Hôm nay,  

Tết Thời Thơ Ấu

22/01/202010:03:00(Xem: 4433)
 
pic 1 TreConChoiBatDe
Trò Bịt mắt bắt dê thời xưa (Trịnh Thanh Thủy)



pic 2-bit-mat-bat-de---nay
Trò Bịt mắt bắt dê ngày nay (Trịnh Thanh Thủy)



pic 3 chơi u
Trò U mọi (Trịnh Thanh Thủy)



pic 4 rồng rắn lên mây
Trò Rồng Rắn Lên Mây (Trịnh Thanh Thủy)

Có lẽ trong mỗi người Việt chúng ta, ký ức thời thơ ấu thường là những bức tranh sống động nhiều màu sắc, nhất là trong các ngày Tết. Nhắc đến thủa bé, nỗi nhớ trong tôi bỗng trở nên dịu dàng. Hình ảnh ngày nào tuy không rõ nét, nhưng tôi biết ấy là những kỷ niệm đẹp. Đứa trẻ nào không mừng khi được tiền lì xì, mặc vào người manh áo mới, không phải đi học mà được rong chơi với bạn bè thoả thích. Những sòng bầu cua, cá, cọp trong xóm, ngoài ngõ, ba ngày Tết, lúc nào cũng đông nghẹt khách hàng là lũ trẻ con đem mấy đồng tiền mừng tuổi của mình ra thử thời vận. Kết quả là chúng cúng hết những đồng bạc nhỏ nhoi của mình cho bọn nhà cái lừa bịp. Hết tiền chúng lại tụ năm, túm ba chơi các trò chơi đồng dao trẻ con vừa sinh động, vừa thú vị.

Hồi đó tôi sống trong một xóm lao động nghèo trai thừa gái thiếu, nên tuy là gái, tôi cũng lê la kết bạn cùng bọn con trai và chơi đủ trò chơi của tụi nó. Đánh đáo, thả diều, đánh khăng, chọi đáo, dích hình, u mọi, nghĩa là tụi nó rủ chơi cái gì tôi cũng chơi tất, chả sợ gì cả. Tôi ghiền chơi u đến nỗi cứ vài bữa lại rách một cái quần vì ngã lúc chạy. Khổ một nỗi, các trò chơi con gái như ô quan, đánh đũa, nhảy dây vì ít chơi nên tôi dở ẹc, còn các trò chơi của bọn con trai, tôi hay chơi lại thường thắng, nên tôi nhanh chóng trở thành một tomboy. Đã vậy bọn con trai thường theo năn nỉ tôi làm diều cho chúng, mà tài cột dây lèo thì tôi số một. Con diều nào mà tôi cột dây, chắc chắn sẽ bay rất cao. Tôi còn để tụi nó công kênh, leo lên nóc nhà để thả diều cho bay nữa. Trong lúc buồn chán, các trò chơi đồng dao đong đầy ngày tháng bé bỏng của chúng tôi những khoảnh khắc nhiều tiếng cười đùa nhất. Thú vị nhất là các trò mà trai gái đều chơi chung được nên thu hút được đông đảo các nhóc tì tham dự. Không biết tự thuở nào, những trò chơi như "Oẳn tù tì, Năm mười, Rồng rắn lên mây, Bịt mắt bắt dê, Dung dăng dung dẻ, Chi chi chành chành, Kéo cưa lừa xẻ, Tập tầm vông v..v…" được bày ra, do ai chế tác cho trẻ em chơi mà chúng thật vui nhộn, đậm tính nhân bản lại đầy ắp sáng tạo. 

