loại sẽ thấy hiện rõ "ánh sáng cuối đường hầm" thăm thẳm của đại dịch COVID-19.  

 

Thứ ba 25 tháng 8


Để bớt tâm trí bớt căng thẳng vì lo toan đến từ mọi phía của thời... mắc dịch, xin kể lại một câu chuyện thật khá cảm động liên quan đến cả động vật  hai chân , lẫn động vật bốn chân.


Ông bà Eilbeck và hai cậu con trai rất mê đời sống hải hành giữa trời nước bao la. Từ nước Úc ở Nam bán cầu, "miệt dưới"  (như cách gọi của người Úc gốc Việt), hai ông bà bay qua Mỹ mướn một chiếc thuyền, sống vài tháng ở ven biển Đại Tây dương miền Đông Bắc của Mỹ.

Đây không phải là lần đầu, gia đình Eilbeck có cuộc hải hành vài tháng trên biển. Họ cũng mang theo "thành viên thứ 5" của gia đình, con chó giống Đức Dachshund ( (còn được gọi là giống Wiener) tên là Pip.


blankblank

Pip and her owners -Courtesy of the Eilbecks - Instagram


Khi đại dịch cúm Tàu "đổ bộ" lên khắp địa cầu, gia đình Eilbeck cấp tốc quay về cố hương ở Úc. Nhưng họ không thể mang Pip theo vì luật lệ thời COVID-19 của Úc không cho "khách bốn chân" nhập cảnh.


Họ bay về Úc , ẩn náu ở nhà cho qua "thuở trời đất nổi cơn... đại dịch" sau khi đã gởi Pip cho một người bạn tên Lynn, là chủ nông trại nuôi bò ở South Carolina, cũng đã nuôi hai con chó.

Cứ tưởng là giữ giùm Pip cho gia đình Eilbeck vài tuần lễ, nhưng vài tuần kéo dài thành cả chục tuần. Vì quá bận rộn, không thể chăm sóc Pip chu đáo, Bà Lynn cho đăng một cái quảng cáo chi tiết ở một trang báo địa phương, kể rõ nguồn cơn, và muốn tìm một người khác nuôi Pip giùm trong thời gian chờ quy cố hương với chủ.


Có ba người muốn nhận nuôi Pip. Ellen ở North Carolina được chọn là "người giám hộ" của Pip.

Từ đời sống hải hành trên tàu, chỉ trong vòng vài tháng, Pip chuyển qua đời sống nông trại, rồi chuyển về đời sống thành phố ở North Carolina ở nhà bà Ellen.


Trong lúc đó, ở Nam bán cầu, bà Zoe Eilbeck mỗi ngày thức dậy từ bốn giờ sáng, tìm hiểu về cách vận chuyển "hành khách bốn chân" từ Mỹ về Úc, và đánh vật với cả đống giấy tờ để đưa Pip về nhà. Cả gia đình Eilbeck mỗi ngày vẫn thăm Pip qua video call, từ nhà của "giám hộ" Lynn qua nhà của "giám hộ" Ellen.    


Một ngày đầu tháng 7, Ellen có việc phải đi xa. Bà mang Pip qua gởi nhờ nhà một giám hộ thứ 3 là Stacey. Là một người rất thích nuôi chó, Stacey đặc biệt thương Pip ngay khi vừa thấy "người khách tạm trú bốn chân". Thế là Ellen giao luôn cho Stacey "giám hộ" Pip với đầy đủ "giấy tờ tùy thân" và giấy khám sức khỏe -từ một bác sĩ thú y- của Pip.


Từ Úc, một quốc gia khá nghiêm ngặt trong việc chống đại dịch cúm Tàu với nhiều luật lệ khắt khe, sau nhiều tuần "đánh vật" với luật lệ, với computer, và đủ loại giấy phép di chuyển thú vật từ châu Mỹ qua châu Úc trong thời đại dịch, biên giới các nước vẫn còn "bế quan tỏa cảng", Zoe tìm được Công ty vận chuyển Jetpets chuyên vận chuyển hành khách bốn chân bằng máy bay trên đường hàng không quốc tế.


Vấn đề ở chỗ, hiện tại Úc không cho máy bay, hành khách từ Mỹ nhập cảnh.

Thế là Zoe phải cho Pip đi đường vòng (chi phí cao, tốn kém hơn) từ Mỹ qua Tân Tây Lan , rồi từ Tân Tây Lan về Úc.

