Hôm nay,  

Thư Viết Từ Miền Xa

19/06/202000:00:00(Xem: 3520)
HINH THU VIET TU MIEN XA
Cha dẫn con đi trên đường đời.(www.pixabay.com)
 
Cha kính yêu! 
 
Sáng nay như những buổi sáng khác, cô gái theo thói quen đi dạo dọc bờ biển, vừa để hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai, vừa để tập thể dục. Trên bãi biển lác đác vài người chạy bộ, hoặc đi xe đạp. Quang cảnh bình yên, gió thổi nhè nhẹ, từng con sóng bạc đầu xô vào bờ êm đềm như hát rồi nhẹ nhàng xoá đi những vết chân in hằn trên cát trả về cho cát sự phẳng lì và mịn màng vốn có. Nơi xa xa mặt trời đỏ rực đang nhô lên từ dưới biển, mặt biển và bầu trời được nhuộm một màu đỏ cam đẹp đẽ xen kẽ những đám mây và sắc xanh của nền trời buổi sớm mai tạo thành một bức tranh vô cùng hoàn mỹ. Cô gái bỗng dừng chân, tầm mắt nhìn về hướng cách cô không xa, một người đàn ông cao lớn đang nắm tay một bé gái nhỏ xinh đi ngược về phía cô, bé gái kéo cha đuổi theo con sóng rồi vội vã chạy lên bờ như sợ sóng đuổi kịp, cả hai đều cười đùa vui vẻ. Nhìn cảnh thân thương ấy tự nhiên con bất chợt muốn khóc, có thứ gì dâng nghẹn trong cổ. Có một nỗi nhớ như máu thịt trong con, không hiện hữu nhưng lúc nào cũng tồn tại để chỉ cần một khung cảnh, một hình dáng, một ý nghĩ thoáng qua cũng làm con dâng lên trong lòng nỗi nhớ quay quắt. Con nhớ Cha của con, nhớ da diết, người Cha tóc bạc sớm khi tuổi còn rất trẻ vì cả đời vất vả nuôi con. 
 
Mỗi sáng sớm con tản bộ ở bờ biển này con lại nhìn về nơi xa tít đường chân trời phía bên kia bờ đại dương là quê hương, có gia đình, có người thân thương và có Cha của con. Chắc hẳn Cha cũng đang ở phía xa nói với Mẹ về con và nhớ con Cha nhỉ. Những ngày tháng êm đềm sống bên Cha, là những tháng ngày hạnh phúc nhất đời con. Đôi khi con ước giá như không bao giờ phải trưởng thành và rời xa vòng tay yêu thương chìu mến của Cha, để con mãi là cô con gái bé nhỏ lẫm chẫm bám lấy chân Cha không bao giờ rời đi. Nhưng con biết còn niềm vui lớn lao nào hơn khi Cha được nhìn thấy con gái khôn lớn, tìm cho mình một bến đỗ hạnh phúc, và con gái may mắn tìm được cho mình một nửa yêu thương của cuộc đời. Đó là lúc con phải rời xa gia đình, rời xa người Cha kính yêu của con đi làm dâu xứ lạ. Đôi khi một cô gái lớn lên trong vòng tay và sự yêu thương bảo bọc của Cha bỗng nay phải rời xa, thật xa...thì nỗi nhớ không còn là đơn giản.
 
