Hôm nay,  

Mỹ Tho Trong Miền Ký Ức

19/05/202016:36:00(Xem: 6077)

          

Hồi ức một đời của Nguyên Trần

1) Đường Đinh Bộ Lĩnh: chạy dài từ Ngả Tư Chợ Cũ tới dốc đầu Cầu Quây. Ngay Chợ Cũ có phòng mạch bác sĩ Ngô Văn Bỉnh, kế bên là nhà thuốc tây Bùi Khắc Từ. Đoạn giữa đường là rạp hát Viễn Trường ít chiếu phim Tây Phương, phần lớn là phim Tàu, Việt Nam và Ấn Độ. Rạp cũng thường cho mướn tổ chức đại nhạc hội, kịch ban Dân Nam, Túy Hồng… và các đoàn cải lương Thanh Minh, Dạ Lý Hương, Kim Chưởng…

        rap-vien-truong--xua

          Rạp Viễn Trường


Đối diện rạp Viễn Trường là tiệm chụp hình Lâm Tuấn của người đẹp Lâm thị Nhàn, và cũng là nhà của Trúc Giang. Xéo rạp Viễn Trường là trại hòm bà Bảy Nhiểu. Nghe mấy người láng giềng đồn rằng mỗi khi bị ế ẩm thì đêm tối bà xõa tóc vào ngồi trong chiếc hòm trống khấn vái thì hôm sao đắc hàng luôn. Không biết chuyệt thiệt giả ra làm sao nhưng nghe kể cũng thấy ớn.


Qua khỏi trại hòm là phòng mạch thầy Tư Giao chuyện về thuốc nam.

Bên kia đường, xích lên trên một chút về phía rạp Viễn Trường là chùa Ông (Đức Quan Thánh) mà nhiều người Tàu cũng như Việt thường tới cúng bái và xin xăm Ông.

Sát chùa Ông là dãy nhà 2 căn lầu mà một căn trong đó giáo sư Lý Công Chuẩn mướn mở lớp dạy Anh Văn còn căn kia là trường dạy đánh máy William Minh. 

Bỏ con hẻm cạnh bên là dãy phố trệt khoảng 10 căn đa số là cơ sở kinh doanh thương mại như: tiệm hớt tóc và quán cơm tấm bì Bảy Hạp, tiệm cầm đồ Bình Dân của gia đình Võ Ba, nhà may Mỹ Công, tạp hóa Trang Xuân, dépôt nước đá Huê Hưng. Trang Xuân là nhà của bạn Nguyễn Thế Xuân tốt nghiệp ban Sử Điạ Đại Học Sư Phạm, chồng chị Nhàn tiệm chụp hình Lâm Tuấn.

Đối diện là nhà thuốc tây Trần Kiêm Loan do dược sĩ Loan là vợ của dược sĩ Bùi Khắc Từ (nhà thuốc tây Chợ Cũ) mướn phần trước của căn nhà lầu bác Chín Phụng. Kế đó là hảng xà bông Việt Nam.

Đến đây thì chúng ta đã tới Ngã Tư Quốc Tế nổi tiếng rồi đó. Góc Tây Bắc của Ngã Tư là các các gánh cơm tấm bì, bánh canh, xôi trước mặt dãy phố của các tiệm thuốc bắc của người đẹp Hồ Phi Yến, kế đó là tiệm nước Nam Hoa nổi tiếng món banh bao xí mại, tiệm mì chú Ngầu (em chú Phánh) rồi tới biệt thự ông Huyện Hương, tiếp theo là hủ tiếu Phánh Ký ngon nhất nước, tiệm bi da banh bàn Ngọc Thạch rồi tiệm nước Hòa Thạnh.

Bên kia đường tức là cạnh Nam đường Đinh Bộ Lĩnh có tiệm radio Mỹ Tuyến, hàn xì gió đá Tám Danh, nhà thuốc Hồ Duy Thiệt phòng mạch bác sĩ Võ Văn Cẩn mà ông ta không bỏ dấu nên có người gọi đùa là Vo Van Can. Sát vách là tiệm phở Đồng Thanh mà món bò kho xem như đệ nhất Mỹ Tho.


2) Đường Trịnh Hoài Đức: đây là con đường cắt ngang đường Đinh Bộ Lĩnh mà sau này có cái tên là Ngã Tư Quốc Tế. Ngay đầu Ngả Tư là nhà thuốc tây Trần Kiêm Loan cũng là tư gia của một người đẹp khuê các lầu hoa đã làm chết mê chết mệt bao chàng trai trong xóm. Điều đáng nói là tất cả cây si trồng quanh nhà nàng, không biết có phải do thổ nhưỡng xung khắc hay sao mà chẳng có cây nào lớn lên được, khiến sau cùng người đẹp bước xuống thuyền hoa vượt qua sông Bắc Mỹ Thuận lấy chồng Vĩnh Long bỏ lại sau lưng bao cây si ngẩn ngơ ủ rủ thật là tội nghiệp. Xéo mặt hông nhà thuốc tây là dãy phố bà sáu Đức trong đó có căn phố gia đình chị Đỗ Thanh Vân mướn. Chị Vân hiện định cư tại Đức thường viết truyện dưới bút hiệu Vinh Lan. Đối diện nhà chị Thanh Vân là nhà thuốc bắc Đồng An Đường của gia đình họ Chung. Xích vô trong một chút là xóm Chùa Chà của tôi tập họp đủ mọi thành phần xã hội thượng vàng hạ cám. Chạy tới gần cuối đường là đình Điều Hòa nơi thờ phượng linh thiêng mà rất đông người Mỹ Tho tới cúng bái cầu xin nhất là trong dịp lễ Kỳ Yên hằng năm. 

