Hôm nay,  

Đám Cưới Ngày Xưa

06/07/202018:23:00(Xem: 3911)

Thân tặng TY và BN

Hai mươi ba tháng Chạp. Hình như năm nay Tết sắp về mà không ai đợi chờ. Sài Gòn bây giờ đang sống trong những ngày mới mẻ. Một cái mới lạ lùng, khó chịu, vì thành phố và cả miền Nam đang ngột ngạt trong một nếp sống lạ lẫm sau ngày phần còn lại của đất nước đã lọt vào tay chính quyền miền Bắc. Người lớn nhìn nhau bằng cặp mắt lo âu, thì thầm trao đổi với nhau những lời lẽ bi quan trước viễn cảnh đen tối của dân tộc. Nhưng tuổi trẻ dường như không bị chi phối bởi thế giới rắc rối của người lớn. Giọng nói, tiếng cười của chúng vẫn ròn rã, trong vắt, không gợn chút ưu tư. Gần như hầu hết bầy trẻ trong cả cư xá đang rộn ràng chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ cuối năm. Thuý và Bảo cũng bị cuốn hút vào không khí tưng bừng đó. Năm nay, hai cô bé—một cô mười tuổi, còn cô kia mười hai—đang tíu tít tập dượt cho một màn vũ truyền thống. Trong màn vũ đó, Thuý và Bảo sẽ múa chung với hai cô bé khác để trình diễn nhạc phẩm "Tình Bắc Duyên Nam".  Mùa xuân cứ thế len lén về theo tiếng nhạc rộn ràng vào những ngày cuối năm.

Thuý và Bảo chơi với nhau từ lúc còn nhỏ xíu. Nhà hai cô bé khá gần nhau, đứa thì ở dãy D, đứa ở dãy A, chạy qua chạy lại chỉ trong một thoáng. Hai cô bé quấn quýt lấy nhau, cả ngày không đứa này ở nhà đứa kia, thì đứa nọ cũng chạy sang nhà đứa này. Hai bà mẹ quen mắt nhìn hai con bé chơi với nhau hằng ngày, lắm lúc cũng chẳng biết đứa nào mới thật là con của mình.  Mỗi chiều, hai cô bé thường rủ nhau đi lễ ở ngôi nhà thờ nhỏ trong cư xá. Thần tượng của hai cô là những bà Xơ ở nhà thờ. Cô nào mà được diễm phúc được bà Xơ sai làm việc này việc nọ thì cứ mê tơi, khoe với nhau nhặng cả lên. Chỉ nhìn các Xơ từ xa xa là hai cô cứ run lên như thần tử kiến long nhan. Không hiếm những lúc hai người ngồi với nhau, mơ được một ngày cũng trở thành bà Xơ, khoác chiếc áo màu đen giản dị, làm việc từ thiện ở những viện mồ côi quanh vùng.

Nhưng năm nay, lúc Tết đang hờ hững trở về, Thuý và Bảo cũng đang âm thầm chuẩn bị một sinh hoạt khác ngoài việc múa hát với bầy trẻ trong cư xá. Hai cô bé tạm quên đi các bà Xơ nghiêm nghị, để sửa soạn một trò chơi rất ư trần tục là tổ chức một đám cưới với nhau. Ý tưởng này là do chị Huyền, chị kế của Thuý, gieo vào đầu óc còn rất đỗi ngây thơ của hai cô bé. Số là thấy hai cô lúc nào cũng xoắn lấy nhau, có hôm chị Huyền cười bảo: “Tao nghĩ hai đứa mày nên lấy nhau cho được việc. Gớm, làm gì mà lúc nào cũng đi kè kè với nhau như hình với bóng!” 

Tưởng chị Huyền chỉ nói chơi, ai ngờ hoá thật. Một hôm, lúc Thuý và Bảo đang ngồi nói chuyện với nhau trước sân nhà Thuý, chị Huyền lại gần hai cô bé, thì thào: “Hai đứa nghe này! Chị có món đãi đám cưới cho chúng mày rồi đấy!” Thuý và Bảo trố mắt nhìn chị Huyền: “Thật sao chị?” Chị Huyền cười rạng rỡ: “Lại chả thật! Này nhé, trời xui đất khiến thế nào mà lại có một con gà mái tơ của ai đi lạc vào sau vườn nhà mình khoảng hai tuần nay mà không ai đi tìm cả. Hôm ấy chị sẽ bắt nó, làm lông, cho vào nồi luộc để làm cỗ cưới cho hai đứa nhé!” Thuý thắc mắc: “Vậy là mình ăn gà luộc thôi hở chị?” Chị Huyền nói giọng đắc thắng: “Luộc thế nào được, ngu ạ! Tao lấy một ít miến của mẹ trong bếp, nấu cho chúng mày cả nồi miến gà đấy. Tha hồ mà đánh chén nhá!” 