Cha ơi! con nhớ Cha nhiều lắm! Nhớ những câu chuyện mà Cha thường hay kể trong những lúc cả gia đình quây quần bên bữa cơm tối. Ngày đó khi con ốm nặng, Cha Mẹ cùng đưa con đến cơ sở y tế bằng chiếc xe đạp lọc cọc. Trên con đường làng gồ ghề  trải đầy đá sỏi, chiếc xe oằn mình cõng sức nặng lóc ca lóc cóc lao về phía trước thật nhanh. Hình ảnh Cha tay dắt chiếc xe đạp xẹp lốp thất thểu như người vô hồn, Mẹ theo sau trên tay bế cô con gái nhỏ được lót trong những chiếc lá sen hái vội bên đường. Nhà mình nghèo quá! Làm sao có đủ tã cho con, bao nhiêu quần áo còn lành lặn của Cha Mẹ, đều được cắt ra làm tã lót cho cô con gái nhỏ. Suốt đoạn đường đi con vừa ói, vừa đi ngoài không ngớt, tất cả những gì Cha kịp mang theo cho con đều bẩn và ướt hết. Cha lội xuống đồng hái lá sen dọc hai bên đường lót cho con thay tã. Trong ráng chiều dày đặc mây đen, dáng hai người liêu xiêu gầy ốm in bóng giữa cánh đồng lúa xanh rì, trải dài bát ngát không một bóng nhà. Vài đứa trẻ chăn trâu ngang qua nhìn thấy cô con gái nhỏ mệt lã nằm tím tái trong chiếc lá sen rách bươm, liền chỉ chỏ xì xào.  Chúng nói Cha Mẹ đang ẵm đứa nhỏ đã chết, chắc là mang ra đồng chôn. Cha nói nếu ngày đó trời đổ mưa giông chắc chắn con sẽ không qua khỏi, vì giữa cánh đồng hoang vắng không thể nào tìm được chổ trú chân cho khỏi ướt. Mây đen kéo đến mỗi lúc một nhiều làm tối sầm cả trời đất, gió thổi ngược chiều hất tung những vạt áo vá của Cha Mẹ. Để tránh gió bụi, Mẹ dùng chiếc nón lá cũ sờn để che chắn cho con, sức gió vô tình kéo theo cả nón lẫn người giật ngược lại phía sau, khiến đường đi đến cơ sở y tế càng xa hơn. Trời không làm mưa rơi sao khuôn mặt Cha Mẹ con lúc đó lại nhạt nhòa ướt, những giọt nước long lanh mặn đắng thi nhau chảy dài trên đôi gò má xương gầy.
 
Con nhớ những đêm mưa ngày con còn nhỏ xíu, không khí lạnh và ẩm mốc lại khiến con thở dốc từng cơn, Cha cùng Mẹ thức trắng đêm thay phiên nhau vác con trên vai vỗ về lưng cho con dễ thở. Và những lúc ấy Cha lại đội mưa đi đập cửa từng nhà để xin lá cây thuốc về giã lọc lấy nước đút từng muỗng nhỏ cho con uống. Khi con gái đã chìm sâu vào giấc ngủ Cha cũng không nỡ đặt con xuống giường sợ làm con giật mình tỉnh giấc. Cha ôm chặt con trong lòng rồi Cha nhẹ nhàng ngồi tựa lưng vào tường tranh thủ chợp mắt. Vậy mà sáng ra Cha nào có được nghỉ ngơi, vẫn phải ra đồng làm việc từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về nhà. Hễ nghe ai nói có loại lá cây nào có thể chữa được căn bệnh khó thở của con, Cha đều không ngần ngại lặn lội đi tìm cho bằng được. Trong cái đói đến cồn cào ruột gan, cơm không đủ lót lòng, áo không đủ che thân, thì làm gì có tiền để mà mua thuốc, có tiền để đưa con đi gặp bác sĩ. Cha chỉ còn biết dành hết tình thương yêu vô bờ cho con với hi vọng con gái nhỏ của Cha sẽ vượt qua được mọi hết bệnh tật.
 
Con nhớ tuổi thơ cơ cực, nhà quá nghèo nên những đêm đông giá rét, trong khi con đang say giấc nồng cuộn mình trong chăn ấm, thì Cha của con một mình giữa đồng nước mênh mông hay sông dài hoang vắng, lội bì bõm trong làn nước lạnh buốt cắt da cắt thịt, gió rít từng cơn, mưa phùn lất phất, tìm con cá con tôm bắt mang về cho cô con gái nhỏ có thêm bữa ăn ngon hay đem ra chợ bán những thứ Cha bắt được đổi cho con chiếc áo mới, đôi dép xinh, quyển sách hay chỉ là cây bút chì màu con ao ước đã lâu...
 
