Hôm nay,  

Đám Cưới Ngày Xưa

06/07/202018:23:00(Xem: 3908)

Thân tặng TY và BN

Hai mươi ba tháng Chạp. Hình như năm nay Tết sắp về mà không ai đợi chờ. Sài Gòn bây giờ đang sống trong những ngày mới mẻ. Một cái mới lạ lùng, khó chịu, vì thành phố và cả miền Nam đang ngột ngạt trong một nếp sống lạ lẫm sau ngày phần còn lại của đất nước đã lọt vào tay chính quyền miền Bắc. Người lớn nhìn nhau bằng cặp mắt lo âu, thì thầm trao đổi với nhau những lời lẽ bi quan trước viễn cảnh đen tối của dân tộc. Nhưng tuổi trẻ dường như không bị chi phối bởi thế giới rắc rối của người lớn. Giọng nói, tiếng cười của chúng vẫn ròn rã, trong vắt, không gợn chút ưu tư. Gần như hầu hết bầy trẻ trong cả cư xá đang rộn ràng chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ cuối năm. Thuý và Bảo cũng bị cuốn hút vào không khí tưng bừng đó. Năm nay, hai cô bé—một cô mười tuổi, còn cô kia mười hai—đang tíu tít tập dượt cho một màn vũ truyền thống. Trong màn vũ đó, Thuý và Bảo sẽ múa chung với hai cô bé khác để trình diễn nhạc phẩm "Tình Bắc Duyên Nam".  Mùa xuân cứ thế len lén về theo tiếng nhạc rộn ràng vào những ngày cuối năm.

Thuý và Bảo chơi với nhau từ lúc còn nhỏ xíu. Nhà hai cô bé khá gần nhau, đứa thì ở dãy D, đứa ở dãy A, chạy qua chạy lại chỉ trong một thoáng. Hai cô bé quấn quýt lấy nhau, cả ngày không đứa này ở nhà đứa kia, thì đứa nọ cũng chạy sang nhà đứa này. Hai bà mẹ quen mắt nhìn hai con bé chơi với nhau hằng ngày, lắm lúc cũng chẳng biết đứa nào mới thật là con của mình.  Mỗi chiều, hai cô bé thường rủ nhau đi lễ ở ngôi nhà thờ nhỏ trong cư xá. Thần tượng của hai cô là những bà Xơ ở nhà thờ. Cô nào mà được diễm phúc được bà Xơ sai làm việc này việc nọ thì cứ mê tơi, khoe với nhau nhặng cả lên. Chỉ nhìn các Xơ từ xa xa là hai cô cứ run lên như thần tử kiến long nhan. Không hiếm những lúc hai người ngồi với nhau, mơ được một ngày cũng trở thành bà Xơ, khoác chiếc áo màu đen giản dị, làm việc từ thiện ở những viện mồ côi quanh vùng.

Nhưng năm nay, lúc Tết đang hờ hững trở về, Thuý và Bảo cũng đang âm thầm chuẩn bị một sinh hoạt khác ngoài việc múa hát với bầy trẻ trong cư xá. Hai cô bé tạm quên đi các bà Xơ nghiêm nghị, để sửa soạn một trò chơi rất ư trần tục là tổ chức một đám cưới với nhau. Ý tưởng này là do chị Huyền, chị kế của Thuý, gieo vào đầu óc còn rất đỗi ngây thơ của hai cô bé. Số là thấy hai cô lúc nào cũng xoắn lấy nhau, có hôm chị Huyền cười bảo: “Tao nghĩ hai đứa mày nên lấy nhau cho được việc. Gớm, làm gì mà lúc nào cũng đi kè kè với nhau như hình với bóng!” 

