Hôm nay,  

Hành Trình Vượt Biển Của Tôi

24/04/202000:00:00(Xem: 4224)
 
Tôi lớn lên ở Sài Gòn trong một gia đình có 9 chị em, sau ngày 30.4.75 ba tôi bị bắt đi trình diện và rồi bị nhốt luôn trong tù.
 
Gia đình tôi bị đẩy về vùng Kinh Tế mới gần 2 năm, cuộc sống khó khăn nên mẹ tôi quyết định bỏ vùng KTM về Thành Phố ở. Chính quyền địa Phương không cấp hộ khẩu cho gia đình tôi vì mẹ tôi tự ý bỏ Kinh Tế Mới đi. Mẹ tôi phải chạy chọt khắp nơi để có hộ khẩu và có chỗ ở cho chị em tôi được đi học.
 
Vượt Biên Gặp Hải Tặc ( 5.1981)
 
Mẹ tôi bán thuốc tây để dành được một ít tiền cho chị em tôi đi vượt biên. Chuyến đầu mẹ cho ba chị em tôi đi nhưng bị đổ bể, đợt hai mẹ cho chị tôi đi với gia đình dì, và được Cap Anamur Đức vớt, đưa đến Đức vào năm 80. Một năm sau mẹ gửi hai anh em tôi cho cô chủ tàu ở Cần Thơ và chúng tôi được đưa lên tàu đánh cá nhỏ có 89 người.
 
Thuyền rời bến, ngày đầu chúng tôi được phát nước uống, qua ngày thứ hai thì không còn giọt nước nào. Lúc đó vào tháng năm, nắng nóng, thuyền lại không có mui che nên ai cũng mệt lả, thuyền đông người lại quá chật hẹp không cựa quậy gì được, tôi chỉ cần nhút nhích một chút là bị người ta nhéo.
 
Lúc đó tôi chỉ thấy chung quanh là biển rộng mênh mông, tôi nhớ nhà và cầu mong sao cho bị bắt để được về nhà lại.Trên thuyền bắt đầu có một chị bị sảng vì thiếu nước uống, rồi thì không biết ai đó lấy lon Guigoz truyền nước uống cho nhau nhưng ai hớp vô rồi cũng phun ra vì đó là nước biển, mặn quá, tôi cũng không ngoại lệ.
 
Lúc này nhiều người đã kiệt sức nên khi nhìn thấy một hòn đảo, ai cũng muốn tấp vô để kiếm thức ăn và nước uống, một người xung phong nhảy xuống bơi vào bờ xem xét tình hình trước nếu ổn thì thuyền sẽ tấp vào. Nhưng có người trên thuyền đặt ống dòm và thấy trên đảo có nhiều xác máy bay, ông ra dấu hiệu cho người dưới biển lên tàu lại và thuyền quay đầu chạy. Vừa mới chạy thì chúng tôi nghe bắn ầm ầm hai bên mạn thuyền, nhưng may mắn thuyền chúng tôi chạy thoát, nghe nói đó là đảo của tụi Khờ me đỏ.
 
Thuyền lại tiếp tục chạy vì không thức ăn và không nước uống, tôi và nhiều người cũng bắt đầu mê sảng, tôi không còn nhận ra anh tôi, và khi ai đó lượm được vỏ dưa hấu trên biển đưa cho tôi ăn, vì sảng tôi cứ tưởng mình đang ăn trái ổi.
 
Rồi thì chúng tôi may mắn gặp một tàu đánh cá của Thái, họ quăng dây cho chúng tôi lên tàu, khi hai tàu sát nhau và sóng đánh dạt ra có hai anh bị rớt xuống biển. Chúng tôi được họ cho ăn và uống, ai có vàng thì họ xin, sáng hôm sau họ quay lá cờ lại và nói vì họ không phải là tàu Thái, họ là Tàu Campuchia nên họ không được vô hải phận Thái và mời chúng tôi xuống thuyền nhỏ lại.
 
Thuyền tiếp tục chạy, mọi người đang kiệt sức thì bỗng thấy xa xa thấp thoáng những chiếc thuyền, mừng quá nhiều người cởi áo ra ngoắt la S.O.S. Rồi 4-5 con tàu xuất hiện, tiến tới và bao vây thuyền chúng tôi vào giữa và họ bịt số ghe lại vì sợ những người trên tàu nhìn thấy sẽ đi thưa họ. Nhưng có người còn thấy và ghi số ghe.
 