Cha ơi! con nhớ Cha, nhớ khoảnh khắc được Cha cho ngồi trên vai, vai Cha thật vững, người Cha thật cao, tay Cha thật khoẻ. Trên vai Cha con thấy con thật oách, con tưởng con cao nhất, từ trên này như nhìn được cả thế giới. Tay con nắm chặt mái tóc dày loà xoà của Cha, miệng cười toe theo nhịp bước Cha đi. Cha sẽ đưa con đến một cây đầy trái chín, từ trên cao con dễ dàng hái được nhiều trái. Cha sẽ đưa con ra gần chỗ Mẹ và lén cùng con giật mái tóc mềm mượt của Mẹ, hôn trộm khi Mẹ đang mải bận rộn với việc bếp núc hay may vá thêu thùa.
 
Con nhớ Cha, nhớ cảm giác được Cha cõng trên lưng khi cùng Cha đi dạo, Cha giang hai tay làm chim hay máy bay và nghiêng trái nghiêng phải như chao liệng, hai Cha con hò reo ầm ĩ để mọi người xung quanh chú ý tránh đường cho Cha con cùng “bay”. Con thiệt thích trò chơi này, cảm giác như mình đang được bay thật sự, cánh tay con đưa lên cao, những ngón tay nhỏ xíu như muốn chạm đến bầu trời xanh bao la.
 
Con nhớ Cha của con vẫn thường đạp chiếc xe đạp cũ, chở con ngồi phía sau Cha còng lưng đạp lên dốc rồi cùng con cười khanh khách khi thả xuống con dốc dài ngoằn nghèo trong niềm vui bình dị. Con nhớ Cha của con đạp xe lúc trời trưa nắng đưa con đi học trường xa, lưng áo Cha lấm tấm giọt mồ hôi, rồi Cha không nỡ về mà ngồi thẫn thờ trước cổng trường chờ con học xong trong cái nắng chang chang hay trong buổi chiều mưa tầm tã. Dáng Cha gầy, mắt sâu vì mất ngủ, tuổi trẻ lam lũ làm Cha như già hơn tuổi, Cha ngồi cô đơn mắt đăm đăm nhìn về hướng con đang học chắc Cha đang tưởng tượng đứa con gái nhỏ của Cha trong lớp học thế nào... nghĩ thôi mà con lại rưng rưng muốn khóc rồi Cha ơi!
 
Con nhớ những buổi chiều tan học về, Cha giúp con tập xe đạp, chiếc xe to, người con nhỏ, Cha giữ chặt xe khuyến khích con tự tin mà đạp, mồ hôi nhễ nhại mải miết chạy theo sau xe con không mệt mỏi. Tiếp thêm nghị lực cho con cố gắng hết lần này đến lần khác để con không bỏ cuộc vì ngại khó. Nhớ cả cách Cha nhanh nhẹn đỡ lấy chiếc xe khi xe chao nghiêng giúp con khỏi ngã. Cha cho con cảm giác hoàn toàn yên tâm vì lúc nào cũng có Cha sẵn sàng ở đó, bên cạnh bảo vệ cho con trong mọi lúc mọi nơi. 
 
Cha ơi! con còn nhớ cả cái cách Cha tập cho con biết bơi, Cha kiên nhẫn và đồng hành, miệt mài giúp con làm thế nào lấy hơi, làm sao để thở dưới nước cho đúng, cách quờ tay, đạp chân sao cho con lướt đi trên mặt nước nhanh chóng và an toàn. Trên con sông quê yên bình, hình ảnh người phụ nữ là Mẹ đang ngồi giặt bằng tay cẩn thận từng bộ quần áo lấm lem của con ở trên bờ. Cha thì đang dạy con gái tập bơi dưới bến sông, tiếng cười cứ thế mỗi lúc một vang xa làm náo loạn hết cả một đoạn sông dài vắng vẻ. Bức tranh sống động đẹp đẽ ấy đã khắc sâu vào tận trong tim con, và con sẽ mang theo chúng trong suốt hành trình của cuộc đời mình.
 
