Hôm nay,  

Mùa Đông Bất Tận

07/04/202011:32:00(Xem: 3862)

 

 

Mỗi lần mùa đông trở về với Cali, tôi lại bồi hồi nhớ lại những mùa đông ở một nơi khác. Không phải là những mùa đông êm ả, thân quen của Đà Lạt, nơi tôi sinh ra và lớn lên, mà là những mùa đông lạnh lẽo, vô cùng khắc nghiệt ở một nơi khác, xa lăng lắc. Nơi chốn đó đã cho tôi bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, nhớ nhung của tuổi thanh xuân. Thành phố nhỏ bé đó có tên là Komsomolsk, ở tận xứ Ukraine xa tít mù, nơi tôi đã sống và làm việc trong suốt bốn năm trời, và cũng là nơi đã hun đúc nên một tình yêu cho mãi đến bây giờ.

            Vào những năm 80, xã hội miền Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Ở thành phố Đà Lạt, ngoài nghề trồng trọt, phần đông những cô gái trẻ như tôi đều vào hợp tác xã đan len để kiếm sống. Qua đó, tôi có cơ hội đi làm việc ở Liên Xô, theo cách gọi của thời quốc gia cộng sản này chưa sụp đổ.

            Hồi đó, nghe đến tên Liên Xô, ai cũng nghĩ đến nước Nga, đến thủ đô Moscow. Tôi có ngờ đâu mình lại qua xứ Ukraine lạ lẫm này, đến một thành phố xa xôi, cách thủ đô Kiev hơn 300 cây số về phía nam. Lúc bước xuống máy bay, thấy bầu trời mùa đông ảm đạm của một nơi chốn xa lạ trước mắt, tôi thoáng hối hận đã quyết định đi đến xứ sở này. Tôi còn nhớ rõ cảm giác ngỡ ngàng lẫn lo âu khi ngồi trên chuyến xe buýt chạy qua những con đường thẳng tắp, hai bên là những toà nhà hình hộp cao lêu nghêu và lạnh lùng, nổi bật trên nền trời xám xịt và mặt đất phủ đầy tuyết trắng. Trên xe buýt cũng có nhiều người trạc tuổi tôi từ Việt Nam sang, lẫn vào những người từ nhiều nước khác đến. Xe buýt dừng lại trước một toà nhà chẳng khác gì những toà nhà mà tôi vừa đi qua. Sau này tôi mới biết chỗ mình ở gọi là “ốp”, chữ rút ngắn của danh từ tiếng Nga có nghĩa là ‘ký túc xá’.

            Vậy là tôi bước vào một cuộc sống mới. Trong ba tháng đầu tiên, cùng với rất nhiều người khác, tôi chỉ việc đến lớp học tiếng Nga và ăn ngon ngủ kỹ, chẳng phải làm việc gì khác. Sau thời gian này, tôi mới vào làm việc ở một nhà máy may mặc. Mùa đông ở xứ này kéo dài thật lâu. Trong suốt bốn năm trời ở đó, dù mùa xuân, mùa hạ và mùa thu có đến, tôi cũng không nhớ sâu sắc bằng những mùa đông lạnh lẽo và thê thiết đến tận cùng. Nhớ những ngày co ro trong nhiều lớp áo ấm mà vẫn còn nghe buốt đến xương, trên chuyến xe buýt sáng sáng chở mọi người đến nhà máy. Hay những buổi tối đường phố đã lên đèn, tôi cùng một hai người bạn gái xúm xít bên nhau đi vội đến cửa hàng gần chỗ ở để mua vài món cần dùng.

