Hôm nay,  

Người Thầy Đầu Tiên "Hình Ảnh Một Buổi Chiều"

06/03/202000:00:00(Xem: 5377)

HINH MOT BUOI CHIEU
Hình ảnh một buổi chiều.(nguồn: www.pixabay.com )

                                                                         

Tôi đang viết về con đường có cái tên của một nhà cách mạng yêu nước theo chủ nghĩa Quốc gia: Hồ văn Ngà. Thời Pháp có tên là Hamelin. Nó là một con đường nhỏ, không dài lắm, hai bên là những hàng me sum suê tỏa bóng mát, nằm ngang sau con đường lớn Trần hưng Đạo gần rạp hát Đại Nam. Hai con đường nằm dọc theo là  đường Yersin và  Calmette băng sang bên kia cầu là quận tư . Cuối đường, bên phải là chợ Cầu ông Lãnh gần trường tiểu học nam là trường Trương Minh Ký  sau này đổi tên là trường Nguyễn Thái Học, bên kia đường là trường tiểu học nữ Tôn Thọ Tường sau này có nhiều tên như sau 1954 là Phan văn Trị, thời Việt Nam Cộng Hòa có tên là Cô Giang, sau 1975 có tên của nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Đức Ernst Thaimann . Đi ngược đoạn cuối đường Hồ Văn Ngà về phía chợ Saigon bây giờ gọi là chợ Bến Thành  phía bên trái là khu biệt thự nguy nga của chú Hỏa, một thương gia người Hoa giàu có với câu chuyện và bộ phim ma nổi tiếng “Con Ma Nhà Họ Hứa”.

Điểm đặc biệt là con đường có một dãy gồm bảy căn làm nghề sản xuất và bán đàn. Các chủ nhân  là bà con làng Đào Xá di cư vào Nam năm 1942. Họ quây quần,  xây dựng và cùng nhau phát triển nghề làm đàn truyền thống của ông cha từ làng quê miền Bắc. Một điểm đặc biệt khác, nó là nơi gặp gỡ các tao nhân mặc khách yêu nhạc, các giới nhạc sĩ nổi tiếng trong đó có một người tôi muốn viết về ông đó là nhạc sĩ Lâm Tuyền.

Trước khi viết về nhạc sĩ, tôi kể thêm một chút về các tiệm đàn ở thành phố Saigon trước 75 vì các tiệm đàn này  ông đều quen biết. Ông mở một lớp dạy nhạc tại nhà. Ông thường xuyên đi mua đàn cho học trò tập dượt. Tiệm đàn đầu tiên ở con đường Hồ Văn Ngà là tiệm Đông Thành. Tiệm nhỏ, sản xuất ít, chuyên bán lẻ, khách hàng lai rai toàn là khách quen. Bác trai họ Tạ tên Lung  người làng Đào Xá. Hai bác hiền, dễ tính, lương thiện.

Hồi bé, không dám đi chơi xa, tôi hay  lén vào nhà bác Đông Thành, trốn ở góc cái bàn gỗ nhỏ để ngồi xem sách thay vì ở nhà phải phụ má làm việc nhà. Má gọi ơi ới ngoài cửa hàng, tôi nghe được chạy về. Có khi hai bác phải nhắc “Má mày gọi về kìa”. Tôi quý hai bác vì bác chẳng bao giờ đuổi và thông cảm với con bé hàng xóm  mê sách.

Bên cạnh là tiệm của người em trai bác tên Tung.  Bà con trong làng đều gọi là bác Quảng Thành. Bác Quảng Thành  giàu có hơn bác Đông Thành nhưng hai gia đình không thuận hòa, anh em ruột sống cạnh nhau nhưng ít qua lại . Bác có hai căn hai bên, “ép” căn nhà của ba má  tôi ở chính giữa. Thời trước 75, đối với họ hàng và bà con làng Đào Xá, bác và ba tôi được xếp vào loại khá nhất vì hai ông đều có xưởng sản xuất đàn, có dàn thợ đông khoảng vài chục người và hai cửa hàng bán lẻ chuyên bán đủ các loại nhạc cụ. như đàn tân, cổ nhạc, mandoline, trống , đàn điện...