Con nhớ cả món quà đầu tiên trong đời con nhận được là chiếc vòng đeo tay Cha đã tỉ mỉ làm từ chiếc móc quần áo bằng nhôm đã hỏng mà người ta vất đi. Ừ! chiếc vòng của con nhà nghèo chẳng có giá trị gì nhưng con quý đến mức con đã đeo theo nó suốt, ngay cả khi con đã vào đại học. Đôi khi được bạn bè dò hỏi tỏ vẻ tò mò, châm chọc, con vẫn tự hào mà khoe với họ rằng đó là món quà quý giá Cha đã dành tặng cho con.  Sau này cha có thể mua cho con nhiều chiếc vòng khác xinh đẹp và đắt giá hơn nhưng con vẫn không nỡ bỏ chiếc vòng đầu tiên bằng nhôm ấy. Với con nó đáng giá hơn cả bất cứ thứ giá trị gì trên đời, bởi con biết giá trị không phải ở chiếc vòng mà ở tình thương yêu Cha đã dành cho cô con gái nhỏ của mình.
 
Con nhớ Cha lắm Cha ơi! Nhớ cái ngày quan trọng khi Cha quyết định chuyển cả gia đình mình vào trong Miền Nam Việt Nam sinh sống, nhờ dịp may được người bà con mời Cha vào thăm miền Nam cho biết. Cuộc sống trong Nam khác quá, người dân hiền hòa chất phát với khuôn mặt thân thiện cởi mở, đâu phải lúc nào cũng hằn nét khắc khổ như người dân quê mình Cha nhỉ? Đời sống vật chất của họ cũng thật dư giả, ngay cả đến con heo một con vật vô tri vô giác người ta nuôi để làm thịt bán, vậy mà chúng còn được ăn cơm trắng, ăn những ngọn rau xanh non mơn mỡn. Trái ngược hoàn toàn với khung cảnh trên chiếc chiếu trải ngoài sân nhà không có đèn đuốc, dưới ánh trăng vằng vặc, soi bóng trong mắt Cha nồi cơm với toàn khoai độn không thấy cơm đâu, bên đĩa rau muống luộc, chén nước mắm cua đồng mặn đắng. Cha nhìn sang cô con gái nhỏ đang ngồi khoanh bằng chân, tay cầm chén cơm chan nước rau luộc, múc từng muỗng ăn ngon lành nước mắt cha rưng rưng.
 
Con nhớ Cha, nhớ trên chuyến tàu đông đúc năm ấy, có bóng Cha dắt theo gia đình nhỏ, người đàn ông cao lớn trong bộ quần áo nhàu nhĩ, ôm chặt con gái nhỏ trong lòng, dắt theo người vợ chen vào giữa đám đông. Cả gia đình dọn đi, tài sản mang theo mấy bộ quần áo cũ, vài cái trứng gà luộc để lót lòng. Con nhớ giọng Cha ấp áp kể cho Mẹ nghe về tương lai của gia đình mình, về miền đất mới, nơi có rất nhiều nhà cửa, xe cộ. Ở đó con gái nhỏ của Cha sẽ được ăn thật ngon, mặc những bộ quần áo thật đẹp, và học ở những ngôi thật trường rộng lớn  ...Trong đôi mắt ngạc nhiên tròn xoe của con gái nhỏ đang nhìn ra ngoài cửa sổ toa tàu, Cha mỉm cười xoa đầu con, rồi hôn lên đôi má bầu bĩnh của con, trong niềm hạnh phúc vô bờ khi nghĩ về một ngày mai tươi sáng. 
 
Con nhớ Cha lắm Cha ơi! Nhớ những ngày đầu cả gia đình mình chuyển vào Nam sống, Cha dựng nhà trên mảnh đất của người quen cho ở nhờ. Tường nhà Cha chặt tre chẻ ra đan thành hàng rào, rồi lấy bùn nhào lặn xây thành bức tường. Mái nhà lợp bằng lá dừa cũng do Cha đi vào tận trong miệt vùng nước lợ chặt mang về. Một người quen tốt bụng cho gia đình mình mượn đỡ mấy tấm ván cũ đóng lại làm cánh cửa nhà che nắng che mưa. Chưa đầy mấy ngày người quen ấy nhậu say giữa đêm xông đến nhà để đòi lại cánh cửa, còn đi vào bên trong nhà đập phá đồ đạc. Cha chỉ biết dang tay ôm chặt mấy Mẹ con vào lòng để mặc cho người ta muốn làm gì thì làm. May nhờ hàng xóm kịp thời qua can ngăn đưa người say đó về, để lại căn nhà nhỏ đồ đạc rối tung, cánh cửa cũng vỡ nát. Đêm đó con thấy Cha lấy võng chăng ngang cửa nằm trông nhà cho mấy Mẹ con yên tâm ngủ. Trong khung cảnh vắng lặng của đêm tối, tiếng võng kẽo kẹt vang lên theo từng nhịp đong đưa của Cha nghe đến não lòng. Con biết Cha lại có thêm một đêm thức trắng. 
 
