Hôm nay,  

Thảo Trường (1936 – 2010) Và Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp

20/03/202000:00:00(Xem: 3767)
THẢO TRƯỜNG (1936 – 2010)
Thao-Truong 
Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh năm 1936 (giấy tờ ghi 1938) tại Nam Định, Bắc Việt. Ông di cư vào Nam năm 1954, tốt nghiệp trường Bộ binh Thủ Đức, rồi mới bắt đầu cuộc đời cầm bút. Thử Lửa  là tác phẩm đầu tay của ông được xuất bản năm 1962. Sau đó ông được mọi người biết đến với các tác phẩm khác như Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Cát (1974)…

Sau biến cố 1975, Thảo Trường là một trong những người bị giam cầm lâu nhất trong các trại cải tạo, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, tổng cộng 17 năm. Năm 1993 ông đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Ông tiếp tục sáng tác sau gần hai thập niên xa cách thế giới chữ nghĩa với các tác phẩm Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (1995), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ, Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2006), Thềm Đá Xanh Rêu (2007), Thử Lửa (2007), Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết (2008). Ông cũng còn một số tác phẩm chưa kịp ra mắt: Cây Bông Giấy Trước Nhà (truyện dài), Bên Ngoài Nghĩa Trang (truyện dài), Bố Cáo Thất Tung (truyện dài) Thân Thể Người Ta (truyện dài), Bà Phi (trường thiên tiểu thuyết).

Nhà văn Thảo Trường đã qua đời tại thành phố Huntington Beach, California vào ngày 26 tháng 8, 2010, hưởng thọ 74 tuổi.
Thảo Trường vừa là người chứng kiến vừa là người tham dự vào cuộc chiến Việt Nam, và cũng là người sống đầy đủ kinh nghiệm giai đoạn sau cuộc chiến – tù cải tạo, rồi cả giai đoạn lưu vong tại Mỹ. Đặc điểm của giai đoạn nào cũng được ông thể hiện bằng những nét sắc sảo điển hình trong các tác phẩm của mình. Mời quý độc giả đọc lại một truyện ngắn của ông sáng tác vào năm 1964:
 