            Tôi tưởng những ngày đông giá bất tận như thế sẽ nối đuôi nhau đến mãi lúc tôi trở về lại Việt Nam. Những ngày đông trầm lặng đó, tuy vậy, không phải là những ngày buồn bã  đối với tôi. Trái lại, tôi còn thấy thật vui, hăm hở bước vào một cuộc sống mới, hãnh diện được lần đầu tiên kiếm ra đồng lương thật sự cho công sức của mình. Nhưng những ngày đông đó cũng rất lặng lờ, những tháng ngày  của một người con gái mà trái tim vẫn còn bình thản, chưa một lần đập nhanh một nhịp vì ánh mắt của chàng trai nào đó. Trái tim của tôi lúc đó cũng lạnh lùng không kém mùa đông băng giá của xứ Ukraine. Cho đến một hôm, lúc mọi người tíu tít trong phòng phát thư ở tầng trệt trong ốp, háo hức chờ những cánh thư ấm áp từ quê nhà gởi sang, tôi nhận được một lá thư thật bất ngờ. Lá thư đó không phải của ba me tôi hay các chị em tôi từ Đà Lạt gởi qua, mà là một phong thư đóng dấu của bưu điện Hoa Kỳ. Tôi ngạc nhiên liếc nhanh lên góc trái của bì thư để tìm tên người gởi. Tôi còn nhớ trong chính giây phút đó, tim tôi có đập lỗi đi một nhịp khi nhìn thấy tên của anh ở đó.

            Anh không phải ai xa lạ hơn là anh chàng hàng xóm của tôi ở Đà Lạt ngày xưa, lúc chúng tôi còn là những đứa con nít ăn chưa no, lo chưa tới. Căn nhà bên cạnh nhà của ba me tôi bây giờ chính là nhà của gia đình anh ngày trước. Nhà tôi có năm chị em, còn nhà anh có sáu anh em, anh là thứ tư trong gia đình có ba trai, ba gái. Nhà anh dọn đến làm hàng xóm với gia đình tôi sau năm Mậu Thân, cái Tết đau buồn mà người dân miền Nam nào cũng không thể quên. Thuở ấy, hai cô gái lớn của nhà anh làm bạn với hai chị lớn của tôi, nên tôi lúc nào cũng là người ngoại cuộc vì còn bé quá. Phần anh, tuy bận chơi đùa với hai anh trai của mình, nhiều khi cũng thấy tội nghiệp cho tôi bị ra rìa trong những trò chơi con gái, nên thường chơi với tôi để tôi đỡ buồn. Không biết tự khi nào, anh đã mang lại cho tôi cái cảm giác ấm áp của một đứa bé gái có ông anh che chở, lắm khi còn chiều chuộng nữa.

            Mỗi lần thấy tôi ngồi tủi thân, thèm thuồng nhìn các chị lớn chơi đồ hàng, buôn bán với nhau mà không cho tôi tham dự, anh thường ngừng chơi với lũ con trai, lại ngồi bên cạnh tìm chuyện nói với tôi. Lúc ấy tôi mới chừng năm, sáu tuổi, lại vốn nhút nhát, chẳng biết nói gì lại với anh. Tôi chỉ biết đưa mắt nhìn anh với vẻ biết ơn lẫn vui sướng. Thấy tôi ít nói, anh thường tìm hết chuyện này đến chuyện khác, không đầu không đuôi, để gợi cho tôi trả lời. Nhưng tôi cũng không biết nói chuyện lại thế nào, nên mãi rồi anh chàng cũng đâm chán, quay qua làm đồ chơi với tôi. Chúng tôi thường tìm các bông hoa đủ loại, đủ màu trong vườn, kết thành những vòng hoa sặc sỡ. Hai đứa cặm cụi kết hoa, làm xong lại vui vẻ quàng cho nhau. Niềm vui thật giản dị, nhưng chẳng khác gì những hạt mầm xanh mát nảy nở trong tâm hồn thơ dại của tôi.

Rồi gia đình của anh dọn về Sài Gòn. Lúc ấy, tôi còn bé quá, chỉ bâng khuâng cảm thấy một nỗi buồn thoang thoảng, âm thầm, trước quyết định của những người lớn. Gia đình anh đi rồi, chị em chúng tôi quay lại chơi với nhau. Nỗi buồn tuổi nhỏ của tôi cũng qua đi chóng vánh như ngày tháng tiếp tục trôi nhanh trước mặt. Chỉ một năm sau đó, miền Nam sụp đổ. Gia đình tôi quay cuồng theo cơn lốc thời cuộc, suốt ngày chỉ lo vật lộn với đời để kiếm miếng cơm, manh áo. Mãi đến vài năm sau, cả nhà tôi mới có dịp xuống Sài Gòn để me tôi thăm gia đình dì tôi. Trong dịp đó, chúng tôi cũng được gặp lại những người bạn hàng xóm ngày xưa.