Giấy tờ tùy thân của Pip có đủ từ bác sĩ thú y ở Úc, nghĩa là Pip là "chó Úc gốc Đức", mặc dù ở Mỹ gần nửa năm, nhưng vị khách bốn chân này không phải là chó Mỹ.


Vấn đề thứ hai,  Jetpets chỉ bay từ Los Angeles qua Tân Tây Lan, không có đường bay từ North Carolina. Stacey (đương kim giám hộ của Pip) lại không thể bay từ North Carolina qua California.


Zoe lại lên Instagram tìm người đưa Pip bay suốt chiều dài nước Mỹ, mang Pip qua Los Angeles giao cho Jetpets.

Giám hộ thứ tư của Pip xuất hiện. Melissa làm việc cho The Sparky Foundation, một tổ chức chuyên cứu và nuôi những con chó bị bạc đãi, đi lạc hay bị bỏ rơi, tình nguyện bay từ Đông qua Tây giao Pip cho Jetpets, để về đoàn tụ với gia đình Eilbeck.


Khi Pip và giấy tờ tùy thân đã an vị trên máy bay chỉ dành cho hành khách bốn chân , không có ghế ngồi, chỉ có từng khung nhôm riêng cho mỗi hành khách, không những chỉ có gia đình Eilbeck, mà toàn bộ các giám hộ ở Mỹ (Lynn, Ellen, Stacey, và Melissa) đều dõi mắt theo chuyến bay xuyên cả đại dương và lục địa của Pip.


Sau một chuyến bay dài 13 tiếng không nghỉ, Pip đến Auckland, Tân Tây Lan ngày 23 tháng 7, được các nhân viên thú y địa phương làm việc cho Jetpets chăm sóc, và được cách ly chỉ một ngày (với hành khách bốn chân), rồi được đưa lên một chuyến bay khác qua Melbourne (Úc) . Ở Úc, Pip sẽ bị cách ly mười ngày  phải trong một khách sạn của động vật bốn chân.


Theo lịch trình định sẵn, Pip sẽ được Jetpets đưa lên máy bay về Sydney ngày 3 tháng 8. Không may, cúm Vũ Hán hoành hành mạnh hơn ở Úc, tiểu bang Victoria đưa ra một chính sách lockdown rất nghiêm khắc, biên giới giữa Victoria và New South Wales đóng lại, nội bất xuất, ngoại bất nhập.


Joe, em của bà Zoe, đang sống ở Melbourne đồng ý trở thành giám hộ thứ 5 của Pip trong vòng vài ngày. Trong lúc đó, cả gia đình Eilbeck tìm kiếm những chuyến bay vòng quanh nội địa Úc để có thể đưa Pip về mái nhà xưa trong lúc lệnh lockdown vẫn còn hiệu lực.

Pip được mua vé  trên 4 chuyến bay . Tưởng đã có thể "home sweet home", nhưng cuối cùng lệnh lockdown, vì không đủ khách, tất cả chuyến bay đó đều bị hủy bỏ.


Cảm kích tấm lòng của gia đình Eilbeck với con chó nhỏ, câu chuyện được Sydney Morning Herald đưa lên mặt báo, tường thuật chi tiết chuyến "quy cố hương" và nỗi gian nan của "hành trình đầy bão táp" hơn 10 ngàn dặm của Pip. Biết chuyện, hãng hàng không Virgin Australia đồng ý làm " nhịp cầu không vận" cuối cùng đưa Pip về với gia đình Eilbeck.


Cuối cùng, Pip đến phi trường Sydney ngày 11 tháng 8, sau gần nửa năm "lang bạt kỳ hồ", được chào đón bởi cả 4 thành viên của gia đình Eilbeck, và một số phóng viên báo chí địa phương. Dựa theo truyện Kiều, thì Coronavirus đã đóng vai trò cả "Tú Bà" lẫn "Hoạn Thư" đã hành hạ "Thúy Kiều" Pip không thương tiếc dù không thể tàn phá cơ thể của động vật bốn chân này .


Dù gian nan nhưng Pip chỉ phải sống đời lưu lạc trong 5 tháng. Nhiều người trong số chúng ta đã phải sống đời lưu vong gần nửa thế kỷ.

Hình như động vật hai chân bị "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" nhiều hơn động vật bốn chân?


