Hôm nay,  

Khâu Vàng Của Mẹ Tôi

10/05/202018:53:00(Xem: 4422)

Tặng chị hai và anh tư

Có nhiều nhà văn, nhà thơ, khi viết về mẹ, đã thảng thốt kêu lên rằng, mẹ ơi, con đã làm bao nhiêu bài thơ cho nhiều người con gái, con đã viết bao nhiêu truyện, bao nhiêu hồi ức cho nhiều người con gái, nhưng con viết về mẹ ít quá, chỉ một, hai bài, hay, chỉ một, hai trang.


Tôi cũng vậy, những bài tôi viết về mẹ có lẽ là lúc tôi đang thất tình hay cạn đề tài… Tình yêu của tôi cũng linh tinh, lang tang lắm, có thể có người phê phán tôi là đào hoa, đa tình… Nhưng chuyện này xin hãy nói sau… Bây giờ nhân Ngày của Mẹ, tôi viết về mẹ tôi, một truyện (như thật) cho Ngày Của Mẹ. Có một điều, tôi hiểu và nói ra trước, là Mẹ tôi, rất bình thường, tầm thường nữa là khác. Nhưng với tôi, Mẹ thật vĩ đại, ít ra trong những ngày cơ khổ nhất đời tôi.

 

Tôi chỉ xin kể về Mẹ, ngày tôi từ trại tập trung cải tạo trở về.

Ra trại, tôi về Sài Gòn, nhưng trong cái Giấy Ra Trại ghi là, nơi đăng ký thường trú, làng An Mỹ, xã Tam An, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tôi là sĩ quan chế độ cũ, nên về quê, tôi sợ. Sợ bị trả thù, sợ bị cho đi học tập lần thứ hai, sợ đủ mọi thứ. Sợ cán bộ xã, ấp, sẽ "đì", ngóc đầu không lên nổi. Thế là tôi bèn về ở Sài Gòn để lánh. "Lánh" nghĩa là sống chui, sống nhũi, sống không hộ khẩu, không tạm trú, không... không gì cả, chỉ biết hàng tháng "chi" tiền cho công an khu vực, để được sống yên mà thôi.


Tôi đã bỏ Mẹ tôi ngoài quê. Mẹ sống một mình, làm lụng một mình, ăn, ngủ một mình… suốt bao năm. Điều mơ ước nhỏ nhoi của tôi, ở trong trại cải tạo, là ngày về được sống cùng Mẹ, làm việc cùng Mẹ, để có chút đỉnh tiền, nuôi thân mình, cùng nuôi Mẹ. Ước mơ nhỏ bé đó cũng vuột khỏi tầm tay, khi tôi sống ở nơi xa mẹ, gần 900 cây số đường bộ. Sài Gòn - Quán Rường, Tam Kỳ.

Thật xa lăn lắc.

 

Thân phận của một người tù cải tạo trở về thì ai cũng biết. Thật là bi thảm. Tôi hứng chịu, phải sống chui rúc, sống không hộ khẩu, đeo theo gia đình nheo nhóc, để cố gắng, làm ăn, nuôi con. Tôi làm đủ mọi nghề, từ đi bửa củi thuê cho các sạp củi, dọc lề đường, đến vá xe đạp lề đường, bán bánh bò bánh tiêu, đạp xích lô...

Đi bán bánh tiêu, bánh bò trên khắp ngã đường, từ ngã ba ông Tạ, lên đến khu Chợ Lớn, khu cư xá Lữ Gia. Tôi theo chân một người bạn, nguyên là đại úy cùng đơn vị cũ, đó là anh Nguyễn Xuân Thao, người Đà Nẵng.

Một hôm tôi ở nhà, vô công rổi nghề. Nhà tôi thuê lúc ấy ở khu Nam Hòa, Phường 6, Tân Bình. Tôi nghe tiếng rao, bánh bò, bánh tiêu đây. Tôi nhìn ra thấy một người đàn ông gầy gò, đội chiếc nón phớt, đi trên một chiếc xe đạp, đang rao bán bánh bò, bánh tiêu.