Đã nhiều năm qua, ai cũng thay đổi cả. Người lớn thì già hẳn đi, nét mặt người nào cũng hằn vẻ ưu tư, mệt mỏi, trong khi cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Chỉ có bọn trẻ chúng tôi là cứ vô tư lớn lên, không còn là lũ con nít nghịch ngợm, hồn nhiên như dạo nào. Anh bây giờ đã là cậu thanh niên khá chững chạc, gặp lại tôi với ít nhiều bỡ ngỡ. Phần tôi, nếu ngày xưa không nói chuyện được với anh vì còn quá nhỏ, thì bây giờ cũng chẳng biết nói gì vì đã biết ngượng ngùng. Mẹ anh rủ gia đình chúng tôi đi Vũng Tàu chơi cho biết. Tôi còn nhớ rõ như in chuyến đi hôm đó. Không biết vô tình hay cố ý mà anh lại ngồi cạnh tôi trên chuyến xe đò ấy. Trong lúc ba me tôi và mẹ anh đang chuyện trò và lũ trẻ của hai bên cũng đang vui vẻ đùa giỡn với nhau, chợt có một người đàn ông ngồi ở hàng ghế song song với tôi và anh làm tôi chú ý.

Người đàn ông cứ nhìn chăm chăm vào tôi và anh. Trong tiếng xe chạy ầm ầm và tiếng nói cười của mọi người, ông ta bỗng thốt lên:

-          Hai đứa này lớn lên sẽ thành vợ thành chồng với nhau!

Lời nói lạ kỳ của người đàn ông này, may quá, hình như chỉ có tôi và anh nghe, vì lúc đó mọi người chung quanh chúng tôi vẫn tiếp tục nói cười, chẳng ai để ý đến. Tôi còn nhớ mình khá bối rối khi nghe ông ta nói như vậy. Về sau, chẳng bao giờ tôi kể với ai về chuyện này cả. Tuy nhiên, lời nói đó đã gieo vào trong tôi một nỗi niềm gì khó tả. Phần anh, tôi nghĩ anh là con trai nên chắc không nhạy cảm như tôi, vì lúc ấy thấy anh vẫn thản nhiên như không nghe gì cả.

Sau chuyến đi hôm đó, chúng tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật của gia đình mình. Tôi trở về lại thành phố sương mù, ngày hai bữa đi làm ở hợp tác xã, sống một cuộc đời không ước mơ, không hoài bão. Một lần nọ, không nhớ có người quen nào của gia đình tôi từ Sài Gòn lên chơi, vô tình cho biết là anh đã vượt biên đi Mỹ cùng với hai người anh em trong nhà. Tôi nghe tin, lặng người đi trong một thoáng. Tôi nghe như có một nỗi mất mát dâng lên trong lòng, vừa phảng phất, vừa tuyệt vọng. Cái mất mát của một điều gì chưa được nắm trong tay, nó vừa man mác, vừa lắng đọng trong tâm hồn của người con gái mới lớn. Tôi chỉ còn biết tìm khuây trong công việc hằng ngày, trong những niềm vui nho nhỏ với gia đình. Nỗi niềm riêng tư của tôi, tôi giấu kín trong một ngăn tim nhỏ, không biết thổ lộ với ai. Cho đến hôm nghe me tôi khoe với cả nhà là một người quen trong hợp tác xã có thể tìm được một chỗ đi lao động ở Liên Xô, tôi là người xung phong giành đi trước mọi người. Trong vô thức, tôi hy vọng một xứ miền mới lạ nào đó sẽ có thể giúp tôi quên lãng đi nỗi buồn không dám đặt tên vừa nhen nhóm trong lòng.  

