Hôm nay,  

Nhật Ký "Cấm Túc" Tuần Hai Mươi

07/08/202009:04:00(Xem: 7863)

Thứ hai 27 tháng 7


Trong khi cả nước Mỹ, tình hình dịch bệnh xấu hẳn đi, ngay cả  "ốc đảo" như Hawaii  hay những tiểu bang nhỏ chuyên về  nông nghiệp: Oklahoma, Iowa, Kentucky, Wisconsin..., không khí trong lành với những cánh đồng bạt ngàn cũng có số người nhiễm cúm Vũ Hán tăng lên thì tình hình ở các tiểu bang đang là tâm dịch (California, Florida, Texas and Arizona) khả quan hơn.


 Không hiểu tại sao có những em bé dưới 10 tuổi kiên nhẫn ở trong nhà từ tháng 3 đến tháng 8, mà lại có những người lớn "tưng bừng tụ họp party" góp phần giúp Coronavirus tìm nạn nhân mới nhanh hơn?


Chẳng hạn, đêm thứ bảy tuần trước, hơn 170 người, ở khu vực nhà giàu Manhattan,  lên một con tàu 4 tầng có tên là "The Liberty Belle"  tổ chức "riverboat party" ở phía Đông dòng sông Hudson River êm đềm chạy dọc theo New York. Cảnh sát đã chận tàu lại, bắt giữ một số người, vì tội vi phạm luật lệ an toàn social distancing 6 feet, và uống rượu nơi công cộng. Dĩ nhiên chủ con tàu cũng phải vô nghỉ mát trong tù để suy ngẫm về hành động "chơi dại" của mình ,


Thống Đốc Andrew Cuomo đã có nhận xét về chuyện "giải trí" này như sau : "Thật là liều lĩnh, không quan tâm đến người khác, vô trách nhiệm và bất hợp pháp, vi phạm an ninh công cộng"


Cùng lúc ở Houston, Thị trưởng Sylvester Turner cũng than phiền "Có quá nhiều người tụ họp ở các party trong sân nhà , trong những zydeco party”  (một loại  party cổ điển của người Mỹ gốc Phi Châu với guitar và đàn accordion có nguồn gốc từ phía Nam của tiểu bang Louisiana).

Cũng là một người Mỹ gốc Phi Châu, ông Thị trưởng Houston đã phát biểu rất cương quyết "Họ phải chấm dứt tụ họp" .


Đó cũng là lời kêu gọi lập đi, lập lại nhiều lần của các Thống Đốc, Thị trưởng khi họ xuất hiện trước dân chúng trên TV, ở các công trường, hay ở các nơi họp báo.

Lời kêu gọi chỉ bị một số nhỏ người bỏ ngoài tai, nhưng lại đem đến một hậu quả tai hai. Họ đã góp phần không nhỏ làm cho gần 5 triệu người Mỹ nhiễm cúm Wuhan, và hơn 150 ngàn người Mỹ đã bị Coronavirus lấy mất phần đời còn lại!


blank


Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ( CDC) dựa trên các dữ liệu khoa học, và tình hình thực tế đã dự đoán đến ngày 22 tháng 8 năm 2020 sẽ có hơn 173 ngàn người thiệt mạng vì COVID-19. Hy vọng lời cảnh báo này đến tai, đi vào óc của những người thích tụ tập party, và những người vô tình hay cố ý "quên" mang khẩu trang khi đến nơi công cộng. 

 

Thứ ba 28 tháng 7


Michelle Klimesh gắn bó với Diablo Gymnastics từ lúc bà mới 13 tuổi, được cha mẹ cho học thể dục dụng cụ ở trường chuyên huấn luyện các mầm non trở thành vận động viên gymnastics trong các đội tuyển của Hoa kỳ.


Bà lớn lên, trưởng thành, bước vào tuổi trung niên, vẫn ở lại với Diablo Gymnastics với tư cách là một huấn luyện viên, giáo viên dạy lại các em nhỏ (hầu hết là các em gái có xương nhỏ, thân hình mềm dẻo, nhẹ nhàng thích hợp với môn thể thao này)


blank


Diablo Gymnastics là một trường dạy Thể dục dụng cụ có truyền thống ở San Ramon, cách San Francisco 34 miles về hướng Đông .Khi người chủ của Diablo Gymnastics (cũng là huấn luyện viên của cô bé Michelle 13 tuổi năm nào) về hưu, cô huấn luyện viên trẻ Michelle Klimesh mua lại ngôi trường và phát triển lớn mạnh hơn.