Thế là chị Huyền trở thành vị chủ hôn cho hai đứa. Chị còn sốt sắng bày vẽ thêm cho đám cưới sắp tới thêm phần thú vị. Chị hỏi: “Hai đứa mày định mời những ai? Phải có thiệp cưới hẳn hoi mới được nhé. Tao vẽ thiệp cho. Tao có hoa tay mà!” Thuý và Bảo mừng húm, ngồi nặn óc tuyển chọn khoảng năm sáu đứa bạn thân trong cư xá để gởi thiệp mời. Thuý còn đi xa hơn chút nữa, nói với chị Huyền: “Chị nhớ viết trên thiệp là ngày vui của “Lê Nguyễn nhập thiên thai”, chị nhé!” Bảo phục Thuý ra mặt. Cô bạn của mình thường ngày trông láu táu, lí lắc là thế mà cũng sâu sắc, văn chương nghệ thuật ra phết! Trong hai đứa, Bảo ít nói, rụt rè hơn, còn Thuý lúc nào cũng bặt thiệp, xã giao, đặc biệt là mê đọc sách và thích âm nhạc. Thuý họ Lê, Bảo họ Nguyễn, khiến Thuý liên tưởng đến truyền thuyết Lưu Nguyễn nhập thiên thai và cải biên thành chủ đề cho đám cưới của hai đứa. 

Chị Huyền làm bộ hốt hoảng: “Ấy chết! Đám cưới xong mà chúng mày nhập thiên thai cả lũ thì tao biết ăn nói làm sao với hai bà mẹ đây?” Nói thế nhưng chị vẫn nắn nót viết lên thiệp theo như lời Thuý yêu cầu. Chị còn vẽ thêm hình hai con chim đang xoải cánh viền quanh thiệp, trông thật bắt mắt. Thiệp mời được hai cô bé hân hoan chạy đi trao tận tay những vị khách danh dự. 

Lúc này, chị Huyền đã thật sự bị cuốn hút vào trò chơi. Chị chọn cho hai cô bé chiều thứ Bảy, lúc đó mẹ của Thuý còn bận bịu với công việc ở tiệm may chưa về. Trong lúc chị Huyền loay hoay với nồi miến gà trong bếp, Thuý và Bảo đi loanh quanh trong cư xá, tìm ngắt những cọng cỏ dài hai bên đường và một ít bông hoa dại để kết thành hai cái vòng hoa chốc nữa sẽ đội lên đầu làm lễ cưới. Trong trí óc ngây thơ của hai cô bé, chẳng có ai là cô dâu hay chú rể cả. Chỉ cần đội vòng hoa đứng bên nhau trước mặt mọi người để được công nhận tình bạn thật khăng khít và vô tư của hai cô bé là vui rồi.  

Năm giờ chiều. “Thực khách” bắt đầu lục tục tới. Các cô bé vừa đi vừa chuyện trò rôm rả, vui vì chưa bao giờ được dự một buổi tiệc đặc biệt như thế này cả. Đám cưới diễn ra thật nhanh và đơn giản. Thuý và Bảo trông bình thường như mọi ngày, hai cô bé vẫn mặc quần áo như khi đi lễ nhà thờ, chỉ có khác là trên đầu mỗi cô có trang điểm một vòng hoa xinh xinh. Chị Huyền gọi tất cả vào nhà bếp, bảo lũ trẻ ngồi xuống bàn rồi lễ mễ bê ra những tô miến gà còn bốc hơi nóng hôi hổi. Chủ khách đều tận tình ăn uống xì xụp, vã cả mồ hôi trán. Chỉ tội có con gà không may đi lạc đã trở thành niềm vui của bầy trẻ.

Chị Huyền không ăn mà chỉ hài lòng đứng ngắm công trình của mình đang được lũ trẻ chiếu cố và thưởng thức tận tình. Chốc chốc, chị lại ngước nhìn cái đồng hồ trên vách. Sắp tới giờ mẹ từ tiệm may về rồi. Chị vội vàng hối thúc lũ trẻ ăn cho mau hết để giải tán kịp thời, cho chị còn có thì giờ thu dọn, không để lại dấu vết gì đáng ngờ. Các cô bé vui vẻ chia tay nhau ra về. Chúng tíu tít ùa ra cổng, gặp đứa nào không được mời ăn cưới cũng khoe: “Tụi này vừa đi ăn cưới con Bảo và con Thuý về, chúng mày ạ! Có cả miến gà nữa.” Thế là một đồn năm, năm đồn mười, chẳng mấy chốc, mẹ của Bảo đã nghe tin Thuý và Bảo mới làm đám cưới bên nhà Thuý.