Mà như thế thật. Những tháng ngày mới mẻ ở thành phố mùa đông xứ Ukraine đã không cho tôi có dịp nhớ đến những trăn trở trong tâm hồn như khi còn ở trong nước. Hằng ngày tôi phải đánh vật với những chữ tiếng Nga khó nuốt, vừa dài, vừa trúc trắc, đọc muốn trẹo cả lưỡi. Văn phạm tiếng Nga khó còn hơn những công thức toán tôi học ngày trước. Nói hết được một câu có đầu có đuôi là cả một kỳ công đáng hãnh diện. Tối tối về đến ký túc xá sau một ngày dài làm việc, sau khi ăn vội bữa cơm, tôi chìm ngay vào giấc ngủ li bì, không mộng mị.

Mùa đông ở Komsomolsk như làm đông cứng cả vạn vật, nhưng hình như nó chưa đủ làm đông những giọt nước mắt một hôm bất ngờ ứa ra vì một điều tôi không bao giờ trông đợi. Trong buổi nhận lá thư bất ngờ đó của anh từ nước Mỹ xa xôi gởi sang, hai giọt nước mắt chợt lăn dài trên má tôi. Nhưng đó là giọt nước mắt của sung sướng lẫn ngạc nhiên. Tôi hồi hộp xé phong bì ra, nôn nóng đọc những dòng chữ của anh, trong lòng tràn đầy những cảm xúc khó tả bằng lời. Trong lá thư đầu tiên của anh gởi cho tôi đó, lời lẽ của anh rất chừng mực, ý tứ. Anh cho tôi biết là anh có viết thư thăm ba me tôi và được biết là tôi đã đi Liên Xô làm việc. Anh xin địa chỉ của tôi để liên lạc ngay. Anh nói, anh mong lá thư của anh sẽ là một niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống của tôi ở xứ miền xa xôi đó. Anh cũng kể cho tôi nghe về sinh hoạt của anh ở Mỹ. Anh bảo mình đã có việc làm ổn định ở miền nam California và hy vọng có ngày tôi sẽ có dịp đến thăm thành phố biển nơi anh ở.

Buổi sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, mùa đông vẫn còn ngoài khung cửa sổ. Nhưng trong lòng tôi ấm áp một cách lạ thường. Từ hôm đó trở đi, tôi đâm ra có cảm tình với mùa đông ở đây. Tôi yêu cái lạnh thấu xương đã từng làm tôi tê tái, vì bây giờ chính cái lạnh đó đã làm cảm giác ấm áp trong lòng tôi trở thành một niềm an ủi vô biên. Mặt trời thường vắng bóng trong những ngày đông giá, nhưng tôi đã có những tia nắng ấm trong lòng rồi, chẳng màng gì đến cảnh vật chung quanh. Tôi không sao quên được lá thư đầu tiên trả lời cho anh đã khó viết đến chừng nào. Trong gian phòng vắng lặng bên người bạn cùng phòng đã ngủ say, tôi cứ loay hoay với giấy bút thật lâu mà chưa viết được dòng chữ nào. Tôi phải viết làm sao để giọng văn của mình không được quá nồng nhiệt, mà cũng không thể nào quá lãnh đạm. Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành công việc khó nhọc đó, cẩn thận bỏ thư vào phong bì, nắn nón viết tên anh và cái địa chỉ mới biết lần đầu mà chừng như đã thân quen ở miền Cali vừa xa mà như vừa gần.

Từ đó trở đi, mỗi lần xuống phòng phát thư là mỗi lần tôi náo nức, trông chờ. Có những lần tôi vui khôn xiết, tay cầm lá thư của Anh trong tay mà tôi tưởng tượng như chuyên chở cả bao nhiêu làn gió mát của vùng biển mà anh đang ở. Cũng có không biết bao lần tôi buồn bã, thất vọng, tay không quay về phòng. Thư của anh không có, thư nhà cũng chẳng qua. Có điều là nếp sống của tôi không còn phẳng lặng, đơn điệu như trước nữa. Tôi hoà mình với các bạn nhiều hơn, cởi mở, nói cười nhiều hơn. Ai tinh ý cũng đoán được những đổi thay trong tôi. Có hôm tôi còn cùng các bạn gái táo bạo uống thử rượu vodka trong một lần tiệc tùng trong ốp. Mặt tôi đỏ bừng vì men rượu mạnh, càng làm tôi ngây ngất với những cảm xúc mới lạ trong hồn.

