Hôm nay,  

Phượng Hoàng

13/12/201900:00:00(Xem: 3622)
Phuong Hoang_Nha Ca ky sach
Nhã Ca ký sách trong ngày sinh nhật 80 tuổi, với nhạc sĩ Hoàng Công Luận.



Nhã Ca


1

“Ê! Khoa! Ra thôi chứ mày. Bộ tính ăn thua đủ đấy hả?”
“Suỵt. Coi chừng cu cậu sắp sửa tổng phản công đấy nhé.”
“Can đảm lên, cầu thủ Khoa. Nhào vô. Một. Hai. Ba.”

Tiếng cười của bọn con trai ngoài hành lang rộ lên, hưởng ứng những lời bàn tán, trêu chọc, cố tình cho lọt vào phòng học. Phòng học lúc này đã vắng vẻ. Phượng chậm rãi xếp sách vở vào cặp, không cần ngẩng lên, không cần nhìn, Phượng cũng thừa biết là từ phía cuối phòng, Khoa đã nán lại để chờ nàng. Chuông tan buổi học chiều đã vang lên có đến mấy phút, bọn học trò đã ùa ra sân trường, nhưng vẫn còn những tên đầu bò tụm lại ngoài hành lang để rình trêu chọc sự săn đuổi của Khoa.

“Tiến lên. Can đảm lên. Nào Khoa...”

Đúng là Khoa đang tiến lại phía Phượng. Phượng biết thế nhưng vẫn điềm nhiên không ngẩng lên.

“Thôi mình ra đi chứ, Phượng. Để tôi đưa Phượng về.”
“Không. Anh về trước đi. Bữa nay tôi mắc chuyện.”
“Kìa Phượng. Đừng thèm để ý đến chúng nó.”
Phượng đã gài tập xong, ngẩng nhìn Khoa, vẻ tinh nghịch:
“Chúng nó gì cơ? Bữa nay tôi mắc công chuyện mà. Anh ra trước đi.”
“Nhưng mà tôi có chuyện cần phải nói với Phượng. Nhất định Phượng phải cho tôi nói.”
“Thì để lát tối anh sang nhà tôi rồi nói. Bây giờ anh ra đi cho cái bọn ngoài kia nó giải tán đã. Đừng có làm vậy!”

Khoa tần ngần vài giây, rồi cực chẳng đã, đành một mình rời khỏi phòng học.

“Ê, không xong rồi. Đấu thủ Khoa bị nốc-ao nữa rồi. Hạ màn. Hạ màn.”

Tiếng ồn ào cười vui rộn lên khi Khoa ra cửa một lúc, rồi xa dần, lắng dần...

Chờ cho bọn học trò đã tản mát đi hết, Phượng mới ôm cặp lững thững ra hành lang.

Chiều đã xuống. Gió từ biển thổi lên xào xạc trong hàng thông lớn dọc khu trường học. Từ cuối sân trường, bên cạnh chiếc xe traction cũ của ông Tế, Diễm đang vẫy tay ra dấu chào Phượng. Diễm là con gái ông Tế, học trò cùng lớp với Phượng, nó đang đợi ông phía đó. Phượng vừa ra dấu chào lại Diễm, vừa nghĩ thầm. Ở cuối dãy hành lang, cách cánh cửa văn phòng hiệu trưởng vẫn còn mở: cũng như Phượng, ông Tế cùng đang cố tình chậm rãi để không rời văn phòng trước khi bọn học trò về bớt.

Ông Tế vừa là hiệu trưởng lại vừa giáo sư Triết của trường. Diễm, con gái ông, lớn đâu thua gì Phượng. Nhưng Phượng không cần để ý điều đó. Vầng trán mênh mông của ông Tế đã quyến rũ Phượng. Khi ông giảng bài trong lớp, giữa đám học sinh, tuổi tác và trí thức của ông Tế làm ông có vẻ như cô đơn hẳn lên. Phượng gần được ông Tế vì nàng thấy mình cũng như ông, cách biệt hẳn với đám học trò tầm thường ngu dốt ở những bàn bên cạnh. Phượng chỉ cần biết có thế.