Nằm giữa đường Trịnh Hoài Đức là trường Tàu Tân Dân có đội bóng rổ nổi tiếng thường mời các đội bóng chuyên nghiệp Sài Gòn như Tinh Võ, Quảng Triệu xuống đấu giao hữu. Đặc biệt đội bóng rổ Tân Dân có một đấu thủ Việt Nam là anh Trần Văn Hồng Đức (đen) đại úy chỉ huy trường trường Vũ Thuật và Thể Dục Quân Sự, nằm trong Trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh Đức hiện còn ở Mỹ Tho.

3) Đường Phan Thanh Giản: cắt ngang đường Đinh Bộ Lĩnh ngay dốc Cầu Quây. Con đường nầy chạy dọc theo bờ sông Bảo Định từ Vàm Tiền Giang tới đường Học Lạc. Nằm dọc theo bờ sông là các vựa cá và vưa trái cây để ghe thuyền ở khắp nơi đổ xô về bỏ mối. Vựa cá lớn nhất là vựa bác Tư Ngôn. Bác Tư là người vui tính lanh lợi, đặc biệt nhất là bác đặt tên mấy người con toàn là kiểu gây hấn như: Xô, Lấn, Trì, Đẩy, Níu, Kéo, Cản… mà trong đó Đẩy và Kéo là hai cầu thủ nối tiếng của đội Bưu Điện và Thương Cảng Sài Gòn.

Đối diện là các dãy phố nhà ở xen kẻ các cơ sở thương mại như tiệm tương ông bang Cửng, tiệm tương Chí Mỹ, vựa củi và vật liệu xây cất Chí Nguyên… Gần ngả tư Đinh Bộ Lĩnh là trường Tàu Sùng Chính mà một số bạn lối xóm người Việt gốc Hoa của tôi theo học.

4) Đường Trưng Trắc: Vừa qua khỏi Cầu Quây là đường Trưng Trắc. Đường nầy song song với đường Phan Thanh Giản nhưng ở phía bên kia bờ sông Bảo Định. Có thể nói đây là con đường buôn bán sầm uất nhất ở Mỹ Tho. Đường Trưng Trắc chạy dài từ đầu vàm Tiền Giang cho tới đường Nguyễn Trãi thì được nối liền bởi đường Alexandre de Rhôdes.
Kể từ đầu Vàm (tiếp giáp đường Gia Long) tới tận đầu Cầu Quây nằm dọc theo bờ sông thì phải kể tới tất cả những kiosques bán đồ ăn thức uống giống như là một food court. Chắc các bạn vẫn còn nhớ những quán ăn uống nổi tiếng như mì xào A Lục, quán nhậu Trung Thành, kem Duyên Thắm, Anh Đào, cháo bồ dục Anh Chui, bò viên sâm bổ lượng Cầu Ký…

Đối diện phía bên kia đường có nhà thuốc tây ông Phan, tiệm chụp hình Thiện Ký mà con rể sau nầy là hề Thanh Việt, tiệm may Văn Minh với nhiều design thật chic, tiệm nước Nam Sơn (chủ là chú 5 Vìn cũng ở xóm Chùa Chà) với tuyệt chiêu cá hầm vĩ, tiệm bánh Thuận Phát (chủ tiệm là chị Ba dâu nhà thuốc Đồng An Đường-Trịnh Hoài Đức), tiệm Đức Nguyên bán máy đuôi tôm máy cày, tiệm giày Bata, rạp chiếu bóng Định Tường, tiệm vàng Khương Hữu ngay ngả ba Trưng Trắc- Lý Thường Kiệt. Tiệm vàng nầy có cô cháu ngoại là người đẹp hoa khôi Mỹ Tho Huỳnh Thị Nguyệt Thu.

        http://www.thtg.vn/wp-content/uploads/2019/12/cau-quay-nay-logo-700x393.jpg  https://sites.google.com/site/anhtuanphanhuynh/_/rsrc/1350350926838/dho-thi-my-tho-xua/mytho_05.JPG

                Cầu Quây nay                         Cầu Quây xưa


Xích lại gần Cầu Quây có khách sạn Minh Cảnh, tiệm chụp hình Thiện Lai, tiệm thuốc bắc Đức Sanh Đường, tiệm bánh Khương Lạc, lò bánh mì Khánh Chương. Khu vực nầy thời Pháp thuộc có một nhà hàng Tây dành cho người Pháp mang tên La Pagode mà lúc còn nhỏ bọn nhóc chúng tôi thường vào lượm…nút khoén các chai rượu đắc tiền để đánh bài cào bằng…nút khoén.

Gần đầu Cầu Quây là Sở Bảo Thủ Điền Thổ sau đổi là Ty Điền Địa. Ngay dốc cầu có Phòng Thông Tin Mỹ Tho đầy đủ sách báo. Đặc biệt nhật báo được treo trên mấy cái giá thẳng đứng để người đọc có thể xem từ hai phía. Kế Phòng Thông Tin là nhà sách Mai Liên của hai người đẹp Mai Liên chuyên làm Hai Bà Trưng trong ngày lễ hai bà. Ngay trước nhà sách là hảng xe bus Cosara chạy đường Sài Gòn Mỹ Tho, nổi tiếng nhờ sạch sẽ khang trang và chạy rất đúng giờ hơn xe đò Á Đông, Ngọc Châu …nhiều. Vô trong phía chợ dãy bờ sông có nhà sách Lê Tạc của đại gia đình Công, Thành, Danh, Toại- Phỉ (cô 5 Phỉ), Chí, Nam (cô Bảy Nam, má kịch sĩ Kim Cương), Nhi; Bia (cô 9 Bia), Truyền, Tạc, Để (cậu Út Để, chồng nghệ sĩ Kim Hoàng). Đối diện là dãy phố buôn bán: tiệm kiếng Huê Việt, tiệm bazaar Mỹ Đạt Hàng, qua khỏi đường Lý Công Uẩn là tiệm thuốc bắc Tân Minh Tế, các tiệm tạp hóa Nam Sanh, Hiệp Hòa Sanh (gia đình ca sĩ Tuấn Anh), đối diện khu nầy là tiệm khô Mỹ Hường, quay bán thịt quay xá xíu rồi tới nhà lồng chợ cá, hàng rau cải…