Đầu năm 2020, Diablo Gymnastics có 1,500 học sinh và 43 huấn luyện viên. Rồi cũng như tất cả cơ sở thương mại khác, Diablo Gymnastics  bị "sóng thần" đại dịch càn quét. Hơn bốn tháng qua, những đồng tiền PPP (Payroll Protection Program) của Liên bang tài trợ từ chương trình CARES Act đã cạn kiệt, trường chỉ còn lại 42 học sinh và 3 huấn luyện viên. 


Khi trường đóng cửa, Payroll của trường giảm từ 80 ngàn hàng tháng xuống còn 12 ngàn, nhưng với tình trạng hiện nay, bước vào tháng 8, tình hình dịch bệnh vẫn chưa tốt hơn, không biết ngày nào , trường mới mở cửa lại, bà Klimesh rất lo lắng. Việc học online (virtual studying and training) gần như không tưởng đối với môn Gymnastics. 


Diablo Gymnastics dưới 41 năm quản lý của bà Klimesh chưa bao giờ bị nợ nần, nhưng đến đầu tháng 8, trường đã nợ 300 ngàn USD, chưa kể số tiền bà Kimesh đã bỏ ra mua lại trung tâm thể dục dụng cụ vào năm 1979.


Michelle Klimesh cùng với 3 huấn luyện viên trung thành, yêu nghề còn làm việc với bà quyết định giúp bà bằng cách quyên tiền trên "gofundme.com" để xin ủng hộ 90 ngàn giữ trường Diablo Gymnastics tồn tại thêm vài tháng nữa. Đến đầu tháng 8, họ mới xin được hơn 34 ngàn.

Không thể nhìn ngôi trường đã tồn tại hơn 54 năm bị COVID-19 quật ngã, bà Michelle Klimesh quyết định bán ngôi nhà từ đường của gia đình bà đã được xây từ năm 1910 ở Spillville, Iowa, miền Trung Tây nước Mỹ.


Nếu bạn có khả năng, xin góp tay giúp bà Michelle Kimesh giữ lại ngôi trường đã đào tạo nhiều huấn luyện viên, vận động viên môn thể dục dụng cụ qua:

https://www.gofundme.com/f/save-diablo-gymnastics


Ít nhất, cũng xin góp phần cầu nguyện cho đại dịch chóng qua, cho Diablo Gymnastics cùng cả trăm ngàn cơ sở thương mại khác đang điêu đứng, được tồn tại sau "sóng thần" COVID-19.


Thứ tư 29 tháng 7


Đau lòng và khôn khéo, bà Stacey Nagy đã dùng cáo phó của chồng mình, một nạn nhân thiệt mạng vì cúm Wuhan để lên tiếng phản đối những chính trị gia, và những người không chịu mang khẩu trang ở nơi công cộng.


Theo bà Stacey:

"Tôi cũng cho là nhiều người kém  hiểu biết, ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, những người từ chối theo hướng dẫn của những chuyên viên y tế. Họ tin là "quyền" không đeo khẩu trang của họ quan trọng hơn mạng sống của những người vô tội.”

(“Also to blame are the many ignorant, self centered and selfish people who refused to follow the advice of the medical professionals, believing their “right” not to wear a mask was more important than killing innocent people.”)


Chồng bà, ông David Nagy, mất ngày 22 tháng 7  ở thành phố Longview, Texas khi vừa bước vào tuổi 80.

Hầu hết các bộ phận của cơ thể ông bị Coronavirus tàn phá chỉ trong một thời gian ngắn.


Trong đau buồn và uất ức khi chồng bà đang khỏe mạnh, bị nhiễm COVID-19 rồi qua đời nhanh chóng, một mình, trong phòng cách ly của ICU, bà Stacey cũng cho là "May karma find you all." (Tất cả những người có trách nhiệm sẽ phải nhận nghiệp chướng, và quả báo)


blank


Vào đầu tháng 8 năm 2020, Texas đã có hơn 480 ngàn người nhiễm Coronavirus, hơn 8 ngàn người đã vĩnh viễn ra đi vì cúm Wuhan. Và là một trong 3 tiểu bang có số người bị lây nhiễm cao nhất nước Mỹ.


Một em bé trai 7 tuổi, không có bệnh mãn tính, vừa qua đời ở  Georgia, trở thành nạn nhân trẻ nhất bị COVID-19 đánh cắp cuộc đời.