Tưởng chị Huyền chỉ nói chơi, ai ngờ hoá thật. Một hôm, lúc Thuý và Bảo đang ngồi nói chuyện với nhau trước sân nhà Thuý, chị Huyền lại gần hai cô bé, thì thào: “Hai đứa nghe này! Chị có món đãi đám cưới cho chúng mày rồi đấy!” Thuý và Bảo trố mắt nhìn chị Huyền: “Thật sao chị?” Chị Huyền cười rạng rỡ: “Lại chả thật! Này nhé, trời xui đất khiến thế nào mà lại có một con gà mái tơ của ai đi lạc vào sau vườn nhà mình khoảng hai tuần nay mà không ai đi tìm cả. Hôm ấy chị sẽ bắt nó, làm lông, cho vào nồi luộc để làm cỗ cưới cho hai đứa nhé!” Thuý thắc mắc: “Vậy là mình ăn gà luộc thôi hở chị?” Chị Huyền nói giọng đắc thắng: “Luộc thế nào được, ngu ạ! Tao lấy một ít miến của mẹ trong bếp, nấu cho chúng mày cả nồi miến gà đấy. Tha hồ mà đánh chén nhá!” 

Thế là chị Huyền trở thành vị chủ hôn cho hai đứa. Chị còn sốt sắng bày vẽ thêm cho đám cưới sắp tới thêm phần thú vị. Chị hỏi: “Hai đứa mày định mời những ai? Phải có thiệp cưới hẳn hoi mới được nhé. Tao vẽ thiệp cho. Tao có hoa tay mà!” Thuý và Bảo mừng húm, ngồi nặn óc tuyển chọn khoảng năm sáu đứa bạn thân trong cư xá để gởi thiệp mời. Thuý còn đi xa hơn chút nữa, nói với chị Huyền: “Chị nhớ viết trên thiệp là ngày vui của “Lê Nguyễn nhập thiên thai”, chị nhé!” Bảo phục Thuý ra mặt. Cô bạn của mình thường ngày trông láu táu, lí lắc là thế mà cũng sâu sắc, văn chương nghệ thuật ra phết! Trong hai đứa, Bảo ít nói, rụt rè hơn, còn Thuý lúc nào cũng bặt thiệp, xã giao, đặc biệt là mê đọc sách và thích âm nhạc. Thuý họ Lê, Bảo họ Nguyễn, khiến Thuý liên tưởng đến truyền thuyết Lưu Nguyễn nhập thiên thai và cải biên thành chủ đề cho đám cưới của hai đứa. 

Chị Huyền làm bộ hốt hoảng: “Ấy chết! Đám cưới xong mà chúng mày nhập thiên thai cả lũ thì tao biết ăn nói làm sao với hai bà mẹ đây?” Nói thế nhưng chị vẫn nắn nót viết lên thiệp theo như lời Thuý yêu cầu. Chị còn vẽ thêm hình hai con chim đang xoải cánh viền quanh thiệp, trông thật bắt mắt. Thiệp mời được hai cô bé hân hoan chạy đi trao tận tay những vị khách danh dự. 

Lúc này, chị Huyền đã thật sự bị cuốn hút vào trò chơi. Chị chọn cho hai cô bé chiều thứ Bảy, lúc đó mẹ của Thuý còn bận bịu với công việc ở tiệm may chưa về. Trong lúc chị Huyền loay hoay với nồi miến gà trong bếp, Thuý và Bảo đi loanh quanh trong cư xá, tìm ngắt những cọng cỏ dài hai bên đường và một ít bông hoa dại để kết thành hai cái vòng hoa chốc nữa sẽ đội lên đầu làm lễ cưới. Trong trí óc ngây thơ của hai cô bé, chẳng có ai là cô dâu hay chú rể cả. Chỉ cần đội vòng hoa đứng bên nhau trước mặt mọi người để được công nhận tình bạn thật khăng khít và vô tư của hai cô bé là vui rồi.  

Năm giờ chiều. “Thực khách” bắt đầu lục tục tới. Các cô bé vừa đi vừa chuyện trò rôm rả, vui vì chưa bao giờ được dự một buổi tiệc đặc biệt như thế này cả. Đám cưới diễn ra thật nhanh và đơn giản. Thuý và Bảo trông bình thường như mọi ngày, hai cô bé vẫn mặc quần áo như khi đi lễ nhà thờ, chỉ có khác là trên đầu mỗi cô có trang điểm một vòng hoa xinh xinh. Chị Huyền gọi tất cả vào nhà bếp, bảo lũ trẻ ngồi xuống bàn rồi lễ mễ bê ra những tô miến gà còn bốc hơi nóng hôi hổi. Chủ khách đều tận tình ăn uống xì xụp, vã cả mồ hôi trán. Chỉ tội có con gà không may đi lạc đã trở thành niềm vui của bầy trẻ.