Có tiếng giầy vang lên từ hành lang, Ông Tế đã ra. Tới chỗ tam cấp rẽ xuống sân trường, Phượng cố tình đi chậm lại để chờ ông Tế đến. Hai người đi cạnh nhau một đoạn ngắn trước khi đến khoảng sân rộng.

“Em chờ thầy. Chỗ mọi bữa.”
“Em ra trước đi. Tôi đến ngay. Cẩn thận nhé.”

Cẩn thận. Lần nào cũng một tiếng ấy.

Sự rụt rè rồi hoảng hốt của ông Tế trong tay Phượng những lần trước đây, từng làm Phượng buồn cười, khi mang so với bộ mặt nghiêm nghị của ông trong lớp học. Nhưng lần này thì Phượng không thể cười nữa. Nội trong chiều nay, tối nay, ông sẽ bắt buộc phải quyết định, Phượng sẽ phải dứt khoát. Liệu chuyện gì sẽ xẩy ra sau đó. Chuyện gì? Phượng tự hỏi. Nhưng khó hình dung đến sự trả lời! Có lẽ vì một phần hốt hoảng chăng. Có thể. Nhưng kệ. Cái đầu vẫn lười. Đến đâu hay đó.

“Về nhé, Phượng.”

Chiếc traction của cha con ông Tế vượt qua mặt Phượng và Diễm vẫy gọi. Ông Tế sẽ đưa con gái về nhà. Có thể ông sẽ thay quần áo, hay ở nhà năm mười phút gì đó, nhưng thường thì Phượng vẫn không phải chờ lâu, vì ông sẽ đến nơi hẹn bằng xe, trong khi Phượng còn phải đi bộ thêm một đoạn dài nữa.

Nhưng lần này thì khác, Phượng không muốn đến trước. Phải để cho ông Tế chờ đợi, Phượng nghĩ vậy và rẽ xuống bãi biển, thay vì có thể đón chuyến xe lam ngay phía ngã ba gần trường.

Biển xanh ngắt. Gió từ ngoài khơi lộng vào bay tung cả áo lẫn tóc Phượng. Sóng có vẻ dữ dội hơn thường ngày, liếm lên bãi cát những vòng lớn. Từ phía xa, nơi bãi tắm, nhấp nhô dăm bảy tốp người tắm biển, phơi nắng.

Nhưng bãi biển nơi này thì vắng vẻ, Phượng có thể đi bộ một mình mà không bị phiền nhiễu.

“Nơi hẹn mọi bữa” mà Phượng đợi ông Tế là một nhà hàng và khách sạn của người ngoại quốc ở tít phía cuối bãi biển, cách biệt hẳn và ít có người trong thành phố lai vãng. Khách hàng của nơi này hầu hết là du khách và người ngoại quốc. Có lẽ chính vì vậy mà ông Tế đã chọn nơi này để gặp gỡ Phượng.

Những bữa ăn chiều trong quán vắng. Những lần khi ngồi đây, nhìn qua kính cửa sổ xuống khoảng sân rộng mênh mông trồng đầy dương liễu bên những lối đi trải sỏi dẫn xuống biển. Chính Phượng trong những lần ấy cũng thấy như mình đang sống ở một thế giới khác, hoàn toàn xa lạ hẳn với cái thành phố duyên hải hẹp hòi mà nàng lớn lên, cách biệt hẳn với những lề lối tầm thường nhạt nhẽo mà nàng đang sống. Và Phượng bằng lòng với những cuộc hẹn hò lén lút này, bằng lòng với việc nàng làm cho một nhà giáo nghiêm nghị vững chãi như ông Tế phải cuống quít sợ hãi.