Tôi nhìn thấy họ là những người đàn ông lực lưỡng, đen thui, ở trần, chỉ mặc quần lót, nhìn rất hung dữ, nhảy xuống ghe chúng tôi và lôi kéo mấy người phụ nữ đưa lên tàu của họ, và lúc đó tôi thấy nhiều cô chạy tới đầu máy ghe và lấy dầu máy trét lên mặt. Tôi lúc đó nghĩ, sao họ chơi dơ thế. Về sau tôi mới hiểu mấy cô làm vậy cho mặt mày xấu xí để đừng bị mấy tên cướp bắt. Một chị đang bị mê sảng nặng chúng cũng tính bắt nhưng mọi người nói chị sắp chết nên họ tha.
 
Tôi nghĩ số chị may mắn và tôi cũng may mắn. Một tên bắt tôi đứng lên và quay lại nói gì đó với thằng nhóc trên tàu của nó, thằng bé đó cỡ 13-14 tuổi, nhưng thằng bé lắc đầu, tôi lúc đó không hiểu nó nói gì và muốn gì, khi thằng bé lắc đầu thì nó tha không bắt tôi lên tàu nó.
 
Nghĩ lại thấy số mình cũng hên, tôi thầm cảm ơn trời, Phật và thằng nhỏ đó, vì tuổi nó con nít chẳng biết gì nên sự ngây thơ của nó đã cứu tôi và có một điều tôi nghĩ chắc nó cũng là một người lương thiện. Sau đó bọn hải tặc bắt 8 chị lên tàu đem đi và cướp hết vàng của những ai đang có. Trước khi bỏ đi chúng còn lấy luôn đầu máy ghe của chúng tôi, ghe không có máy nên cứ trôi bềnh bồng.
 
Sang ngày thứ tư thì gặp một tàu đánh cá khác họ cho chúng tôi lên, nhưng hai người cầm 2 cây giáo vì sợ bị bạo động, họ biết tàu chúng tôi vừa mới bị tàu khác cướp.
 
Trại Tỵ Nạn
 
Chúng tôi được đưa vào trại tỵ nạn Laem Ngop, tôi còn nhớ khi thuyền tấp vào đảo chúng tôi không còn sức để bước xuống thuyền ai cũng đi nghiêng ngả như người say rượu vì 4 ngày lênh đênh trên biển mà không ăn, uống.
 
Khi nhập trại những người biết tiếng Anh đi thưa cảnh sát Thái, khai họ nhìn thấy số ghe của bọn hải tặc thì tối đó cảnh sát Thái cho người tới đánh những người đi khai.Tôi nghe người lớn nói Cảnh sát Thái và Hải Tặc có cấu kết với nhau. Có một anh có đứa con nhỏ 2 tuổi, vợ anh bị hải tặc bắt, tội nghiệp đứa nhỏ khóc hoài vì nhớ mẹ.
 
Sau đó vài tuần chúng tôi chuyển qua trại Laem Sing, ở đó cũng có nhiều chuyện lạ. Khi người Thái mở nhạc chào cờ của Thái mà người VN trong trại tỵ nạn không đứng chỉnh tề chào cờ Thái thì sẽ bị phạt. Có hôm tôi thấy họ bắt mấy anh VN cạo đầu trọc lóc ,tay cầm cây nhang đi một hàng dài xuống biển, phải hụp đầu xuống nếu chưa cho phép mà trồi đầu lên sẽ bị cảnh sát Thái lấy đá chọi, và những ai ra ngoài đi làm lén nếu bị bắt thì cảnh sát Thái sẽ bắt họ cởi áo và nằm lăn vòng vòng trên đường đá sỏi cho tới khi da thịt rướm máu.
 
Giờ nhớ lại tôi vẫn không hiểu sao họ không thích người Việt Nam, trong khi người Lào và Campuchia cũng lén ra ngoài trại bán gạo hoặc đi làm lén thì họ không phạt mà chỉ phạt người Việt nam.
 
Mẹ tôi gửi tiền cho chủ ghe nhưng cô chủ ghe cũng bị hải tặc bắt nên hai anh em tôi không có tiền sống và cũng không có tiền để gửi thư về nhà.
 
Anh tôi lúc đó 13 tuổi là một người ham chơi nhưng khi qua đảo anh tôi lại đổi tánh biết lo, khác hẳn ra, anh đi bẻ măng và có khi trốn ra ngoài đi rửa chén cho tụi Thái. Có lần anh tôi trốn ra ngoài làm và vì trời tối nên bị sụp chân xuống cây cầu về bị sốt nặng nhưng không dám đi bác sĩ và anh nằm miên man 3 ngày vì không có thuốc. Lúc đó tôi đã khóc vì sợ anh tôi chết, may mắn trời cũng thương và anh tôi qua khỏi.
 
Nhờ anh tôi đi làm có chút tiền nên chúng tôi gửi thư về cho mẹ. Khi chúng tôi chuyển qua trại Transit Center, một thời gian thì chúng tôi gặp lại mấy chị bị hải tặc bắt, mấy chị kể hải tặc bắt mấy chị hãm xong quăng xuống biển nhưng cũng may chúng nhìn thấy tàu tuần cảnh sát Thái nên nhảy xuống bắt mấy chị lên thuyền lại, và sau đó thả mấy chị vào 1 hòn đảo hoang. Mấy chị không quần áo, không miếng vải che thân phải nắm tay nhau đi lên dốc núi, nhiều khi bị đá ở trên rớt xuống trúng vào người.
 