Lúc này thì Thuý và Bảo vẫn còn vui như Tết vì bữa tiệc bất ngờ vừa qua. Hai cô bé nhảy chân sáo về nhà Bảo để tiếp tục vui cho hết buổi chiều còn lại. Vừa vào đến sân nhà, hai cô bé đã thấy mẹ Bảo hầm hầm đứng chờ sẵn, trên tay cầm cây phất trần to tướng. Bà mắng ngay: “Hai con ranh! Chúng mày vừa làm chuyện tày trời gì đấy? Có biết làm như thế là mất duyên con gái hay không hử con? Lớn lên tha hồ mà ế chồng đấy, con ạ.” Vừa nói, bà vừa tiến tới, dứ dứ cái phất trần trong tay. Hai cô bé hồn phi phách tán, dắt nhau quay trở ra, chạy biến đi để tránh cơn thịnh nộ của bà mẹ.

Hai cô bé cứ thế mà nắm tay đi mãi..., đi mải miết ... trong dòng thời gian trôi qua hối hả, trong lúc cả thành phố cũng đang chuyển mình nhức nhối trong cơn sốt vàng da của thời cuộc. Từng nhà, từng nhà trong cư xá lần lượt trốn đi vượt biên.  Anh em của Thuý và Bảo cũng có vài người đi thoát, ở trại tị nạn vài năm rồi qua Mỹ định cư. Gia đình Thuý cũng  đuợc ông cậu làm giấy tờ bảo lãnh và đang chờ ngày phỏng vấn để đi Mỹ.

Hai cô bạn nhỏ, khỏi nói cũng biết là buồn không thể tả. Nhưng buồn hơn là Bảo, bởi vì Thuý còn có cái háo hức sắp được đi đến một chân trời mới, bên cạnh nỗi buồn sắp phải xa bạn. Còn Bảo thì chưa biết đến chừng nào mới đến lượt mình. Đâu đó trong những niềm vui hằng ngày đã  lẫn những nỗi buồn nhè nhẹ, vì hai cô bé cứ chạnh nghĩ đến ngày phải xa nhau. Không ai bảo ai mà bỗng dưng hai cô lớn hẳn lên, chín chắn thêm ra, vì đây là lần đầu tiên hai cô mới biết thế nào là buồn, là lo cho một ngày mai vô định. 

Nhưng đột nhiên, tình hình lại biến chuyển thật khó lường. Một ngày nọ, mẹ của Bảo liên lạc được với một đường dây vượt biên do một người quen tổ chức. Thế là bà nhắm mắt cho con gái đi theo chuyến ghe đó. Nhờ ơn trên che chở, chuyến vượt biên của Bảo chỉ mới đi chưa đầy một ngày trời trên biển, hãy còn trong hải phận Việt Nam thì đã được một chiếc tàu quốc tế cứu vớt, đưa đến cảng Singapore trong vài ngày rồi chở thẳng thuyền nhân trên tàu qua trại tị nạn Palawan ở Phi Luật Tân. Có ai ngờ Bảo lại đi trước Thuý! Bảo ngỡ ngàng trong giai đoạn quá mới mẻ của cuộc sống. Cô đi chung với một vài người quen trong cư xá chứ không có họ hàng thân thích nào khác. Mỗi ngày trong trại tị nạn là những giây phút mới lạ đối với Bảo. Cô phải học hỏi thật nhiều thứ, tạm quên đi nỗi buồn xa nhà và bạn bè. Cô không viết thư cho Thuý vì chẳng biết bạn mình có còn ở Sài Gòn hay không. Bảo ở trại Palawan trong tám tháng, được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp nhận cho vào Mỹ vì bố cô ngày trước là trung tá trong quân đội cộng hoà.  Bảo cùng hằng trăm người tị nạn khác được đưa đến trại chuyển tiếp Bataan, cách thủ đô Manila hơn trăm cây số đường bộ. Tại đây, Bảo và mọi người được học các lớp Anh ngữ và hướng dẫn văn hoá Hoa Kỳ để chuẩn bị cho ngày định cư chính thức trong vòng sáu tháng tới.

