Hôm nay,  

Ông Giáo Ngữ

30/03/202008:59:00(Xem: 2444)


 Tiếng kẻng ra chơi vừa vang lên, bọn học sinh ùa ra như ong vỡ tổ, chúng chạy nhảy chơi đùa la hét ầm ĩ quanh căn nhà. Bọn thằng Vinh, Trường, Cảnh… nổi tiếng nghịch ngợm như qủy sứ. Còn tụi con Lành, Lệ, Thúy…thì mê chơi banh đũa, ô làng, nhảy dây…Cả đám học sinh mệnh danh “ Nhất qủy nhì ma thứ ba học trò” nhưng nổi tiếng nhất vẫn là thằng Tèo. Người ta bảo nó đầu bò đầu bứu đến độ nếu nó có té ngã thì người ta xem mặt lộ có bể hay không chứ chẳng lo đầu nó sưng. Bọn nó đã phân công trước, tụi con gái mang theo muối ớt, mắm ruốc vừa ra chơi là thằng Tèo leo lên cây khế hái trái thảy xuống, tụi kia thì canh chừng ông giáo, kẻo không sẽ bị ăn đòn. Những trái khế to như bàn tay người lớn, chín vàng ươm. Cả bọn trốn sau đống khạp, lu, chậu… bên hông nhà vừa ăn vừa suýt xoa khen mắm ruốt ngon, ăn xong kéo laị bên lu nước dùng cái gáo dừa múc uống đã đời. Khế chua, nước lạnh ấy vậy mà chẳng đứa nào đau bụng chi cả. Chuyện tưởng êm xui, không ngờ có đứa nào mách lẻo với ông giáo. Ông giáo giận, đập cây thước bảng ầm ầm:

 - Nhà có phước sanh con giỏi lội, nhà có tội sanh con hay trèo! Tụi bây trèo hái khế, lỡ té xuống sứt tay gãy gọng thì biết làm sao đây? nghịch như quỷ sứ! 

 La thì la vậy chứ ông giáo Ngữ hiền khô, tóc trắng như ông tiên, cặp kiếng lão đeo xệ xuống lưng chừng sống mũi, mỗi khi nhìn ai thì phải ngước lên và lấy ngón tay đẩy kiếng lên. Ông giáo Ngữ lúc nào cũng cười hềnh hệch rất thân thiện và gần gũi với mọi người. Nhà ông giáo là một căn nhà cổ khá to, sân trước ông cho lợp tôn, xây tường thô nối với sảnh trước nhà để làm lớp học. Bên trong có chừng hai mươi dãy bàn ghế dài, những băng ghế nhẵn thín trơn lu vì bao nhiêu thế hệ học trò mài mòn đũng quần. Dân chợ Cây Da và các tổng quanh đây đã bao thế hệ biết chữ quốc ngữ là nhờ ông giáo Ngữ. Ngoại nói ông giáo đã dạy chữ quốc ngữ từ thời Việt Minh nhưng đến hồi quốc gia mới mở lớp dạy cho dân quanh vùng. Vậy là ông giáo đã dạy từ thế hệ ngoại, má, cậu, dì… cho đến tận thế hệ anh tôi và tôi. Không chỉ nhà tôi mà hầu hết dân quanh chợ Cây Da mấy thế hệ biết chữ quốc ngữ đều nhờ công ông giáo Ngữ cả. Ông giáo dạy chữ từ lúc thanh niên cho đến lúc lưng còng, tóc bạc. Tôi vẫn nhớ như in ông giáo thường ngâm nga và dạy tụi tôi:” O tròn như quả trứng gà

        Ô thời đội mũ, ơ thà mọc râu” 

 Hoặc giả như:” A bê xê dắt dê đi ỉa, a ấ ắ nhắc nhớ trả tiền”…

 Ông giáo dạy chữ quốc ngữ cho mọi người, tiền học phí cũng không nhiều nhỗi gì, cả chợ Cây Da và các ấp, tổng quanh vùng đều nhờ ơn ông giáo cả. Tôi và lũ bạn học là học trò  thuộc thế hệ thứ ba. 

 Hôm nọ, thằng Lĩnh đạp lên mấy tờ nhật trình, ông giáo phạt năm roi đau quắn đít:

 - Chữ nghĩa thánh hiền, không được đạp lên, không được quăng bỏ lung tung, không xài nữa thì phải đốt cho đàng hoàng! 

 Ở lớp học, ông giáo dạy thế, về nhà ngoại cũng nhắc hoài:

 - Chữ nghĩa thánh hiền không được đạp lên, không xài vào những việc ô uế, nếu không tôn trọng thì kiếp sau sẽ sanh ra làm người ngu si.

 Má tôi càm ràm:

 - Người ta lấy giấy nhật trình gói hàng tùm lum kìa! 

 Ngoại nói:

 - Người ta hổng biết mới làm bậy, đó là chuyện của người ta. Mình biết thì mình không làm bậy. Ai làm nấy chịu! 