Những cánh thư qua lại giữa tôi và anh càng ngày càng nồng ấm, đậm đà hơn, như mùa xuân đang chậm rãi trở về với đất trời, làm băng tuyết tan ra dưới ánh mặt trời ấm áp. Lời thư của chúng tôi mới đầu còn e ấp qua những ý ẩn hiện sau từng dòng chữ, rồi dần dần rõ ràng qua những lời lẽ dạn dĩ hơn. Cuối cùng, chúng tôi háo hức gởi cho nhau những bức thư tình, chẳng còn giấu giếm những tình cảm dành cho nhau với thời gian qua mà chúng tôi không hề hay biết. Làm sao tôi quên được hộp sô-cô-la hình trái tim mà anh gởi tặng tôi nhân ngày lễ tình yêu bên Mỹ mà vốn vẫn còn xa lạ với người dân Liên Xô vào thời đó. Hay có lần anh báo cho tôi biết là anh có gởi tặng tôi một sợi dây chuyền vàng có hình thánh Giu-Se là vị thánh bổn mạng của anh, như một bằng chứng tình yêu anh dành cho tôi. Lúc đó, tôi cứ ngày đêm chờ đợi món quà đó mà không thấy đến. Mãi sau anh mới cho tôi hay là nó đã bị gởi trả lại về Mỹ, và sau này tôi mới được thật sự cầm nó trong tay khi chúng tôi gặp mặt nhau.

Kể cũng lạ, tôi yêu anh chỉ qua hình ảnh và trong trí nhớ, vì giữa tôi với anh chưa có lần nào thật sự gần gũi để tìm hiểu nhau. Tôi nghĩ chắc tình cảm quý báu mà tôi có được với anh ngày còn nhỏ chính là nền tảng cho tình yêu đến với chúng tôi sau này. Thêm vào đó, lời thư của anh mỗi lúc mỗi thêm nồng nàn, tha thiết, bảo sao cô thiếu nữ mới lớn như tôi cầm lòng cho được? Và điều tôi âm thầm chờ đợi trong một thời gian thật lâu cuối cùng đã xảy ra. Trong bức thư mới nhất, Anh kết thúc với câu sau: “Em yêu, em hãy trở thành vợ của anh nhé. Anh không chấp nhận câu trả lời không của em đâu!” Tôi ứa nước mắt, áp lá thư vào ngực, chẳng biết mình có tưởng tượng ra câu đó hay không. Để đánh tan nỗi hoài nghi vẫn nặng trĩu trong lòng, tôi phải đọc đi đọc lại dòng chữ ấy cả chục lần, tất nhiên là lần nào cũng qua màn nước mắt.

Bốn năm làm việc tại Ukraine của tôi chấm dứt như một giấc mơ. Chắc tôi là người hạnh phúc nhất trong đám bạn bè đang hăm hở quay lại quê nhà. Ngồi trên chuyến bay đường dài, tôi miên man nghĩ đến lúc được gặp lại ba me, các chị và các em. Chắc cả nhà sẽ ngạc nhiên khi đón tôi ở phi trường, thấy một thiếu nữ đã  trưởng thành, chững chạc và dày dạn, khác hẳn mấy năm trước. Người thiếu nữ đó quay lại quê hương với một trái tim đầy ắp những niềm vui và hy vọng. Lâu nay tôi đã nói sơ qua cho me tôi biết chuyện của tôi và anh, nhưng lời cầu hôn của anh thì tôi để dành khi về nhà mới cho mọi người biết. Hơn nữa, bắt đầu từ đây là phải có người lớn can dự vào. Anh sẽ phải nhờ mẹ anh đánh tiếng với ba me tôi rồi chuyện gì kế tiếp mới có thể diễn ra được.