Khu khách sạn đồ sộ đã hiện trước mặt Phượng. Từ trên con đường vắng dọc bờ biển, chiếc traction cũ kỹ của ông Tế cũng đã đến và đang lái vô cổng sau của khu khách sạn. Đúng như Phượng đã đoán trước, và khi Phượng bước vào nhà ăn vắng vẻ mênh mông của khách sạn, nàng đã không phải ngồi một mình chờ đợi như mọi bữa.

“Sao em đến chậm vậy. Đi bộ hả?”
“Tại em muốn bắt thầy phải đợi.”
“Ngồi đi. Mình ăn ở đây hay lên phòng.”
“Em không muốn ăn ở đây mà cũng không muốn lên phòng. Em có chuyện cần nói với thầy.”
“Chuyện gì vậy, Phượng. Chuyện gì mà lại cười?”
“Tại tính em hay cười đấy, còn chuyện thì không gì đáng cười cả.”

Người bồi khách sạn, như thường lệ mang đến cho ông

Tế một chai bia 33 và cho Phượng một ly cam vắt. Phượng uống một ngụm nước cam, nhìn theo người bồi phòng, rồi bỗng đổi ý kiến, đứng dậy:

“Nhưng thôi, có lẽ lên phòng đi thầy. Đừng ăn nữa.”

Tại khách sạn này, ông Tế và Phượng đã có một phòng nhỏ từ lâu. Ông Tế cầm theo ly bia còn sủi bọt dẫn Phượng qua quầy rượu, lấy chìa khóa dặn người bồi phòng không dọn ăn, rồi hai người lên lầu.

“Chuyện gì nói đi Phượng. Đừng làm thầy nóng ruột chứ.”

À, thì ra ông Tế cũng bắt đầu nóng ruột. Dãy hành lang vắng vẻ, những cửa phòng đóng kín. Phượng nhỏ nhẹ bảo ông Tế khi mở cửa:

“Để vô phòng rồi em nói cho thầy nghe.”

Cánh cửa phòng nhỏ bật mở. Gió lùa qua các cửa sổ tụ lại trong phòng từ lâu được dịp ùa ra. Để mặc cho ông Tế gài cửa, Phượng đi thẳng vào góc phòng vất chiếc cặp học trò xuống, ngồi trước bàn phấn, nhìn vào trong gương.

Mặt gương mờ tối. Chiều lắm rồi. Cũng chính tại căn phòng nhỏ này đây, trên chiếc giường rộng kia, bộ bàn ghế kiểu cổ kia, và chiếc bàn phấn này! Thầy ngạc nhiên hả? Thầy tưởng em đã hư hỏng trước khi đến với thầy chứ gì. Vậy chứ sao thầy có vẻ sững sờ vậy. Thôi đừng nhìn cái giường nữa, lại đây với em. Lại đây. Lần đầu tiên, Phượng đã phải dìu ông Tế như một đứa con nít lại ngồi trước tấm gương mờ tối này, và đầu ông, vầng trán mênh mông hằng được nể sợ của ông, đã run rẩy trong lòng Phượng. Sao thầy nhìn em vậy. Trông vào tấm gương kìa. Thầy tưởng em sợ hãi hả. Em không có sợ. Cũng không có tiếc. Tất cả những thứ em có là của thầy. Em không đòi hỏi gì cả. Sao thầy không sung sướng. Không bao giờ em đòi hỏi gì cả mà. Thầy không tin ư. Phượng đã nói thế mà.

Vậy thì còn chuyện gì nữa để phải nói thêm trong buổi gặp gỡ này kia chứ. Tách. Ngọn đèn trong phòng đã được bật sáng. Tiếng mở tủ. Rồi như thường lệ, ông Tế hiện ra trong tấm gương, hai cánh tay vòng qua vai Phượng.

“Thôi. Thay áo đi. Nhầu hết bây giờ. Thay áo đã rồi nói.”