4) Đường Alexandre de Rhôdes: nối liền đường Trưng Trắc ngay khu bán rau cải chạy dọc theo rạch Bảo Định tới ngả ba Đài Chiến Sĩ đại lộ Hùng Vương. Hai bên đường nầy toàn la khu gia cư, đặc biệt trường trung học tư thục Trúc Giang của giáo sư Trúc Giang nằm bên dãy đối diện bờ rạch.


5) Đường Lý Công Uẩn: bắt đầu từ tiệm bazaar Mỹ Đạt Hàng tới tiệm trà Ích Phong, rạp ciné Vĩnh Lợi (ngày xưa là rạp hát cải lương Thầy Năm Tú). 

               Hồi ức về Mỹ Tho xưa


Tiệm cơm chay Hòa Bình, nhà bảo sanh bác sĩ Trần Công Trực tới phòng răng nha công Trần văn Mạnh. Ngay phía đối diện là dãy phố trệt chạy dài tới đường Nguyễn Huệ là tiệm vàng Phước Tín, quán cháo vịt bên hông. Đối diện nhà bảo sanh bác sĩ Trực là gia đình Huỳnh Quang. Các anh Huỳnh Quang Tòng, Huỳnh Quang Huy, Huỳnh Quang Áng (học cùng thời với tôi) hiện ở tại thành phố Toronto, Canada. 


Tưởng cũng nên nói thêm là tiệm cơm chay Hòa Bình là của dì Hai Nhung, con của ông bác Đồng An Đường và là má của tụi con Oanh con Phụng ở xéo nhà tôi, thường ngồi chung xích lô đi học trường Cầu Bắc với tôi. Sau nầy Oanh Phụng đi tu trở thành cô Tố cô Sáng.

6) Đường Nguyễn Huệ: chạy dài từ rạp Vĩnh Lợi tới ngả ba Alexandre De Rhôdes, mở đầu là tiệm bán vật liệu xây cất Hoa Lệ, tiệm vải Kim Điền đi dài tới tiệm bazaar Đức Thái, rồi Huỳnh Thái Dũ, tiệm nước Kỳ Hương, tiệm thuốc bắc Thọ Nam Đường mà chủ tiệm là dì Năm Binh của chị Ngà,chị Hoàng, con Cúc ổ lộ đá gần xóm tôi. Đối diện là nhà lồng chợ Mỹ Tho trong đó có rất nhiều sạp bán vải và quầy thức ăn mà nổi tiếng nhất là món bún Gỏi Và Bà Ba với lại bánh đậu bánh giá chị Huệ.

Xích tới một chút là trụ sở xã Điều Hòa, một tòa nhà rộng lớn sau ngăn hơn 3/4 làm văn phòng tòa thị chánh Mỹ Tho. Đối diện có tiệm may Trung Thành của chú Ba Mạch, ba thằng Mạnh học chung lớp tôi, và là cậu thằng Nguyễn văn Hường sau tốt nghiệp cao học Hành Chánh. Khi qua khỏi đường Châu văn Tiếp thì đường Nguyễn Huệ không còn là khu thương mại nữa mà chỉ là nhà cửa dân chúng như nhà Dì Ba lục sự, vợ ông lục sự Hường, nhà chị Bé Long học cùng thời với tôi, vài nhà của gia đình bên vợ ông commis Huấn phó tỉnh trưởng. 

7) Đường Thủ Khoa Huân: đường nầy chạy dài từ đầu cầy Quây tới đường ông bà Nguyễn Trung Long.

Kế Phòng Thông Tin là nhà thuốc tây Ông Khánh là một trong hai nhà thuốc tây xưa nhất Mỹ Tho. Tiếp đến là tiệm Đức Đồng Lợi bán máy đuôi tôm và bôm nước. Gần đó là tiệm Thành Đạt chuyên bán các hiệu xe gắn máy như Puch, Goebel…và đồ phụ tùng. Tới góc ngả tư Lê Lợi là biệt thư lầu ty Quan Thuế. Phía đối diện có tiệm chụp hình Phong Lan, Cảnh Trung, nhà sách Do Quang, tiệm vàng Huỳnh Anh, phòng mạch bác sĩ Nguyễn Văn Bửu. Xéo góc ty Quan Thuế là Sở Trước Bạ. Tưởng cũng nên nói thêm là tiệm chụp hình Cảnh Trung là tiệm chụp hình đẹp nhất thời bấy giờ.

Bên kia đường, đối diện Sở Trước Bạ là dãy phố công chức trong đó có nhà thầy Bùi văn Mạnh, thầy Nguyễn văn Châu cả hai thầy cùng dạy Pháp Văn, thầy Đỗ Trung Ruyên, thầy Vũ Mộng Hà đều dạy Lý Hóa, thầy Nguyễn Cao Cảo dạy Toán.

Thầy Mạnh đặt tên con toàn là Bùi Ngọc như Bùi Ngọc Quang là thầy dạy Pháp Văn của tôi, Bùi Ngọc Đường, Bùi Ngọc Điệp (bác sĩ còn hành nghề ở Cali), Bùi Ngọc Lan. Thầy Mạnh sau qua làm hiệu trưởng trường Trung Học Kiến Hòa.