Bỗng dưng thực tế đã chen vào thế giới đầy mộng tưởng của tôi. Lúc mọi chuyện càng ngày ngày càng sắp đến gần, tôi đâm ra sợ nhiều hơn là mừng. Mẹ của anh từ bên Mỹ đã viết thư qua lại với ba me tôi để bàn tính chuyện tác hợp cho anh và tôi. Rồi mọi việc cứ thế mà dồn dập đến. Chẳng bao lâu, ngày anh về để làm đám cưới với tôi sẽ đến. Lúc này thì tôi thật sự phát hoảng. Từ lúc đi chơi với nhau ở Vũng Tàu cho đến bây giờ đã hơn cả chục năm, anh và tôi chưa bao giờ gặp lại nhau. Có thấy chăng là chỉ qua hình ảnh chúng tôi trao đổi cho nhau kèm với những lá thư xuyên đại dương từ bấy lâu nay. Tôi hồi hộp không biết bây giờ anh ra sao. Lúc chúng tôi gặp lại sẽ như thế nào, cảm xúc có giống như lúc qua thư từ hay không, tôi lo lắng thật tình. 

Cảm giác lo lắng của tôi cứ tăng dần khi ngày về của anh càng sắp đến. Cả nhà tôi xuống Sài Gòn để đón anh về. Lúc mọi người đứng đợi chuyến bay của anh sắp hạ cánh, tôi như người đang sống trong một giấc mơ khó hiểu, vừa êm ái, vừa đầy những hoang mang. Tim tôi như thót lại khi thấy anh bằng xương bằng thịt, đi giữa dòng người từ những chiếc phi cơ vừa đáp xuống. Trong lúc tôi còn loay hoay chưa biết phải làm gì, khi anh vừa tiến gần đến chúng tôi, me tôi đã bước ra, ôm lấy anh và hôn lên trán anh một cái thật đằm thắm. Trong mấy anh chị em anh, me tôi vẫn thương anh nhất vì tính tình anh đằm thắm, lúc nào cũng tỏ ra ân cần với người chung quanh. Lúc đó, tôi chỉ biết đứng một chỗ, không ngăn nổi hai dòng nước mắt khi thấy hạnh phúc đến thật gần.

Rồi giấc mơ cứ như kéo dài mãi không dứt. Trong những ngày kế tiếp, anh và tôi có dịp gần bên nhau, đi chơi quanh thành phố, nói với nhau những lời mà thư từ không chuyên chở hết. Cảm giác ngỡ ngàng của tôi trước khi anh về không còn nữa. Tôi lại thấy anh gần gũi như xưa, tựa hồ như hai mươi năm qua chưa bao giờ làm gián đoạn những giây phút hồn nhiên của hai đứa. Đám cưới của chúng tôi là một cơn mơ khác, trong đó tôi như tê dại với bao nhiêu cảm xúc ngập tràn. Tôi không nhớ là mình đã rớt bao nhiêu giọt nước mắt hạnh phúc trong cái ngày không thể quên đó.

Rồi tiếp theo những cơn mơ đẹp, thực tế lại trở về. Sau ba tuần trăng mật ngắn ngủi, Anh phải quay về Mỹ. Ngày tiễn anh đi, tôi lại khóc. Tội nghiệp cho trái tim tôi, nó phải thay đổi biết bao lần những nhịp đập vì bao nhiêu buồn vui cứ tuần tự thay phiên nhau trong tôi suốt những ngày ấy. Anh đi rồi, tôi như hụt hẫng. Ngày xưa còn xa nhau, tôi chịu đựng được vì chúng tôi chưa là vợ chồng. Bây giờ, mối quan hệ mới mẻ đó đã làm cho tôi thay đổi cách suy nghĩ, ngay cả cách đợi chờ. Tôi lại trở nên ít nói, suốt ngày cứ muốn thu mình lại, gậm nhấm nỗi buồn, nỗi nhớ. Tôi phải chờ anh đến bao giờ? Giấy tờ bảo lãnh anh mới vừa làm, còn biết bao nhiêu năm tháng nữa vợ chồng tôi mới gặp lại nhau? Bây giờ tôi dễ khóc lắm. Ai hỏi gì, lỡ động đến chuyện chúng tôi, tôi lại không kềm nổi dòng nước mắt. Trái tim tôi lúc nào cũng như đang thổn thức, chỉ chực chờ cơ hội là nó lại khiến những dòng lệ trào ra trên má tôi, mặc kệ chị em tôi nhiều khi trêu con bé vẫn còn dễ khóc như thuở nào còn nhỏ xíu.