Tháng trước, một em bé gái 9 tuổi, cũng hoàn toàn khỏe mạnh, nhiễm cúm Vũ Hán, phải vĩnh biệt cha mẹ, bạn bè.

Tính đến thời điểm này, ít nhất là bảy em còn ở tuổi vị thành niên (từ 9 đến 17 tuổi) ở Florida đã bị Coronavirus chấm dứt cuộc đời còn non trẻ, tinh khôi.

Rất buồn là những em bé không được "bất khả xâm phạm" bởi COVID-19 như người ta vẫn tưởng.


Thứ năm 30 tháng 7


Theo chân Google, Uber cũng cho phép nhân viên của mình làm việc ở nhà đến tháng 7 năm tới , 2021. Chẳng những thế, Uber còn hào phóng hơn Google, cho mỗi nhân viên làm việc toàn thời gian 500 dollars để set up bàn làm việc ở nhà. Xem như mỗi nhân viên Uber có thêm 500 đồng bonus đặc biệt trong giai đoạn rất khó khăn của gia đình, đất nước, và cả nhân loại.


Từ đầu tháng 8, San Mateo County, kế cận phi trường quốc tế San Francisco, sẽ phạt người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng 100 USD cho lần vi phạm đầu tiên, $200 cho lần thứ hai, và $500 từ lần vi phạm thứ ba. Các cơ sở thương mại sẽ bị phạt từ $250 đến 3 ngàn đồng tùy theo mức độ vi phạm.


Để tránh đại dịch COVID-19 chừng như đang trở lại (the second round), chính quyền tiểu bang Victoria ở Úc ra lệnh lockdown lần 2, nghiêm khắc hơn lần trước, không được phép ra khỏi nhà để tập thể dục. Và giới nghiêm hoàn toàn từ 8 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau trong vòng 6 tuần. 


blank


Ở  Melbourne, Victoria, Úc, nếu vi phạm lệnh "cấm túc" tại gia, đi ngoài đường không có lý do chính đáng (lý do y tế) , sẽ bị phạt 5 ngàn Úc kim (khoảng 3,559 Mỹ kim) cho lần đầu tiên. Vi phạm lần thứ hai, tiền phạt lên đến 20 ngàn Úc kim( tương đương 14,250 Mỹ kim)

Chính quyền tiểu bang này đã gởi đến 500 vệ binh quốc gia để giúp cảnh sát kiểm soát lệnh lockdown ban ngày, giới nghiêm ban đêm.


Phải mạnh tay phạt nặng như thế, chạm đến túi tiền thì chắc chắn là người ta sẽ ở yên trong nhà. 


Thứ sáu 31 tháng 7


Vào ngày 25 tháng 6, Michelle Gutierrez có COVID-19 test dương tính. Chỉ vài ngày sau, chồng bà Michelle, ông David Gutierrez cũng bị nhiễm cúm Tàu. Do trọng lượng của ông David nặng hơn nhiều so với người bình thường, ông bị khó thở, phải nằm bệnh viện từ ngày 8 tháng 7.

Chỉ 10 ngày sau, bà Michelle nhận được điện thoại từ một cô y tá của bệnh viện cho biết lượng oxygen trong cơ thể ông xuống quá thấp, David phải thở bằng ventilator.

Đó là lần đầu tiên trong vòng 10 năm, vợ chồng họ phải xa nhau.


Với Michelle Gutierrez, trên đời này không có gì mạnh hơn lời cầu nguyện, và lòng yêu thương. Nên mỗi ngày trôi qua, kể từ khi chồng phải nhập viện vì nhiễm Coronavirus , Michelle cầu nguyện hàng ngày, hàng đêm. 

Ngay cả khi chồng bị chìm trong coma, Michelle vẫn viết thơ cho ông mỗi ngày, fax đến bệnh viện, nhờ nhân viên bệnh viện đọc cho ông nghe. Bà tin là ngay cả trong lúc chìm trong hôn mê, ông David vẫn có thể nghe được những lời chân tình của bà.

Mỗi một ngày trong suốt hơn hai tuần David nằm điều trị trong St. Luke's hospital ở Houston, Texas, ngay cả khi ông  trong coma, không thể thấy, hay nghe, Michelle vẫn đứng ở cửa sổ phòng điều trị của chồng cầu nguyện một tiếng đồng hồ.


Cuối cùng "lời cầu nguyện có Người nghe", ngày 18 tháng 7, ông David đã có thể tự thở, mà không cần sự trợ giúp của ventilator. Mặc dù vẫn phải cách ly, hai vợ chồng đã có thể nhìn thấy nhau qua khung cửa kính của bệnh viện, và David đã có thể nghe tiếng của vợ qua hệ thống intercom của phòng điều trị.