Cả hai ông  đều xuất thân từ làng Đào Xá nghèo khổ, di cư vào Nam sinh cơ lập nghiệp, làm giàu nhờ “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Cả hai đều có tài kinh doanh và chịu khó làm ăn. Nhắc đến bác Quảng Thành tôi không quên hình ảnh bác có thói quen  chửi, đánh, nắm tóc bác gái mỗi khi hai người gây lộn trước cửa nhà, hàng xóm phải chạy vô can . Bác trai là người ăn nói bặm trợn, hay chửi thề, nhiều thủ đoạn mánh lới  trong nghề như  phá giá đàn,  chiêu dụ thợ của ba tôi về làm cho bác hoặc đến các đại lý quen của ba tôi cho giá rẻ cướp mối hàng. Tuy còn nhỏ nhưng  ngày đó tôi ghét bác lắm vì  bác  là đối thủ cạnh tranh trong nghề đàn với ba tôi nên tôi không bao giờ bước chân vào nhà bác.

Kế đó là tiệm đàn Phùng Đinh của ba tôi. Kế tiếp là tiệm của  con trai bác Quảng Thành lấy tên hai người con là tiệm đàn Phúc Trung chuyên sản xuất và bán đàn điện, ampli, trống… Cách đó năm căn là tiệm đàn Phùng Mai, em họ của ba tôi. Chú làm ăn thất bại vì bài bạc nên sang cửa hàng cho bác Phùng Sáng và Phùng Chế là anh họ với ba tôi. Qua một con hẻm là tiệm đàn của bà cô tôi, tiệm đàn Việt Thanh.Vài căn nữa cuối dãy bán đàn là tiệm của bác tôi, Phùng Bổng, tiệm đàn Việt Hồng.

Bà con họ hàng cùng làng, cùng nghề, cùng hàng xóm láng giềng sống với nhau cho đến nay đã ba thế hệ bể dâu, ngoại trừ bác Quảng Thành, ai cũng tương nhượng nhau, khách ai người nấy hưởng. Đến thế hệ thứ ba, các gia đình phiêu bạt tứ tán khắp nơi, con cháu không đứa nào theo nghề này nữa.

Sau một chín bảy lăm, dãy hàng đàn chuyển về con đường mới là đường Nguyễn Thiện Thuật. Họ là những người công nhân, nhờ sự cần cù chịu khó làm ăn và dành dụm, họ trở nên  khá giả, có cơ hội mua nhà, làm chủ các tiệm đàn nhỏ như tiệm đàn Xuân Thành của chú Sô, tiệm Lê Nhâm của bác Nhâm. Nơi đây có tiệm đàn Đức Thắng là tiệm lớn và lâu đời.

 Ngoài các tiệm đàn ở đường Hồ Văn Ngà còn một vài tiệm đàn khác mà nhạc sĩ Lâm Tuyền đều quen biết  và ghé qua mua đàn như tiệm đàn Đức Thắng ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Ông bà là đồng nghiệp với ba tôi.Tôi biết ông bà Đức Thắng vì thỉnh thoảng ông  đi xích lô xuống nhà tôi mua đàn về bán lẻ. Ông bà  di cư năm 1954, trở nên giàu có nhờ thời chiến tranh, lính Mỹ sang Việt Nam ồ ạt, phong trào nhạc trẻ phổ biến khắp nơi. Ông bà chuyên sản xuất, bán, sửa và cho thuê các loại đàn điện, trống, ampli cho các ban nhạc và club Mỹ.

Ngoài tiệm đàn Đức Thắng nổi tiếng còn có  tiệm đàn Đông Hưng ở đường Hiền Vương của bác tôi là Phùng Đính cùng làng Đào Xá, tiệm Mỹ Tín ở đường Tụ Do. tiệm Văn Trang ở đường Lê Văn Duyệt ..cũng là những bạn hàng của ba tôi.

