
(HOA KỲ, ngày 14 tháng 4, Reuters) – Chỉ vài giờ sau khi Đại học Harvard thẳng thừng từ chối những đòi hỏi của Tổng Thống Donald Trump về việc cải tổ toàn diện chính sách đa dạng, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã đình chỉ hơn 2 tỷ MK khoản tài trợ liên bang dành cho trường.
Theo nhóm đặc biệt của Bộ Giáo Dục chuyên chống bài Do Thái, khoản ngân sách bị đóng băng bao gồm 2.3 tỷ MK các khoản tài trợ dài hạn cùng 60 triệu MK từ các hợp đồng liên quan đến Harvard.
Đây được xem là bước leo thang căng thẳng mới giữa chính quyền Trump và hệ thống các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Trump đã nhiều lần chỉ trích các trường đại học là nơi lan truyền tư tưởng thiên tả và không bảo vệ quyền lợi người Do Thái.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã từng đình chỉ hàng trăm triệu MK tài trợ đối với nhiều trường đại học, nhằm gây sức ép buộc các cơ sở này phải cải tổ chính sách nội bộ, đặc biệt là trong việc đối phó với tình trạng bài Do Thái lan rộng trong các trường.
Không chỉ cắt giảm ngân sách, chính phủ liên bang còn mở thủ tục trục xuất một số sinh viên nước ngoài bị bắt giữ vì tham gia biểu tình ủng hộ Palestine, đồng thời hủy bỏ thị thực của hàng trăm sinh viên khác. Các biện pháp đàn áp này đã dấy lên những lo ngại về quyền tự do ngôn luận và tự do học thuật – hai giá trị cốt lõi của môi trường giáo dục đại học tại Hoa Kỳ.
Hôm thứ Hai, Harvard đã thẳng thừng từ chối tuân thủ các điều kiện của chính quyền Trump nhằm đổi lấy tài trợ liên bang. Những điều kiện đó bao gồm việc chấm dứt các chương trình thúc đẩy sự đa dạng sắc tộc và thực hiện những thay đổi chính sách khác. Trường cho rằng những yêu cầu này sẽ bóp nghẹt quyền tự do tư tưởng của giảng viên và sinh viên.
Trong một bức thư ngỏ gửi công chúng, Chủ tịch của Đại học Harvard Alan Garber chỉ trích rằng các điều kiện mà Bộ Giáo Dục liên bang đưa ra hôm Thứ Sáu không khác gì một âm mưu nhằm “kiểm soát toàn bộ cộng đồng Harvard,” và đe dọa “những giá trị cốt lõi của trường – vốn là một tổ chức giáo dục tư thục mang sứ mệnh truy cầu, kiến tạo và truyền bá tri thức.”
Garber nhấn mạnh: “Không một chính quyền nào, bất kể thuộc đảng nào, được quyền chỉ đạo các trường đại học tư thục phải giảng dạy điều gì, tuyển ai và nghiên cứu lĩnh vực nào.”
Tuy nhiên, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ cho rằng bức thư của Garber “chỉ càng cho thấy rõ tư duy đặc quyền nguy hiểm đã ăn sâu trong giới đại học danh giá – kiểu tư duy cho rằng việc nhận tài trợ liên bang không cần phải đi kèm với trách nhiệm tuân thủ các luật về dân quyền.”
Vấn đề bài Do Thái tại các trường đại học đã bùng phát trước khi Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai, bắt nguồn từ làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine của sinh viên diễn ra tại nhiều trường đại học trong năm ngoái. Các cuộc biểu tình này nổ ra sau khi nhóm Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel trong năm 2023, dẫn đến các đợt không kích dữ dội của Israel vào Dải Gaza.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Harrison Fields cho biết Tổng Thống Trump “đang nỗ lực Làm Cho Giáo Dục Đại Học Vĩ Đại Trở Lại (Make Higher Education Great Again) bằng cách chấm dứt tình trạng bài Do Thái đang lan tràn, đồng thời bảo đảm rằng ngân sách liên bang không bị sử dụng để tiếp tay cho các hình thức kỳ thị sắc tộc cực đoan hay các hành vi bạo lực do thù ghét chủng tộc tại Harvard.”
Trong thư gửi Harvard hôm Thứ Sáu, Bộ Giáo Dục nhấn mạnh rằng trường “đã không đáp ứng được các điều kiện về học thuật và dân quyền, những điều kiện chính đáng để được nhận tài trợ từ ngân sách liên bang.”
Bộ yêu cầu Harvard phải tiến hành một cuộc kiểm toán bên ngoài đối với toàn bộ giảng viên và sinh viên các khoa, nhằm bảo đảm “đa dạng quan điểm.” Đồng thời, trường phải “giảm bớt ảnh hưởng của các giảng viên, nhân viên và sinh viên nào chú trọng vào hoạt động chính trị hơn là học thuật.”
Ngoài ra, hạn chót là vào tháng 8 năm nay, Harvard chỉ được phép tuyển dụng giảng viên và nhận sinh viên dựa trên thành tích học thuật, và phải chấm dứt mọi hình thức ưu tiên tuyển chọn dựa trên chủng tộc, màu da hoặc nguồn gốc quốc gia. Trường cũng phải có cơ chế rà soát sinh viên quốc tế nhằm tránh thu nhận những người “có tư tưởng thù địch với các giá trị Mỹ,” và phải báo cáo cho các cơ quan liên bang chuyên trách về di trú những trường hợp sinh viên ngoại quốc vi phạm nội quy.
Tuần trước, một nhóm giáo sư của Harvard đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn việc chính quyền Trump tiến hành cuộc rà soát gần 9 tỷ MK các hợp đồng và khoản tài trợ liên bang được cấp cho trường.
Chính quyền Trump cũng đang xem xét áp dụng các biện pháp tương tự đối với Đại học Columbia, một trường khác thuộc nhóm Ivy League. Columbia có thể sẽ bị buộc phải ký kết một “phán quyết đồng thuận” (consent decree) để tuân thủ các chỉ đạo của chính phủ về việc đối phó tình trạng bài Do Thái. Cũng giống như ở Harvard, một số giáo sư của trường Columbia đã khởi kiện ngược lại chính phủ. Hiện tại, khoản tài trợ 400 triệu MK dành cho Columbia đã bị đình chỉ.
Garber, Chủ tịch Harvard, viết trong thư ngỏ rằng: “Trường sẽ không từ bỏ tính độc lập hay quyền hiến định của mình.” Ông cũng nói thêm rằng, tuy Harvard đang khai triển các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng bài Do Thái trong trường, “nhưng không thể đạt được mục tiêu đó bằng cách sử dụng quyền lực một cách tùy tiện, không màng tới cơ sở pháp lý, để can thiệp vào hoạt động giảng dạy và điều hành của nhà trường.”
Được biết, hồi tháng 1, Harvard đã đồng ý tăng cường các biện pháp bảo vệ sinh viên gốc Do Thái theo một thỏa thuận nhằm dàn xếp hai vụ kiện cáo buộc rằng trường đang dung dưỡng tư tưởng bài Do Thái.
Trước nguy cơ bị cắt toàn bộ nguồn tài trợ liên bang, Harvard hiện đang có kế hoạch vay 750 triệu MK từ Wall Street.