Hai năm dài trôi qua, tưởng chừng như hai thiên thu đã qua trên những tháng ngày trống vắng của tôi ở xứ sương mù. Thế giới riêng của tôi là những cơn mơ hỗn độn, nhạt nhoà, pha trộn thuở ấu thời, những năm tháng ở Komsomolsk và những ngày trăng mật nồng ấm. Anh gọi điện thoại cho tôi rất thường xuyên, làm cho tôi càng nôn nóng đến ngày cùng anh đoàn tụ. Mùa đông lại trở về ở Đà Lạt. Mùa đông cho tôi nỗi nhớ, niềm hạnh phúc và những chờ mong. Cuối cùng, mùa đông đã đem đến niềm hạnh phúc vỡ bờ mà tôi hằng mong đợi. Sao bao nhiêu trắc trở về giấy tờ bảo lãnh, Anh đã trở về đón tôi qua Mỹ. Một giấc mơ lớn lại bắt đầu đối với tôi, kể từ ngày tôi đặt chân đến miền Cali nắng ấm trong mộng tưởng của biết bao nhiêu người.

Bốn mùa thay nhau làm đẹp cuộc sống, nhưng mùa đông vẫn có một chỗ thật đặc biệt trong trái tim tôi. Tình yêu của anh và tôi đã nhem nhóm như một ngọn lửa nhỏ mà vô cùng mạnh mẽ trong mùa đông của một xứ sở xa xôi trên bản đồ thế giới. Làm sao mà tôi không yêu mùa đông cho được, và làm sao tôi có thể quên mùa đông, khi mỗi năm nó lại trở về, mang tràn trề hơi ấm kỷ niệm trong những làn gió buốt. Khi muốn cám ơn tình yêu, tôi phải cám ơn mùa đông đã giúp tôi viết lại một đoạn đời thật đẹp trong vùng ký ức của mình.

 

o O o

 

           