Nhìn kỹ, thì ra đó là anh Thao, bạn cùng chung đơn vị với tôi. Tôi mừng rỡ ra chận xe anh lại và hỏi thăm. Thao cũng mừng khi gặp lại tôi. Nghĩa là qua những câu xã giao, là chuyện công việc, đến cuối cùng thì tôi nhờ anh giúp tôi, chỉ tôi cách bán bánh bò bánh tiêu, cũng như cách lấy hàng?.

Tôi theo nghề anh, nhưng đã thất bại...Tôi đã đi qua khắp các ngã đường Sài Gòn - Chợ Lớn, từ khu cư xá Bắc Hải đến khu Chợ Lớn, đường Lý Thường Kiệt… Tôi đã đạp xe vào những con hẽm nhỏ nhất. Người dân ở đây phần nhiều là người Tàu… Tôi rao tiếng không to vì giọng tôi chỉ đến chừng đó. Sau khoảng hai tuần, thấy không có kết quả, số bánh tồn lại không bán được, quá nhiều… Đem về cho con ăn thì được, nhưng số vốn ít ỏi tôi có, càng ngày càng thu hẹp, nên tôi đành phải bỏ nghề.

Tôi đi tìm nghề khác, những nghề không vốn thì tốt hơn.

Cũng là một duyên may, tôi gặp Tự, một người bạn cùng khóa sĩ quan. Chàng ta đang làm công việc đạp xe xích lô. Nghề này là nghề không vốn, chỉ đem bán sức lao động của mình thôi, nên tôi nhờ Tự chỉ giúp tôi vào nghề. Hiện tại thì Tự đang thuê chung xe với một người bạn nữa cũng là dân cải tạo về. Tự giới thiệu giúp tôi với người chủ xe, và được người chủ chấp nhận. Tôi nhận ca sáng, tức là từ 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Ca này rất căng vì nắng Sài Gòn như đổ lửa, nên đạp xe rất mệt...nhưng được cái là khách hàng khá hơn vì ban ngày ban mặt, nhiều sinh hoạt mua bán, cần vận chuyển...nên bỏ sức ra đạp xe cũng có được đồng ra đồng vào...

Sau đó, qua 2, 3 đời chủ xe nữa...Và tôi nhận thấy rằng...thuê xe xích lô chạy cũng bất lợi cho mình, là một ngày phải đóng cho chủ khoảng 10 đến 15 đồng, coi như mất một, hai kg gạo...Số tiền này có thể đủ gạo cho gia đình tôi ăn trong một ngày...Tôi loay hoay mãi và suy nghĩ...Nếu mình có chiếc xích lô riêng thì tốt biết mấy. Từ đó trong tâm tôi vẫn có ý định làm sao có đủ tiền, để mua một chiếc xích lô riêng.

Chuyến thuê xe xích lô đạp lần sau cùng là với Tý, đứa cháu. Tý là con ông anh vợ. Năm đó Tý khoảng 16 đến 18 tuổi là cùng. Ông anh đã từng một thời oanh oanh liệt liệt trên chính trường miền nam. Ông là lãnh tụ một đảng phái quốc gia, đã từng làm "ông lớn"...Nên sau miền Nam thất thủ, ông cũng như những người ngụy quân, ngụy quyền hay đảng phái phản động khác, phải đi trình diện cải tạo. Nhưng ông nặng ký hơn, nên trong thời điểm đó, ông chưa về.

Thuê xe đạp chung với Tý được khoảng đâu 6 tháng, thì một hôm Tý báo tin, chủ xe định bán xe, không cho thuê nữa, thời hạn một tháng, hai tháng thôi...Thế là tôi loay hoay, tự nghĩ, mình sẽ thất nghiệp nữa rồi. Nhưng cùng trong ý nghĩ thất nghiệp, tôi lại có ý nghĩ vươn lên, làm sao kiếm đủ tiền để mua lại chiếc xích lô này. Tôi hỏi Tý về giá chiếc xe, Tí nói khoảng chừng chỉ rưỡi.