NGƯỜI ĐÀN BÀ MANG THAI TRÊN KINH ĐỒNG THÁP
 
Con kinh thẳng tắp dài hun-hút kéo từ Gẫy Cờ Đen đến quận lỵ Mỹ An, nhìn trên bản đồ nó èo ọt như một chiếc que đan. Hai bên bờ kinh cây cối umtùm, ngả nghiêng che phủ gần kín hết ánh sáng của mặt trời chiếu xuống mặt nước. Kinh rộng độ mười thước, nước đục lờ đờ,vài cây bèo cam phận hẻo lánh. Nhà cửa rải rác ẩn hiện dưới những tàng cây. Rất nhiều những con lạch nhỏ ăn thông từ cánh đồng ra lòng kinh. Đường mòn đã chật chội lại khúc khuỷu bởi những cây cầu khỉ bắc ngang những con lạch đó. Nhà chị Tư ở khoảng giữa con kinh, gần bến đò, cuối đường đi vào Đồng Tháp. Chị Tư sống và lớn lên ở đây. Ngoài thời gian mấy tháng phải về binh vận tại chợ quận, chị Tư không hề biết đến đời sống rộng lớn của cái thế giới này. Con kinh đã cô lập chị trong những kỷ niệm chật chội. Thật vậy, chị Tư chưa đi xa hơn đầu con kinh, chị Tư chưa đi quá chợ quận. Chồng chị tập kết từ mười năm nay không về. Thỉnh thoảng chị cũng nhận được thư của anh do những người cán bộ chuyển từ ngoài Bắc vào. Thư nào chồng chị cũng nói là khoẻ mạnh, vì bận công tác nên chưa về được. Vợ chồng chị lấy nhau được chừng nửa năm thì anh Tư đi theo bộ đội tập kết. Chị Tư ở lại với bà mẹ chồng quanh quẩn, mòn mỏi. Bà mẹ anh Tư đã chết cách đây hai năm với một niềm ân hận là không được gặp mặt lại đứa con trai duy nhất của bà. Chị Tư từ đó chỉ còn một mình trong căn nhà vắng vẻ. Vào những buổi chiều chị ra ngồi ở bờ tre sau nhà, nhìn ra cánh đồng trống mênh mông, nghĩ tới anh Tư. Những lúc đó niềm cô đơn trong lòng chị nhức nhối nát ruột nát gan và chị ứa nước mắt cho số phận. Hồi anh Tư mới đi tập kết, mẹ con chị sống côi cút với những hy vọng từng năm, từng năm, đợi ngày anh Tư trở lại. Anh Tư chưa bao giờ trở lại nhưng có những đồng chí của anh trở lại. Lúc đầu họ còn ẩn hiện trong xóm, dần dần họ đi lại công khai, và tầm hoạt động của những người dân vệ trong đồn bến đò càng ngày càng thu hẹp lại. Đến một đêm súng nổ ran và lửa cháy thiêu trụi tất cả đồn đó. Ngày hôm sau máy bay đến oanh tạc dọc theo bờ kinh làm cho những cây cối vốn đã khẳng khiu lại càng khẳng khiu vì bị những lằn đạn làm ngã gục. Rồi thôi... Những anh cán bộ vẫn tiếp tục chuyền từ nhà nọ sang nhà kia, hết rỉ tai từng người lại tập trung cả xóm học tập. Chị Tư biết đến những tiếng “tự do, dân chủ, độc lập, hạnh phúc, căm thù, đả đảo…” và nhiều tiếng nữa. Nhưng rồi chừng hơn một năm sau quân đội đến. Những anh cán bộ liền vắng mặt. Mẹ con chị Tư lại được biết thêm một số tiếng lạ nữa. Chị đi làm Ấp chiến lược, chị học tập chính trị “tam túc”, “tam giác” trong vòng đai kẽm gai và bờ đất. Đồn dân vệ được xây cất lại với bộ mặt mới. Yên được một dạo. Nhưng rồi những anh cán bộ lại ẩn hiện, lại mò mẫm rỉ tai trong đêm tối. Rồi đồn dân vệ lại nổ súng và cháy trụi. Ấp chiến lược thành ấp chiến đấu. Mấy anh cán bộ lại học tập. Mẹ anh Tư chết vào thời kỳ này và không biết bà chết vì bệnh gì. Chị Tư lúc này đã trở nên một người biết tới hai chủ nghĩa: cộng sản và nhân vị. Chị có thể nói rất trôi chảy về những chủ nghĩa đó vì chị đã được nghe quá nhiều lần. Rồi một hôm chị được đề cử đi binh vận tại chợ quận. Lúc đầu chị nhất định không chịu đi làm công tác đó, nhưng sau chị nhận được một lá thư do một anh cán bộ chuyển tới nói là của anh Tư ở ngoài kia gửi vào. Thư anh Tư khuyên chị nên hăng hái đi công tác binh vận theo chỉ dẫn của các đồng chí cán bộ. Chị Tư khăn gói lên chợ quận ở cùng với một cán bộ giả dạng làm em trai. Chị mở một quán cháo và từ cái quán cháo đó chị quen với một anh binh sĩ truyền tin trong quận. Chú em trai của chị cũng trở thành một anh dân vệ trong quận.Thời gian này chị Tư quên đi mất hình ảnh anh Tư, vì chị Tư đã được sống lại những cảm giác khoái lạc đến hỗn độn với anh binh sĩ truyền tin và “chú” em trai cán bộ. Chị giãy giụa trong những niềm hoan lạc tràn ngập đó. Một hôm, cái thai trong bụng chị máy động. Cái máy động thứ nhất làm chị bàng hoàng. Chị tự hỏi “nó” là của ai? Của anh cán bộ hay anh binh sĩ truyền tin? Chị thẫn thờ cả người và chị muốn rời ngay cái chốn đó. Chị tự hỏi của ai? Chị muốn biết của ai ? Cái thai của ai cũng được nhưng chị phải biết chắc là của người nào. Lúc này chị lại nghĩ tới anh Tư dữ dội. Và chị Tư bỏ dở công tác binh vận. Chị trở về căn nhà xiêu vẹo ở ven bờ kinh. Chị khóc ròng vì không biết cái thai của ai. Chị khóc ròng vì anh Tư đi mãi không về. Lúc đó chị mới nghiệm ra rằng trong những lúc chị quằn quại khoái lạc với anh cán bộ hay với anh binh sĩ truyền tin, chị không nghĩ tới anh Tư, nhưng đó là những lúc chị sống lại, tìm thấy cái cảm giác mười năm về trước. Chị tìm thấy mà chị không biết là thấy. Anh cán bộ cũng đào ngũ dân vệ, trở về xóm với chị. Anh hằn học với chị, anh mắng nhiếc chị đã làm hỏng kế hoạch của anh. Anh hành hạ chị ngay cả những lúc anh ngủ với chị. Cái thai mỗi ngày một đập mạnh và bụng chị Tư lớn dần lên. Một hôm chị hỏi anh cán bộ cái thai trong bụng chị là con của ai, anh ta bảo là con của “Đảng.”