Trong những thập niên trước 75, kỹ thuật máy tính và liên mạng chưa có, trẻ em VN nghèo không có nhiều đồ chơi nên phần lớn các trò chơi hay đồ chơi phần lớn do ai đó nghĩ được và truyền lại cho các em hay các em tự chế ra. Ở miền Nam VN, nơi tôi lớn lên, những trò tôi chơi nhiều nhất phải kể là: Oẳn tù tì, Trốn tìm hay Năm mười, Rồng Rắn lên mây hay Dung dăng dung dẻ …Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh một đứa bé lấy cánh tay che mắt rồi úp mặt vào tường, hay một gốc cây nào đó, nhưng mắt lại hi hí mở lén xem có đứa nào trốn gần đó trong tầm mắt hé của mình không? Đứa bị úp mặt bắt đầu đếm số, thế là chúng bạn bắt đầu chạy tìm chỗ nấp, có đứa cuống cuồng chạy va vào cây hay là đồ vật quanh nhà trợt té, lóp ngóp đứng dậy, rồi chạy tiếp tìm chỗ trốn. Tiếng đếm số gần đến 100 sẽ nhỏ dần đi và đứa bị úp mặt sẽ bắt đầu lùng sục, tìm cho được một đứa trốn không khéo để lôi ra làm nạn nhân thay thế cho mình. 

Có lẽ tính thú vị nhất của trò chơi này là sự hồi hộp của đứa trốn khi nghe tiếng chân của đứa tìm đang đi dần về phía mình. Chắc chắn là tim đứa nào cũng đập thình thịch. Chính vì sợ bị phát hiện, mà có những đứa chạy rất xa, tìm một chỗ thật kín rồi ngủ quên trong đó đến nỗi người lớn hay được sự mất tích của chúng, đi tìm mãi cũng không thấy. Con nhỏ bạn tôi ngày còn bé là một trường hợp điển hình. Nhà nó là Nhà thuốc Cam Hàng Bạc ở ngã tư Hai Bà Trưng và Lý Chính Thắng, Sài Gòn. Những lần đến chơi với nó, tôi đều lác mắt vì sự rộng lớn của căn nhà rất xưa và khoảng sân thoáng mát. Khoảnh vườn có một cây táo lâu đời với tàng cổ thụ cao lớn che rợp cả một góc sân. Đâu đó khắp sân, là những mẹt trái mơ, đào, vỏ quít phơi khô để làm ô mai, khiến tôi nhìn mà thèm chảy nước miếng. Con nhỏ tinh nghịch, hù tôi bằng cách dẫn tôi vào nơi có để một cỗ quan tài trống bằng gỗ quý nằm chình ình giữa phòng. Tôi sợ đến hoảng vía khi thấy cái quan tài đó. Nó bảo cỗ áo quan để dành cho bà nó khi bà qua đời sẽ dùng để chôn bà. Hồi bé tôi rất sợ đám ma, mỗi khi nghe tiếng kèn bát âm tò tí te của đám ma đi ngang trước nhà, là tôi loay hoay tìm chỗ nấp vì sợ hồn ma hiện ra bắt mất. Khi thấy cỗ áo quan, tôi hãi quá, hỏi con bạn, "Bộ mày không sợ à?" . Nó cười, tỉnh queo nóỉ "Thấy riết rồi quen, tao còn chui vào đó để trốn lúc chơi Trốn Tìm nữa đó". Nó tiếp, "Có một lần kiếm không ra chỗ nấp vì chỗ trốn nào tụi nó cũng biết hết rồi, tao liền nghĩ đến cỗ quan tài, thế là tao chui vào đó đậy nắp lại. Không biết sao chắc chạy mệt quá, tao ngủ quên trong đó luôn. Lúc chúng nó phác giác không thấy tao đâu, bèn báo cáo. Thế là cả nhà hoảng hốt chia nhau đi tìm, chẳng ai nghĩ là tao ngủ quên trong quan tài. Hì hì, may là nắp quan tài nặng, tao kéo đậy không kín, nên tỉnh dậy chui ra còn sống nhăn, nếu không, chắc tao an giấc trong đó ngàn thu thay cho bà tao rồi."