Một buổi xế trưa, Bảo đang cùng vài người bạn trong trại đang đi về nhà sau một buổi học. Bỗng từ trước mặt Bảo đang bước tới một người mà Bảo không thể nào ngờ nổi: Đó không ai khác hơn là Thuý! Hai cô bạn mừng mừng tủi tủi, ôm chầm lấy nhau, cứ ngỡ đang nằm mơ. Gia đình Thuý được chính thức rời Việt Nam theo chương trình Orderly Departure Program. Hoá ra Thuý và gia đình đã đến Bataan được vài tháng rồi. Đây là một khu trại rộng mênh mông, chia thành mười vùng khác nhau. Đi từ vùng này tới vùng kia cuốc bộ cũng được nhưng khá mỏi chân nên nhiều người thường dùng một loại xe lam của dân địa phương để di chuyển cho nhanh. Mỗi ngày còn có nhiều chuyến xe buýt đưa mọi người đến lớp học. Khu trại rộng như thế mà Thuý và Bảo gặp lại nhau thật cũng là hãn hữu. Thế là hai cô lại xoắn lấy nhau (chữ của chị Huyền!) như ngày nào, hàn huyên tưởng như không bao giờ dứt. Khoảng hai tháng sau, gia đình Thuý rời Bataan đi Mỹ sau thời hạn sáu tháng. 

Thời gian lại trôi qua. Hai cô bạn ngày xưa đã gặp lại nhau ở vùng Cali nắng ấm, lại nắm tay nhau chạy như bay theo thời gian đang trôi vun vút, như ngày nào cùng nhau chạy trốn trận đòn của mẹ. Cuộc sống vội vàng nơi xứ người khiến đôi bạn cứ chợt biến chợt hiện trong đời của nhau, vì ai cũng lo sinh kế, lấy chồng, sinh con. Mỗi cô bây giờ đã có một chú rể cho riêng mình, hai người đàn ông yêu thương vợ và biết lo cho gia đình. Thuý có hai trai, một gái. Còn Bảo được một gái, một trai. Nhà cô nào cũng đủ nếp đủ tẻ. Cũng tương tự như bài thơ mà các cô bé đã đọc mở đầu cho màn vũ ngày xưa: “Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân... đến năm mười tám thiếp đà năm con.” Thuý hóm hỉnh nói với Bảo, thật hú vía tụi mình không bị mất duyên và ế như ngày xưa mẹ của Bảo đã lo xa, nhưng cũng không đến nỗi mỗi đứa tụi mình có những năm đứa con!

Gia đình Thuý ở San Diego, cuối miền nam Cali. Nhà Bảo thì ở Little Saigon, thủ phủ của quận Cam. Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa. Nhưng mỗi lần gặp nhau, hai cô tưởng như thời gian và không gian không hề đứt đoạn hay chuyển dịch, cứ gặp nhau là  lại tíu tít với nhau không khác chi ngày trước. Có khác chăng là đề tài các câu chuyện đã hướng về phía con cái, gia đình chứ không chỉ là chuyện cá nhân như xưa. Lúc xa nhau thì hai cô lại bỏ ra hàng giờ để nói chuyện hay nhắn tin cho nhau, điện thoại cứ chốc chốc vui vẻ, réo rắt phát tín hiệu những tin nhắn bay qua bay lại không bao giờ muốn dứt.

Có lần, lúc đang ngồi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp của ngày xưa còn bé, Thuý nói với Bảo: “Bảo này, hôm nào tụi mình phải cùng nhau làm một chầu miến gà thật đặc biệt để nhớ lại ngày xưa, chịu không?” Bảo cười, háy mắt lại với Thuý: “Kiểu như làm anniversary vậy đó hở?” Hai ông chồng đang ngồi nói chuyện với nhau bên cạnh, tình cờ nghe được mẩu đối thoại này, cứ ngẩn cả người ra, chẳng hiểu mô tê gì cả.


Trần C. Trí

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần.
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng...
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to: – Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Anh muốn về thăm Việt Nam, chị cũng vậy. Anh nói với chị: Em à, cũng hai năm rồi, tụi mình chưa về thăm Việt Nam. Anh thấy nhớ quá, nhớ hàng cây dâm bụt, gốc ổi, cây dâu đất ngoài quê anh. Nhất là ngôi nhà có bức tường thành và cái cổng bằng xi măng. Anh đã đem theo hình ảnh đó suốt mấy mươi năm rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ nó. Mình đi về thăm một chuyến em hè...
Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) hai thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẽ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến...
Những ngày cận tết trời Sài Gòn se se lạnh. Cái lạnh mang theo chút nắng hanh làm đẹp hơn bao chiếc áo len buổi sáng những con đường. Khóa học cuối năm chấm dứt bằng đêm văn nghệ toàn trường của đại học sư phạm...
Ngày Tết ai ai cũng nhớ đến bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng là biểu hiệu của đất trời, là tất cả của vũ trụ và của lòng hiếu thảo, có tự truyện từ lâu đời, từ đời vua Hùng Vương xa xưa. Người trong Nam còn gọi là bánh tét, có lẽ là do chữ tiết hay Tết, ý là bánh của ngày Tết...
Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút...
Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc. Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì...
Người Việt tị nạn đã có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại: một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn dó là Phở. Mùi Phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đấy có Phở...
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.