Tôi loay hoay, một chỉ rưỡi thì không có rồi, đã gần 3 năm chạy xích lô, tiền thu vào ngày nào cũng "phủi lủm" ngày đó, nên đâu có tiền dư… Tôi nhìn những người thân chung quanh mình, ai cũng chạy ăn từng ngày, cũng đầu tắt mặt tối...thì biết nhờ ai đây. Có lẽ phải bó tay thôi, sẽ tiếp tục kiếm mối khác thuê xe mà chạy. Nhưng trong tâm trí tôi vẫn lởn vởn chiếc xe này, nếu mình làm chủ được chiếc xe này thì tốt quá… Có xe rồi, muốn chạy giờ nào, giấc nào cũng được, buổi chiều trời mát thì chạy thích hơn, đạp xe nhẹ nhàng hơn.

May sao đó là vào dịp cuối năm, tôi xin nghỉ trước một tuần để về quê thăm mẹ.

Một năm, dù đầu tắt mặt tối ở Sài Gòn, tôi không giờ nào, ngày nào tôi không nhớ về mẹ tôi. Mẹ tôi lúc ấy đã già, đã gần bảy mươi, một mình sống vò vỏ ở quê. Nghề nghiệp của mẹ là bán thuốc rê ngoài chợ. Cái nghề này mẹ tôi có từ lâu. Lúc còn trẻ, mẹ đã đi mua thuốc rê từ các vùng xa như Khánh Thọ, Lò Rèn, Trường Xuân, những nơi có trồng nhiều cây thuốc lá...Người chủ vườn thuốc lá lựa ra những lá thuốc kém chất lượng hơn, đem xắt nhỏ, rồi trải ra liếp phơi nắng. Sau đó quấn thành rê thuốc, bán cho bạn hàng. Mẹ tôi làm nghề này suốt ba, bốn mươi năm. Nay mẹ đã già, nên thu vén lại, làm cò con. Là mẹ vô Khương Mỹ, nơi có bán các liếp thuốc rê, đem về ra chợ Quán Rường bán lại. Chợ chiều, mẹ bán cho những người dân quê hút thuốc. Tiền lời không bao nhiêu, chắc mỗi ngày mẹ chỉ kiếm khoảng vài, ba đồng, đủ mua lon gạo, chút rau, chút cá về nuôi sống chính mình. Tôi và anh tôi đang ở phương nam, cũng xất bất xang bang kiếm ăn từng bữa, làm sao nuôi mẹ đây.

Trong chuyến về thăm mẹ năm đó, tôi cố gắng dành dụm ít tiền để mua vé xe đò, chút ít quà cho mẹ, gởi thêm tiền ăn cho mẹ, làm mâm cơm cúng cha...Chỉ thế thôi.

Nhìn mẹ già, gần bảy mươi, tuy già nhưng trông mẹ còn rắn chắc. Da mẹ có nhiều nếp nhăn chảy xệ hai bên má, má mẹ hóp nên tạo thành lằn, rảnh. Chân tay mẹ khẳng khiu thấy mà thương. Những ngày tôi về, mẹ không đi chợ bán nữa mà ở nhà với tôi, cũng có lúc mẹ chạy ra chợ, mua chút rau, chút cá, chút mắm về, còn thì hai mẹ con quấn quít bên nhau. Nhìn dáng mẹ đi lầm lủi, lúp xúp, như chạy...thương mẹ khổ suốt đời.

Trong lần này, gần mẹ, tôi đã kể mơ ước của mình, đó là tại tôi không có tiền, chứ có tiền, tôi mua chiếc xích lô chạy thì sẽ khá hơn. Tôi nói với mẹ như một tâm sự, chứ không có đòi hỏi gì, vì tôi biết mẹ  làm gì có tiền, mẹ cũng khổ, cũng chạy ăn từng bữa như tôi.


Buổi sáng hôm sau, hai mẹ con cũng ngồi trên chiếc chỏng tre ở phòng ngoài, nói chuyện với nhau. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện mồ mả ông bà tổ tiên, chuyện đám giỗ...hàng năm, những điều mà dù kham khổ đến mấy, mẹ tôi vẫn làm, chỉ một mâm cơm nhỏ, quả trứng, đĩa cá, đĩa thịt, mẹ không bỏ sót một đám giổ nào, từ ông cố trở xuống.