Lên phía trên một chút là nhà bảo sanh Mỹ Tho (sau đổi thành bệnh viện 3 dã chiến), xéo góc là nhà thương.

Rồi sau đó, đường Thủ Khoa Huân chạy bên hông sân banh cho tới khu gia binh tiếp giáp đường Ô.B. Nguyễn Trung Long.

8) Đường Lê Lợi: Có lẽ đây là con đường nên thơ nhất với hai hàng me đoạn Tòa Án và Phố Nóc Bằng nơi mà một thời chắc quý bạn đã từng đi bên cạnh người yêu với lá me rơi lất phất trên suối tóc huyền tha thướt. 

Xích lại gần ngã tư Lý Thường Kiệt có ty Hiến Binh mà anh Lê Minh Bá (em thẩm phán Lê Minh Liên cựu tổng trưởng Giáo Dục) con bác giáo Mực, nhà ở đường Trịnh Hoài Đức ngay đầu hẻm Chùa Chà làm chỉ huy trưởng. Nhân nói tới anh Bá, chắc các bạn cùng lứa với tôi không quên vụ thảm sát (massacre) kinh hoàng giữa thâp niên 50 làm chấn động dư luận. Đó là chuyện chàng trung sĩ hải quân giang đoàn 21 đóng tại Mỹ Tho vì thất tình cô Marie nhà ở hảng xáng Cầu Bắc nên xách súng tới hạ sát chẳng những cô Marie mà còn bà mẹ và bà chị Odette của cô. Chị Odette là vị hôn thê của anh Bá nên khi đưa đám, chiếc xe tang được sắp xếp cho chạy trên đường Trịnh Hoài Đức ngang nhà anh Bá để hương linh chị Odette thăm nhà vị hôn phu lần cuối cùng.



Xéo ty Hiến Binh là dãy phố Nóc Bằng trong đó có nhà ông Vệ Giang có cô con gái là chị Jane, chị thằng Albert học chung với tôi. Chị Jane nổi tiếng là người đẹp và cao lớn. Có lẽ vì vậy nên chị chỉ giao du với các sĩ quan Pháp mà thôi.

Băng qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là Tòa Án Mỹ Tho mà đối diện là văn phòng luật sư Nguyễn Lâm Sanh và Trần Ngọc Liễng cũng như phòng mạch bác sĩ Trần văn Chuẩn. Hồi còn là đấng nhi đồng cứu quốc, tôi có xem Tòa Án Mỹ Tho xử anh Lê văn Hữu đâm chết người yêu và cũng là em cô cậu ruột là chị Hải Đường, hoa khôi Mỹ Tho thời bấy giờ. Mặc dù bà luật sư Nguyễn Phước Đại tận tình biện hộ nhưng anh Hữu vẫn bị kết án 25 năm tù. Ra Côn Đảo anh Hữu ở dinh tỉnh trưởng để phụ giảng cho hai con của Thiếu tá Lê Văn Thể, tỉnh trưởng Côn Sơn.

Qua khỏi ngã tư Thủ Khoa Huân là phòng mạch bác sĩ Nguyễn Kiển Bá, nhà thuốc tây Lâm Danh Mộc, bác sĩ Nguyễn Kiển Mỹ Hương, phòng răng nha sĩ Nhan Văn Túc, nhà thuốc tây Dư Yên Trí. Dược sĩ Trí là con của giáo sư Dư văn An, dạy toán chúng tôi ở lớp Đệ Tứ.

Trở lại con đường Lê Lợi, đi một đổi nữa là tới trụ sở xã Điều Hòa, đối diện trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Qua khỏi ngả tư Ngô Quyền là dãy phố nhà thầy Huỳnh văn Đồ thầy dạy học tôi lớp Tiếp Liên. Thầy có đứa con trai cùng lứa với tôi là Huỳnh Minh Đức nghe nói là tốt nghiệp HEC Paris (Haute Étude Commerciale). Xéo xuống phía dưới là biệt thự bác sĩ Nguyễn Kiển Bá, biệt thự quá rộng nên ông cho mấy cô giáo ở xa mướn. Cách đó lối 50m là trường Lễ Nghi học hiệu của ông đốc Cấp là thân phụ kỹ sư Dương Kích Nhưỡng, cựu tổng trưởng Công Chánh, kỹ sư Dương Mộng Ảo cựu tổng giám đốc Xi Măng Hà Tiên. Sát bên là trường tư thục tàu Quảng Triệu.

Cũng nên nói thêm là đường Nguyễn Trãi đoạn ở gần đại lộ Hùng Vương thì hai bên đường có trồng nhiều cây xoài nên còn có tên là lộ Hàng Xoài. Vào cuối thập niên 60, ở cuối đường Nguyễn Trãi tiếp giáp với rạch Bảo Định, một cây cầu sắt được dựng lên nối liền luôn với đường đi chùa Vĩnh Tràng. 

9) Đường Châu văn Tiếp: con đường tuy ngắn nhưng là một trong những huyết mạch của tỉnh Mỹ Tho. Chỗ ngả ba Lê Lợi là mặt sau của trường trung học Nguyễn Đình Chiểu (thực ra ngày xưa là mặt trước khi trường còn mang tên Lycée Nguyễn đình Chiểu), ở đầu kia tiếp giáp với đường Nguyễn Huệ. Nguyên cả mặt hông trụ sở xã Điều Hòa (sau chia một nữa cho thị chánh Mỹ Tho) chiếm trọn chiều dài con đường lối 150m. 

Đặc biệt tiệm phở Hy Lập của anh Tư Thẹo nằm trên đường Châu văn Tiếp gần góc đường Lê Lợi ngọn nổi tiếng không thua bất cứ tiệm phở nào ở Sài Gòn. 

