Hôm nay,  

Tìm Lại Thiếu Nhi Trên Đất Mỹ

28/08/202015:59:00(Xem: 3243)

A close up of a newspaper

Description automatically generated

Để tưởng nhớ nhà văn Đỗ Phương Khanh vừa tạ thế ngày 26 tháng Tám, 2020, tại Westminster, California. Thành kính phân ưu cùng nhà văn Nhật Tiến và đại gia đình.

Cuộc sống đôi khi có những cảnh ngộ vừa cay đắng, vừa ngọt ngào. Nói theo kiểu người Mỹ, đó là những giây phút “bitter sweet.” Đó cũng là điều vừa xảy đến với tôi vào cuối năm 2018. Hôm ấy là một ngày thật buồn. Người anh rể của tôi vừa qua đời. Tang lễ diễn ra trong một ngày không lạnh lắm trong mùa Đông tương đối lạnh năm nay. Nắng ấm lan tỏa trong không gian, nhưng cũng chưa đủ để xua đi nỗi buồn mà ai cũng cảm thấy được trong một ngày đưa tiễn người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Tôi nhận ra một vài người quen trong những người đến đưa tiễn anh tôi. Vài người trong bọn họ chỉ biết riêng anh tôi và tôi trong những trường hợp khác nhau, nhưng không ngờ là chúng tôi có liên hệ với nhau. Một trong những người khách mà tôi chào là cô Mai Khanh, ái nữ của nhà văn Nhật Tiến, một trong những cây bút gạo cội của miền Nam Việt Nam, người đã từng được giải thưởng văn chương toàn quốc của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Tôi thường nghe anh tôi nói chuyện về gia đình của nhà văn Nhật Tiến vì giữa hai bên có một mối thâm tình bắt đầu từ Việt Nam, lúc cùng sinh hoạt báo chí và văn chương ở Sài Gòn thuở đó. Không có nhà văn Nhật Tiến hôm đó, mà chỉ thấy có bà Nhật Tiến tháp tùng cô con gái đến dự tang lễ.

Sau nghi thức tụng niệm trong nhà quàn, đoàn người đi thành một hàng dài sang chỗ sắp hạ huyệt cho người quá cố. Trong lúc mọi người ngồi chờ giây phút đó, tôi chợt nhìn sang cô Mai Khanh và bà Nhật Tiến. Bỗng một ý nghĩ loé lên trong đầu tôi. Bà Nhật Tiến, nãy giờ tôi nghĩ không ra, chính là “chị Phương Khanh” của tuần báo Thiếu Nhi ngày nào đã làm say mê cả một thế hệ trẻ miền Nam cho đến tận ngày mất nước, trong đó có tôi! Ngày đó, chủ nhiệm tuần báo Thiếu Nhi là ông Nguyễn Hùng Trương (cũng là chủ nhân của nhà sách Khai Trí), còn chủ biên là nhà văn Nhật Tiến. Nhưng người gần gũi nhất với độc giả nhỏ tuổi chúng tôi không ai khác hơn là “chị Phương Khanh,” người bạn đời của nhà văn Nhật Tiến. Với các “thi sĩ” đầu hãy còn xanh đang tập tễnh làm thơ, “chị” thường thủ thỉ qua mục “Vườn Hồng” Với những đầu bếp tương lai, “chị” gởi gấm tâm tình qua những món ăn ngọt ngào trong mục “Tay Ngọc Bên Bếp Hồng” qua bút hiệu Mai Loan. “Chị” thường trả lời thư cho độc giả hoặc những “cây bút” muốn đóng góp vào vườn hoa Thiếu Nhi qua những “tác phẩm” vừa ngây thơ, vừa ngộ nghĩnh, bằng những lời lẽ lúc thì trìu mến, lúc thì rất “ngoại giao” khi bài không đăng được.

Càng hồi tưởng thật nhanh về “chị Phương Khanh,” tôi càng thấy hồi hộp. Cuối cùng, tôi quyết định đứng dậy, tiến về phía “chị”. “Chị Phương Khanh”của thiếu nhi chúng tôi ngày nào bây giờ là một phụ nữ vào tuổi thất tuần, tóc đã ngả màu. Tôi chào “chị” và nói thật nhanh:

-Thưa cô, xin lỗi cô. Cô là cô Phương Khanh, phải không ạ?

Tôi có thể cảm được rằng bà thoáng giật mình. Chắc từ lâu, đa số quen biết bà chỉ gọi hay nói đến bà như là “bà Nhật Tiến” chứ ít ai dùng đến tên Phương Khanh như tôi đã nói.