Có chuyện vui là hồi nhỏ chàng học sinh Chu Văn An Đào Ngọc Phong thỉnh thoảng ông chú ruột họ Đào chủ tiệm đàn Đức Thắng nhờ cháu  Phong xuống tiệm đàn Phùng Đinh mua đàn và đèo bằng xe đạp về cho chú bán . Cô học trò tiểu học trường Tôn Thọ Tường Kim Anh thời ấy đâu biết cậu học sinh này là ai? Nhờ duyên văn nghệ trong nghề đàn mà ông chú tiệm đàn Đức Thắng sau này  trở thành thông gia với ông chủ tiệm đàn Phùng Đinh.

 

Sau này, dãy hàng đàn đường Hồ Văn Ngà đã đi vào quên lãng, chỉ còn lại hai căn nhà của ba má tôi để lại là dấu tích  một thời vàng son của nghề đàn Đào xá. Các tiệm đàn  khác của bà con họ Phùng đã sang tên đổi chủ. Thế hệ thứ nhất mất đi, thế hệ thứ hai bán nhà để chia tài sản của cha mẹ để lại, thế hệ thứ ba không nối tiếp nghề đàn. Chủ mới đa số là người miền Bắc vào Nam lập nghiệp .Con đường Hồ văn Ngà bây giờ trở thành  đường Lê Thị Hồng Gấm chuyên bán…giầy.

Tôi viết lại hình ảnh của con đường bán đàn Hồ văn Ngà ngày xưa vì con đường này ăn sâu vào kỷ niệm thời thơ ấu của tôi với nhạc sĩ Lâm Tuyền.

Trong ký ức của tôi, nhạc sĩ Lâm Tuyền lúc ấy còn trẻ lắm và không đẹp trai chút nào.Ông có nước da ngâm đen, sạm nắng, mặt lỗ chỗ những vết sẹo rỗ thật dầy mà sau này tôi mới biết do bệnh đậu mùa gây nên. Điểm đặc biệt nhất của ông là giọng Bắc rổn rảng, lớn tiếng nói lẫn tiếng cười. Ông là người có  phong cách hào hoa phong nhã, đầu tóc bôi “bri-dăng-tin” bóng loáng, giầy cũng bóng như tóc của ông, nếp quần thẳng băng, mùi nước hoa thơm phức. Ông hay mặc những chiếc áo  sơ mi ngắn tay màu sặc sỡ có hình chim cò, sông nước, cây dừa của xứ  Hawaii. Những chiếc áo chim cò này rất thích hợp với tiếng đàn  guitar Hawaii  chuyên nghiệp và độc đáo của ông.

Guitar Hawaii còn gọi là đàn Hạ Uy Cầm có hình dáng phình ra như trái bầu, cần đàn có một miếng sắt nâng sáu sợi giây đàn lên cao khoảng nửa đốt ngón tay. Khi chơi đàn, người chơi đặt cây đàn trên đùi, tay trái dùng ba ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa kềm một cục sắt trơn gọi là cục “bloc” hay là “bar” đẩy tới hay đưa lui,  đè mạnh hay lướt nhẹ trên phím đàn. Tay phải dùng ba  ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa để móc giây đàn bằng loại dụng cụ gọi là “móng” làm bằng sắt hay bằng đồi mồi.

Tiếng đàn Hạ Uy Cầm phát ra âm thanh độc đáo , âm điệu du dương, lả lướt, lên bổng xuống trầm, nhẹ nhàng, bềnh bồng như sông nước của bãi biển Hawaii là nhờ chiếc “bloc”  này. Vì thế , đây là loại đàn  rất khó sử dụng, khác với đàn  Tây Ban Cầm dùng các ngón tay trái ấn trên phím đàn, các ngón tay phải lướt, búng hoặc móc sáu sợi giây Mì, La, Re, Sol, Si , Mí.

“Guitar Espagnol” là tiếng Pháp, tiếng Mỹ gọi là “Spanish Guitar”, tiếng Việt gọi là đàn Tây ban cầm vì đàn phát xuất từ xứ Tây ban nha. Đa số người chơi đàn thích đàn Tây ban cầm vì âm điệu của nó phong phú, phổ biến và đơn giản không phải dùng “bloc” hay móng. Dù sao mỗi tiếng đàn có những âm điệu hay riêng. Bạn nào có dịp đi Hawaii sẽ được nghe tiếng đàn Hạ Uy Cầm du dương và ngọt như đường mía của các vũ công trong điệu múa bụng “hula” thật là hấp dẫn. Đàn này dân bản xứ ở đảo Hawaii gọi là ““ukulele” cũng là họ hàng với đàn “lap steel guitar” có sáu hay mười giây.