10) Đường Trương Công Định:  là con đường chạy ngang bệnh viện 3 dã chiến, nó chạy dài từ nhà xác (gọi tên khoa học là cơ thể học viện), nhà đèn, rồi băng ngang qua đường Thủ Khoa Huân là biệt thự bác sĩ Dũ ngay ngả tư, tới nhà các bạn Chánh, Hòa, Thảo, nhà Chiêu Hòa Chiêu Thuận con thầy Bảy Chánh, nhà cô Tư Huê, thầy Đoàn văn Viễn, các chị Phụng Nga, Phụng Mỹ… đối diện bệnh viện 3 dã chiến. Tới ngả ba Nguyễn Bĩnh Khiêm là nhà bảo sanh tư bác sĩ Tải. Chạy qua khỏi Lý Thường Kiệt ngang hông sân tennis, hông ty Bưu Điện rồi chấm dứt ở ngả ba Gia Long.

11) Đại lộ Hùng Vương: có thể gọi đây là con đường của tuổi yêu đương hò hẹn học trò vì hai trường nam Trung Học Nguyễn Đình Chiểu và nữ trung học Lê Ngọc Hân nằm hai bên của con đường ngay góc Ngô Quyền nên các nam thanh nữ tú dễ có cơ hội đá bóng với nhau lắm (phải vậy hôn mấy anh mấy chị đồng môn của tui?). Nhưng buồn thay đa phần các cuộc tình nầy đều không đi tới nơi tới chốn, trong đó có cả tui luôn nữa mới đau. Họa hoằng lắm mới có vài cặp chịu hát câu “ta về ta tắm ao ta” như Lê văn Trinh-Lê thị Hóa, Lê Trường Phước (em anh Lê Tài Sinh bác sĩ)-Nguyễn thị Hòa. Nhắc tới Lê Trường Phước mà không nói tới cái tài thổi sáo bằng hai bàn tay của anh chàng là cả một điều thiếu sót. Phước có biệt tài chụm hai bàn tay chung quanh miệng rồi không biết anh di chuyển thế nào mà phát ra âm thành thành bản nhạc như bản Hận Đồ Bàn của Xuân Tiên, Trở về của Châu Kỳ. Nếu ngày xưa tiếng sáo thiệt của Trương Chi làm nàng Mỵ Nương đau tương tư thì thời bấy giờ tiếng sáo miệng của Lê Trường Phước chắc cũng khiến cho lắm nàng Lê Ngọc Hân mê mệt chàng ta lắm đó nha. Từ đó Phước có biệt danh là “Phước thổi sáo” mà đúng ra phải là “Phước thổi tay”. Phước hiện giờ ở tại Mõ Cày Bến Tre.

Trở lại đại lộ Hùng Vương thì con đường nầy chạy từ dinh tỉnh trưởng (ngả ba Lý Thường Kiệt) cho tới tận đài chiến chiến sĩ (ngả ba Alexandre de Rhodes. Xích lên một chút phía trái là doanh trại Phù Đổng Thiên Vương của binh chủng thiết giáp. Qua khỏi ngả tư Thủ Khoa Huân cũng phía trái là sân banh mà phía trước là Công Viên Dân Chủ. Đối diện là bệnh viện Mỹ Tho và Ty Y Tế. Tới ngả tư Lê Đại Hành là trường thiếu sinh quân, sau đổi thành trường Nam Tiểu Học. 

Kế bên Ty Tiểu Học là trường Lê Ngọc Hân và đối diện là trường Nguyễn đình Chiểu và các biệt thự lầu của các thầy Phạm văn Lược, Võ Quang Định, Huỳnh Đình Tràng, Trần văn Dinh, thầy Nguyễn Ngọc Quang …

Qua khỏi ngã tư Nguyễn Trãi là nhà thờ chánh Tòa phía tay mặt và đối diện là Trường Thánh Giu-Se. Nhắc tới nhà thờ Chánh Tòa là tôi không bao giờ quên không khí rộn rịp vào lễ Giáng Sinh ngoài thánh lễ trang trọng còn là dịp bao trai thanh gái lịch Mỹ Tho công cũng như lương cùng “ xuống đường” tìm vui và tìm duyên.

12) Đường Ngô Quyền: Có thể nói rằng con đường nầy là con đường của những nhà tai mắt Mỹ Tho. Đường nầy chạy dài từ rạch Bảo Định cho tới ngả ba Nguyễn Trung Long. Gần ngả tư Nguyễn Huệ là nhà thuốc tây Huỳnh Hữu Tạo. Qua khỏi ngả tư Lê Lợi phía mặt là sirôp Trương văn Hoài, chung quanh có nhà cô Huỳnh thị Trị, chị Nguyễn Khai và một số bạn tôi là tụi thằng Trần Thảo Lư, Nguyễn Minh Hiền (em bác sĩ Nguyễn Minh Tiên),Nguyễn Trọng Khâm (vô địch chạy bộ Mỹ Tho) và Ngô Ngọc Vĩnh cũng là đồng môn. Vĩnh một thời là hội trưởng hội NĐC-LNH Nam Cali. Tưởng cũng nên biết là cô Trị và chị Nguyễn Khai đều du học bên Mỹ và trở về dạy trường Lê Ngọc Hân. 

Gần đó, là dãy biệt thự trong đó có nhà thầy Võ văn Liễu, chồng cô Lê thị Hai hiệu trưởng Nữ Tiểu Học Mỹ Tho. Chị Võ Bạch Mai giáo sư Đệ Nhị Cấp là vợ của giáo sư Lê Hà Quảng Lan (con nhà văn Vita). Cạnh bên là ông commis Tùng (em thầy Liễu). Hai nhà nầy là hai đại gia Võ Ngọc và Võ Bá.

