Hôm nay,  

Bản Tuyên Ngôn Của Người Lính

16/03/202010:06:00(Xem: 3612)

                               

                                                                                         

                                                           

Vô cùng thương tiếc Trung tá Nguyễn Văn Đồng

Anh từng ghé lại Cau Lạc Bộ anh nói chuyện với anh em với tất cả hào khí của người lính. Anh khẳng định:”Sống là chiến đấu, là chấp nhận thử thách”. Đôi khi đời không hiểu ta, ta cũng phải ôm nó vào lòng, ôm chặt nó, há miệng cắn vào nó như xích của tank cạp lấy mặt đường, bùn lầy,  tiến về phía trước, tiến về mục tiêu đã qui định. Dù cho trước khi đến được mục tiêu qui định chúng ta đã phải vượt qua những trận phục kích, những bãi mìn, mất hết đôi chân, mất sừc chiến đấu, có thể ta gục ngã. Nhưng các bạn ta, các thế hệ trẻ sau ta, sẽ tiếp tục khai phá mở đường. Anh nói: “đã là lính ai cũng phải chịu chơi, chấp nhận thử thách và dư biết thử thách không bao giờ thừa. Kẻ nào không chịu chơi kẻ đó coi như bỏ đi- Qui ne risque pas n’a rien!..”. Nói xong, anh cười vang lên. Vang lên cả cơ quan, vang lên trong Cau Lạc Bộ. Sau nhiều năm, anh em không quên được tiếng cười hào sảng của anh, người lính Khóa 5-Trường Võ Bị Quốc Gia ĐaLạt.

      Và bây giờ tại bịnh viện, anh nằm im bất động, thở dưỡng khí mệt nhọc. Bờ vai anh rộng, da mặt anh tái xanh, anh nấc lên từng hồi. Anh đang chiến đấu với thần chết. Anh có nghe tiếng khóc của Nga không anh? Nga, người nữ nhân viên xã hội tư vấn tâm thần mà anh và chị thường gọi là ‘Bé Nga’. Vâng, bé Nga đang nắm lấy bàn tay anh và uốn nắn từng ngón tay khô cằn của anh. Nga, Đại úy Nguyễn Văn Danh, người bạn tù của anh, và tôi đến thăm anh đây. Anh đang tập trung chiến đấu với tử thần. Chúng tôi nhìn anh hấp hối nhớ lại Tổ quốc trong cơn thập tử nhất sanh 30 tháng Tư -75. Biết bao nhiêu chiến đấu trong tuyệt vọng của chúng ta để giành lại Sàigòn. Nga vẫn nắm lấy tay anh, cúi xuống gần anh nghe anh thở dưỡng khí mệt nhọc, mắt cô mờ cả lệ. Hình như Nguyễn Văn Danh cũng đang khóc. Danh đang bám lấy thành giường, có nắm lấy cổ chân anh. Nhưng là sao được bây giờ. Làm sao ngăn chận được sự ra đi của anh. Trái nào chín trước, rụng trước. Anh đã 75 rồi! Tôi cúi xuống ôm bờ vai rộng lớn của anh. Tôi nhin qua cửa sổ, ngoài trời Chicago đang lạnh dưới không độ F. Nắng vẫn chiếu sáng trên tuyết trắng lạnh lùng. 

    Chúng tôi ra về thành thật mong anh đi sớm. Thương anh chống trả mệt nhọc quá. Trong cuộc chiến đấu này một mình anh gánh chịu. Không một ai san sẻ với anh được. Trông anh vật vã, cô đơn quá. Chúng ta chiến đấu cô đơn quá phải không anh? Nhất là sau tháng Giêng-1973. Tôi nhớ lại những lời phát biểu đầy phẫn nộ của anh tại những buổi họp điều trị tâm thần tập thể:Khốn nạn thay, trước 23-1-73 chúng ta chưa từng “nhận” một viên đạn của kẻ thù. Nhưng sau đó chúng ta nhận những nhác chém từ sau lưng. Chúng ta đã bị phản bội tận xương tủy. “Chúng ta mất Miền Nam là vì chúng ta bị người bạn Đồng Minh phản bội. Chúng ta chưa hề thất trận…”. Những buổi họp Cau Lạc Bộ sau này, các anh  em thường nhắc lại câu nói đó của anh và coi đó như là “Bản Tuyên Ngôn Của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa”  sau tháng giêng năm 1973

     Sáng nay, ngày 6-2-2002 Trần Quốc Bảo Định đột xuất đến thăm tôi tại văn phòng rất sớm lúc 9 giờ sáng. Định mang tặng tôi tập Hồi ký của ông Trần Văn Khê. Định có hỏi thăm anh ra sao rồi?  Anh còn nhớ Trần Quốc Bảo Định chớ anh? Định là người bạn tù của anh ở khám lớn Chí Hòa đấy. Anh ấy uống vội chén trà nóng với tôi rồi hối hả đi làm. Tôi mở Tập Hồi Ký của ông Trần Văn Khê ra xem chợt thấy bức thư của Định gửi cho tôi nói về anh:

 

 Kính BS Thể

Tôi cám ơn Bác sĩ đã nhắc tôi đến thăm ông già Đồng. Tôi cảm thấy ngậm ngùi cho thân phận chúng ta. Ông già Đồng từ ngày qua Mỹ đến lúc nằm liệt như hôm nay, ông Già đã đi cày ở Uptown/Chicago thật mệt nhọc. Mà không đi cày cũng không được. Nhu cầu cuộc sống đòi hỏi ông Già. Tôi đã đến thăm ông già Đồng của chúng ta. Ông già nằm bất động trên giường nệm với đầy đủ dụng cụ y khoa tối tân của Chú Sam. Nếu so sánh với đất Tượng Quận của Annam ta, thì ông Già thật sung sướng, anh ạ! Ông Già còn thật sung sướng hơn người bạn tù của ông tại khám lớn Chí Hòa, Đại tá Trần Vĩnh. Đại tá Trần Vĩnh vào tù học tập cải tạo, bị mù lòa và trong những năm tháng gần đi về với ông bà, đại tá Trần Vĩnh nằm trần truồng ở một chỗ, và nói theo kiểu Đức Tin thì ông đã được mặc khải nói tiên tri tức là những ai muốn biết ngày nào được thả tù, trở về với gia đình thì đến bên chỗ nằm hôi hám của Đại tá Trần Vĩnh xin ông bói cho xem thử. Đại tá Trần Vĩnh đã chết trong ngục tù Chí Hòa…”.

   Nghe xong bức thư chắc anh không đồng ý với người bạn tù của anh, Trần Quốc Bảo Định, vì anh chủ trương không bao giờ tự an ủi mình bằng cách nhìn vào số phận hẩm hiu của bạn bè hay của người khác. Như anh đã từng nói: biết đâu Đại tá Vĩnh đã nghĩ thà chết như ông vẫn cón hơn chúng ta sống nhăn răng vô liêm sĩ với cộng sản, hay sống lầm lũi trong thân phận lưu vong tù dày trên đất nước người. Anh đã từng nói với anh em trong Cau Lạc Bộ anh tìm thấy ở cái chết bi thương của luật sư Đại tá Trần Vĩnh như giá trị lịch sử của một khúc ngoặt  của tổ quốc hơn là phần số riêng của ông ta…

    Tôi đến chào vĩnh biệt anh tại Nhà Quàn. Rất mừng các anh em trong ‘Cau Lạc Bộ’ có mặt đông đủ hết. Có người đem cả vợ con đến vĩnh biệt anh. Tại đây tôi cũng gặp người bạn tù của anh tại khám lớn Chí Hòa, Bác sỹ Đại tá Nguyễn Minh Châu-Cục phó Cục Quân Y-QĐVNCH trước 75. Nom ông ấy yếu hẳn đi, có lẽ từ ngày ông ấy nghe tin anh nhập viện…Tôi quì xuống bên cạnh quan tài anh, cầu nguyện. Tôi thấy đấng Christ treo mình trên Thánh giá, tôi nhớ câu ai nói: “Đấng Christ chết cho tội ác của chúng ta-Christ dies for our sin”- Không hiểu đấng Christ có chết cho tội ác của những người cộng sản chuyên chính vô sản không anh nhỉ? Đấng Christ có chết cho tội ác của những người bạn đồng minh phản bội chúng ta không anh?

   Tôi cúi xuống thật gần nhìn lại gương mặt anh lúc đó hài hòa siêu thoát vô cùng! Anh đã tha thứ cho tất cả phải không anh? Anh tha thứ cho chiếc ‘koòng’ bằng thép siết chặt tay anh rướm máu. Anh đã tha thứ cho các nhà tù, trại cải tạo cộng sản mà anh phải đi qua. Anh tha thứ mùi hôi hám và bóng tối thê thảm của các Cacho trong khám lớn Chí Hòa. Anh cũng tha thứ cho những năm tháng nhọc nhằn của kiếp tù đày lưu vong xứ người… Mong Anh ra đi thảnh thơi không vướng bận.

    Tôi từ giả anh ra về. Tôi nghe lời cầu kinh của anh em sau lưng tôi, lời cầu nguyện của anh em mong anh sớm về Nước Chúa.

     Anh sinh tại Hà Nội, tốt nhiệp Võ bị Quốc Gia ĐaLạt, Khóa 5. Nước Mỹ đối với anh là đất trích. Thương tiếc anh vô hạn. Người trai anh dũng của thời loạn. Chí lớn chưa thành, anh đã vội bỏ anh em ra đi. Tôi quên thế nào được giọng đọc thơ san sảng của anh tại ‘Cau Lạc Bộ’:

                             “Từ đô mang gươm đi mở cõi

                            Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

   Đào Như

   Bác sỹ Đào Trọng Thể

   30-4-2002


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.