 Không biết ông giáo thời Pháp thuộc có bằng cấp gì không? Nhưng trình độ quốc ngữ của ông rất giỏi. Ông thâu nhận học trò từ lớp mẫu giáo cho đến lớp năm, những độ tuổi và trình độ khác nhau ở trong một lớp, vậy mà tất cả đều thông suốt thế mới tài. Bao thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu biết chữ, biết tính toán đều nhờ ông giáo. Ông giáo chẳng cần danh hiệu “ nhà giáo nhân dân” hay “ nhà giáo ưu tú” chi cả, cũng chẳng văn bằng nọ kia… ấy vậy mà dạy rất tuyệt vời. Bọn học trò phân biệt rõ ràng ch – tr, dấu hỏi, dấu ngã, câu cú rành mạch, ngữ pháp sạch sẽ…Từ cái nền tảng này mà nhiều người sau này học lên cao và thành đạt. Thế hệ cha chú tôi thì việc học dở dang vì chiến sự, vì thời cuộc nhưng thế hệ tụi tôi thì học hành thông suốt, nhiều người thành danh có địa vị cao trong xã hội hoặc thành công trên thương trường. Thằng Thụ là một ví dụ điển hình, hồi đi học nhà nghèo lắm, không có cả chiếc xe đạp, ba là lính Cộng Hoà chết trận , nội làm thầy cúng độ nhật, ấy vậy mà giờ giàu kinh khủng. Thụ giờ là giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu đá granite, bao nhiêu núi đá quanh vùng bị khai phá tan hoang. Bạn bè bảo rằng:” Nó có tên trong danh sách hai trăm người giàu nhất nước”. Thằng Dưỡng thì nhà có lò rượu sát bên đình, ngày đi học cũng nghèo mạt, ấy vậy mà giờ là bác sĩ có tiếng trong thành phố và cũng giàu nhất nhì xứ. Giờ nó giàu có, nổi tiếng tăm và cả tai tiếng vì những việc đi ngược với những gì mà ông giáo dạy năm xưa. Thằng Sáng, ba sĩ quan đi cải tạo và chết trong tù. Mẹ lanh lợi làm ăn, biết mánh mung dựa dẫm từ đó phát lên giàu to và trở thành nữ doanh nhân thành đạt. Sáng là công tử ăn chơi mát trời ông địa luôn, hồi đi học nó cũng nghịch không thua thằng Tèo, nó lấy hột mắt mèo mài lên ghế, tuị học trò ngồi lên bị ngứa đít nhảy tưng tưng, địt lủm bũm. Ông giáo điều tra ra và phạt nó qùy suốt buổi hôm ấy. 

 Thời gian trôi qua như bóng mây, thế sự thay đổi như bức tranh vân cẩu. Mỗi người một số phận, tôi lưu lạc lang bang tận chân trời và vẫn thường ví nơi ấy là một vùng phương ngoại. Dù xa xôi nhưng lòng luôn luôn nhớ và hướng về cố quận, vẫn thường thăm hỏi về ông giáo thông qua những người thân ở quê nhà. Ông giáo Ngữ, người dạy vỡ lòng chữ quốc ngữ cho ngoại, mẹ, cậu, dì, anh và thế hệ tôi.

 Lớp học chữ quốc ngữ của ông giáo đã đóng cữa từ lâu lắm rồi, ông giáo cũng như mọi con người khác, ngày càng già vì sự hủy hoại của thời gian. Suốt nhiều năm tháng sau khi đóng cữa lớp học, ông giáo ngày ngày ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế mây ở trước cửa nhà nhìn người qua laị. Thân xác ông giáo co rút laị, lưng khòm xuống trông còn nhỏ xíu và hom hem lắm, duy cặp kiếng lão vẫn đeo xệ xuống sống mũi và nụ cười hềnh hệch thì không hề thay đổi. 

 Những năm tháng cuối đời, ông giáo ngồi trong chiếc ghế mây nhìn người qua laị hay nhìn thế sự và lòng người? khi mà suốt đời dạy chữ cho người mà không thấy một ai còn nhớ đến mình, những đứa học trò “ nghịch như quỷ sứ” ngày xưa giờ đã nên ông nên mụ, đã thành danh, thành công trong cuộc đời. Người ta vẫn bảo: “ Người lái đò suốt đời đưa người qua sông, đến khi mình cần qua chẳng có ai đưa. Người hát đám suốt đời hát cho người, khi mình ra đi chẳng có ai hát cho một câu.” đời đôi khi dễ quên và khắc nghiệt lắm. Ông giáo Ngữ cứ ngồi trong ghế mây như thế nhìn đời cho đến lúc qua đời chẳng thấy một người học trò “ Nghịch như quỷ sứ” của ngày xưa đến viếng thăm.  