Trong phong trào thi đua đặt chông bẫy diệt Mỹ phòng thủ xóm, anh cán bộ giao cho chị Tư một quả lựu đạn, bảo chị phải kẻ một khẩu hiệu “Đả đảo Đế quốc Mỹ” mắc lên một thân cây và gài trái lựu đạn vào sau tấm biểu ngữ làm bẫy. Anh còn làm cho chị xem, rồi tháo ra để chị tự làm lấy. Anh lý luận rằng phải chính chị tự tay làm lấy để cho hành động thấm nhuần tư tưởng! Chị Tư ì ạch kẻ khẩu hiệu “Đả đảo Đế quốc Mỹ” trên một tấm ván gỗ. Chị Tư ì ạch vác thang ra gốc cây trước cửa nhà. Chị Tư ì ạch mang cái bụng chửa lên thang. Chị Tư ì ạch đóng đinh tấm bảng vào thân cây và buộc quả lựu đạn nơi phía sau tấm bảng. Chị Tư ì ạch cột sợi giây oan nghiệt từ chốt lựu đạn sang một cành cây, trước cặp mắt khuyến khích của anh cán bộ đứng dưới. Mồ hôi chị Tư vã ra ướt đẫm cả quần áo. Chị tuột xuống thang trở vào nhà thay quần áo khác rồi trở ra ngồi ở bậc cửa nhìn lên tấm bảng khẩu hiệu “Đả đảo Đế quốc Mỹ.” Anh cán bộ mang hộ chị chiếc thang vào sau nhà, xong cũng ra ngồi kề bên chị. Chị Tư ứa nước mắt nhìn tấm bảng, nhìn anh ta, rồi chị dắt anh ta vào giường. Chị Tư đè ngửa anh cán bộ xuống rồi chị khóc nấc lên thành tiếng: “Tôi đây, tôi là của anh, nhà của tôi là của anh, cái bào thai này cũng là của anh. Nó phải là của anh!” Anh cán bộ ú ớ dưới ngực chị: “Nó là của Đảng! Tất cả là của Đảng!”

Cuộc hành quân đến xóm đó thì dừng lại. Người sĩ quan chỉ huy bước vào nhà chị Tư. Anh cán bộ không còn ở đó. Chị Tư ngồi ôm bụng trên chiếc chõng tre nhìn người sĩ quan. Người sĩ quan quan sát khắp gian nhà. Bên ngoài toán lính đang sục sạo tìm kiếm. Một anh vào báo cáo với người sĩ quan, cuộc tìm kiếm không có gì khả nghi ngoại trừ cái khẩu hiệu “Đả đảo Đế quốc Mỹ.” Người sĩ quan ra lệnh không ai được đụng tới tấm bảng. Mới lúc nãy hai người đồng đội của họ chết vì vô ý giật một tấm khẩu hiệu trên cây xuống và đã bị lựu đạn nổ tan xác.