Thầy Lâm Tuyền dạy đàn Tây ban cầm là chính nhưng Thầy chơi đàn Hạ uy cầm rất  điệu nghệ.Thầy là một trong những thầy dạy Hạ uy cầm hiếm hoi và nổi tiếng ở đất Sài gòn lúc bấy giờ.

Hồi đó, thầy Lâm Tuyền thường đi mua đàn cho học trò bằng xe xích lô. Xe thường đậu trước cửa tiệm đàn đầu tiên là tiệm của bác Đông Thành.  Khi xuống xe, ông vào tiệm của bác Đông Thành trước, sau đó ông đi rảo  một vòng, thử hết các cây đàn ở các cửa tiệm đàn ở đường Hồ Văn Ngà. Ông chọn kỹ lắm. Cây nào ưng ý ông để đó. Lát sau, ông trở lại lấy đàn và trả tiền. Ông lang thang mất cả buổi chiều.  Mỗi  lần mua ít nhất cũng vài ba cây . Lũ trẻ con chúng tôi thường tụm năm tụm ba theo ông đi hết tiệm này sang tiệm khác để nghe ông thử và chơi đàn .Có khi người qua đường hiếu kỳ dừng lại  hoặc vài người thợ đàn trong tiệm cũng tò mò bước ra, lắng nghe tiếng đàn Hạ uy cầm lả lướt của ông. Đứng bên ông, mùi nước hoa thơm phức. Nhìn ông, mái tóc đen bóng, đôi giày láng cón, áo sơ mi chim cò sặc sỡ, bàn tay cầm chiếc “bloc” vuốt trên phím đàn, đôi mắt mơ màng xa xăm như tưởng nhớ về những kỷ niệm nào. Lúc đó, trước mắt tôi ông là người nghệ sĩ tài hoa thật đáng hâm mộ.

Có một điều là các tiệm bán đàn, vì quý trọng giới nghệ sĩ đều để cho ông  một giá cả đặc biệt và  mặc cho ông tha hồ la cà  thử và chọn những cây đàn tốt và  ưng ý nhất. Dù mua hay không, các chủ tiệm đàn đều vui vẻ không phàn nàn đã mất thì giờ tiếp ông.         

Tôi lớn lên đang học lớp mười hai chuẩn bị thi Tú Tài hai, vì tò mò và ưa thích tiếng đàn độc đáo này nên tìm cách đến nhà ông để xin học. Ông đến mua đàn khi tôi còn học tiểu học ở trường Tôn Thọ Tường..Tôi lớn  lên thì ông cũng bắt đầu già đi, tài năng theo tuổi tác dần dần mai một, học trò thưa thớt, nhà cửa sa sút, vẻ hào hoa phong nhã ngày nào không còn nữa thay thế bằng sự mệt mỏi, eo sèo, quay quắt vì sinh kế hàng ngày. Ngoài việc dạy đàn, ông còn chơi nhạc thêm ở các vũ trường. Ông bà sống trong căn nhà nhỏ khiêm tốn  trong một con hẻm ở khu lao động hình như  là đường Cao Thắng . Cô nhà  trông  lam lũ, quần ống thấp ống cao, lăng xăng dưới bếp ra vẻ một bà nội trợ chứ không có chút gì  là tiểu thư  khuê các vợ của một nhạc sĩ tài hoa mơ mộng và lãng mạn như ông. Nhà nhỏ và  bừa bộn. Những tập nhạc, đàn lớn, đàn nhỏ để lung tung không còn lối đi.