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 03/2020

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chẳng bao lâu, chúng tôi đã tới trước cửa thành phía nam tức cửa Nam, cửa chính của thành Cổ Loa. Trước cửa thành có sông Hoàng Giang chảy bao bọc, ôm lấy thành từ hướng đông nam, qua nam, rồi vòng sang hướng tây nam của thành để làm “hào thiên nhiên” bảo vệ thành ở vòng ngoài...
Ngày thứ tư. Một ngày trước khi lên máy bay trở về thành phố của mình, nàng lăn ra ốm. Cảm thôi, nhưng cảm nặng. Bắt đầu bằng một đêm không ngủ nghẹt cứng mũi và hôm sau dật dờ và mệt như ngàn tảng đá đè nặng lên người. Chắc chắn không thể lết lên máy bay nổi vào hôm sau...
Tôi lớn lên từ khu xóm gần hồ Tịnh Tâm. Trong xóm tôi ở toàn các ông Giáo, ông Trợ, ông Phán, ông Nghè, ông Thông được ghép tên thật phía sau, và người ta thường gọi như thầy Trợ Hiếu, bác Phán Quỳnh, v.v... Tôi xin kể về gia đình bà Thông Hợp và gia đình thầy Giáo Mạnh...
Tiệm giặt ủi “Simply Launderette & Dry Cleaning”, phòng ngoài, chỗ tiếp khách. Không có khách. Người phụ nữ tên Mai Thi Nguyen đang ngồi sau cái bàn trên đặt cái máy tính tiền, nằm cạnh cái quầy. Mai Thi Nguyen, từ giờ chúng ta sẽ gọi là Mai, chủ động lấy điện thoại ra gọi...
Tôi nhận được điện thư với tựa đề: Quang Ngai – IVS (International Voluntary Services) English School – Trường ông Dave. Tôi rất ngạc nhiên, nhưng thật vui. Tên người gởi là Nguyễn Văn Kông. Tôi nhớ ngay đến thầy giáo Kông của IVS Quảng Ngãi...
Có lần, trên Facebook của mình, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn nhận xét rằng câu tán gái dở nhất, trong nhạc, là câu “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy” (“Nắng Chiều”, Lê Trọng Nguyễn), bởi, như sau đó anh đùa, nói thế có nghĩa là bây giờ em… tròn quá...
Tôi chở bà chị họ đến bệnh viện ở downtown thành phố. Cuộc hẹn therapy dài hạn kéo dài cả tháng cho 12 lần. Hôm nay là lần thứ hai. Đây là bệnh viện công của thành phố dành cho những người nghèo low income. Lần đầu đến tôi đã đi lạc vì có hai bệnh viện cùng tên ở cách nhau không xa, hỏi ra mới biết bệnh viện mới xây sẽ thay thế cho bệnh viện cũ...
Tôi choàng ngồi dậy, đẩy lớp khăn trắng đang phủ trên người, nhảy xuống giường, cả người sao nhẹ tênh một cách lạ thường! Xung quanh tôi, bao nhiêu người nằm la liệt, căn phòng lạnh ngắt buồn tẻ và vắng lặng, tất cả mọi người có vẻ nằm ngay ngắn, ai cũng có tấm drap trắng đắp che kín từ mặt đến chân, rất yên, thẳng tắp, không có chút phập phồng của hơi thở lên xuống...
Uyên và tôi ngồi bên mâm cơm, thức ăn đã được dọn sẵn lên chiếc “mâm đồng” đặt giữa bàn. Trong mâm, với đĩa cá kho, đĩa thịt “ba rọi” (ba chỉ) luộc, bát canh rau cải xanh nấu với tôm khô, đĩa dưa chua, đĩa cà pháo và một bát nước mắm đặt chính giữa. Mâm cơm như thế này có thể được gọi là sang trọng cho những kẻ còn phải đi trọ học như chúng tôi...
Bến đò chợ Giữa nằm ở ngã ba sông, một bên là chợ huyện, bên kia xuôi về kinh Cấm. Không ai còn nhớ tự bao giờ đã tên gọi khó nghe, đầy bí ẩn như vậy. Chỉ biết từ sau ngày “giải phóng”, chính quyền địa phương đã đổi tên mới là phường An Lạc...
Nhà Ba Thới ở trong khu vườn rộng. Hồi đó, khi còn cha, cha thường hay mời ban hội đồng về chè chén suốt, nên vui, lúc nào cũng có tiếng cười, tiếng chạm ly leng keng. Thế mà khi cha chết đi, nhà có 5 anh chị em, tự nhiên, lại xa rời nhau. Mỗi người em làm nhà trên một khoảng đất được chia. Bên này ngó qua bên kia thông thống. Mà nhà ai nấy ở, đèn ai nấy sáng, đi ra ngoài gặp nhau ngó lơ, không cười một cái, từ mấy chục năm nay...
Cơn gió bão từ tối hôm trước đã dịu đi trong giây lát; một tia nắng vàng nhạt xuyên qua mây khiến những mái nhà đá phiến xanh sáng bóng. Roger mở cửa sổ; anh nghe mùi tảo quen thuộc giạt vào bãi biển khi thủy triều dâng cao, và anh nhắm mắt lại hưởng một cách thích thú...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.