Người sĩ quan bước ra dưới gốc cây ngước lên quan sát rồi trở vào hỏi chị Tư “Ai gài tấm biểu ngữ ‘Đả đảo Đế quốc Mỹ ngoài kia?’” Chị Tư nói “Tôi gài.” Người sĩ quan nói “Ra gỡ xuống.” Chị Tư nói “Lậy cậu, nổ chết tôi.” Người sĩ quan lại hỏi “Chồng chị đâu?” Chị Tư trả lời “Mất tích mười năm nay rồi.” Sĩ quan nói “Tập kết hả?” Chị Tư gật đầu và y quát chị ra gỡ tấm khẩu hiệu xuống. “Chị làm, chị chịu. Ai bảo cài lên.” Chị Tư vẫn ngồi ì ra. Người sĩ quan rút súng lên đạn. Chị Tư hoảng sợ ôm bụng ì ạch đứng dậy. Chị Tư ì ạch với cây gậy dựa nơi góc nhà. Chị Tư ì ạch bước ra gốc cây. Chị Tư ì ạch giơ gậy lên giáng thật mạnh vào tấm bảng khẩu kiệu “Đả đảo Đế quốc Mỹ.” Và trái lựu đạn văng xuống. Chị Tư hốt hoảng vứt gậy bỏ chạy. Toán lính nằm rạp cả xuống. Nhưng trái lựu đạn không nổ. Chị Tư ngã sấp mặt xuống trước cửa nhà. Nước mắt chị trào ra. Ngất đi...
Chị Tư bị động thai. Người sĩ quan bế chị vào nhà đặt nằm trên giường săn sóc cho chị. Suốt đêm đó chị Tư bị hâm hấp sốt, thỉnh thoảng chuyển bụng. Người sĩ quan đứng cúi đầu bên giường chị. Chiếc đèn dầu lập loè chiếu bóng anh ta hắt lên vách méo mó. Gần sáng chị Tư sinh một đứa con trai thiếu tháng. Người sĩ quan đỡ đẻ cho chị, anh ta làm công việc đó rất chăm chỉ. Đứa bé khỏe mạnh khóc lên những tiếng làm cho anh ta vui ra mặt. Hắn luôn luôn sờ trán chị Tư. Chị đã tỉnh và mỉm cười với hắn. Hắn cười lại... Sáng hôm sau y sĩ đơn vị đóng cách đấy hơn cây số được mời tới săn sóc cho mẹ con chị Tư. Mấy hôm sau, người sĩ quan đến hội đồng xã, mới được thành lập lại một lần nữa tại đồn dân vệ bến đò, làm khai sinh cho đứa bé. Hỏi cha nó đâu, chị Tư lắc đầu trả lời không có, nên người sĩ quan bèn khai cho nó mang họ của ông ta. Lúc trở về căn nhà chị Tư, người sĩ quan lại sờ trán chị Tư, sờ trán đứa nhỏ và nói với mẹ con chị rằng có lẽ anh ta cũng đã có nhiều con nhưng không biết chúng ở đâu và chưa hề khai sinh cho đứa nào. Bèn khai sinh cho đứa nhỏ này mang dòng họ của mình.
***
NHẮN TIN: Nhắn cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi, hai mươi năm nữa, cậu khôn lớn (lời nhắn tin này chỉ gửi đến cậu khi cậu đã trên hai mươi tuổi), lúc đó tôi không biết cậu sống trong hoàn cảnh nào, trong một xã hội nào. Cậu cho tôi xin cậu một điều là, trước khi cậu hành động, trước khi tranh đấu, trước khi cách mạng, trước khi biểu tình, trước khi đảo chánh, trước khi lật đổ, trước khi hành quân, trước khi thuyết pháp, trước khi cầu nguyện, trước khi hội thảo, trước khi thụt két, trước khi hành lạc, trước khi đập phá, trước khi hy sinh... nghĩa là trước khi quyết định làm một việc gì, xin cậu... chỉ xin cậu hãy nghĩ đến người đàn bà mang thai khốn khổ, hãy nghĩ tới những người mẹ bị rất nhiều chủ nghĩa với những danh từ hoa mỹ hành hạ. Xin cậu hãy nghĩ tới cái hình ảnh đó, tôi cầu xin cậu như thế, vì tôi chính là tên sĩ quan đã hành hạ mẹ cậu, đã đỡ đẻ cho mẹ cậu sau khi các đồng đội của tôi chết vì những thứ khẩu hiệu như cái khẩu hiệu “Đả đảo Đế quốc Mỹ” ấy.
 THẢO TRƯỜNG  (1964)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.