Nhìn cảnh sống của gia đình ông lúc đó tôi nghiệm ra một điều giới nghệ sĩ  như ông thường nghèo. Ông sống hoàn toàn bằng đồng lương dạy đàn thì không thể nào khá được trừ phi có bà vợ buôn bán  giỏi giang  hay làm một nghề  gì đó kiếm ra tiền để phụ giúp ông chồng. Cô nhà có  ông chồng nhạc sĩ quen cách sống chưng diện đẹp bề ngoài , tiêu xài rộng rãi, lên xe xuống ngựa và lúc nào cũng “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” nên đời sống vật chất của ông có phần khó khăn.

 Sau 75, có vài lần gặp, thầy Lâm Tuyền lúc này gầy đi nhiều, áo sơ mi bỏ ngoài quần, tóc tai bờm xờm, mang đôi dép lẹp kẹp. “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!”.Thời oanh liệt không còn nữa nhưng muốn học đàn Hạ uy cầm chỉ có Thầy  còn dạy loại đàn này.

Tôi còn nhớ ngày đó đến xin học đàn, tôi gọi Thầy bằng chú, biết tôi là con của anh chị Phùng Đinh, Thầy rất quý, tận tâm chỉ dạy.Tại lớp học này, tôi đã mê man được nghe Thầy chơi những bản nhạc do Thầy sáng tác tuy không nhiều như  bài Khúc Nhạc Ly Hương, Nhắn Người Viễn Xứ, Tiếng Thời Gian,  Tơ Sầu, Trở Về Dĩ Vãng, Lặng Lẽ. Bài nào cũng hay trong đó tôi thích nhất bài Hình Ảnh Một Buổi Chiều.

Ngày đó, mỗi lần mua bản nhạc tôi đều chạy ra nhà xuất bản Tinh Hoa đường Trần Hưng Đạo gần nhà, chủ nhân là chú Lê Mộng  Bảo người Huế. Chú Bảo là anh của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, tác giả bài hát Ai Lên Xứ Hoa Đào. Bản nhạc Hình Ảnh Một Buổi Chiều in hình cô ca sĩ ngoài bìa rất đẹp, tôi không nhớ tên. Cô có mái tóc màu nâu vàng và sáng như râu ngô. Bản nhạc có lời đề tựa của Dạ Chung : “Anh không giữ trong tay một kho tàng hay danh vọng nào cả mà chỉ giữ có hình ảnh môt buổi chiều khi nắng vàng nhuộm mái tóc em”. Sau này tôi mới biết Dạ Chung là tên tài tử kiêm đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.

 Với lứa tuổi học trò nhiều mơ mộng, lúc đó tôi rất thích những bản nhạc viết về những buổi chiều như bài Chiều Tím: “Chiều tím, chiều nhớ thương ai,người em tóc dài, sầu lên phím đàn…”, bài Hoài Cảm : “Chiều buồn len lén tâm tư, mơ hồ nghe lá thu mưa, rạt rào tựa những âm xưa, thiết tha ngân lên lời xưa”.Bài Nắng Chiều :“Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa”, bài Lời Buồn Thánh  :“Chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu”.Bài Serenade :“Chiều buồn nhẹ xuống , đợi người tình tìm đến, người thấy run run trong chiều phai…”.

Hình như tâm hồn các văn, thi, nhạc sĩ đều có chung sự rung động hay cảm xúc bâng khuâng, nao lòng  khi chiều xuống. Đó là khoảng thời gian tâm tư lắng đọng theo thời khắc chuyển tiếp từ ánh sáng vào bóng tối, từ ngày sang đêm. Người nhạc sĩ xúc động khi nhìn những tia nắng chiều yếu ớt chiếu vàng trên mái tóc người yêu, ông viết lên những mơ ước, hoài bão của ông và niềm thương  nhớ gửi đến cho nàng.