Họ dự định kỷ niệm 10 năm ngày cưới vào đầu tháng 9 năm nay ở bãi biển.

Không biết họ có thể đi dạo trên biển, kỷ niệm một đời sống hôn nhân hạnh phúc suốt 10 năm như đã chuẩn bị? Vì David vẫn còn phải nằm bệnh viện, Coronavirus vẫn còn dai dẳng bám lấy ông.


 Nhưng mỗi ngày trôi qua, Michelle vẫn cầu nguyện với Thượng Đế ít nhất là một tiếng. Bà tin với quyền năng của Thượng Đế, và lòng thành của bà, ông David có thể bình phục trở về nhà.


Thứ bảy 1 tháng 8 


Ở Palo Alto, Silicon Valley, miền Bắc California, một thành phố êm đềm, yên tĩnh được nhiều CEO của các công ty kỹ thuật nổi tiếng trên thế giới chọn làm nơi cư trú, có trung tâm thương mại cổ kính Town & Country Village, cũ kỹ nhưng chắc chắn và thơ mộng. Ngay cả bãi đậu xe cũng có cái đẹp của một công viên với những hàng cây xanh mát vào mùa hè, và rực rỡ ánh đèn vào mùa đông.

Ở đó có tiệm Mayfield Bakery & Cafe rất quen thuộc với dân địa phương, với sinh viên của trường Đại học Stanford; cũng là nơi dừng chân  vào những năm tháng cuối đời của Steve Jobs, một trong hai người sáng lập công ty kỹ thuật lẫy lừng, lớn nhất nhì thế giới: Apple .


Khi lệnh cấm túc ban hành từ tháng 3 ở California, Mayfield Bakery & Cafe phải tạm thời đóng cửa, nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, một số tiền khá lớn.

Gần nửa năm trôi qua, khi Coronavirus chưa bị khống chế, việc buôn bán không còn như trước trong lúc tiền thuê vẫn không giảm. Không thể chịu đựng lâu hơn, nhà hàng đành phải đóng cửa vĩnh viễn. Là nhà hàng nhỏ nên không có thông cáo báo chí, ông Tim Stannard, chủ nhân của Mayfield Bakery & Cafe từ giả nhân viên và khách hàng của mình bằng vài dòng rất chân tình, đính ở các cửa ra vào :


"Như nhiều nhà hàng ở địa phương và cả ở khắp đất nước, di hại của COVID-19 và lệnh "shelter-in-place" đã ảnh hưởng đến thu nhập của Mayfield Bakery & Cafe đến một mức độ không còn chịu đựng được nữa. Xin tạm biệt quý vị với lời cảm ơn chân thành đến tất cả nhân viên,và khách hàng trung thành trong suốt 11 năm qua ."


blank


Mayfield Bakery & Cafe đã vĩnh viễn đóng cửa vào cuối tháng 7 năm 2020 nhưng những món ăn ngon, trình bày mỹ thuật; và những nụ cười thân thiện của nhân viên làm ở đây sẽ ở lại trong ký ức của dân địa phương, của  tất cả những người đã một vài lần ghé lại ở đây.


COVID-19 không chỉ lấy đi mạng sống của hơn 700 ngàn người đủ mọi quốc tịch ở khắp thế giới, mà còn là thủ phạm chính khiến gần 16 ngàn nhà hàng ở khắp nước Mỹ vĩnh viễn đóng cửa.

   

Chủ Nhật 2  tháng 8 


Khi COVID-19 tấn công Hoa kỳ, rất nhiều nhà hàng phải đóng cửa tạm thời hay vĩnh viễn. Với những nhà hàng mở cửa bán thức ăn "to go" mang về nhà, hay ăn ở ngoài trời, doanh thu cũng chỉ được một phần nhỏ của trước thời kỳ đại dịch. Họ cắt giảm mua nguyên vật liệu để nấu nướng. 

Các trường học đóng cửa, cũng không còn cần rau, sữa, thịt, hay trái cây cho bữa ăn trưa của học sinh thuộc các gia đình có thu nhập thấp.


"Hiệu ứng domino" ảnh hưởng dây chuyền đến các nông trại đang vào mùa thu hoạch nhiều nhất trong năm, mùa xuân. Cả tấn cà chua, su hào, rau, đậu, hành, khoai tây, và cả sữa, trứng .... nằm chờ ở các nông trại, không có ai đến lấy. Các nông trại không có đủ tủ lạnh để giữ cả tấn rau, trái .