Thứ tư 26 tháng 8


Ảnh hưởng bởi đại dịch cúm Vũ Hán, các nhà hàng lớn nhỏ, các rạp hát đóng cửa, và các trận tranh tài thể thao với khán giả chật cứng sân vận động bị đình lại từ tháng 3 năm nay, Coca Cola vừa báo cáo tình hình tài chính quý II tệ hại nhất trong 134 năm hoạt động. Doanh thu giảm 28% và thu nhập mất 32% so với cùng kỳ năm ngoái .


Để giữ vững 500 mặt hàng (đa số là nước giải khát) ở hơn 200 quốc gia, Coca-cola sẽ tái cấu trúc tổ chức. Một phần của việc "tái cấu trúc" này là  vài ngàn nhân viên sẽ bị sa thải.


Với hơn 86 ngàn nhân viên ở khắp thế giới, trong đó có 10 ngàn người ở Mỹ, Coca Cola sẽ "buyout"(cho về hưu sớm với một số quyền lợi) cho những người trở thành nhân viên chính thức của Coca Cola trước ngày 1 tháng 9 năm 2017.


Quyền lợi này chỉ dành cho nhân viên làm trong các chi nhánh ở Mỹ và Canada. Công ty dự định sẽ chi trả tổng số tiền từ 350 đến 550 triệu cho những người tình nguyện về hưu sớm này


Rõ ràng, đại dịch COVID-19 tàn phá không sót một ai, từ nhỏ đến lớn, từ già đến trẻ. Để sống còn, dù là một cửa hàng “pop and mom” nhỏ xíu đến một đại Công ty đều phải "tái cấu trúc" theo cách của mình để sống còn sau đại dịch.


Thứ năm 27 tháng 8


Có một công việc làm người ta rất đau lòng nhưng vẫn phải làm vì phải kiếm tiền để sống : thi hành lệnh đuổi nhà (eviction order) từ Tòa Án. Chuyện này hiếm khi xảy ra, nhưng trở nên chuyện hàng ngày ở một khu vực chỉ có dân nghèo sống(low income neighborhood) khi COVID-19 bước sang tháng thứ 6 lưu trú ở Mỹ. 

Alen Rosen, một nhân viên cảnh sát ở Constable, quận hạt Harris County, là một trong những người phải làm công việc đau lòng đó.


Israel Rodriguez nhận được rất nhiều giấy cảnh cáo về việc không trả tiền mướn căn apartment một phòng ngủ nhỏ xíu của anh , khởi đầu từ chủ nhà, rồi đến Tòa án của quận hạt Harris ở Texas. Anh biết nhưng không thể đào đâu ra vài ngàn dollars trả mấy tháng tiền thuê nhà.


Vì không được học hành nhiều, anh làm việc tay chân với lương tối thiểu. Trước khi đại dịch đến Mỹ, dù không thể dành dụm, gia đình anh vẫn sống được trong căn chung cư một phòng.

COVID-19 làm cho gần 30 triệu người Mỹ thất nghiệp. Rodriguez là một trong số đó. Khi tiền trợ cấp $600.00 mỗi tuần từ Liên bang chấm dứt vào cuối tháng 7, trợ cấp của tiểu bang Texas không đủ để giúp Rodriguez giữ lại được nơi che mưa nắng cho gia đình mình.


Rodriguez đến Houston (Texas) từ New Orleans (Louisiana) để mong tìm một cơ hội tốt hơn. Anh hoàn toàn không có thân nhân ở Texas để có thể nhờ cậy trong lúc khốn cùng.


Trong thời tiết mùa hè trên 100 độ F(40 độ C) của Houston,  Rodriguez, và cô bạn gái (mẹ của các con anh) bồng bế bầy con, đứa lớn nhất 4 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 20 tháng, cuốc bộ đến một trung tâm tạm cư của Chính phủ dành cho những người homeless có con nhỏ.


Họ không có xe, chỉ có thể mang theo họ một cái xe đẩy (stroller) cho trẻ con , trên đó chất đầy áo quần, và một ít thức ăn của con nít, và một chai nước uống. Đó là tất cả mọi thứ gia đình này có thể mang theo. Tất cả những thứ còn lại trong nhà sẽ bị mang ra để ở lề đường, và sẽ được xe rác đến dọn dẹp.


Mấy đứa con của Rodriguez vẫn hồn nhiên mở một bịch bánh ra ăn.