Bài Hình Ảnh Một Buổi Chiều là nỗi buồn không nguôi khi ông nhớ đến người con gái có mái tóc óng ánh vàng vào một  buổi chiều thu:

               “Đàn chim tung cánh xa khuất mờ

                Chiều thu lưu luyến màu thương nhớ

                Nhớ mái đầu ai nhuộm nắng vàng

                Buồn biết bao giờ cho hết nguôi

Người nhạc sĩ mang ước vọng hải hồ, ra đi quên đời, lòng luôn luôn hướng về chốn xa xôi với nỗi oán sầu man mác :

                Lòng ta ai oán man mác sầu

                Nhìn xa xôi nhớ thầm mong ước

                Như sóng trùng dương theo cánh buồm

                Là lúc quên đời không tiếc thương…

Ước mơ phiêu lưu, tung hoành vẫn ôm ấp cho dù phải trải qua những đau thương cay đắng của cuộc đời: 
    

                Bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà

                Nơi xa xôi bao ý phiêu lưu dâng cho đời:

 Người nghệ sĩ  vẫn sống mở lòng, tha thứ, bao dung với đời với người cho dù bị đời và người bỏ quên:

                Dù  bao nhiêu cay đắng

                Đến làm nát lòng ta tan nát rồi không đoái hoài

                Dù bao nhiêu sóng gió quyết đem chí tung hoành

                Sống quên hết bao hận bên lòng

                 Hồn tha hương vương vấn bóng người khuất ngàn mây                                                                                                                                                                                       

                Ai biết lòng ta mỗi khi chiều tàn

“Hình Ảnh Một Buổi Chiều” vẫn là một nỗi buồn và thương nhớ vô tận:

                Nhìn ai say đắm man mác sầu

                Lòng ta tha thiết tình thương nhớ

                E ấp ngàn câu trong mắt buồn

                Người biết ta sầu muôn ý nao

 

 

                Miền xa mây núi xanh ngát màu

                Hồn bơ vơ lúc hoàng hôn xuống

                Khi nắng vàng phai trên núi đồi

                Là lúc ta buồn bao kiếp nguôi.

 

Khi tôi đến học Thầy Lâm Tuyền, “sì-căn-đan” giữa Thầy với cô ca sĩ Mộc Lan một thời được báo chí đăng tải đã chìm lắng.Cô nhà nổi tiếng rất ghen. Không ghen sao được khi có một ông chồng nhạc sĩ tuy không đẹp trai nhưng tài hoa và cốt cách phong nhã như Thầy. Ca sĩ Mộc Lan lớn tuổi hơn Thầy và là người hát bài Trở  Về Dĩ Vãng hay nhất có lẽ vì Thầy sáng tác bài này riêng cho cô. Những tác phẩm của Thầy lúc bấy giờ được xếp vào loại nhạc trữ tình, lãng mạn, cổ điển , lời và nhạc truyền cảm, lắng đọng tâm tư người nghe, được các ca sĩ hàng đầu như Anh Ngọc, Thái Thanh, Mộc Lan, Minh Trang, Tâm Vấn trình diễn ở phòng trà hay trên đài phát thanh.

Tôi học nhạc với Thầy đủ để chơi được bản nhạc Chiều Quê của Hoàng Quý rồi nghỉ học luôn vì lý do phải học thi . Mấy tháng học đàn với Thầy là những kỷ niệm khó quên.Thầy đã chỉ cho cách cầm “bloc” cách nhấn dây, cách lướt dây, cách sử dụng ngón để  móc dây tạo thành âm thanh du dương độc đáo của tiếng đàn. Điều đáng ghi nhớ là Thầy dạy cho người học trò niềm yêu thích âm nhạc, biết  lắng nghe tiếng nói không lời của bản nhạc và khi chơi đàn, biết gửi trọn tâm hồn mình vào trong lời và nhạc. Hai chữ “hồn nhạc” tôi học từ Thầy.

Tôi còn nhớ trước khi đi vào kỹ thuật của bài nhạc, Thầy để thì giờ nói về cái đẹp hiền hòa của một chiều quê ở miền Bắc xa xôi, nơi đó có nắng chiều, có khóm trúc, có sáo diều, có chim hót, có lúa vàng, có khói lam chiều, có hàng cau, có trăng khuya, có vạc tiếng kêu và có những con người hiền lành sống êm đềm, hạnh phúc, thần tiên. Người chơi đàn phải biết nắm bắt ý nghĩa của lời nhạc và khi chơi nhuần nhuyễn rồi phải diễn tả được ý tưởng đó qua tiếng đàn:

                               Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm

                                Chạy dài trên khóm tre đàn chim ríu rít ca

                                Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm

                                Đợi chồng con mắt trông về phía trời xa

             

                                Sáo diều êm nào khác lời thơ

                                Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô

                                Ôi chiều quê,chiều tha thiết êm đềm

                                Nhìn xem tơ khói vương chờ giây phút mến thương

                                Trông người ra ngồi hay đứng bên thềm

                                Chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên.