Đối diện là dãy phố tư gia của thầy Đinh văn Của, thầy Trương Ngọc Sâm (b0a của Trương Ngọc Khôi học chung lớp tôi).

Qua khỏi ngả tư Hùng Vương, phía tay trái là trường Lê Ngọc Hân, phía tay mặt là chùa Phật Ân. Gần đó là nhà của thầy Giản cô Huỳnh, thân sinh anh Lâm Trí Chánh một thời là hội trưởng NDC-LNH Âu Châu.

Kế bên là một khu nhà thấp hơn mặt đường của trường Bá Nghệ và ty Canh Nông. Trong đó có các nhà của cô Bảy Tốt, cô Nữ chị của Chánh học chung với tôi, nhà cô Ba Trương là thân mẫu của chị Ánh Quách, Quách Tinh Cần (thủ khoa khoá 20 trường võ bị Đà Lạt), Quách Tinh Võ (cùng lớp Đệ Tam B10 với tôi), Quách Tinh Văn. 

13) Đường Gia Long: Nếu ai hỏi tôi con đường nào đẹp nhất Mỹ Tho, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là con đường Gia Long. Phải! Chỉ mỗi việc con đường chạy dọc theo sông Tiền Giang đã nói lên được điều nầy rồi.

Khởi đầu từ Vườn Hoa Lạc Hồng là chỗ hẹn hò của bao cặp trai gái ngồi bên nhau trên chiếc ghế đá công viên nghe tiếng sóng vỗ rì rào trên bờ đá , hít thở làn gió hiu hiu dịu mát từ mặt nước sông Tiền Giang để cùng nhau mơ chuyện tương lai lứa đôi. Vườn Hoa Lạc Hồng ngày xưa là nhà ga xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho, một phương tiện chuyển vận đã đóng góp phần lớn vào việc phát triển nền kinh tế tỉnh nhà. Từ đó có câu ca dao tình tứ như: 


"Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành
Tàu Tây lủng đáy anh mới đành xa em"


Đối diện Vườn Hoa Lạc Hồng là nhà thuốc tây ông Phan là một trong hai nhà thuốc tây lâu đời nhất Mỹ Tho, kế bên là hotel Bungalow. Qua khỏi ngã ba Huyện Toại có nhà may Huy Hoàng của thằng Thành học chung tiểu học với tôi, Thành tuy còn nhỏ tuổi mà dữ dằn du côn lắm, tiệm cơm Viễn Đông. Cũng có hai ba phòng ngủ ở khu nầy mà tôi chỉ còn nhớ có một là Hạnh Huê. Qua khỏi dãy phố lầu nầy là Ty Ngân Khố, đối diện bên kia đường Lê Lợi là ty Bưu Điện. 

Nhắc tới Ty Bưu Điện là tôi nhớ ngay tới anh Phạm Phú Lộc ở cùng xóm Trịnh Hoài Đức với tôi làm trưởng ty Bưu Điện Mỹ Tho. Anh ở nhà vợ khu Chợ Cũ gần Bến Tắm Ngựa, thế nên mỗi ngày anh đón đò máy dưới Bình Đại lên để đi tới Vườn Hoa Lạc Hồng rồi đi bộ tới ty Bưư Điện làm việc cả hai lượt đi về nên bạn bè gọi anh là ông trưởng ty “đò máy”.

Cách ty Bưu Điện không xa là 3 biệt thự của quý ông Chánh Án, Biện Lý và Dự Thẩm Tòa Án Mỹ Tho. Điểm đáng nhớ của 3 ngôi biệt thự nầy là có rất nhiều cây hoa ngọc lan hương thơm bát ngát. Ngang qua một con đường nhỏ (mà tôi không thể nhớ tên) là dinh Tỉnh Trưởng. Đối diện là căn cứ Giang Đoàn 21 xung phong và công viên Cầu Tàu là chỗ tắm sông lý tưởng của dân Mỹ Tho.


Kế Cầu Tàu là Ty Thanh Niên, khu cư xá công chức, Ty Công Chánh, Ty Cấp Thủy, Ty Thủy Nông. Đối diện là Tòa Hành Chánh tỉnh Định Tường mà phía sau là tư dinh Phó Tỉnh Trưởng. 

Đường Gia Long chấm dứt ở ngay ngã tư Nguyễn Trung Long thường được gọi là ngã tư Cầu Bắc mà trường tiểu học Cầu Bắc (nhà lá) tọa lạc ngay gốc Tây Bắc.

14) Đường Ông Bà Nguyễn Trung Long: con đường nầy chạy dài từ Ngã Tư Cây Xăng tới tận cầu Bắc đi Rạch Miễu. Ngay ngã Ba Ngô Quyền là trường Bách Nghệ và Ty Canh Nông. Xuống tới Ngã Ba Lê Đại Hành là trường Nữ Tiểu Học.

Tới Ngã Tư Lý Thường Kiệt là tư gia phu nhân cố tổng thống Thiệu (biệt thự thầy Năm Thưởng, xéo góc là nhà vãng lai tỉnh mà sát một bên là Ty Thuế Vụ rồi tới đường rầy xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho.

Xích tới một chút khỏi nhà bà Thiệu là trường Tiểu Học Cầu Bắc hay còn gọi trường Nhà Lá thời xa xưa mà chắc các bạn không quên hai cây còng to lớn lá xanh um cùng với bông màu tím thẳm nằm hai bên sân trường.

Qua khỏi ngã tư đường Gia Long một bên và Ngô Tùng Châu một bên (đường Ông Bà Nguyễn Trung Long chia cắt hai đường Gia Long và Ngô Tùng Châu) là Bến Bắc Mỹ Tho-Rạch Miễu mà hai bên có nhiều quán xá bán thức ăn.