Chị Huyền không ăn mà chỉ hài lòng đứng ngắm công trình của mình đang được lũ trẻ chiếu cố và thưởng thức tận tình. Chốc chốc, chị lại ngước nhìn cái đồng hồ trên vách. Sắp tới giờ mẹ từ tiệm may về rồi. Chị vội vàng hối thúc lũ trẻ ăn cho mau hết để giải tán kịp thời, cho chị còn có thì giờ thu dọn, không để lại dấu vết gì đáng ngờ. Các cô bé vui vẻ chia tay nhau ra về. Chúng tíu tít ùa ra cổng, gặp đứa nào không được mời ăn cưới cũng khoe: “Tụi này vừa đi ăn cưới con Bảo và con Thuý về, chúng mày ạ! Có cả miến gà nữa.” Thế là một đồn năm, năm đồn mười, chẳng mấy chốc, mẹ của Bảo đã nghe tin Thuý và Bảo mới làm đám cưới bên nhà Thuý.

Lúc này thì Thuý và Bảo vẫn còn vui như Tết vì bữa tiệc bất ngờ vừa qua. Hai cô bé nhảy chân sáo về nhà Bảo để tiếp tục vui cho hết buổi chiều còn lại. Vừa vào đến sân nhà, hai cô bé đã thấy mẹ Bảo hầm hầm đứng chờ sẵn, trên tay cầm cây phất trần to tướng. Bà mắng ngay: “Hai con ranh! Chúng mày vừa làm chuyện tày trời gì đấy? Có biết làm như thế là mất duyên con gái hay không hử con? Lớn lên tha hồ mà ế chồng đấy, con ạ.” Vừa nói, bà vừa tiến tới, dứ dứ cái phất trần trong tay. Hai cô bé hồn phi phách tán, dắt nhau quay trở ra, chạy biến đi để tránh cơn thịnh nộ của bà mẹ.

Hai cô bé cứ thế mà nắm tay đi mãi..., đi mải miết ... trong dòng thời gian trôi qua hối hả, trong lúc cả thành phố cũng đang chuyển mình nhức nhối trong cơn sốt vàng da của thời cuộc. Từng nhà, từng nhà trong cư xá lần lượt trốn đi vượt biên.  Anh em của Thuý và Bảo cũng có vài người đi thoát, ở trại tị nạn vài năm rồi qua Mỹ định cư. Gia đình Thuý cũng  đuợc ông cậu làm giấy tờ bảo lãnh và đang chờ ngày phỏng vấn để đi Mỹ.

Hai cô bạn nhỏ, khỏi nói cũng biết là buồn không thể tả. Nhưng buồn hơn là Bảo, bởi vì Thuý còn có cái háo hức sắp được đi đến một chân trời mới, bên cạnh nỗi buồn sắp phải xa bạn. Còn Bảo thì chưa biết đến chừng nào mới đến lượt mình. Đâu đó trong những niềm vui hằng ngày đã  lẫn những nỗi buồn nhè nhẹ, vì hai cô bé cứ chạnh nghĩ đến ngày phải xa nhau. Không ai bảo ai mà bỗng dưng hai cô lớn hẳn lên, chín chắn thêm ra, vì đây là lần đầu tiên hai cô mới biết thế nào là buồn, là lo cho một ngày mai vô định. 