Cha ơi! Con nhớ Cha! Nhớ những tháng năm Cha làm việc chăm chỉ, đánh vật với cuộc sống, với cơm áo gạo tiền, chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Mỗi tháng Cha lên kế hoạch quyết tâm phải mua được năm phân vàng, để dành xây căn nhà mơ ước. Nhà mình không có nổi một nơi kín đáo cất giữ tiền dành dụm. Cha liền bỏ vàng vào hộp sữa hết hạn rồi vứt chúng dưới gầm giường trong đống đồ đạc lộn xộn. Cũng nhờ vậy mặc dù trộm mấy lần bẻ khóa cửa vào nhà, nhưng chúng không bao giờ lấy được gì, ngoài cái đài, hay cái tivi đen trắng cũ kỹ. 
 
Con nhớ cả căn nhà nhỏ đầu tiên được xây dựng mới toanh, bao quanh bằng hàng rào gỗ với những dây thường xuân tím biếc leo khắp nơi. Tường nhà quét vôi trắng sạch sẽ, có phòng khách, phòng ngủ và nhà bếp, đặc biệt những cánh cửa rất vững chắc an toàn. Con vui mừng chạy thăm quan khắp nhà, đi từ phòng này dòm một cái, sang phòng khác ngó một cái vừa chạy vừa hò reo không ngớt, bàn tay con chạm vào từng đồ vật trong nhà, luôn miệng khen ngợi. Niềm vui của con lây sang cho cả Cha, con thấy mắt Cha sáng ngời với nụ cười thật rạng rỡ, đúng là một ngày thật khó quên Cha nhỉ? con nhớ cả những trưa hè nóng bức, nhà chỉ có mỗi một cái quạt máy bé tẹo. Cả gia đình mình lau sàn phòng khách thật sạch, đặt quạt máy ở đó, cùng nằm dưới sàn gạch mát lạnh xem tin tức trên tivi tránh cái nóng hầm hập đang phả xuống. Nhưng đó lại là ngôi nhà đẹp nhất trong lòng con, ngôi nhà mà con biết Cha đã phải trả giá bằng rất nhiều mồ hôi và bằng cả nước mắt.  Không còn những tháng ngày thấp thỏm lo sợ người ta đến nhà đuổi đi. Không còn những lúc nửa đêm con giật mình thức giấc, trùm chăn thật kín lắng tai nghe âm thanh xào xạc của lá cây mỗi khi có cơn gió thổi qua, ngỡ đâu trộm lại chui vào nhà. Con nhớ cả tiếng cha vẫn văng vẳng bên tai “Có tiếng động con phải nằm im như ngủ say, phải nằm thật im, sinh mạng là quan trọng, để cho bọn trộm muốn lấy gì thì lấy”
 
Rồi con nhớ khi con đã lớn khôn, ra trường đi làm, nhưng trong lòng Cha con vẫn chỉ là cô con gái bé bỏng ngày nào nên Cha vẫn giúp con thu dọn giường chiếu, chờ cơm nếu con về muộn vì công việc. Hễ mỗi khi nghe con hắt hơi, sổ mũi, hay đau đầu, Cha liền lấy thuốc bẻ ra thật nhỏ rồi đưa cho con uống, buộc dây giày cho con, cắt trái cây mang lên cho con ăn... Đặc biệt Cha còn là chuyên gia tâm lý tình yêu gỡ rối tơ lòng cho con.
 