Lúc bà khẽ gật đầu và chưa kịp nói gì thì tôi đã tiếp luôn:

– Xin phép tự giới thiệu với cô, cháu là Trí, một độc giả trung thành của tuần báo Thiếu Nhi ngày xưa đây ạ.

Chỉ trong thoáng chốc, lời tự giới thiệu ngắn gọn của tôi hình như đã đủ sức mạnh để đưa bà trở về những tháng ngày thật đẹp đó. Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi là hai cô cháu đã xem nhau như quen biết từ lâu lắm. Chính tờ báo Thiếu Nhi đã là sợi dây thâm tình kết nối chúng tôi nhanh như thế. Cô Mai Khanh ngồi bên cạnh cũng vui lây với cuộc gặp gỡ thú vị này. Tôi nói với bà Phương Khanh:

– Cháu thấy buổi gặp gỡ này đúng là một cuộc hạnh ngộ. Chỉ đáng buồn là chúng ta gặp nhau trong một hoàn cảnh buồn bã như hôm nay.

Trong lúc tiếp tục chờ đợi, chúng tôi có dịp kể lể với nhau bao nhiều điều chất chứa trong lòng về tờ báo Thiếu Nhi trong hơn bốn mươi năm qua. Bà Phương Khanh và cô Mai Khanh kể cho tôi nghe ngày trước đã cùng sinh hoạt với các em thiếu nhi ở Sài Gòn và các vùng phụ cận như thế nào. Những buổi hội họp ca hát, những lần chuyện trò, ăn uống vui vẻ. Tôi bùi ngùi nói:

– Hồi đó cháu ở Nha Trang nên không có được những dịp vui thú vị như vậy. Niềm vui của cháu lúc ấy là vào ngày Thiếu Nhi phát hành, cháu hồi hộp chạy từ trường về, háo hức ghé sạp báo mua về tờ mới nhất, với hình bìa lúc nào cũng dễ thương của hoạ sĩ Vi Vi, và tờ báo còn thơm nồng mùi mực mới.

Tôi như chìm hẳn vào vùng ký ức vàng son xa xưa, tiếp tục kể lể bao nhiêu điều với “chị Phương Khanh,” những điều mà tôi không bao giờ ngờ sẽ có ngày được thố lộ với “chị Phương Khanh” bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt tôi.

– Cô biết không, cháu mua tờ Thiếu Nhi đến số cuối cùng, trong những ngày Sài Gòn bắt đầu xáo trộn, sắp rơi vào tay bọn Cộng Sản. Cháu còn nhớ lúc đó tờ Thiếu Nhi đã bị rút thành khổ nhỏ chứ không còn như lúc ban đầu. Cháu không những chỉ là độc giả mà còn đóng góp bài vở cho Thiếu Nhi nữa đấy ạ. Cháu đã có một truyện ngắn, một số bài thơ và chuyện vui cười đăng trên Thiếu Nhi.

Bà Phương Khanh hóm hỉnh nhìn tôi:

– Thế chuyện vui cười của em có chấm dứt bằng câu “Cả lớp cười ầm lên” không?

Tôi cười theo bà:

– Dạ không ạ, vì thường cháu kể chuyện xảy ra ở nhà chứ không phải ở trong lớp.

Đoạn tôi nói với cô Mai Khanh:

– Chắc hồi đó cô còn nhỏ nên không có được những niềm vui đó như chúng tôi phải không?

Cô Mai Khanh đáp:

– Không phải đâu anh ạ. Hồi đó Mai Khanh cũng đã được giao cho công việc cắt dán những bài thơ hay những mẩu chuyện vui cười rồi.

Tôi hỏi cô:

– Tôi còn nhớ được một trong những chuyện vui cười của tôi đăng trên Thiếu Nhi. Để tôi kể thử xem cô có nhớ chuyện đó không nhé. Chuyện kể về một con muỗi tí hon mới cất cánh bay lần đầu. Bay đi một vòng trong nhà về, muỗi con thủ thỉ với muỗi mẹ: “Mẹ ơi, con mới bay một vòng về. Lúc con bay vào một căn phòng, mọi người đều vỗ tay hoan hô con đó mẹ!”

Cô Mai Khanh thốt lên:



– Ô, Mai Khanh có nhớ chuyện đó. Nó độc đáo và dễ thương lắm nên anh nhắc đến là Mai Khanh nhớ ngay.