 

 Bài Chiều Quê là bài tủ của tôi và là bài Thầy “gò” ngón đàn của tôi rất kỹ.Tôi chơi bài này không đến nỗi tệ.Thế rồi cuộc đời như khúc sông cuốn mình trôi theo dòng đời bất tận. Chuyện học hành, thi cử, chuyện yêu đương của người con gái mới lớn, những mơ ước, hoài bão, những suy ngẫm về thân phận con người trong thời chiến tranh, những dâu bể, tang thương của đất nước, dân tộc và thân phận con người sau biến cố ba mươi tháng tư làm tôi quên đi những tình cảm nhẹ nhàng, êm đềm thuở còn đi học trong bài  Chiều Quê và tôi quên luôn ông Thầy đã dạy vỡ lòng cho tôi bài nhạc Hạ uy cầm đầu tiên.

Tôi được biết Thầy mất âm thầm và lặng lẽ ở Việt Nam năm một chín chín bảy trong sự khó khăn và  bệnh tật. Cuộc đời của Thầy giống như con tằm sau khi đã nhả hết những sợi tơ vàng đẹp lóng lánh cho đời, còn để lại là những bản nhạc đẹp và buồn như cuộc đời Thầy.

Ca khúc Hình Ảnh Một Buổi Chiều gắn liền với tên tuổi người nhạc sĩ. Với  lời hay, ý đẹp, âm điệu du dương, ca khúc để lại  trong  lòng những người yêu nhạc biết bao nỗi niềm thương nhớ.

Bài viết kính tặng Thầy Lâm Tuyền , người nhạc sĩ tài hoa nhưng phận bạc với  những hoài bão không bao giờ thực hiện trong cuộc đời.

                              
Phùng Annie Kim

 