Phượng gỡ tay ông Tế ra, lấy bộ pyjama của nàng trên tay ông để lên bàn phấn, rồi kéo ông Tế xuống nói như thì thầm:

“Em không có thay. Nhầu thì nhầu. Em phải nói với thầy cái đã.”

“Coi chừng. Té.”

Một tiếng la nhỏ. Ông Tế chúi xuống vì mất thăng bằng, rồi tiện đà hai cánh tay ông gượng lại, nâng cả người Phượng lên đưa về chiếc giường rộng.

“Liệu hồn đấy. Định nói ở dưới nền nhà đá ý hả.”

“Thì thầy thả em xuống đi, em nói cho nghe.”

“Này, xuống.”

Phượng rơi xuống tấm nệm êm, và vầng trán ông Tế đang cúi xuống. Nụ hôn của những lần hẹn hò sắp trở lại đây, Trong những lần gặp gỡ trước, tuy cuồng nhiệt hơn ông Tế nhưng Phượng lại nhận thấy rõ là mình vẫn tỉnh táo. Điều đặc biệt, là mỗi lần đón nụ hôn của ông, Phượng không chú ý đến cánh tay, đến môi, đến lưỡi, mà chỉ chú ý đến vầng trán. Sự hứng thú của Phượng hình như không ở nơi thể xác người đàn ông, cũng không ở thể xác mình mà gửi lên vầng trán đó. Vầng trán mênh mông của ông Tế là nơi trí tuệ Phượng bay nhảy, tưởng tượng, phiêu lưu. Nhưng lần này thì cuộc phiêu lưu đã đến lúc phải ngừng lại. Phượng đặt một bàn tay lên trán ông Tế cản khuôn mặt ông lại lưng chừng đà cúi xuống, nhìn vào mắt ông:

“Thầy thương em không?”
“Thương chứ. Không thấy sao.”

Đôi mắt ông Tế như có một tia sáng lạ, và Phượng lại ngăn cản ông cúi xuống:

“Không phải thương. Em muốn hỏi thầy điều khác: thầy yêu em không?”

Yêu. Có gì đâu để phải hỏi. Nhưng ông Tế đã cảm thấy sự quan trọng trong câu hỏi vô nghĩa của Phượng. Một cánh tay ông chống xuống nệm.

“Có chuyện gì quan trọng vậy. Em nói đi.”
“Em không thể sống thế này nữa. Gặp nhau. Đi dạo. Lén lút. Em không thể chịu nổi nữa.”

Ông Tế chậm chạp ngồi dậy. Đây là lần đầu tiên Phượng nói những lời ấy, trái hẳn với thái độ bình thản, liều lĩnh của nàng trước đây.

“Em còn định nói thêm gì nữa. Nói hết đi.”
“Mình phải chính thức sống với nhau, không lén lút giấu giếm ai nữa. Em yêu thầy. Em yêu anh.”
“Kìa, Phượng...”
“Thầy đừng tưởng em điên. Em không có điên đâu mà còn rất tỉnh táo nữa là khác. Thầy cũng vậy. Thầy cũng phải tỉnh táo như em. Đây này...”



Phượng cầm bàn tay trái của ông Tế, đưa bàn tay ông xoa lên khắp trên mặt mình, rồi đặt xuống bụng.

“Thầy phải nghe em nói. Em có thể mang lại cho thầy hạnh phúc. Thầy ly dị đi. Mình sẽ hạnh phúc.”
“Em điên thật rồi Phượng. Mình làm sao có thể sống với nhau được. Em coi. Anh chừng này tuổi rồi mà em còn trẻ trung như thế. Còn mọi người. Còn thành phố. Em quên là anh không thể nào ly dị được ư.”

Không ly dị được. Ông Tế cũng như Phượng đều là tín đồ của Chúa. Phượng biết vậy chứ. Nhưng thây kệ:

“Em không biết gì hết. Mà chính thầy mới là người cần biết. Thầy chưa hiểu gì sao. Thầy nghe em nói nhé: Thầy coi đây này, chúng mình sắp có con.”