Hôm đó, tự nhiên mẹ lấy từ túi áo ra một cái bị vải nhỏ, được thắt nút  kỹ càng.

Mẹ nói:

- Con, thật ra mẹ bây giờ không còn gì nữa để cho con, chiến tranh loạn lạc đã tiêu tán hết. Gần đây, dì T con, còn được chỉ vàng, dì sợ mất nên nhờ mẹ cất giữ dùm. Bây giờ thấy con cần quá để mua chiếc xe làm ăn, thì mẹ giao chỉ vàng cho con, coi như mẹ cho hai anh em con làm vốn. Còn về phần dì, thì mẹ sẽ nói với dì sau.

Mẹ tôi tay run run, mở cái bị vải nâu nhỏ, kéo dây rút, lôi trong đó một khoen vàng độ một chỉ, màu vàng nhạt, tôi nhìn thấy không phải màu vàng au, có lẽ khâu vàng này hơi thiếu tuổi, đưa cho tôi. Tôi cảm động quá mà rơi nước mắt. Thật ra, suốt đời, đến thời điểm đó, tôi chưa cầm trong tay một chỉ vàng nào. Ngày đi lính, có lương, nhưng tôi không sắm vàng, chỉ hàng tháng đưa tiền cho vợ, để  lo cho gia đình, con cái, mà thôi.

Tôi tin mẹ, là chỉ vàng này của dì T gởi nhờ mẹ cất dùm, nhưng mẹ thương 2 thằng con trai quá, nên đành rút ruột mà cho anh em tôi. Nghĩ đến chuyện đó, tôi không cầm được nước mắt. Tôi ôm mẹ mà khóc, mà hun. Mùi hương ngái ngái từ áo mẹ, từ mùi mồ hôi, mùi vôi trầu, mùi nhà bếp, sao mà thơm quá. Sau này, tôi đã có dịp quen những người con gái xức mùi nước hoa thơm lựng, như mùi nước hoa Chanel 5, nhưng sao tôi thấy vẫn không bằng mùi hương vôi, cau, trầu của mẹ tôi xưa.

Khi trở về lại Sài Gòn, tôi viết thư cho anh tôi, nói là mẹ cho anh em mình chỉ vàng, thế đó. Anh tôi cũng rất vui, và anh cũng bằng lòng cho tôi mượn 1/2 chỉ vàng này, để mua chiếc xe xích lô, coi như chiếc xe chung của hai anh em. Nếu tôi chạy xe được khá khá, thì tôi sẽ chia chút đỉnh cho anh. Anh tôi cũng đi học tập cải tạo về, đang sống ở kinh tế mới với gia đình, cũng cực khổ trăm bề.

Khoảng hai, ba tháng sau, tôi mới mua được chiếc xích lô. Kể ra thì dài dòng, nhưng nói chung là từ đây tự tôi làm chủ chiếc xe của tôi, tôi muốn chạy sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng được. Tôi vui lắm.

Xin nói thêm là thời gian này, gia đình tôi thuê một căn phòng của một gia đình người bắc di cư, theo Thiên chúa giáo, ở khu Nghĩa Hòa, Phường 6, Tân Bình. Căn phòng (chỉ là căn phòng trống trơn), gia đình tôi để một chiếc giường rộng, đủ chứa 5 người, hai vợ chồng và ba đứa con, nên rất chật. Muốn đi vào căn phòng, phải đi theo một con đường luồng dài khoảng 15-20 mét. Mỗi khi tôi đạp xích lô về, tôi phải dắt xe theo đường luồng, để xe vào sát phòng tôi. Tôi cũng ỷ y vì nghĩ, chỗ này để xe chắc an toàn, vì phải dắt vào đường luồng hơi khó khăn...Với lại tính tôi rất hời hợt và tin người, cứ nghĩ, mình là dân khố rách áo ôm, chỉ có cái xe xích lô làm cần câu cơm, chắc chẳng ai dòm ngó gì...Nên buổi tối, tôi ơ hờ, không khóa xe kỷ lưỡng gì cả. Cứ để đó mà vào phòng...suốt mấy tháng, như vậy.