Vì số khách hàng đặt mua giảm đáng kể, các chủ nông trại cũng không có tiền để thuê người gặt hái rau trái. Họ đành đăng báo "cho không, biếu không" thành quả lao động của họ ở các nông trại phía Đông của tiểu bang Washington, nơi sản sinh ra trái táo đỏ (Washington Red Apple) nổi tiếng giòn và ngọt.


George Ahearn, một y tá chuyên nghiệp, lớn lên từ một nông trại ở Othello, Washington, hiểu rõ "sóng thần" COVID-19 gây ra thiệt hại to lớn cho chủ các nông trại nhỏ đến nỗi họ phải tự hủy hoại thành quả lao động của mình.


blank


Anh dùng Facebook để kêu gọi thiện nguyện viên giúp thu hoạch rau, trái từ nông trại. Và cùng 3 người bạn khác thành lập EastWest Food Rescue  (EWFR),một tổ chức thiện nguyện chuyên cung cấp thực phẩm cho các Food Banks ở tiểu bang tận cùng Tây Bắc của Hoa kỳ, vận chuyển hàng tấn thực phẩm từ các nông trại đến các nơi phát thực phẩm miễn phí cho bất cứ ai cần đến trong thời đại dịch.


Vừa điều hành West Infusion Nurses’ Network LLC (công ty tư nhân cung cấp y tá cho các trung tâm dưỡng lão, hay các bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt định kỳ ở nhà riêng), vừa cùng 3 người bạn vận hành tổ chức thiện nguyện EastWest Food Bank (EWFR), vừa mới được thành lập cuối tháng 4, George đã đóng góp cả thời gian và nhiệt tình của mình cho người bị đẩy vào cảnh khốn cùng vì đại dịch.


Chỉ trong vòng 15 ngày đầu tiên, với sự cộng tác nhiều thiện nguyện viên, kể cả các nông trại , EastWest Food Rescue đã giúp các nông trại vận chuyển, tặng 217 tấn rau, trái, khoai tây, cà chua.... của họ cho các Food Banks ở phía Tây của Washington.

Những chuyến xe vận tải nhỏ, mỗi ngày chạy từ Đông sang Tây tiểu bang Washington. đưa thực phẩm tươi từ các nông trại đến các nơi phát thực phẩm miễn phí, và về đến bàn ăn của người đang eo hẹp tiền bạc .


Mùa thu hoạch năm 2020, các chủ nông trại có thể không thu được đồng nào nhưng họ đã gặt hái được niềm vui mà không có một số tiền nào, dù lớn đến đâu, có thể mua được.

Hạnh phúc cũng kết trái ở những giọt mồ hôi khi hái rau, trái trên nông trại của những người tình nguyện giúp George, và các bạn của anh vận chuyển thực phẩm đến các Food Banks. 


Tính đến đầu tháng 8, EWFR đã đưa được hơn một tấn (2.8 triệu lbs) khoai tây, hành củ, táo, trứng, cà chua.... từ các nông trại đến nửa triệu người cần đến ở khắp tiểu bang Washington.


COVID-19 cũng chào thua tấm lòng của họ, và sẽ phải lẳng lặng ra đi.