Nhưng đột nhiên, tình hình lại biến chuyển thật khó lường. Một ngày nọ, mẹ của Bảo liên lạc được với một đường dây vượt biên do một người quen tổ chức. Thế là bà nhắm mắt cho con gái đi theo chuyến ghe đó. Nhờ ơn trên che chở, chuyến vượt biên của Bảo chỉ mới đi chưa đầy một ngày trời trên biển, hãy còn trong hải phận Việt Nam thì đã được một chiếc tàu quốc tế cứu vớt, đưa đến cảng Singapore trong vài ngày rồi chở thẳng thuyền nhân trên tàu qua trại tị nạn Palawan ở Phi Luật Tân. Có ai ngờ Bảo lại đi trước Thuý! Bảo ngỡ ngàng trong giai đoạn quá mới mẻ của cuộc sống. Cô đi chung với một vài người quen trong cư xá chứ không có họ hàng thân thích nào khác. Mỗi ngày trong trại tị nạn là những giây phút mới lạ đối với Bảo. Cô phải học hỏi thật nhiều thứ, tạm quên đi nỗi buồn xa nhà và bạn bè. Cô không viết thư cho Thuý vì chẳng biết bạn mình có còn ở Sài Gòn hay không. Bảo ở trại Palawan trong tám tháng, được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp nhận cho vào Mỹ vì bố cô ngày trước là trung tá trong quân đội cộng hoà.  Bảo cùng hằng trăm người tị nạn khác được đưa đến trại chuyển tiếp Bataan, cách thủ đô Manila hơn trăm cây số đường bộ. Tại đây, Bảo và mọi người được học các lớp Anh ngữ và hướng dẫn văn hoá Hoa Kỳ để chuẩn bị cho ngày định cư chính thức trong vòng sáu tháng tới.

Một buổi xế trưa, Bảo đang cùng vài người bạn trong trại đang đi về nhà sau một buổi học. Bỗng từ trước mặt Bảo đang bước tới một người mà Bảo không thể nào ngờ nổi: Đó không ai khác hơn là Thuý! Hai cô bạn mừng mừng tủi tủi, ôm chầm lấy nhau, cứ ngỡ đang nằm mơ. Gia đình Thuý được chính thức rời Việt Nam theo chương trình Orderly Departure Program. Hoá ra Thuý và gia đình đã đến Bataan được vài tháng rồi. Đây là một khu trại rộng mênh mông, chia thành mười vùng khác nhau. Đi từ vùng này tới vùng kia cuốc bộ cũng được nhưng khá mỏi chân nên nhiều người thường dùng một loại xe lam của dân địa phương để di chuyển cho nhanh. Mỗi ngày còn có nhiều chuyến xe buýt đưa mọi người đến lớp học. Khu trại rộng như thế mà Thuý và Bảo gặp lại nhau thật cũng là hãn hữu. Thế là hai cô lại xoắn lấy nhau (chữ của chị Huyền!) như ngày nào, hàn huyên tưởng như không bao giờ dứt. Khoảng hai tháng sau, gia đình Thuý rời Bataan đi Mỹ sau thời hạn sáu tháng. 

Thời gian lại trôi qua. Hai cô bạn ngày xưa đã gặp lại nhau ở vùng Cali nắng ấm, lại nắm tay nhau chạy như bay theo thời gian đang trôi vun vút, như ngày nào cùng nhau chạy trốn trận đòn của mẹ. Cuộc sống vội vàng nơi xứ người khiến đôi bạn cứ chợt biến chợt hiện trong đời của nhau, vì ai cũng lo sinh kế, lấy chồng, sinh con. Mỗi cô bây giờ đã có một chú rể cho riêng mình, hai người đàn ông yêu thương vợ và biết lo cho gia đình. Thuý có hai trai, một gái. Còn Bảo được một gái, một trai. Nhà cô nào cũng đủ nếp đủ tẻ. Cũng tương tự như bài thơ mà các cô bé đã đọc mở đầu cho màn vũ ngày xưa: “Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân... đến năm mười tám thiếp đà năm con.” Thuý hóm hỉnh nói với Bảo, thật hú vía tụi mình không bị mất duyên và ế như ngày xưa mẹ của Bảo đã lo xa, nhưng cũng không đến nỗi mỗi đứa tụi mình có những năm đứa con!