Con nhớ ngày con đi xa Cha không ngăn cản, không nói câu gì, chỉ đứng yên vuốt tóc rồi len lén thở dài. Chắc rằng Cha rất buồn, để đứa con gái Cha rất yêu thương đi đến một vùng đất mới nơi mà rất xa với sự hiểu biết của Cha, nơi mà Cha không biết bất cứ điều gì từ ngôn ngữ, văn hoá và con người. Chắc rằng Cha cũng rất sợ, rất lo lắng, Cha cũng có hàng tỉ băn khoăn và câu hỏi, lời nói muốn dành cho con nhưng Cha nén lại. Con hăm hở đến vùng đất mới làm sao con hiểu hết nỗi niềm của Cha khi phải tiễn con đi xa, mãi sau này khi niềm phấn khích qua đi, một mình nơi đất khách con mới thấu hiểu nỗi lòng Cha. 
 
Mỗi ngày Cha đều đặn gọi điện thoại cho con, yên lặng nghe con kể về cuộc sống mới, sau đó Cha sẽ mang câu chuyện con kể chia sẻ với hàng xóm xung quanh với niềm hãnh diện và tự hào. Những tháng ngày dịch bệnh Corona là tháng ngày lo lắng nhất của Cha. Lòng Cha bồn chồn không yên mỗi khi xem tin tức nơi đất nước con đang ở, khi nghe số lượng người bệnh gia tăng Cha lo nhiều còn hơn chính con đang ở nơi dịch bệnh, Lần nào Cha cũng nhắc đi nhắc lại phương pháp phòng ngừa dịch bệnh để giữ an toàn cho con nghe đến mức thuộc lòng. 
 
Con nhớ... con nhớ... nhớ rất nhiều, nhớ dáng Cha Mẹ trong mỗi người con gặp ở nơi xa này, đôi khi những quan tâm người khác dành cho con hay con chợt gặp cảnh như trên bãi biển lúc này con lại xúc động rồi chạnh lòng.  Hình bóng Cha của con ngập trong lòng, nỗi nhớ ấy giúp con quên đi nỗi trống trải, sự sợ hãi, niềm cô đơn nơi đất khách. Bởi con biết ở nơi xa kia con luôn có một gia đình, có những người thân yêu cũng đang nhớ con, mãi mãi yêu thương con vô điều kiện, tiếp thêm động lực cho con đối diện với khó khăn và vững vàng hơn trong cuộc sống. Người ta bảo Cha Mẹ là điểm tựa tinh thần vững vàng nhất chỉ đến khi con đi đến vùng đất này con mới hiểu lời nói ấy có ý nghĩa thế nào.
 
Con khỏe, cuộc sống của con cũng rất tốt Cha à! Gia đình chồng con rất tử tế, Ba Má chồng luôn xem con như con gái ruột trong nhà và cũng rất thương yêu con. Còn con Rể của Cha thì Cha biết rồi đó, vẫn luôn nhớ lời Cha dặn không bao giờ dám ức hiếp con gái Cha đâu, nếu có con nhất định sẽ báo với Cha cho Cha tùy ý trách phạt. Hiện tại đang trong mùa đại dịch con gái không bao giờ ra ngoài mà không mang khẩu trang và đeo bao tay, không bao giờ cho tay lên mắt, mũi, miệng, mỗi khi về nhà đều rửa tay thật kỹ bằng nước rửa tay sát trùng. Cha xem! Lời Cha dặn con gái có quên câu nào không? Cha yên tâm rồi nhé!
 
Sau đại dịch con gái nhất định sẽ về thăm nhà, thăm Cha Mẹ. Nhân dịp ngày của Cha con gái nhỏ gửi đến Cha nỗi nhớ tha thiết và nghìn nụ hôn yêu thương, mong Cha Mẹ luôn khoẻ mạnh để một ngày con về thăm, được nắm tay Cha cùng Mẹ đi dạo trên bãi biển. Có thể con cũng muốn vui đùa cùng con sóng như đứa bé gái trên bãi biển sáng nay.
 
Yêu thương vô vàn.
 
Con gái nhỏ của Cha. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.