Nguyễn Trần Diệu Hương

Tuần lễ đầu tiên  tháng 8/ 2020


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Hình như bên ngoài trời đang mưa. Tiếng nước đổ trên mặt nhựa trải bãi đậu xe luồn qua khung kính cửa sổ nghe xa vắng, chập chùng. Bắt đầu từ lúc nào người ta nói chuyện nhát gừng với nhau như thế nhỉ. Người đàn ông ngẫm nghĩ. Những lúc bên nhau, giả như có nói chuyện rời rạc, hoặc không nói gì cũng chẳng sao bởi người ta còn nhìn được vào mắt nhau. Những ngón tay còn đan được vào tay nhau. Và môi rất thường khi đậu trên vai, trên tóc, trên môi. Còn xa cách như thế này, im lặng phút giây nào là lạc nhau phút giây ấy.
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam...
Ông bà Năm quê quán ở Thuận Hòa, Sóc Trăng, ông bà sinh cơ lập nghiệp cùng với và tiếp nối tổ phụ tổ mẫu nhiều đời ở quê. Họ yêu đồng ruộng, yêu vùng đất màu mỡ phù sa ruộng vườn gieo trồng thoải mái. Vậy mà sau ngày quốc nạn 30– 04– 1975, họ chật vật vì ruộng vườn, làm nhiều phải đóng thuế nhiều, làm ít thì bị tổ sản xuất phê bình kiểm thảo. Lúa mạ thiếu nước, thiếu thuốc trừ sâu, trồng tỉa khó khăn...
Trời nắng chang chang, thỉnh thoảng từng cơn gió bụi bốc lên bay rát cả mặt, dòng xe máy xình xịch chạy như mắc cửi trên đường. Hai bên lề đường có cả mấy mươi tiệm vịt quay, heo quay, những con vịt quay vàng ươm, có con thì da sậm màu hơi ngả nâu tất cả đều béo nhẫy mỡ, treo tòng teng trong tủ kiếng trông rất bắt mắt. Những con heo sữa quay vàng ruộm hoặc ngã màu cánh kiến, chủ tiệm còn gắn vào miệng nó một cái bông đỏ thắm...
Longwood Gardens là một “vườn hoa” không những nổi tiếng của Tiểu bang Pennsylvania mà còn là một trong vài vườn hoa nổi tiếng nhất của cả nước Mỹ...
Ở Mỹ người ta không ăn mỡ của động vật như heo, bò, gà vịt, vì sợ tăng cholesterol. Nếu ăn mỡ họ ăn bacon, thịt ba chỉ ướp muối. Họ chiên bacon cho giòn, ăn kèm với trứng chiên và bánh mì. Một món điểm tâm rất được nhiều người yêu thích. Tôi thích dùng mỡ nhưng chỉ dùng ở một vài món. Mỡ heo, tôi mua miếng dày, thái hạt lựu, thắng riu riu cho đến khi tóp mỡ héo lại, màu vàng nhạt ngả sang nâu. Tôi vớt tóp mỡ, để riêng ra cho khô và giòn, dùng để kho cá bống. Vì cất nhiều công, nên tôi rất quý tóp mỡ...
Vinh cầm cái ly nhỏ đưa lên “Dô. Anh em !” “Ê. Sao khẩn trương thế, mày? Chưa có miếng nhắm nào vô bụng cả!” Đặt ly xuống, nhìn khuôn mặt bị thịt của Sáu Diên đang cười, Vinh chợt thấy bực mình và cụt hứng...
Thế kỷ trước, truyện Ví Dụ Ta Yêu Nhau* của một nhà văn trẻ đã làm bao nhiêu “kẹp tóc”, “húi cua” say mê một thời. Thế kỷ này, các cô, các cậu ngày xưa, giờ đây là những bà, những ông với mái tóc mặn mà, ít tiêu nhiều muối, có phút chạnh lòng chăng, khi nghe những ví dụ dưới đây?
Hai người đang đi chầm chậm trên lối đi hẹp bằng đất thỉnh thoảng có những con đường mòn xanh mơn mởn cắt ngang, mà cứ hai năm một lần những xe đẩy chở cỏ khô hoặc lúa mì lại ùa vào những đám hoa cúc và cỏ. Những cơn mưa gần đây đã tạo thành từng vũng ao nhỏ ở những đoạn lồi lõm; nhưng ở phần giữa đường, đầy bụi bặm và rải rác có dấu vết móng ngựa, thì khúc đường cũng khá rộng để hai người có thể sánh đôi...
Tôi là dân Bắc Kỳ 54 di cư vào miền Trung, đến một thành phố rất đẹp ven biển. Ba tôi dạy học mãi ngoài Huế, nên tôi ở lại thành phố biển với Ông Nội và hai bà cô để tiện bề học hành và hầu hạ Ông. Tôi coi Ông giống như Cha, nhưng đôi khi cũng rất buồn, cô đơn và tủi thân. Bởi vì Ông già hơn Cha nhiều và khó gần gũi. Những lúc như vậy, hầu như tôi chỉ có bé Uyên là người thân thích nhất...
Sarah, cô bạn da trắng, từng học chung với tôi chương trình về Day Care tại McEwan College nhưng lại rủ rê tôi làm việc hổng có dính dáng gì đến Day Care: chuỗi cửa hàng cà phê. Hồi đó, sau khi lấy bằng Day Care, chúng tôi mỗi người một nẻo, tôi làm trong một Day Care Center một thời gian, bỗng một hôm gặp lại Sarah, nó bảo nó đang làm manager cho một chuỗi cửa hàng cà phê, nó khoe ông chủ rất dễ thương, tốt bụng, đang cần một người làm part time rất đúng “nghề” của tôi!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.