Phượng nhắm mắt, để khỏi phải nhìn thấy phản ứng của ông Tế. Nhưng trên bụng Phượng bàn tay của ông Tế trong tay Phượng như cứng hẳn lại. Rồi một bàn tay khác chụp lấy vai Phượng.

“Em nói gì vậy Phượng?”
“Mình sắp có con. Đó là tin em báo cho thầy đây.”
Phượng nắm chặt bàn tay của ông Tế hơn.
“Đó, hiểu chưa. Em có thai.”
“Mình có con. Tôi mà có con...”

Phượng nghe rõ hơi thở dồn dập bên tai nàng.

“Em không giỡn đấy chứ, Phượng!”
“Đáng lẽ ra em báo cho anh từ tuần trước. Nhưng em đã rán chờ thêm cho chắc hẳn đã. Bây giờ thì không thể khác được nữa rồi. Mình sẽ có con. Sẽ chính thức sống với nhau. Em sinh con trai cho thầy. Thầy chả từng trông có một đứa con trai lắm sao.”

Phải. Phượng nói đúng. Từ cả chục năm nay rồi gia đình ông trông một đứa con. Sự hiếm muộn, trông chờ đã giày vò ông không biết bao nhiêu ngày. Diễm đã lớn, đã được thương yêu, được chăm sóc. Nhưng chưa đủ. Vì một điều mà chính Diễm cũng không biết, là nàng chỉ là con nuôi của ông bà Tế. Một đứa con trai. Đúng ra là điều ông Tế đã chờ đợi từ lâu lắm. Nhưng sự trông đợi ấy cũng đã tuyệt vọng từ lâu. Vậy mà bây giờ. Phải làm thế nào bây giờ. Yên lặng một lúc lâu lắm rồi ông Tế mới bảo Phượng:

“Em để anh tính. Mình sẽ lo. Nhưng nhất định là anh không có cách gì ly dị được cả.”

Tiếng ông Tế trầm vọng. Những lời cuối lạnh lẽo như dao. Chiều tối rồi. Tiếng sóng biển ì ầm ngoài xa xen lẫn tiếng reo của phi lao như lớn dần. Và Phượng mở bừng mắt. Đôi mắt ráo hoảnh, không một tiếng nói.

Đây. Chính là lúc này đây. Phượng biết rõ là thảm kịch đời mình bắt đầu.

2


Mình đi đâu thế này. Mình làm gì thế này. Ô hay, chuyện gì đã xẩy ra?

Tiếng sóng biển dào dạt phía sau lưng Phượng. Gió từ khoảng tối đen bao la ngoài khơi thổi lên lồng lộng. Những hạt cát khô, không biết kéo vào dép từ lúc nào, làm Phượng bỗng thấy hai bàn chân nhức nhối khó chịu, và Phượng chợt nhận ra là nàng đang đi một mình trơ vơ trên con đường men theo bờ biển vào thành phố.

Phải rồi. Phượng đang đi một mình. Chỉ còn một mình Phượng, chỉ chừng nửa giờ, một giờ ngắn ngủi đó thôi chứ mấy. Vậy mà cả một cơn điên tưởng chừng lâu đến cả thế kỷ đã chụp kín lấy Phượng khiến nàng không còn hiểu nổi mình đã nói những gì, đã làm những gì, từ lúc nàng vùng

ra khỏi tay ông Tế, vội vã chạy trốn khỏi gian phòng hẹn
hò nơi khu khách sạn, để băng mình ra bãi biển.
Nhất định không có cách gì ly dị cả.