Ở khắp nước Mỹ, người ta đang đấu tranh cho lệnh đuổi nhà tạm hoãn cho đến cuối năm. Khi luật này được ban hành, vẫn có những người đã bị mất nơi cư trú vì đại dịch như gia đình của Israel Rodriguez.


Có lẽ vì vậy mà Phật luôn nhắm mắt tham thiền dưới gốc cây bồ đề, và Chúa phải chịu đóng đinh trên thập tự giá.


Thứ sáu 28 tháng 8


Từ đầu năm 2019, Tyler and Melanie đã chuẩn bị cho đám cưới của họ vào tháng 8 năm nay. Tiệc cưới sẽ tổ chức ở một nhà hàng sang trọng ở Cleveland,  Ohio đã được reserved. Rồi đại dịch bùng nổ từ tháng 3. Họ chờ đợi, cầu mong tình hình sẽ khả quan hơn vào tháng 8. Không may, COVID-19 vẫn còn tung hoành ngang dọc, mỗi ngày trôi qua, vẫn có nhiều người nhiễm bệnh, nhiều người vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời.


Tiệc cưới của Tyler và Melanie đành phải "thời đã thế, thế thời thời phải thế". Vào tháng 5,  từ nhà hàng, họ định tổ chức tiệc cưới ở sân sau nhà một người thân. Catering đã được đặt để cung cấp thực phẩm self service cho 150 người ở đám cưới ngoài trời vào cuối mùa hè.

Đầu tháng 8, đa số khách mời từ chối tham dự vì sợ bị Coronavirus tấn công, và mang bệnh về nhà làm hại cả gia đình.  


Một lần nữa , ngày trọng đại của họ lại phải đi theo chiều hướng mới. Sau hôn lễ ở nhà ông bà của họ, cô dâu, chú rể vẫn trong lễ phục đám cưới đến thẳng Laura's Home Women's Crisis Center. Ở đó , toàn bộ thực phẩm catering cho tiệc cưới sẽ phục vụ 130 em bé ở địa phương, và tất cả phụ nữ đang tạm trú ở trung tâm từ thiện này.


blankblank

Courtesy of Tyler and Melanie


Tyler và Melanie sẽ giúp dọn thực phẩm, và đến từng bàn thăm hỏi các khách mời rất đặc biệt


Có thể họ không có một phim đám cưới lộng lẫy, đầy hoa, và champagne, cùng sàn nhảy hào nhoáng như những đám cưới truyền thống nhưng họ đã khởi đầu đời sống gia đình với những khuôn mặt ngây thơ, rạng rỡ của các em ở trung tâm tạm trú "Laura's Home"


Đó là quà tặng lớn nhất từ các em bé dành cho họ, là hành trang quý nhất họ mang theo vào đời sống vợ chồng.


Thứ bảy 29 tháng 8


Theo một thống kê của trường Đại học Temple University ở Philadelphia, Pennsylvania, một phần ba các sinh viên ở Mỹ, khoảng 14 triệu người, đã mất việc vì COVID-19.

Hầu hết sinh viên làm việc bán thời gian ở các trung tâm mua sắm, hay các nhà hàng. Đại dịch bùng nổ , các em phải chấm dứt niên học 2019-2020 rất sớm. Và cũng mất luôn thu nhập nhỏ nhoi từ công việc, từ những đồng tiền tip đôi khi rất hào phóng, cao hơn tiền công các em được lãnh.


Trên 18 tuổi, biết tự lập, các em tìm đủ mọi cách để kiếm tiền, làm những công việc lương thiện, chẳng có liên quan đến chương trình học của mình.


Đa số các em nam làm công việc dọn nhà, cắt cỏ, dọn kho. Các em nữ thì đi chợ cho người khác qua Công ty Instacart.

Cũng có những em phải đi bán đồ door to door cho các công ty bán lẻ.  Thậm chí vài em còn nghiên cứu để hành nghề "bói" bằng bài (reading tarot cards).


May mắn hơn các bạn, có khiếu về trang trí và hội họa, Tamarek Sweat, sinh viên năm thứ hai của trường Texas A&M University kiếm sống dễ dàng, nhàn nhã hơn bằng cách vẽ trên đủ loại áo( sweatshirts, T-shirts...) theo yêu cầu của các bạn.

blankblank


Mới đầu làm để kiếm tiền trang trải chi phí. Nhưng nhờ cô có khiếu, và lấy tiền công rẻ, Tamarek "ăn nên làm ra", mở rộng "dịch vụ " của mình qua Instagram. Đến nay cô đã có khách hàng ở khắp 30 trường Đại học ở miền Nam và Trung Tây của Hoa kỳ.