Không ngờ, chung quanh tôi toàn là cạm bẫy, hầm hố, bom mìn...Nói nghĩa bóng thế thôi, chứ vợ chồng người chủ nhà, anh chị Thuận, nhìn cũng tương đối hiền lành. Anh trước 75 là lính, đơn vị anh là sư đoàn 18...Bây giờ anh về làm thợ hồ, thường đi theo công trình xây nhà. Anh chị Thuận ăn nói tử tế, hay đi lễ nhà thờ hàng tuần vào thứ bảy, chủ nhật. Anh chị có 3 đứa con còn nhỏ khoảng 5, 6, 7 tuổi, hay phá phách, chọc ghẹo, ăn hiếp mấy đứa con tôi, nhưng tôi nghĩ, đó là những đứa con nít, con nít nhà ai chẳng vậy.

Nhưng thật ra tôi không tìm hiểu, vì tìm hiểu làm gì khi suốt ngày tôi gò lưng đạp xe, mài mòn đít trên yên xe...thì trong lúc đó, có một âm mưu lấy cắp chiếc xích lô của tôi mà tôi không hay.

Đó là anh Thuận có 3 người em trai, tuổi từ hai mươi đến ba mươi, vô công rỗi nghề...có tiền án tiền sự. Trước đây, đã từng ăn cắp, ăn trộm và hút chích...đã từng bị bắt giam sáu tháng hay một năm gì đó. Nay được thả về, vẫn vô công rổi nghề, hay ngồi quán cà phê hàng buổi, tán láo hay tìm kiếm "phi vụ".

Ba đứa em này, ở gần nhà anh Thuận, thường đến nhà anh Thuận chơi, đã rình mò chiếc xích lô của tôi, chú ý xe tôi không khóa hàng đêm. Nên một buổi sáng như mọi ngày...Tôi thức dậy và bận áo quần đi chạy xe, mở cửa bước ra ngoài, thì hỡi ơi, không thấy chiếc xe đâu cả. Tôi thất sắc, hết hồn, chạy trở vào nói nhỏ với bà xã:

- Em ơi, mất chiếc xích lô rồi, ai lấy chiếc xích lô của mình rồi.


Bà xã tôi thì bình tỉnh hơn, ra hiện trường xem thì chiếc xích lô không cánh mà bay, tôi hỏi mấy người hàng xóm thì ai cũng nói không biết, không thấy ai lấy cả.


Tôi đi báo công an phường 6, công an làm biên bản, nói sẽ điều tra. Tôi nghe lời vợ tôi mua túp thuốc ba số 555, biếu công an. Nhưng rồi ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng, chiếc xe vẫn biệt vô âm tín.


Trong những ngày đau thương này, có một nhà đối diện, thương cảm hoàn cảnh của tôi, có chiếc xe còn dư cho tôi thuê đạp buổi sáng. Thế là tôi chỉ làm chủ được chiếc xích lô riêng của tôi đâu được 6 tháng, một thời gian quá ngắn. Tôi còn nợ người anh 1/2 chỉ vàng, tôi phải tiện tặn để dành để bù hoàn lại. Cũng hơn một năm sau tôi mới trả xong.

Mãi sau này, cũng bốn, năm năm sau, nhân dịp về quê, tôi mới kể chuyện này cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi không nói gì nhưng chắc mẹ tôi buồn lắm.

Tôi có nói với mẹ, làm sao để trả món nợ này cho dì T, mẹ nói, mẹ đã trả cho dì rồi, con đừng lo.