Ông Tế đã nói vậy. Và vậy thì hết. Không biết tiếng “hết” có bật ra khỏi đôi môi run rẩy của Phượng nổi không, nhưng Phượng nhớ rõ là nàng đã vùng dậy, tỉnh táo tới trước bàn phấn soi gương, chải tóc, lau khô nước mắt. Rồi với đôi mắt đã ráo hoảnh, Phượng nhặt lấy cái cặp sách đi ba bước đến cửa phòng, mở cửa, rồi bình tĩnh nói vọng vào căn phòng:

“Thôi, thưa thầy em về. Chào thầy.”

Và cánh cửa phòng đóng sập lại.

Ông Tế ra sao lúc ấy, đang nằm, đang ngồi, đang ôm đầu, hay đang trợn mắt, đang cuống quít. Phượng không biết, vì nàng không hề quay đầu nhìn lại ông một lần nào nữa. Hình như có tiếng kêu của ông Tế. Có tiếng nói, tiếng chân bước theo đuổi phía sau lưng Phượng. Nhưng mặc kệ. Phượng nhất định không nhìn lại.

Nàng phăng phăng đi hết dãy hành lang, xuống cầu thang, vượt khỏi khu nhà ăn phía dưới bất chấp những đôi mắt tò mò của mấy người ngoại quốc đang ăn và người bồi phòng quen mặt. Phượng đi thẳng ra cửa khách sạn, băng qua khoảng sân rộng, rồi đi luôn xuống bờ biển.

Phượng. Ngừng lại đi Phượng. Phượng đừng làm vậy.

Tôi lạy Phượng. Anh lạy Phượng. Đứng lại nghe anh nói nốt đã. Mặc kệ. Phượng không dừng lại. Không nghe. Không nói. Chiều tối, gió to, sóng lớn, liếm những vòng cung dữ dội lên bãi cát không màu sắc. Mặc kệ. Phượng đi xuống ngay trên những ngọn sóng đang táp lên, bất chấp hai ống quần ướt sũng từng hồi. Phượng. Em điên rồi à. Hình như đã có lúc ông Tế đuổi kịp ngay trên bãi cát ướt để hỏi nàng như thế. Và Phượng đã đứng lại bất động. Hai cánh tay ông Tế như hai cành khô sắp rời khỏi thân cây. Một cơn sóng lớn dồn lên đập ào ào ngang đầu gối. Rồi hai. Rồi ba. Rồi hai cành khô rời hẳn thân khô và người đàn ông khuỵu xuống dưới chân Phượng ngay trên cát ướt.

Tại sao em làm thế Phượng. Anh van em. Lạy em. Vẫn cái điệp khúc cũ mèm ấy. Tại sao à. Tức cười quá. Giáo sư Tế đó ư. Con người ngạo nghễ trong lớp học, con người có vầng trán mênh mông như trời cao, con người vững chãi, trầm tĩnh, sâu xa từng hút hồn Phượng, níu được vai Phượng, quyến rũ, bí ẩn là một khối nam châm hút chặt lấy cây kim nhỏ bé là Phượng, đã khiến Phượng tự tìm, tự đến, tự đem cả thể xác trinh trắng của nàng dâng tặng ông.
Con người như thế đó mà lúc này lại khuỵu gối trên cát ướt dưới chân Phượng.

Con người như thế đó, mà lúc này lại run rẩy, yếu đuối đến độ thế ư.

Không thể tưởng tượng nổi, một lạc thú kỳ dị như bốc lên từ biển đã làm Phượng ngây ngất, vì nàng đã hành hạ được con người vững chãi ấy đến thế. Phượng đứng im, ôm cặp sách trước ngực như để tận hưởng cái lạc thú man dại ấy. Nhưng lạc thú không lâu, vì Phượng bỗng thấy mình ứa nước mắt. Một nỗi tuyệt vọng vô bờ bến đã ào đến. Thế là hết. Cái khối nam châm khổng lồ. Vầng trán bao la của trí tuệ. Thần tượng cô đơn của nàng. Tất cả đã hết. Chỉ còn một ông già bệu rệu phủ phục dưới chân.