Đúng là "bần cùng tất biến, biến tất thông"


Chủ Nhật 30  tháng 8


Tháng 8 chấm dứt với một record rất buồn cho California (tiểu bang lớn nhất nước Mỹ,có nền kinh tế đứng hàng thứ năm trên toàn thế giới), là tháng có nhiều người thiệt mạng vì COVID-19 nhất kể từ tháng 3 khi COVID-19 xâm nhập Mỹ. Chỉ trong tháng 8 có đến 3,745 người vĩnh biệt đời sống vì đại dịch cúm Tàu


Ngày cuối cùng của tháng 8, California có thêm 6,500 bệnh nhân COVID-19 mới, Texas có ba ngàn người. Florida, Georgia, Illinois, Missouri, North Carolina, and Tennessee , mỗi tiểu bang có thêm một ngàn nạn nhân mới của Coronavirus.


Trên toàn thế giới, cuối tháng 8 đã có bốn quốc gia có hơn một triệu bệnh nhân đang bị nhiễm cúm Tàu, xếp theo thứ tự trong một cái bảng xếp hạng rất đáng buồn: Hoa kỳ, Ba Tây, Ấn Độ, và Nga.


Với tình hình hiện tại, chỉ trong tuần lễ đầu tháng 9, chắc là Ba Tây sẽ xuống hạng 3, "nhường" cho Ấn Độ lên hạng nhì.


Nhân loại sắp chấm dứt một mùa hè bất thường, chưa từng có trong lịch sử, không có vacation, không có hòa nhạc ngoài trời, không có các trận thi đấu thể thao.... Và quan trọng hơn hết là không có nụ cười trên môi mọi người.


Người Mỹ thì sắp khép lại mùa hè rất buồn với ngày Lễ Lao Động (thứ hai đầu tháng 9 hàng năm) không đem lại niềm vui cho hầu hết mọi người.

Tuy vậy, cũng có những người ham chơi, "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ", vẫn hào hứng lên kế hoạch đi chơi cho cuối tuần lễ Lao Động. Thấy trước điều này, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh đóng cửa toàn bộ bãi biển ở thung lũng điện tử (Silicon Valley) miền Bắc California để ngăn ngừa Coronavirus phát tán, lây lan.


Nghĩ đến tình hình COVID-19, nghĩ đến những người đã, hay đang đứng ở bờ vực bị "eviction" vì không có tiền trả cho chủ nhà như ở Harris County của Texas, chắc là chúng tôi vẫn ở nhà nhìn trời xanh qua khung cửa kính vì "người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ!"