Ý kiến bạn đọc
11/03/202015:05:48
Khách
Hình ảnh 1 buổi chieu
08/03/202000:24:45
Khách
Tôi nghe danh nhạc sĩ qua bài hát Nhắn Người Viễn Xứ và cảm giác giữa Thầy - Nhac Sĩ Lâm Tuyền và tôi có một sợi dây tương tác giữa tâm hồn với tâm hồn, vì Thầy và tôi cùng một cái tên, rất hiếm - Lâm Tuyền. Qua câu tự truyện này, cảm thấy nhạc sĩ và tôi - như thể biết nhau từ ngàn kiếp xưa. Cám ơn tác giả đã viết.
08/03/202000:23:14
Khách
Tôi nghe danh nhạc sĩ qua bài hát Nhắn Người Viễn Xứ và cảm giác giữa Thầy - Nhac Sĩ Lâm Tuyền và tôi có một sợi dây tương tác giữa tâm hồn với tâm hồn, vì Thầy và tôi cùng một cái tên, rất hiếm - Lâm Tuyền. Qua câu tự truyện này, cảm thấy nhạc sĩ và tôi - như thể biết nhau từ ngàn kiếp xưa. Cám ơn tác giả đã viết.
07/03/202023:11:50
Khách
Tôi nghe danh nhạc sĩ qua bài hát Thuyền Viễn Xứ và cảm giác giữa Thầy - Nhac Sĩ Lâm Tuyền và tôi có một sợi dây tương tác giữa tâm hồn với tâm hồn, vì Thầy và tôi cùng một cái tên, rất hiếm - Lâm Tuyền. Qua câu tự truyện này, cảm thấy nhạc sĩ và tôi - như thể biết nhau từ ngàn kiếp xưa. Cám ơn tác giả đã viết.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lý thuyết vô thần cộng sản đã làm mê hoặc rất nhiều người của nhiều thế hệ, trong những người bị mê hoặc đó, có thầy của tôi. Thầy tôi khi đó đã lớn tuổi, thầy không hung hăng cổ võ hay tranh đấu hùng hồn, thầy thận trọng và kín đáo. Thầy có nếp sống Tây phương, áo quần complet màu trắng, màu kem lạt, luôn nền nếp và phong cách lịch sự, dáng người nhỏ nhưng khá ấn tượng trong ngôn ngữ và truyền bá bài vở...
Tôi nhận được thư điện tử của thầy Bùi Thế Dũng, vắn tắt và khách sáo: “Cô Thúy, tôi sẽ sang Bỉ vào tháng Chín. Tham gia ban giám khảo cuộc thi guitar quốc tế Cung Đàn Mùa Xuân (Printemps de la Guitare). Tôi sẽ thông báo khi có tin tức cụ thể...
Thế là anh ấy đã ra đi, hai ngày nay, và xem chừng tôi đã không chịu nổi rồi, bọn nhóc vắng cha chúng có vẻ như quậy hơn nhiều, cả ba đứa luôn...
Tôi và Thuỷ Trúc hẹn gặp nhau ở ga xe lửa lúc mười giờ sáng. Từ nhà tôi đi bộ lên ga mất mười lăm phút. Tôi đến nơi thì đồng hồ trên nóc nhà ga đã chỉ mười giờ mười...
Năm tôi học lớp 12, con nhỏ xinh nhất lớp đi lấy chồng, mời gần cả lớp đi dự. Lần đầu tiên trong đời được đi ăn cưới với tư cách đã trưởng thành (tuổi 18, chớ không phải đi ăn theo bà con họ hàng chòm xóm), tôi và nhỏ bạn thân bàn tính, phải ăn diện trang điểm cho thật đẹp, nhưng ở tuổi đó, vào thời đó, hai đứa chẳng có một bộ đồ “make-up” nào...
Tôi vội chạy đến bên chiếc nhiệt kế treo trên tường thấy nhiệt độ trong nhà lên 85 độ, cái máy lạnh chết tiệt lại giở chứng vào đúng thời điểm gay go nhất...
Cô hàng xóm và tôi đang ngồi trên ngọn đồi cách xa thành phố, cùng ngắm nhìn những ngôi sao lấp lánh trên cao...
Đi chơi hải đảo thần tiên đã nhiều lần, kỳ này chúng tôi chọn Big Island, còn có tên là đảo núi lửa Hawaii...
Hằng năm cứ đến ngày lễ độc lập là cả nước lại rực rỡ cờ hoa, tưng bừng pháo bông, dân chúng đốt giàn trời luôn. Ngày lễ độc lập cũng như những ngày lễ khác, thật sự là ngày lễ của người dân. Mọi người nghỉ ngơi, đi chơi xa, thăm viếng họ hàng, hoặc ở nhà mở tiệc BBQ sum họp gia đình, ăn uống, ca hát, nhảy múa…
Lần đầu tiên tôi chú ý đến ông già Mỹ trắng ngồi xe lăn trên lề đường, khi xe tôi dừng đèn đỏ chuẩn bị quẹo vào trung tâm bán sỉ Costco. Tôi nhớ đó là khoảng thời gian quân Nga bắt đầu tấn công Ukraine, cách đây cũng đã bốn, năm tháng gì đó...
Gia đình chị Bông đến Mỹ định cư được hai tuần, ở nhờ trong nhà người em trai chị Bông. Vợ chồng em thay phiên nhau chở gia đình chị Bông đi làm các giấy tờ cần thiết và lãnh tiền trợ cấp tị nạn. Ngồi trong xe thấy em lái xe chạy vù vù lúc thì sang làn trái khi thì sang làn phải chen vào dòng xe cộ nườm nượp mà chị Bông chóng cả mặt...
Tôi được sinh ra và lớn lên ở một xóm nhỏ ven đô, gần Ngã Năm Chuồng Chó. Sở dĩ có cái tên này là do trước 1975, thời chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, ngay Ngã Năm bên cạnh kho đạn là Trường Quân Khuyển, huấn luyện các chú chó chuyên nghiệp để phục vụ trong chiến tranh hoặc gìn giữ trật tự anh ninh xã hội...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.