Nói xong con nhỏ chạy lên nhà trên nhìn trước ngó sau, len lén thọc tay vào mấy cái lọ thủy tinh đựng ô mai mơ trong quầy bán hàng, nhón nhẹ hai cái, rồi đem chia tôi một cái. Ngoài ô mai mơ nhà nó, tôi còn mê món bột gạo lức Bích Chi được bày bán trên quầy căn hiệu. Mẹ tôi hay mua bột về bỏ vào xoong quậy nước, đun sôi cho em bé ăn. Tôi được ăn lớp bột quyện đường cháy vàng nằm dưới đáy nồi. Cái vị ngọt thơm mùi vani của lớp váng cháy, đánh thức con tì, con vị của tôi ngày còn bé.  Thế nên mỗi lần mẹ tôi quấy bột, tôi lại ngồi chồm hổm, đợi mẹ thí cho cái nồi, khi bột đã được đổ ra đĩa để nguội cho em bé ăn. 

Những trò chơi sinh hoạt, các bài hát đồng dao ngộ nghĩnh thời thơ ấu là các món ăn tinh thần vừa giản dị vừa có tính giáo dục cho trẻ em về xã hội, thiên nhiên và cuộc sống nhân quần. Ngoài ra, chúng còn kích thích tính tò mò, khiến não bộ vận động trí thông minh và tạo những kết nối thân tình giữa bạn bè và gia đình cũng như cộng đồng. 

Ngày nay, Tết đến, các em chỉ mong có nhiều thì giờ rảnh để cắm đầu vào máy tính, điện thoại thông minh hay lên mạng để chơi trò chơi điện tử cho đã. Tính năng động và bay nhảy vẫy vùng của một đứa trẻ ngày nào giờ chỉ tập trung vào đôi tay múa may, bộ óc và đôi mắt tập trung vào màn hình với những hình ảnh di động đầy màu sắc. Bệnh mập phì,  cận thị và nghiện game ngày càng tăng cao khiến nhiều bậc phụ huynh nhức đầu và tuyệt vọng vì không tìm được phương cách giải quyết. Không riêng gì ở ngoại quốc, ở trong nước, các nhà giáo dục cũng tiếc nuối và nhắc nhở đến đồng dao và các trò chơi sinh hoạt thời xưa và mong mỏi chúng được dùng lại hay tái chế để các em có thể sinh hoạt trong trường học hoặc cộng đồng. Tuy nhiên, mơ ước chỉ là mơ ước vì trí óc trẻ thơ như trang giấy trắng, ngày nay đã bị kỹ thuật điện toán lấp đầy làm sao xoá đi được mà làm lại? Ai lại bỏ xe hơi mà đi xe bò bao giờ?