Tôi cũng thấy vui và xúc động không kém. Quay lại bà Phương Khanh, tôi tiếp tục nói bằng giọng pha chút dỗi hờn:

– Cháu có hai điều muốn “méc”với cô. Thứ nhất là không hiểu tại sao cháu được có nhiều loại bài được đăng, chỉ ngoại trừ ô chữ! Có lần cháu cặm cụi làm một cái ô chữ hình con bò thật công phu, mà chờ mãi không thấy nó xuất hiện trên báo. Lại nữa, cháu đã được chính thức nhận vào gia đình Thiếu Nhi qua thông báo trên báo, nhưng cái thẻ gia đình Thiếu Nhi gởi đến cháu không hiểu sao lại bị thất lạc. Mấy chục năm sau cháu vẫn còn ấm ức, cô ạ.

Bà Phương Khanh và cô Mai Khanh như cũng buồn vui theo những mẩu kỷ niệm của tôi về Thiếu Nhi ngày trước.

Cuối cùng, bà đưa cho tôi một tấm danh thiếp có địa chỉ và số điện thoại để liên lạc rồi chúng tôi tạm chia tay để bắt đầu dự phần nghi lễ còn lại. Hôm đó, tôi ra về buồn vui lẫn lộn. Buồn vì hình ảnh người anh rể hiền từ, vui tính cứ lởn vởn trong đầu. Vui vì lần hạnh ngộ bất ngờ vừa qua.

Về đến nhà, tôi vẫn còn miên man nghĩ đến cuộc nói chuyện với “chị Phương Khanh”. Thốt nhiên, tôi nhớ rằng lâu thật lâu rồi, từ trước 1975, tôi có cắt ra được mấy bài thơ trong vài số Thiếu Nhi, không hiểu sao mang qua được tới tận Mỹ. Thế là tôi lục tung giấy tờ tìm lại mấy bài thơ đó và may mắn thay, thấy được chúng vẫn còn đó. Tôi vội chụp lại những bài thơ đó và gởi email ngay cho bà Phương Khanh, cám ơn bà và cô Mai Khanh về buổi gặp gỡ trong ngày, kèm theo “chứng tích” ngày xưa. Bà cũng trả lời lại ngay. Trong thư bà nói có nói chuyện về tôi với nhà văn Nhật Tiến. Ông cũng sốt sắng cho phép tôi đến nhà thăm và nói chuyện với ông, còn hứa hẹn sẽ tặng tôi một số quà văn nghệ nữa.

Hai hôm sau, tôi hăm hở đến thăm nhà văn Nhật Tiến. Bà Phương Khanh đáng lẽ cũng sẽ có mặt trong buổi gặp gỡ này nhưng vì bận việc bất ngờ vào phút chót nên chúng tôi đành lỡ hẹn với nhau. Nhà văn Nhật Tiến ở không cách chỗ tôi là mấy. Lần gặp gỡ này giữa tôi và nhà văn mà ngày xưa tôi đã từng mến mộ qua những tác phẩm như “Quê nhà yêu dấu,” “Chim hót trong lồng,” “Người kéo màn,” v.v… cũng làm tôi xúc động không kém lần gặp gỡ bà Phương Khanh. Ông Nhật Tiến trông người chừng mực, khoan thai, khiêm tốn. Ai có thể ngờ rằng đó là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong nền văn chương nhân bản của thời Cộng Hòa… Ông tiếp đãi tôi rất ân cần. Tôi cho ông biết là có lần tôi đã chọn một truyện ngắn của ông để dạy trong lớp Vietnamese Literature in English Translation ở trường tôi là University of California, Irvine. Truyện của ông tôi chọn để dạy (cùng với một số truyện của những nhà văn khác như Nhã Ca, Lê Tất Điều, Duyên Anh, Bình Nguyên Lộc, Khái Hưng, Nhất Linh,… ) là truyện “Nồi Cháo Thịt”.
Truyện này được nhà văn Mỹ James Banerian dịch qua Anh ngữ với tựa đề “A Pot of Gruel”.

Nhà văn Nhật Tiến khoe với tôi một tấm thiệp Giáng Sinh mà ông Banerian vừa mới gởi cho ông và cho biết rằng ông ta hiện cư ngụ ở thành phố San Diego. Ông hỏi tôi một vài chi tiết về lớp học đó để lần tới viết thư cho ông Banerian sẽ đề cập đến chuyện tôi đã dùng cuốn sách dịch của ông ta cho lớp của tôi.