Ý kiến bạn đọc
09/04/202005:35:24
Khách
Chuyện tình đẹp quá, bắt đầu từ tuổi nhỏ, còn đơn sơ thơ dại. Tác giả thực sự rất hạnh phúc vì có được người biết quan tâm đến tha nhân, ở cái tuổi mà chưa hề có những tính toán gì trong tâm trí; và khi đến một nơi có thể đầy cám dỗ là xứ Mỹ, anh ta vẫn một lòng nhớ về người bạn bé nhỏ thưở xưa. Chúc mừng cho hạnh phúc của hai người.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Gần năm giờ chiều Nghi đã nghe nóng ruột. Thời gian ở đây chậm như con rùa bò, Nghi nhìn lên tường nơi có treo cái đồng hồ to tướng, những cây kim như đứng lại. Nghi nhớ lời hẹn hò với Hường trước khi anh đi làm, sáu giờ rưỡi gặp em nghe, sáu giờ rưỡi anh đi làm về là gặp em liền, đợi anh về ăn cơm với em...
Cuối tháng mười đất trời phương ngoại vàng lên rực rỡ, muôn sắc màu nhuộm thắm cỏ cây. Những mảng màu đẹp không sao tả nổi, những buổi hoàng hôn càng làm cho sắc màu đã đẹp lại càng đẹp hơn. Đi dưới tán lá rừng rực rỡ, những khoảng trống bên trên long lanh nền trời xanh ngăn ngắt, dưới chân lá xào xạc đùa vui như con trẻ...
Hôm nọ tôi có dịp chạy về khu neighbourhood cũ, đi ngang qua căn nhà cũ mà bồi hồi xuyến xao bao nhiêu kỷ niệm. Lúc ấy gia đình chúng tôi mới từ thủ đô Ottawa chuyển về thành phố này, các con còn bé nên việc tìm một căn nhà có đủ tiêu chuẩn gần trường học, gần nhà thờ, gần chợ Việt chợ Tây cũng hơi khó. Cuối cùng thì căn nhà tạm ưng ý được chúng tôi lựa chọn vì mới được xây, dù là ở dưới phố khá ồn ào chen chúc...
Chẳng bao lâu, chúng tôi đã tới trước cửa thành phía nam tức cửa Nam, cửa chính của thành Cổ Loa. Trước cửa thành có sông Hoàng Giang chảy bao bọc, ôm lấy thành từ hướng đông nam, qua nam, rồi vòng sang hướng tây nam của thành để làm “hào thiên nhiên” bảo vệ thành ở vòng ngoài...
Ngày thứ tư. Một ngày trước khi lên máy bay trở về thành phố của mình, nàng lăn ra ốm. Cảm thôi, nhưng cảm nặng. Bắt đầu bằng một đêm không ngủ nghẹt cứng mũi và hôm sau dật dờ và mệt như ngàn tảng đá đè nặng lên người. Chắc chắn không thể lết lên máy bay nổi vào hôm sau...
Tôi lớn lên từ khu xóm gần hồ Tịnh Tâm. Trong xóm tôi ở toàn các ông Giáo, ông Trợ, ông Phán, ông Nghè, ông Thông được ghép tên thật phía sau, và người ta thường gọi như thầy Trợ Hiếu, bác Phán Quỳnh, v.v... Tôi xin kể về gia đình bà Thông Hợp và gia đình thầy Giáo Mạnh...
Tiệm giặt ủi “Simply Launderette & Dry Cleaning”, phòng ngoài, chỗ tiếp khách. Không có khách. Người phụ nữ tên Mai Thi Nguyen đang ngồi sau cái bàn trên đặt cái máy tính tiền, nằm cạnh cái quầy. Mai Thi Nguyen, từ giờ chúng ta sẽ gọi là Mai, chủ động lấy điện thoại ra gọi...
Tôi nhận được điện thư với tựa đề: Quang Ngai – IVS (International Voluntary Services) English School – Trường ông Dave. Tôi rất ngạc nhiên, nhưng thật vui. Tên người gởi là Nguyễn Văn Kông. Tôi nhớ ngay đến thầy giáo Kông của IVS Quảng Ngãi...
Có lần, trên Facebook của mình, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn nhận xét rằng câu tán gái dở nhất, trong nhạc, là câu “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy” (“Nắng Chiều”, Lê Trọng Nguyễn), bởi, như sau đó anh đùa, nói thế có nghĩa là bây giờ em… tròn quá...
Tôi chở bà chị họ đến bệnh viện ở downtown thành phố. Cuộc hẹn therapy dài hạn kéo dài cả tháng cho 12 lần. Hôm nay là lần thứ hai. Đây là bệnh viện công của thành phố dành cho những người nghèo low income. Lần đầu đến tôi đã đi lạc vì có hai bệnh viện cùng tên ở cách nhau không xa, hỏi ra mới biết bệnh viện mới xây sẽ thay thế cho bệnh viện cũ...
Tôi choàng ngồi dậy, đẩy lớp khăn trắng đang phủ trên người, nhảy xuống giường, cả người sao nhẹ tênh một cách lạ thường! Xung quanh tôi, bao nhiêu người nằm la liệt, căn phòng lạnh ngắt buồn tẻ và vắng lặng, tất cả mọi người có vẻ nằm ngay ngắn, ai cũng có tấm drap trắng đắp che kín từ mặt đến chân, rất yên, thẳng tắp, không có chút phập phồng của hơi thở lên xuống...
Uyên và tôi ngồi bên mâm cơm, thức ăn đã được dọn sẵn lên chiếc “mâm đồng” đặt giữa bàn. Trong mâm, với đĩa cá kho, đĩa thịt “ba rọi” (ba chỉ) luộc, bát canh rau cải xanh nấu với tôm khô, đĩa dưa chua, đĩa cà pháo và một bát nước mắm đặt chính giữa. Mâm cơm như thế này có thể được gọi là sang trọng cho những kẻ còn phải đi trọ học như chúng tôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.