Trịnh Thanh Thủy


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khoảng cuối năm Ất Mão, không biết bệnh ghẻ phát xuất từ đâu, lan tràn nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam và đặc biệt phát triển mạnh trong các trại tù. Ghẻ lan đi như một trận dịch. Người ta nói ghẻ theo chân mấy anh bộ đội từ rừng sâu về đồng bằng nên cũng gọi là ghẻ bộ đội...
“Phải như chị có được đôi mắt lá răm giống em, chắc chị hạnh phúc lắm.” Người đàn bà nói với Trâm câu ấy bao nhiêu lần nàng không còn nhớ nữa. Những buổi chiều ngồi nhìn nhau trên hai chiếc ghế mây mua được từ một buổi chợ phiên thị trấn dưới chân núi mùa hạ trước. Hết nhìn con đường quanh co dẫn vào khoảng xanh thẫm của bệt mầu đan bằng cây lá, lại nhìn sâu vào mắt nhau và bao giờ người đàn bà cũng ngậm ngùi. Phải như chị có đôi mắt giống em, chắc chị hạnh phúc lắm. Hạnh phúc là gì hở chị. Một lần Trâm đã hỏi lại người đàn bà như thế. Và chị đã chỉ nhìn sâu vào mắt Trâm, lặng lẽ mỉm cười. Hạnh phúc ảo tưởng. Đêm qua em nằm mơ, cứ thấy như trong cổ tích chị Tuyết ơi. Em thấy em là công chúa ngủ trong rừng.
Khi bố tôi qua đời năm 2000, thọ 80 tuổi, tôi thừa kế gia sản của ông, một xưởng mộc và một cửa hàng bán đồ gỗ gia dụng, tọa lạc tại Nam California. Bố tôi là một thần tượng không ai thay thế được trong đời tôi. Bố để lại một di chúc viết tay riêng cho tôi, dặn dò con phải đọc cuốn gia phả quí giá, giữ gìn, in lại thành vài bản và truyền lại cho các con, cháu...
Chiều nay có cuộc họp sau giờ dạy, Cầm về nhà muộn hơn mọi ngày. Vừa mệt vừa đói bụng ngồi vào bàn ăn thấy món thịt kho trứng bên đĩa rau lang luộc chấm nước mắm tỏi ớt ngon lành...
Từ khi Thiền sư Tuệ Tĩnh bắt đầu làm việc ở viện Thái Y, ai cũng tỏ vẻ nể nang, tin tưởng ngài. Họ bàn tán với nhau: “Với sự cộng tác của người thầy thuốc tài danh xứ An Nam, chắc chắn công việc của viện sẽ tiến bộ hơn”.
Chuông điện thoại trên bàn quản đốc reo vang. Vinh đứng lên, bước qua nhắc lên nghe. Bên kia đầu dây có tiếng léo nhéo của nhiều người. Một giọng khàn khàn cất lên : “Tay nào đấy. Phi phải không ?” Vinh nhận ngay ra tiếng của Năm Trắc, phó giám đốc. Tôi nghe đây. Anh Bảy Phi không có ở văn phòng.”
Thuở xa xưa lắm rồi, lúc vị Thần Linh Cao Cả tạo dựng loài vật, ngài tạo ra đủ kiểu đuôi cho chúng. Ngài để chúng tự do lựa chọn cái đuôi mà chúng thích. Ngài trải các loại đuôi ra và gọi các loại thú đến chọn. Mỗi con vật tư chọn cái đuôi cho mình. Chú hải ly chọn một cái đuôi có bộ lông dày thật đẹp thật êm. Còn chú thỏ thì mải tung tăng trong rừng nên đến sau cùng và lúc đó chỉ còn một nhúm lông tròn, chú ta đành chịu vì không thể chọn cái đuôi nào khác...
Chúng tôi vừa thực hiện chuyến đi thăm vài tiểu bang dọc theo bờ biển vùng Đông-Bắc và Đông-Nam Hoa Kỳ. Khởi đầu chuyến đi ấy bằng cuộc du ngoạn từ Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Và nhân đây, chúng tôi xin được chia sẻ cùng các bạn vài điều hiểu biết và sự cảm nhận về thành phố này, nơi chúng tôi đã có dịp “cưỡi ngựa xem hoa” qua đó...
Đêm yên lặng. Căn phòng tối mờ. Những vệt sáng từ ngọn đèn đường hắt vào tạo nên những bóng hình lay động. Trên chiếc giường, chất năm con người, hai người lớn, ba trẻ con, đang nằm ngủ, sắp lớp như hộp cá mòi...
Cái tin cu Thẹo làm chủ tiệm nước bay về làng, người làng vui như mở hội...
Cô tôi chết, gia tài của cô để lại cho con mèo. Thỉnh thoảng, đọc báo, thấy có một nhà giàu nào đó, chết, để lại gia tài kếch sù cho thú cưng, tôi cho rằng họ là những người lập dị và keo kiệt. Cô tôi, chắc chắn là keo kiệt. Cô chết tôi không dự đám tang. Chỉ biết cô qua đời vì nhận được lá thư gửi từ văn phòng luật sư quản lý tài sản của cô. Thư đòi nợ...
Mỗi ngày, trước khi đi làm, Mẹ bế Nó đặt vào cái ghế xoay cạnh cửa sổ, cái ghế mà Mẹ đã đóng thêm một miếng ván vuông nhỏ kéo ra kéo vô được để làm thành cái bàn cho Nó, trên đó Mẹ đặt tập giấy, cây bút chì, hộp chì màu, cục gôm. Thêm cái chìa khóa cửa và chiếc điện thoại...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.