Tôi cũng xin nói thêm là mẹ tôi có ba chị em, là mẹ tôi, dì T và dì K. Dì T cũng vì tình duyên trắc trở nên dì sống một mình, dì làm cái nhà nhỏ gần cầu gò ông Đốc. Căn nhà trông rất hiu quạnh. Dì chỉ có một người con trai, đứa con trai đã lớn, có vợ con nên ra riêng.  Dì sống một mình. Dì vẫn hay lên nhà tôi mỗi sáng, dì đi quanh vườn, rồi vô nhà, tem miếng trầu ăn, nói chuyện với mẹ tôi đôi ba câu, rồi dì về. Thấy dì quạnh quẽ tôi  thương lắm.

Hình như khi tôi ở Sài Gòn, thì dì T mất, tôi nghe tin sau vài ba tháng, vì hồi đó đâu co` liên lạc dễ dàng như bây giờ, điện thoại không, tin nhắn không. Chỉ nghe tin qua những người cùng quê gặp ở Sài Gòn báo tin. Thế thôi.

Khi về thăm quê, tôi có ghé lại mả dì thắp hương. Mả dì chôn gần mả của cha tôi, nên mỗi lần về thăm quê, đi thắp hương mả cha, tôi đều thắp hương mả dì, như một tưởng nhớ.


Còn chú cả T, con trai dì, trước khi khi đi Mỹ, tôi về quê thăm có gặp chú, anh em nói chuyện vui vẻ, cũng có chút "chén tạc chén thù". Chú lớn tuổi hơn tôi nhưng vẫn gọi tôi bằng anh. Tính chú xả lã, vui vẻ.

Thế mà sau khi qua Mỹ, một, hai năm gì đó, tôi nghe tin chú chết. Một cái chết rất đau thương, nghĩa là một buổi sáng, chú và đứa con gái đi Đà Nẵng. Hai cha con chở nhau trên chiếc xe Honda, ra đâu đến Hương An hay Bà Rén gì đó, vì tránh một chiếc xe hàng ngược chiều, xe chú cán lên một hòn đá to, nằm bên vệ đường. Chiếc Honda lật lăn quay, chú chết ngay tại chỗ. Còn đứa con gái thì mê man bất tỉnh, coi như sống đời sống thực vật. Mãi đến mười, mười lăm ngày sau, bác sĩ cho gia đình biết không hồi tỉnh được, nên gia đình đành xin rút ống.


Nghe tin, tôi cũng thật bàng hoàng và thương cảm cho đứa em bạn dì của tôi. Tôi nghĩ, thôi, để bù đắp lại ngày xưa mẹ tôi đã lấy khâu vàng của dì T, cho tôi làm vốn, không biết mẹ tôi trả cho dì chưa, nhưng tôi cũng gởi về người con cả của chú $ 200 US, trước là để phúng điếu, hai là để xây cho chú nấm mồ bằng xi măng hay gạch ốp lát cũng tốt, như một sự trả ơn.

 

Viết đến đây tôi lại thấy thương mẹ tôi hơn lên. Điều mà tôi nghĩ hoài về chỉ vàng mà mẹ tôi nói là của dì T gởi, mẹ rứt ruột cho tôi và anh tôi trong lúc ngặt nghèo...mới thấy được tình mẹ to lớn bao la bao nhiêu. Có thể là mẹ tôi sẽ tần tảo từng đồng để dành tiền mua khâu vàng khác, trả lại cho dì, còn nếu không, thì tìm cách nói quanh, nói quất, để dì không đòi...Dù gì đi nữa, tất cả mẹ cũng vì con, nhường miếng cơm, manh áo cho con.

Thôi thì chuyện đã qua cũng gần bốn mươi năm qua rồi. Những người thân yêu nhất đời của tôi cũng lượt bỏ tôi mà đi. Cha, mẹ, dì T, dì K...Ai có thọ nhất...rồi cũng ra đi thôi, đó là luật thời gian, quy luật tạo hóa...Dì K tôi sống lâu nhất gần 100 tuổi...nhưng cũng ra đi cách đây mấy năm.


Ngày Của Mẹ, tôi lúc nào cũng thẩn thờ, nhớ hoài về những kỷ niệm ngày còn Mẹ. Nhưng nhớ chỉ thêm buồn.


Nhưng tâm hồn con người mà. Thương nhớ biết làm sao nguôi.


Trần Yên Hòa


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.