Làm sao Phượng có thể yêu kẻ đang phủ phục ấy cho được. Phượng đã nghĩ thế, và nàng bình tĩnh kéo ông Tế đứng dậy như kéo một đứa bé con, rồi nói:
“Thầy đừng làm vậy. Em không còn gì để nói với thầy nữa. Muộn rồi, thầy về đi.”

Thêm một đợt sóng lại ập đến và chồng lên đợt sóng trước chưa kịp rút xuống.

Để mặc ông Tế đứng trơ vơ trên cát, Phượng lạnh lùng bỏ đi lầm lũi. Nàng tiếp tục đi dọc theo bãi biển lâu lắm, rồi có ánh đèn xe hơi chiếu theo nàng trên lộ gần bờ biển. Ông Tế đã trở lại khách sạn lấy xe và chầm chậm cho xe chạy trên lộ đợi Phượng. Không biết trước khi lấy xe, ông có kịp trở lên khóa cửa căn phòng nhỏ không. Phượng tự hỏi. Chắc không còn dịp nào trở lại căn phòng này nữa. Thay áo đi. Nhầu hết giờ. Đó là câu ông Tế nói khi ông mở tủ lấy bộ pyjama của nàng trong tủ mang ra cho Phượng mỗi khi cửa phòng được khóa lại. Giữa những cơn thủy triều ào ạt của biển đêm, bộ pyjama mỏng manh còn lại trong căn phòng vừa từ bỏ hiện ra dật dờ trong trí tưởng Phượng, và nước mắt nàng tiếp tục giàn giụa.

Đi đến ngã ba rẽ về thành phố, Phượng bắt buộc phải rời bãi biển để băng qua đường lớn. Chiếc traction đen của

ông Tế dừng lại trước mặt Phượng, pha đèn sáng.

“Phượng lên xe đi, tôi đưa về.”

Và Phượng cũng dịu dàng bảo ông:

“Thôi thầy về đi. Để em lấy xe lam về được rồi.”
“Phượng bình tĩnh. Tôi sẽ lo việc đến tận nhà Phượng.”
“Thầy đừng thắc mắc nữa. Em đã nhớ chính em đã nói ngay buổi đầu là không bao giờ em đòi hỏi gì ở thầy cả. Và bây giờ đến đây đủ rồi, thầy để yên cho em lo phần em. Thầy về đi.”
“Tôi sẽ lại nhà Phượng trong vài hôm nữa. Phượng phải bình tĩnh lại mới được.”
“Cám ơn thầy. Em bình tĩnh lâu rồi. Thầy về đi.”

Phượng bình tĩnh rồi thật. Bình tĩnh đến độ chính nàng cũng không ngờ nổi. Chiếc traction của ông Tế chùng chình thêm mấy phút nhưng rồi cũng đã bỏ đi và bây giờ chỉ còn một mình Phượng. Cơn điên trong những khoảnh khắc tưởng như còn bất tận nhưng Phượng chỉ ôn lại chừng đó. Vậy là đủ. Đủ những trông đợi, đòi hỏi, rồi cuồng dại, rồi tỉnh táo. Đủ để chấm hết. Nhưng rồi mình sẽ ra sao trong thành phố này. Rồi cái thai trong bụng này lớn lên.
Phượng không khóc thêm nữa. Nhất định không bao giờ khóc nữa.