Đoạn nhà văn Nhật Tiến ân cần tặng cho tôi một số sách đã xuất bản của ông, từ Việt Nam qua tới Mỹ mà ông đã ký sẵn trước khi tôi đến! Chưa hết, ông còn in tặng tôi một hai bài thơ của tôi mà ông tìm ra được trong vài số Thiếu Nhi được lưu lại dưới dạng PDF do một người ái mộ nào đó đã bỏ công sức ra chụp lại hết từng trang của 110 cuốn (còn thiếu 26 số). Tôi được thêm một cái CD lưu trữ tất cả các số Thiếu Nhi đó. Trước khi ra về, tôi xin phép nhà văn Nhật Tiến được chụp hình lưu niệm với ông và được ông vui vẻ nhận lời.

Ít lâu sau, tôi liên lạc với bà Phương Khanh để xin một cái hẹn đến thăm bà để bù đắp lại lần gặp gỡ trước không thành. Bà vui vẻ nhận lời. Hôm sau, tôi lái xe đến thăm bà. Bà kể lại cho tôi thật nhiều chuyện cũ, từ những mẩu chuyện nhỏ lúc làm báo Thiếu Nhi, đến những năm tháng còn kẹt lại dưới chế độ cộng sản, cuộc vượt biển cam go của bà và hai người con gái, hay lần bà gặp tai nạn vì xe của bà và chú Nhật Tiên bị xe lửa tông vào, khiến ông bà phải trải qua nhiều tháng trời mới tạm hồi phục. Tôi được biết bà ăn chay trường đã mấy mươi năm. Bà cho tôi xem tủ sách về Phật giáo thật phong phú của bà. Lúc ngồi nói chuyện với bà, tôi vẫn còn nửa tin nửa ngờ rằng mình đang được diện kiến “thần tượng” của mình ngày xưa. Bà hỏi tôi về gia cảnh, nghề nghiệp và cho tôi nhiều lời khuyên hết sức quý báu. Tôi có hỏi bà về một câu phát biểu của một nhà văn khác có liên quan đến ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam để xem ý kiến của bà về câu nói đó. Bà không trả lời rằng ý kiến đó có đúng hay không mà chỉ nói:

- Cháu nên tin vào chính mình trước đã, đừng tin vào một cá nhân nào, kể cả cô! Cháu hãy tìm tòi, học hỏi và tra cứu sâu rộng thì sẽ thấy chân lý là ở đâu.

Sau đó, bà còn bày tôi vài cách tập thể dục để giữ gìn sức khoẻ cho cơ thể và tinh thần. Sau tai nạn mấy mươi năm về trước, bà cho tôi biết bà không bao giờ hồi phục hoàn toàn như xưa. Bây giờ bà phải dùng một cái walker có gắn bánh xe để di chuyển trong nhà. Bà đưa tôi vào nhà bếp để phụ bà pha trà, để trên một cái bàn nhỏ có bánh xe để đẩy ra phòng khách cho hai cô cháu cùng nhâm nhi trong lúc chuyện trò. Tôi nhận thấy thần thái của bà vẫn phương phi, mặc dầu thể trạng của bà khá suy yếu, một phần vì tai nạn năm xưa, một phần vì tuổi tác đã cao. 

Trong suốt một thời gian dài sau đó, người tôi vẫn còn lâng lâng vì cuộc gặp gỡ với hai nhà văn Thiếu Nhi ngày trước. Bao nhiêu kỷ niệm thuở ấu thời qua những vui buồn với tờ Thiếu Nhi đã làm sống lại trong tôi thật nhiều hình ảnh lẫn cảm xúc mạnh mẽ và sâu lắng. Tôi không còn cảm giác mất mát Thiếu Nhi trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn nữa, mà thấy như từ đây trở đi sẽ mãi mãi có Thiếu Nhi trong tay, và trong tim, cho đến lúc năm cùng tháng tận.