15) Đường Ngô Tùng Châu: là đường nối dài của đường Gia Long kể từ đường Ông Bà Nguyễn Trung Long chạy lên tận Vòng Nhỏ. Gần ngả tư Cầu Cầu Bắc về phía tay trái là hảng Xáng chuyên sửa chửa tàu bè, phía ngoài một chút là Lò Sát Sinh mà dân Mỹ Tho quen gọi là Phú De (Fourière).

Khu vực Hảng Xáng ngày xưa đã xảy ra vụ thảm sát cô Marie mà tôi có dịp trình bày ở đoạn trên.

Đối diện vùng nầy là Giếng Nước thứ hai. Giếng Nước thứ nhất nằm ngang Đất Thánh Tây chạy dài tới đường Nguyễn Tri Phương. Hai giếng nước được ngăn cách bỡi đường rầy xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho (bấy giờ là đường Lý Thường Kiệt gần nhà ông thầy Năm Thưởng là nhạc phụ cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu).

Đường Ngô Tùng Châu chạy dài tới ngả tư chợ Vòng Nhỏ ngang qua nhà các cô Chín Nhãn (chủ xe đò Ngọc Châu chạy đường Sài Gòn Mỹ Tho), cô Ba Đê, thầy Nhiêu dạy trường Tiểu Học Nhà Lá. Cũng có nhà dì Tám Lịch má của anh em Khải, Hoàn. Dì Tám Lịch là đồng nghiệp nữ hô sinh với bà ngoại tôi tại bảo sanh viện Mỹ Tho (sau đổi thành bệnh viện 3 dã chiến).

Điểm đặc biệt nhất của con đường Ngô Tùng Châu là hai bên đường có những cây phượng vĩ tuyệt đẹp.
Đường Ngô Tùng Châu khi chạy qua khỏi Chợ Vòng Nhỏ gần tới Cầu Dầu là giang sơn của hãng nước mắm Cửu Long với hai chị em người đẹp mà nghe cái tên không cũng đã thấy "phê” lắm rồi, đó là Thương Hương và Tiếc Ngọc mà bạn Lê văn Cầu của tôi có may mắn là phu quân của chị Tiếc Ngọc.

Dãy nhà bên trái là các nhà may Huy Hoàng, quán cơm Viễn Đông, khách sạn Hạnh Huê, Bungalow, nhà thuốc tây ông Phan ở cuối dãy.

Thưa quý niên trưởng và các bạn,

Từ nãy giờ, quý vị và các bạn đã cùng tôi trở về Mỹ Tho thân yêu qua hình ảnh sinh hoạt của một thời hoa mộng trên những con đường chính của thành phố, những con đường một thời đã in hình gót chân bay nhảy của tuổi thơ và thanh xuân nhưng chắc chắn rằng Mỹ Tho luôn luôn khắc ghi trong tâm tưởng những người đã gắn bó một phần đời hay cả đời với thành phố yêu dấu.

Hy vọng qua bài viết nầy, quý vị và các bạn có được giây phút nhẹ nhàng thả hồn về một vùng trời quá khứ với chính hình bóng của mình.

Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát

 