Gia đình Thuý ở San Diego, cuối miền nam Cali. Nhà Bảo thì ở Little Saigon, thủ phủ của quận Cam. Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa. Nhưng mỗi lần gặp nhau, hai cô tưởng như thời gian và không gian không hề đứt đoạn hay chuyển dịch, cứ gặp nhau là  lại tíu tít với nhau không khác chi ngày trước. Có khác chăng là đề tài các câu chuyện đã hướng về phía con cái, gia đình chứ không chỉ là chuyện cá nhân như xưa. Lúc xa nhau thì hai cô lại bỏ ra hàng giờ để nói chuyện hay nhắn tin cho nhau, điện thoại cứ chốc chốc vui vẻ, réo rắt phát tín hiệu những tin nhắn bay qua bay lại không bao giờ muốn dứt.

Có lần, lúc đang ngồi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp của ngày xưa còn bé, Thuý nói với Bảo: “Bảo này, hôm nào tụi mình phải cùng nhau làm một chầu miến gà thật đặc biệt để nhớ lại ngày xưa, chịu không?” Bảo cười, háy mắt lại với Thuý: “Kiểu như làm anniversary vậy đó hở?” Hai ông chồng đang ngồi nói chuyện với nhau bên cạnh, tình cờ nghe được mẩu đối thoại này, cứ ngẩn cả người ra, chẳng hiểu mô tê gì cả.