Sau này mấy chị gặp được mấy bà Thái, họ cho quần áo bận và đưa mấy chị vô trại. Có một chị vừa bị hải tặc bắt mà em trai đi cùng thuyền lại té chết trên biển nên chị rất buồn, ngày nào chị cũng cúng cơm cho em và hy vọng em chị vẫn còn sống. Về sau có một anh thương chị nên tôi thấy chị cũng nguôi ngoai phần nào, còn một chị 15 tuổi thì phải vô nhà thương hoài, nghĩ lại tôi cảm thấy thương mấy chị. Giờ nầy mấy chị đã ở Mỹ, không biết mấy chị sống ra sao?
 
Cô chủ tàu gặp lại chúng tôi dúi trả lại một ít tiền, không biết là bao nhiêu nhưng cũng đủ cho hai anh em tôi ra nhà hàng ăn được mỗi đứa một tô mì gói, cảm giác của tôi lúc đó thật là hạnh phúc và sung sướng.
 
Sau đó chúng tôi chuyển qua trại Pananis Khom để đi Đức. Thời gian ở đảo 4 tháng rất khó khăn và khổ nhưng tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm vui. Ở trại tôi có nhiều bạn bằng lứa tuổi nhưng chúng tôi may mắn hơn các bạn vì đi Đức theo diện minor nên chỉ có 4 tháng còn các bạn ấy đi Mỹ nên phải đợi hơn 1 năm. Ngày rời khỏi trại để đi tôi rất buồn vì xa các bạn, ngược lại anh tôi rất vui.
 
Định Cư
 
Hai anh em tôi qua Đức vào một chiều mùa Thu giữa tháng 9, lúc đó trời hay mưa và lạnh, xứ lạ làm tôi buồn và nhớ nhà nhiều lắm, tôi nhớ mẹ, chị, mấy em và các bạn cùng cô giáo của tôi.
 
Mẹ tôi ở nhà trông hoài không thấy tin tức gì của anh em tôi nên đi coi bói, ông thầy bói nói anh, em tôi chết trên biển rồi làm mẹ tôi khóc và ăn chay cả tháng.
 
Ba chị em tôi vì tuổi dưới vị thành niên nên phải sống chung với một gia đình khác, ba năm sau chị tôi bảo lãnh cả gia đình qua.
 
Đó là hành trình của chuyến đi tìm tự do mà mọi người phải trả giá rất đắt. Sau này tôi nghe nói hải tặc Thái xuất phát từ Phuket, không biết có bao nhiêu người như vậy đã làm xấu đi hình ảnh của dân tộc họ trong suy nghĩ của tôi, nhưng dầu sao tôi cũng phải cảm ơn chính phủ Thái Lan đã giúp cho nhiều người Việt tỵ nạn như chúng tôi và cảm ơn nước Đức đã cưu mang gia đình chúng tôi.
 
Hiện các con tôi đã lớn và tôi muốn chúng hiểu giá trị của sự tự do mà chúng đang được hưởng. Nó là một sự liều mình giữa cái sống và chết của những người quyết định ra đi tìm tự do và nó được đón nhận bởi lòng nhân đạo của người Đức để các con tôi có một tương lai tốt lành của ngày hôm nay
.
PS: Hy vọng qua bài viết này mình có thể tìm lại được các bạn mình hay các anh chị em chung chuyến ghe.