Trần C. Trí

Ý kiến bạn đọc
04/09/202001:49:59
Khách
Quá tuyệt vời, một hồi ức đẹp, chân thực, sống động. Vài chi tiết nhỏ nhưng ấn tượng, là tờ báo ra số cuối cùng "đã bị rút xuống thành khổ nhỏ", là câu chuyện của muỗi con trong cuộc du ngoạn đầu tiên trong đời được mọi người vỗ tay hoan hô, hay chút giận hờn rất "chính đáng" của cậu bé không được nhận cái thẻ gia đình Thiếu Nhi của nửa thế kỉ trước... Nhịp điệu chuyện thong thả và cuốn hút. Cám ơn vì được nghe một câu chuyện cổ tích có thật!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bao năm qua, đã đến sống trong làng chài từ lâu lắm, đã làm bạn kéo lưới qua nhiều chủ ghe, chủ tàu cá, Tư Dầm vẫn nghèo, vẫn túng, không hề sắm nổi cho mình chiếc ghe câu để tự kiếm sống qua ngày.
Trại Sikiew, đêm văn nghệ mừng Năm Mới diễn ra trên Bãi Đá năm ấy có vài giọng ca gây bất ngờ. Đầu tiên phải kể đến Vân Đại Bàng với bài hát Đường Xưa Lối Cũ hay thần sầu, bà con vỗ tay rần rần...
Từ mấy hôm nay Thi nôn nóng chờ đợi ngày về quê thăm nhà. Nàng cứ loay hoay tính toán mãi không biết phải mua quà gì về cho mấy đứa em. Con gái đi học xa nhà, thật sung sướng và hạnh phúc biết bao mỗi khi có dịp nghỉ lễ dài để trở về sống với gia đình thân yêu...
Tôi dần dà để ý đến một cặp vợ chồng Á Châu. Không hiểu tại sao, tôi đoan chắc họ là vợ chồng, chứ không thể là tình nhân, hay hàng xóm. Họ đến mua hàng hầu như mỗi ngày ở siêu thị tôi đang làm việc...
Cuối đời Đông Hán nước Tàu, tại quận Cự Lộc có nhà cự phú họ Trương sinh được ba anh em là Trương Giốc, Trương Bảo, Trương Lương. Khi ông bà Trương mất thì Bảo và Lương hãy còn nhỏ, Trương Giốc thay quyền cha mẹ nuôi dạy hai em...
Tuy Hòa, nơi tôi ở cách nay gần bẩy chục năm, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Chắc bạn đọc nghĩ là tôi đang ở Hà Nội, hay Sài Gòn. Không. Chúng tôi đang du lịch châu Âu. Chuyến nghỉ hè năm nay, cùng với đôi bạn từ Quận Cam, tưởng đã không thành vì Delta Airlines huỷ chuyến bay vào giờ chót, sau khi đã có thẻ lên tầu. Lên mạng tìm vé khác và bên Turkish Airlines còn chỗ để đưa chúng tôi đến Barcelona, Tây Ban Nha là thành phố đầu tiên của chuyến du lịch...
Buổi sáng bến xe Tây Ninh đông đúc và ồn ào. Tiếng rao hàng của đám bán hàng rong vang lên inh ỏi, từ bán bánh mì, bán nước trà đá, nước ngọt bỏ bao, đến bọn người bán sách báo dạo, cứ gặp ai cũng chìa hàng đến trước mặt, giọng mời gọi...
Cái cối xay bột nước lắp ráp xong chị Bông đã xay thử đậu nành rồi xay gạo thấy cả hai đều thành bột mềm nhuyễn đúng ý. Coi như chị đã “khai trương” cái cối xay bột nước của mình mặc dù khi lắp cối xong ông thợ cối đã xay thử bột nọ bột kia rồi. Hôm ấy cả nhà chị được ăn món bánh xèo chiên giòn và uống sữa đậu nành nấu với lá dứa vừa thơm vừa béo thật ngon...
Hai chị em Quỳnh Trâm và Bội Trâm hôm nay được mẹ dạy làm món bánh trái cây bằng bột đậu xanh để đón anh gia sư của hai nàng. Những chiếc bánh xinh xinh đủ màu sắc của trái khế vàng, trái ớt đỏ, trái mảng cầu… được bày sẵn trên khay thật hấp dẫn...
Chiếc xe khách Sài Gòn ra Huế tạm dừng ở thành phố Nha Trang vào khoảng bốn giờ chiều. Xe chưa đậu hẳn thì đã có bao nhiêu kẻ bán hàng vặt ồ ạt phóng tới miệng rao hàng inh ỏi tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn. Một số ăn xin tật nguyền, què cụt cũng cố chen lấn tranh nhau hành nghề...
Tôi quen biết Loan thật tình cờ, người đời thường gọi là “duyên”, với tôi, là một định mệnh từ muôn kiếp trước, đã gắn liền hai cuộc đời chúng tôi thành hai chị em, thương yêu và gần gũi, giúp đỡ, an ủi nhau còn hơn chị em ruột thịt...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.