Một chuyến xe lam từ phía sau lưng chạy đến. Đó là chuyến xe cuối cùng từ Đập Đá trở vào thành phố. Và Phượng ra dấu cho chuyến xe đỗ lại.
Trên xe có hai người đàn bà mặc áo bà ba, ngồi bên nhau và giữ một quang gánh gì đó, vừa rì rầm nói chuyện. Phượng ngồi chung băng ghế với hai người đàn bà, lơ đãng nghe câu chuyện rì rầm của họ. Nàng tưởng tượng trong xe chỉ có chừng đó người, bất ngờ, khi xe chạy vào thành phố, nhờ đèn đường hắt vào, Phượng bỗng nhận ra ở ghế đối diện có một đôi mắt không rời nàng. Đó là một người lính xa lạ. Có lẽ một anh không quân hay phi công gì đó, vì anh ta mặc đồ đen gọn gàng và yên lặng như một con mèo. Bộ ta lạ lắm sao mà hắn nhìn kỳ vậy. Không đâu, ta bình tĩnh lắm rồi đâu còn là một con điên nữa. Phượng nghĩ lan man rồi bất chợt nàng dựa người vào thành xe, chăm chú nhìn lại người lính bằng đôi mắt bướng bỉnh, nửa tinh nghịch, nửa thách thức.

Qua một đoạn đường xấu, gánh hàng gì đó của hai người đàn bà xóc lên xóc xuống kêu lanh canh, gã lính đồ đen ngồi trước mặt Phượng lắc lư cả người, nhưng gã vẫn khoanh hai tay trước ngực không chịu níu vào thành xe. Và lạ một điều là ngay khi cả người gã lắc lư, Phượng như vẫn thấy đôi mắt kỳ lạ, lì lợm của gã dán chặt vào nàng.

Chiếc xe lam chạy vòng qua khu chợ ồn ào, vượt khỏi con phố chính. Phượng nói với người tài xế cho xuống đây, và nàng bước xuống, trả tiền xe, không để ý gì đến đôi mắt người lính trên xe nữa.

Từ chỗ xuống xe, Phượng chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn là tới nhà. Đây là đoạn đường quen thuộc nhất của Phượng. Những lần hẹn hò trước, Phượng cũng vẫn chia tay với ông Tế ở ngả vào thành phố rồi đi xe lam hoặc xích lô về nhà một mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau dịp lễ Noel là không khí tháng chạp lấp ló đầu ngõ rồi! Thời tiết mùa đông lạnh lẽo đã dần nhường chỗ cho gió xuân về mơ màng trong sương sớm. Khoảng mùng 5 tháng chạp là mọi người đi tảo mộ đông vui. Đươc gặp bà con, họ hàng nội ngoại chào nhau tíu tít sau một năm tất bật là thấy tết đã sắp sửa cận kề. Tết không chỉ là niềm trông đợi của trẻ thơ mà còn là niềm vui của người lớn. Xưa chừ người ta thường nói vui như tết mà!
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần.
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng...
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to: – Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Anh muốn về thăm Việt Nam, chị cũng vậy. Anh nói với chị: Em à, cũng hai năm rồi, tụi mình chưa về thăm Việt Nam. Anh thấy nhớ quá, nhớ hàng cây dâm bụt, gốc ổi, cây dâu đất ngoài quê anh. Nhất là ngôi nhà có bức tường thành và cái cổng bằng xi măng. Anh đã đem theo hình ảnh đó suốt mấy mươi năm rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ nó. Mình đi về thăm một chuyến em hè...
Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) hai thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẽ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến...
Những ngày cận tết trời Sài Gòn se se lạnh. Cái lạnh mang theo chút nắng hanh làm đẹp hơn bao chiếc áo len buổi sáng những con đường. Khóa học cuối năm chấm dứt bằng đêm văn nghệ toàn trường của đại học sư phạm...
Ngày Tết ai ai cũng nhớ đến bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng là biểu hiệu của đất trời, là tất cả của vũ trụ và của lòng hiếu thảo, có tự truyện từ lâu đời, từ đời vua Hùng Vương xa xưa. Người trong Nam còn gọi là bánh tét, có lẽ là do chữ tiết hay Tết, ý là bánh của ngày Tết...
Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút...
Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc. Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì...
Người Việt tị nạn đã có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại: một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn dó là Phở. Mùi Phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đấy có Phở...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.