
(HOA KỲ, ngày 8 tháng 4, Lithub) – Hôm thứ Sáu tuần trước, một nhóm gồm 21 Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang trên toàn nước Mỹ đã đồng loạt khởi kiện nhằm phản đối các biện pháp cắt giảm ngân sách của chính quyền Trump và Musk đối với các cơ quan liên bang.
Mục tiêu chính của vụ kiện là bảo vệ hoạt động của nhiều tổ chức quan trọng, trong đó có Viện Bảo Tàng và Dịch Vụ Thư Viện (Institute of Museum and Library Services, IMLS). Do ảnh hưởng từ các quyết định cắt giảm ngân sách, IMLS vừa buộc phải cho nhân viên nghỉ việc và tiến hành giảm mạnh các khoản tài trợ.
Nếu không được cứu vãn kịp thời, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với hệ thống thư viện cấp tiểu bang. Các thư viện hiện đang nhận tổng cộng khoảng 160 triệu MK mỗi năm từ IMLS – khoản tiền này chiếm từ một phần ba đến một nửa tổng ngân sách hoạt động của nhiều hệ thống thư viện trên toàn quốc.
New York là minh chứng rõ nhất cho những thiệt hại nghiêm trọng nếu ngân sách thư viện bị cắt giảm. Theo tờ New York Times, trong năm 2024, tiểu bang này đã nhận được 8 triệu MK từ IMLS. Khoản kinh phí ấy đã được sử dụng để thúc đẩy các chương trình xóa mù chữ, cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, và đào tạo lực lượng 200,000 nhân viên làm việc tại 7,000 thư viện. Khoản tiền đó còn chi trả lương cho 55 nhân viên tại Thư viện Tiểu bang ở Albany, tương đương hai phần ba nhân sự của cơ quan này.
Đơn kiện cho rằng các biện pháp cắt giảm ngân sách của chính quyền Trump và Musk không chỉ vô lý mà còn vi phạm Hiến pháp và luật liên bang.
Theo Bộ trưởng Tư Pháp Letitia James cùng các đồng sự, Sắc lệnh Hành pháp của Trump đã ngang nhiên xóa bỏ hàng loạt chương trình quan trọng của các cơ quan liên bang mà không đếm xỉa đến những quy định pháp lý về việc điều chỉnh từng nguồn ngân sách liên bang. Hành động này là sự chà đạp trắng trợn lên Hiến pháp và Đạo luật Thủ tục Hành chánh (Administrative Procedure Act).
Vụ kiện được khởi xướng bởi ba Bộ trưởng Tư Pháp của các tiểu bang New York, Rhode Island và Hawaii. Họ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các đồng sự tại 18 tiểu bang khác, bao gồm Arizona, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, Oregon, Vermont, Washington và Wisconsin.
Ngoài việc phản đối các biện pháp cắt giảm đối với IMLS, đơn kiện còn nhằm ngăn chặn việc giải thể hai cơ quan liên bang quan trọng khác: Minority Business Development Agency (Cơ quan hỗ trợ doanh gia người thiểu số) và Federal Mediation and Conciliation Service (Cơ quan hòa giải và giải quyết tranh chấp trong lao động).
Nhưng liệu tòa án có còn là nơi tìm công lý khi mà Trump và đám thân tín vẫn ngang nhiên coi thường quyền lực của tòa án, còn TCPV lại có vẻ như luôn “chống lưng” cho họ?
Một cây bút của tờ Lithub chia sẻ như sau:
“Tôi cực kỳ nể phục việc các bộ trưởng tư pháp tiểu bang đang làm. Nhưng thú thật, tôi không còn tin tưởng vào tòa án. Cứ như thể chúng ta đang ngóng chờ một cái kết đẹp kiểu phim truyền hình Law & Order – mọi chuyện sẽ ổn thỏa chỉ sau một tập phim. Nhưng đời thực thì không đơn giản như vậy.
Hiệp Hội Thư Viện Hoa Kỳ (ALA) đã đưa ra nhiều cách để mọi người cùng chung tay bảo vệ các thư viện. Những cuộc biểu tình đông đảo, đặc biệt là các hoạt động nhắm đến Tesla đầy sáng tạo, đã cho thấy tác dụng rõ ràng. Ở nơi tôi sống, chỉ cần mọi người cùng đồng lòng không tuân theo, chúng tôi đã có thể bảo vệ cộng đồng mình khỏi chính sách thu phí kẹt xe ngớ ngẩn. Tôi cũng không khỏi khâm phục sự can trường và tinh thần đoàn kết của các bạn sinh viên đang đấu tranh cho Palestine. Họ đang dùng chính thân mình để bảo vệ một thế giới tử tế hơn, nhân ái hơn.
Bởi vì thế giới mà những kẻ độc tài đang vẽ ra thật sự khiến người ta lạnh người: khắc nghiệt, không tình người, và đầy bạo lực. Không còn ngân sách cho thư viện, cho y tế, cho thực phẩm, và cũng chẳng còn chỗ cho lòng trắc ẩn. Nhưng luôn luôn có chỗ cho sự tàn nhẫn, sự hằn học, và luôn có sẵn hàng tỷ MK để xây thêm nhà tù, trại giam, rồi thêm hàng tỷ MK nữa cho chiến tranh, cho diệt chủng. Sống như vậy thì có nghĩa gì?”