Nguyễn Trần Diệu Hương

Cuối tháng 8/ 2020


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hầu như người Việt nào cũng biết câu, “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ ngày xưa thật đúng là khó có người sống qua bảy mươi tuổi vì điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế còn hạn chế, là chưa nói tới tâm lý người lớn tuổi được sống vui với con cháu, xóm làng, hay tuổi già neo đơn vì hoàn cảnh cũng tác động nhiều đến tuổi thọ. Ngày xưa, người sáu mươi tuổi đã được con cháu mừng thọ dịp sinh nhật thứ sáu mươi. Ai tới bảy mươi là con cháu mừng ông (bà) đại thọ. Hiếm hoi có người sống tới tám mươi thì con cháu mừng thượng thọ. Qua tám mươi cũng có nhưng rất hiếm vì bảy mươi đã được coi là hiếm hoi - cổ lai hy. Nhưng nay đời sống sung túc hơn, hiện đại hơn, và y học tiến bộ hơn nên những lão ông, lão bà bảy mươi bây giờ còn khoẻ re vì họ còn có thể vui chơi, du lịch, tham gia sinh hoạt xã hội, cộng đồng… bệnh tật của họ có bác sĩ chăm sóc với y khoa hiện đại. Đời sống tinh thần vui hay không cũng tùy người, tùy suy nghĩ cá nhân vì người thấy nhà vắng con cháu thì buồn, tr
Hè năm ấy tôi dấn thân vào một việc mà kể từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng làm. Dĩ nhiên là không có tý kinh nghiệm nào và vô cùng mạo hiểm. Nhưng người xưa có câu “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Thôi kệ phải liều, biết đâu “không thành công, cũng thành nhân”. Sống là trải nghiệm mà...
Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, kể cả quà Giáng Sinh, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa...
Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố. Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều...
Có một Ông Già Noel như thế, mang họ Nguyễn trên đất nước Hoa Kỳ này. Không rõ tôi gọi như thế có bị xem là sai phạm luật đạo gì không, vì tôi không phải tín đồ Công Giáo, nên những so sánh văn chương có thể không thích nghi với luật đạo. Nhưng, nếu gọi Ông Già Noel là người mang những món quà yêu thương tới cho những người tội nghiệp trên trần gian này, thì ông cụ họ Nguyễn đó còn mệt nhọc hơn nữa, vì trong hơn hai thập niên, ngày nào cũng là ngày để ông tặng quà yêu thương, nghĩa là, ngày nào ông cũng thấy là ngày Lễ Giáng Sinh và ông hóa thân ra thành 365 Ông Già Noel để bận rộn trọn năm (Đúng ra, nên trừ các ngày cuối tuần mới chính xác, nhưng như thế là chẳng văn chương gì cả).
Mùa Đông năm 1975 gia đình tôi dự Lễ Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ. Tôi nhớ rất rõ đêm Giáng Sinh đó, hình ảnh đó cho đến ngày hôm nay, gần 50 năm sau vẫn hiện ra rõ rệt...
Năm 1954 và 2024 là hai năm đánh dấu 70 năm ngày đất nước chia đôi, dòng sông Bến Hải đã làm biên giới giữa hai miền. Miền Bắc thuộc về Cộng Sản, miền Nam là vùng Quốc Gia tự do...
Ông già đi vào phòng ngủ. Hai cái gối ở đầu giường ngểnh cổ nhìn ông. Ông nheo mắt nhìn lại chúng nó. Hình như cái gối của ông còn nhoẻn miệng cười. Còn cái gối của vợ ông thì nheo một con mắt, cái kiểu đá lông nheo của cô gái nghịch ngợm. Ông khẽ lắc đầu. Và ông nhắm chặt hai mắt. Loay hoay một hồi, ông ra phòng khách, nhìn trước nhìn sau. Cái ti vi dán vào vách tường nhìn ông dò hỏi. Ban nãy ông đã tắt tiếng, chỉ để hình nên ông không hiểu nó muốn nói gì.
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” để chỉ một khu dân cư gồm toàn những người theo Ki Tô giáo sống chung, sinh hoạt với nhau chung một niềm tin. Xóm Đạo không nằm giữa lòng đô thị, không phố xá nhà cao cửa rộng, không có tiếng xe cộ ồn ào, không có đường lớn, không chợ búa đồ sộ bán buôn tấp nập…
Thập niên 50 thế kỷ trước, ở quê tôi không hề thấy những Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, chỉ rải rác vài chùa Phật giáo, đa số là các Thánh thất Cao Đài ở nhiều xã trong quận. Những năm học tiểu học, 1956-61, mỗi năm đi học được nghỉ lễ “Bấc” một tuần, cứ ngỡ là gió bấc...
Không hiểu sao Ông Già Noel lại đọc được tất cả thư của trẻ em trên khắp thế giới! Vậy Ông là ai? Ông có thật hay không? Nhà của Ông ở đâu? Đó là những câu hỏi quá quen thuộc mà các bé vẫn đặt ra, làm cha mẹ của các bé khó trả lời, có chăng là những câu trả lời để tránh làm các bé thất vọng...
Nhà vẫn đơn côi bên bờ sông. Gió về mở hội từng đêm. Đom đóm về thắp đèn. Ánh sáng lập lòe dọi qua cánh màn mỏng ngả màu vàng như quả dưa gang. Mẹ Thời ngồi đó trông ra, chiếc quạt để đầu giường. Bà lấy tay xua xua những con muỗi. Thằng Đắc đã viết gì về chưa con? Chưa mẹ ạ, có gì con sẽ báo. Mà mẹ cũng đừng nghĩ ngợi nữa, tuổi này ta sống thế này có phải vui không? Sau tiếng vui, Thời huýt một đoạn sáo gợi lên những ca từ dí dỏm lắm trong một bài hát, tiếng sáo đi xa tận ngõ, nghe được cả tiếng cá đớp ở con lạch cạnh bờ sân chạy vào. Mẹ Thời thở mạnh một cái, nó buồn hay vui bà đâu biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.