Trần C. Trí

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Dường như con người có thể phát tiết ra khả năng kỳ lạ để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh sống mà có lẽ chính họ đôi khi cũng không ngờ. Khi một người bị khuyết tật từ thuở ấu thời thì họ có thể phát triển một thứ khả năng kỳ diệu đến mức bất khả tư nghì đề bù đắp lại phần bị mất mát. Người chị Thứ Ba của tôi là điển hình như thế. / It appears to be that people can foster an uncanny capacity to adjust to conditions and circumstances that they may not know about. When a person has a disability since childhood, they can have an incredible ability to compensate for the loss. My Third Sister is such an example.
Không hiểu lý do nào ông bà Hai lấy tên Hụi để đặt cho con mình. Lúc còn nhỏ, Hụi trông khôi ngô sáng sủa lắm. Hụi lại ít bị bệnh hoạn và rất chóng lớn. Năm lên bốn tuổi, Hụi đã lớn kịp anh ruột mình là Hùng, lớn hơn Hụi hai tuổi. Hai anh em cũng ham chơi, cũng nghịch ngợm như bao trẻ con cùng trang lứa trong vùng...
Thật ra, cho đến ngày "tan hàng" khăn gói đi tù, Nhạc chưa có một căn nhà cho vợ con chui ra, chui vào. Là một sĩ quan ở đơn vị tác chiến, anh chẳng có phương tiện gì để làm ra tiền, ngoài một đám lính chỉ biết bóp cò, gài mìn và hô xung phong, khi đụng trận. Với số lương trung úy, cộng thêm một vợ, ba con, được khoảng bốn chục ngàn đồng một tháng, mà tiền để xây hay mua một căn nhà nho nhỏ cũng gần hơn triệu bạc, nên Nhạc cứ khất đi, khất lại hoài, với Hậu...
Người Việt bị người Tàu đô hộ hàng ngàn năm, các triều đại phong kiến Tàu ra sức hủy diệt văn hóa Việt, đồng hóa người Việt, sáp nhập đất Việt vào đất Tàu. Lịch sử cho thấy họ không thể làm được việc đó. Người Việt vẫn giữ được nước và bản sắc văn hóa riêng của mình, tuy nhiên bị ảnh hưởng nặng nề về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, tư tưởng, thể chế chính trị…
Buổi sáng thênh thang. Nắng dịu dàng vướng trên những ngọn cây. Được nghỉ hai giờ đầu, thằng bé học trò chạy xe qua Phú Nhuận, thả dài lên Tân Định hóng gió. Sài Gòn sớm mai như cô gái vẫn còn ngái ngủ. Tóc mượt mà đen thẫm trên mặt gối trắng tinh. Thằng bé học trò không biết đi đâu. Một tay cầm chắc tay lái chiếc Honda Dame, tay kia thỉnh thoảng lại đưa lên đẩy cặp mắt kính cận cứ chực tuột xuống. Cặp mắt kính thay đã lâu lắm rồi, bây giờ nhìn mọi thứ đã bắt đầu mờ ảo, nhưng chưa dám xin tiền bố mẹ để thay. Con đường Hai Bà Trưng ngập nắng. Chợt một tấm biển quảng cáo phía trên một cửa tiệm đập vào mắt thằng bé học trò. Và nó sực nhớ đã đến lúc phải khám, phải đo xem mắt có tăng độ hay không rồi. Hai con mắt không cận thị bằng nhau, một bên ba độ rưỡi, một bên hai độ bảy mươi lăm. Và cả hai bên nhìn cuộc sống đều nhòe nhoẹt như nhau.
An lớn lên bên cạnh mẹ từ tấm bé, đến khi có trí khôn hiểu biết em cũng chỉ thấy có mẹ. Em không thắc mắc dù trên khai sinh của em tên cha là vô danh. Một đôi lần hiếm hoi lúc mẹ con gần khít bên nhau, rảnh rang như đi hè, ngồi trên bãi biển, trời cao gió mát, biển mênh mông, An vô tình hỏi mẹ vô danh là gì? Mẹ trả lời là không có tên, rồi mẹ cũng giải thích thêm là, ba đi buôn bán xa, tận ngoài Bắc hay đâu đó, bên tàu bên tây, đi lâu quá là lâu rồi, cũng quên liên lạc về nhà nên phải khai như vậy, đặng con có giấy khai sinh đi học...
Thỉnh thoảng, tôi vẫn hồi tưởng lại thời gian hai năm dịch Covid hoành hành, chuyện khẩu trang, cách ly, hand sanitizers, vaccine Pfizer, Astrazeneca... đặng mai mốt còn kể lại cho đám cháu chắt nghe. Chúng sẽ không thể tưởng tượng nổi những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua, lo lắng, buồn phiền, âu sầu với những hệ lụy còn kéo dài sau đó. Nhưng hôm nay tôi xin nhớ lại chuyện vui, dẫu sao cũng là chút “điểm sáng vui vẻ” trong những tháng ngày u ám đó...
Chúng tôi rời toà nhà “Tuyên Bố Độc Lập” để đến Quảng Trường Lịch Sử xem chiếc Chuông Tự Do (Liberty Bell) nổi tiếng. “Chuông Tự Do” với đường nứt của nó đã dính liền với nhiều biến cố lịch sử. Những câu chuyện về chuông đôi khi đã trở thành huyền thoại rất nhiều thú vị và cũng đã gây nhiều tranh cãi. Một điều chính yếu mà mọi người công dân Hoa Kỳ không ai chối bỏ và hãnh diện, đó là: “Chuông Tự Do” là một biểu tượng của nền độc lập Hoa Kỳ...
Gia đình tôi có sáu anh chị em. Trước 1975, bố tôi là một công chức, mẹ tôi nội trợ, cho nên cuộc sống rất thanh bạch. Cả nhà theo Đạo Phật kiểu truyền thống gia đình, giống như nhiều gia đình Việt khác. / My family has six siblings. My life was very simple before 1975 because my father was a civil servant and my mother was a housewife. Like many Vietnamese families, my entire family practices traditional Buddhism....
Căn nhà của cha mẹ tôi dựng trên một khu đất rộng, chung quanh có hàng rào, là những cây chè tàu được cắt ngay hàng thẳng lối, có cổng ra vào được xây cao, có bức tường thành bằng quánh bao bọc...
Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa / Cho lòng già nặng sầu thương / Con đi say tình viễn xứ / Đâu có quên tình cố hương...
Tháng 5, tháng diễn ra lễ mừng Mother Day ở nhiều nước trên thế giới. Đó là ngày nhắc nhở để nhân loại biết tôn vinh người Mẹ và tình mẹ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.