Ý kiến bạn đọc
24/05/202002:44:40
Khách
Tôi là Cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, có lẽ cùng trang lứa với tác giả Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát. Đọc "Mỹ Tho Trong Miền Ký Ức" tôi rất xúc động . Xin Tòa soạn Việt Báo vui lòng giúp tôi được liên lạc với tác giả Nguyễn Tấn Phát qua Phone hoặc Email. Xin đa tạ .
21/05/202005:29:09
Khách
Thiệt đáng khâm phục cho trí nhớ phi thường của tác giả! Những ai đã từng ở Mỹ Tho chắc không thể kềm lòng, bùi ngùi khi đọc lại những quang cảnh, những chi tiết sống động, rất tỉ mỉ. Người các miền khác thì nhờ dịp này mà biết được khái quát về cảnh trí, các hàng quán cũng như các trường học, cơ sở, dinh thự, nhà cửa các nhân vật có tiếng tăm hoặc người dân địa phương, nhờ vào bộ óc y như computer của tác giả. Tôi xin phép copy lại bài này, để gửi làm quà cho chị bạn gốc Mỹ Tho (dường như gia đình chị có tiệm bán đồ điện, tiệm Lâm Thoại Hưng gần chợ)- không biết tác giả có nhớ tiệm này không? Xin cám ơn tác giả đã trình thuật tỉ mỉ.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta tạm thời không bàn đến nguyên nhân tại sao có ngày Lễ Valentine và hãy chấp nhận ngày 14/2 là ngày Lễ Valentine, được gọi là Lễ Tình Yêu và Hoa, vì ngày đó đã trở thành thông lệ từ hàng trăm năm qua cho người phái nam và họ không thể quên được tục lệ là đến ngày lễ này đi mua hoa tặng vợ, tặng người yêu hay bạn gái...
Truyện ngắn Bước mãi đến thiên thu (Long Walk to Forever) dưới đây không phải là điển hình trong cõi văn chương Kurt Vonnegut, nhưng lại được rất nhiều độc giả biết đến và từ lâu gắn liền với tên tuổi ông. Một truyện ngắn tình cảm nhẹ nhàng, thơ mộng, ngôn ngữ không thể nào giản dị hơn, ai đọc cũng thấy thú vị vì cảm xúc hai nhân vật trong truyện thay đổi liên tục, biến chuyển theo từng bước chân đi của hai người yêu nhau. Đọc xong truyện ngắn này, người đọc không tránh được tâm trạng bâng khuâng, bởi không biết nếu truyện kéo dài thêm nữa thì cảm xúc họ sẽ đi về đâu… Mời đọc trong ngày Lễ Tình Yêu, Valentine’s Day.
Nó thương và tin tưởng tôi nhất trong nhóm. Từ ngày yêu ông Thầy, nó hay tâm sự cho tôi nghe những lần đi chơi lén lút với Thầy. Tôi là người duy nhất nó lôi cả ruột gan phèo phổi ra chia sẻ, rủ tôi đến nhà ông Thầy lúc ổng vắng nhà để quan sát gia cảnh, vợ con của ổng...
Hồng cung trang hoàng rực rỡ, cờ xí đỏ lòm, khẩu hiệu toàn lời lẽ đao to búa lớn bừng bừng khí thế cứ như thể sắp nhuộm đỏ cả thế gian này. Tập xếnh xáng bước lên đài, vẻ mặt hí hửng đầy vẻ dương dương tự đắc, đôi mắt ti hí lóe lên tia sáng thép lạnh gáy bất cứ kẻ nào vô tình nhìn thấy, đôi má chảy xệ, môi mỏng mím lại. Y mặc bộ đồ đại cán, cài kín nút cổ, kiểu cách điệu bộ y hệt mấy xếnh xáng tiền bối. Y đảo mắt một lượt rồi xìa hai tay nắm chặt ra phía trước để chào quan khách:
Một bài Ký của tác giả Lương nguyên Hiền viếng thăm xứ Myanmar, đất nước của chùa tháp.
Cứ mỗi lần nhớ tới Đức Đạt Lai Lạt Ma là tôi nhớ về thầy Nhất Hạnh vì có lẽ cả hai vị này có cùng quan điểm về hạnh phúc. Hạnh phúc của con người, không chỉ là con người của tôn giáo mà là hạnh phúc của con người nói chung, con người trong toàn thế giới bao la. Hai vị đó tu hành như là để đi tìm giải pháp mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân hơn là chỉ để thành các vị Bồ Tát thuần nghĩa (Nói Với Tuổi Đôi Mươi).
"Dù sao, mọi ý kiến đối chọi, bàn thảo trái chiều, nếu giữ được phần nào lịch sự với nhau, đều có thể là điều tích cực nếu được coi là dịp để kiểm lại mức hiểu biết của mình và học cách suy luận dựa trên dữ kiện vững chắc. Quan trọng là người Việt ở hải ngoại đừng xa rời cuộc sống thực tế của người dân trong nước, nếu nói rằng còn muốn góp phần xây dựng tự do, no ấm cho Việt Nam". -- Cãi nhau ỏm tỏi vì một cái bánh chưng? Tác giả Thục Quyên nhân đó nói về pháp phục của Phật giáo, vì chuyện này cũng từng bị đem ra tranh biện một cách rất vô bổ... Việt Báo mời đọc.
Từ một bài Ký, tác giả Trangđài Glassey Trầnguyễn (chị cũng là nhà văn/ nhà thơ/ nhà giáo dục) mở ra nhiều không gian nghệ thuật, văn chương khác, trong đó chị chia sẻ không ít những trăn trở, cảm nghĩ của chị. Việt Báo trân trọng mời đọc.
Những bí ẩn về cuộc đời tình ái của Cựu Hoàng Bảo Đại được tác giả Nguyễn thị Cỏ May thuật lại trong bài viết lý thú sau. Một trong những điều lý thú ấy là: Hoàng tử Bảo Ân không phải là con út của Cựu Hoàng như đa số chúng ta đều biết, mà là một người tên Patrick-Edouard. Người con trai này là kết quả của mối tình giữa Bảo Đại và một thiếu phụ Pháp rất đẹp... Và nhiều chi tiết thú vị không kém khác, Việt Báo mời đọc.
"Rhodes, (tiếng Hy Lạp: Ρόδος, Ródos) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa là hoa hồng. Thật ra, ngày đó người ta muốn diễn tả một loài hoa khác: bông bụt -- hay bông cẩn (Hibiscus), còn gọi là dâm/ râm bụt , phù dung -- mọc nhiều trên đảo này. Hy Lạp có rất nhiều đảo. Đảo Rhodes ở Địa Trung Hải, hai bờ đông tây khác biệt nhau. Bờ tây, xanh tươi hoa lá. Bờ đông trơ trụi các con đường dọc bờ biển..." -- Nhà văn Hoàng Quân, trong một chuyến du lịch viếng thăm hòn đảo danh tiếng này của quốc gia Hy Lạp, đã ghi chép lại những cảm xúc của chị và gửi đến bạn đọc qua bài Ký sau. Việt Báo hân hạnh giới thiệu.
Người thông dịch mù. Cô thích vậy. Không phải tâm địa cô xấu xa. Có trời biết lòng cô trắng trong. Bằng chứng là hắn đã đối xử với cô rất là tồi tệ, mà cô không một lời rủa xả.
Tôi là một cô gái tuổi Dần. Suốt thời niên thiếu sống trong nước, tôi lớn lên trong bâng khuâng và thắc mắc về những thành kiến của xã hội với cái tuổi Dần mình mang. Do có… “máu Cọp” trong người nên tôi rất dễ nhận ra các “chị em Cọp” của mình… Nhiều người thật giỏi, thật thành công, nhưng cũng không ít trong số họ cũng thật truân chuyên, nhất là trong đường tình duyên. Tôi đã chứng kiến kha khá chuyện tình… Nhiều bà mẹ chồng tương lai đã rất mực yêu thương cô gái ấy và thầm mừng cho con trai sẽ có được một người vợ tốt như vậy, nhưng khi điều tra và “khám phá” cô gái ấy tuổi Cọp thì bà thay đổi ngay lập trường và hăm, "Có nó thì không còn mẹ!" - Ôi, thật bất công cho các nữ tuổi Dần.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.