Ý kiến bạn đọc
29/04/202013:33:43
Khách
Đọc bài viết của Hoàng Yến, tui thấy lại một trời tuổi thơ ngậm ngùi, bơ vơ của tui bên trại tị nạn. Tui cũng vượt biên năm 81. Tui hơn Hoàng Yến chắc chừng đôi tuổi. Tàu tui 81 người, không bị hải tặc. Tui tới Mã Lai.
Không biết có phải đến tuổi hay không mà tự dưng đọc bài của Hoàng Yến, tui ước gì tui gặp lại mấy người bạn bên trại tị nạn ngày xưa. Cũng không có gì đặc biệt. Chỉ là ngồi uống với nhau một ly cà phê và nhắc chuyện ngày xưa, xa xưa ấy...
Hoàng Yến viết nhẹ nhàng, tình cảm lắm. Thử dự thi Viết Về Nước Mỹ xem sao. Chắc chắn Hoàng Yến sẽ kết thêm được những người bạn dễ thương.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyện ngày xưa, 1300 năm trước, xứ Hoa Hạ, tại một làng chuyên nghề chài lưới sống dọc hai bên bờ con sông Li, huyện Gullin, tỉnh Guangxi. Buổi chiều dần xuống êm đềm, mây mờ len lỏi giăng phủ ven lưng chừng núi, soi bóng xuống mặt sông tạo nên một bức tranh thủy mặc đẹp tuyệt vời pha chút nét sương khói mông lung; lão ngư phủ họ Tống phải chuẩn bị ít đồ ăn thức uống, và cả một ít thuốc hút cho chuyến đi săn cá đêm của mình...
Đứng trong hành lang phi trường Tân Sơn Nhất giây phút tiễn đưa cận kề thật não lòng, cả nhà cùng buồn, hai người ở lại tiễn hai người đi xa. Bà Tám cứ ôm riết thằng cháu nội đích tôn duy nhất trong tay, hết vuốt ve ngắm nghía nó từ đầu đến chân lại rưng rưng nước mắt hỏi cháu...
Mùa hè, trời cứ cao xanh, thăm thẳm, ong ong và chong chao cái nắng. Chỉ có mùa thu, bầu trời như xuống thấp hơn một cung bậc, và mây cứ từ đâu, đùn đẩy, xếp hàng, có khi chồng chất nhau thành những đụn mây với những màu sắc: trắng, xám, ánh vàng và có cả đen của màu... tóc làm nhung nhớ của một thời bịn rịn, với tóc mây (không phải tóc mai) thơm mùi bồ kết, hương nhu, thao thức hoài trong giấc ngủ...
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”...
Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy, chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu để tôi học hỏi chính là chị. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất...
Tôi đứng ngay tại Ngã Ba Hàm Rồng nhìn dáo dác chung quanh. Buổi trưa nắng chang chang. Thỉnh thoảng một cơn gió nổi lên cuốn theo những đám bụi đỏ mù trời. Tôi dụi mắt mấy lần cố tìm những gì thân quen của một quá khứ yêu dấu xa xưa...
Người Việt Nam chúng ta cũng có một bài thơ sống động mà có vẻ như ngôn ngữ của thi ca không thể nào diễn tả hết nét đẹp. Đó là những tứ thơ diễm lệ, đẫm đầy tình yêu và sự hào hùng của những người trẻ, những thủ lĩnh Việt Nam Quốc Dân Đảng, trong chuyến xe ra pháp trường Yên Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930...
Tôi nhìn sững vào con bé đen (nên gọi là con bé hay là cô bé đây). Nó đang đứng nói chuyện với một người đàn ông Mỹ lớn tuổi, cũng đen như nó, ở trước cửa phòng ra vào khu tập thể dục. Con bé chừng mười bảy, mười tám tuổi là cùng, nước da đen cáy trông như một pho tượng đồng đen...
Tôi vốn mê đọc từ thuở còn rất nhỏ. Dĩ nhiên, mê bất cứ thứ gì cũng đều không tốt, vì nó sẽ hình thành một thứ nghiệp gì đó. Thêm nữa, chữ bao giờ cũng mơ hồ. Chữ là ký hiệu, là biểu tượng, là ngón tay chỉ trăng. Dù vậy, trong khi chữ là một hàng rào ngăn cách chúng ta với thực tại, chữ lại là một phương tiện để hiểu nhau, để cảm thông và để hoằng pháp.
Cách đường lớn có mấy mươi mét mà con hẻm 69/3/17 này là cả một thế giới khác. Chùa Ông Bổn nằm ngay ngã ba giao nhau của mấy con hẻm luôn, từ đây tỏa ra và chạy quanh quẹo sâu vô trong những xóm nhỏ khác nữa. Những con hẻm ở đây cả ngày chẳng có nắng giọi, chỉ trừ lúc giữa trưa, những ngôi nhà cao tầng bao quanh ở mặt tiền che chắn hết nắng trời. Cái không khí mát dịu hơn bên ngoài nhưng cũng rất ủm thủm ẩm thấp...
Chị Bông đi shopping về vội vàng lo sửa soạn bữa cơm chiều xong chợt nhớ ra hôm nay chồng sơn lại cái hàng rào patio nên ra vườn sau xem kết quả, chị tưởng tượng đến những hàng rào song sắt màu nâu mới mà lòng rộn ràng...
Tháng 10 năm 2019, tôi có tới bốn thân hữu của trên dưới sáu mươi năm quen biết, họ đã cùng nhau bỏ ra đi vào cõi vô cùng: Du Tử Lê, Nguyễn Tường Quý, Nguyễn Văn Trung và Trần Tuấn Kiệt. Thời gian ấy, tâm tư xáo trộn, thẫn thờ cả tháng. Chưa bao giờ tôi bị xúc động mạnh đến thế; và dĩ nhiên, chẳng có thể viết ra được một lời nào về họ!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.