
(WASHINGTON, ngày 7 tháng 4, Reuters) – Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ đã cho phép Tổng thống Donald Trump lôi một đạo luật từ năm 1798 (vốn chỉ được sử dụng trong thời chiến) ra để trục xuất những người Venezuela bị cáo buộc là thành viên băng đảng, nhưng kèm theo một số giới hạn.
Trong phán quyết được đưa ra với tỷ số biểu quyết 5-4, không ghi tên thẩm phán, TCPV đã chuẩn thuận yêu cầu từ chính quyền Trump nhằm dỡ bỏ lệnh tạm ngưng trục xuất (vốn do Thẩm phán James Boasberg ở Washington, D.C. ban hành hôm 15 tháng 3). Lệnh này đã ngăn việc trục xuất khẩn cấp theo sắc lệnh của Trump, dựa vào Đạo Luật Kẻ Thù Là Người Nước Ngoài (Alien Enemies Act, AEA), trong khi vụ kiện đang được xét xử.
Mặc dù đứng về phía chính quyền, các thẩm phán trong TCPV nhấn mạnh rằng việc trục xuất phải tuân thủ quy trình pháp lý, đặc biệt là quyền được xin cứu xét. Trong phán quyết, các thẩm phán nêu rõ: “Những người bị giam giữ phải nhận được thông báo sau ngày ban hành phán quyết này, rằng họ đang nằm trong diện bị trục xuất theo đạo luật. Thông báo này phải được gửi đúng cách và kịp thời. để họ có thể nộp đơn xin cứu xét tại nơi có thẩm quyền trước khi bị trục xuất.”
Hiện nay, TCPV có 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán cấp tiến. Tuy nhiên, trong phán quyết lần này, thẩm phán bảo thủ Amy Coney Barrett đã đứng về phía ba thẩm phán cấp tiến và phản đối phán quyết.
Vào ngày 15 tháng 3, Trump đã sử dụng Đạo luật AEA để nhanh chóng trục xuất những người bị cáo buộc là thành viên băng đảng Tren de Aragua. AEA từng được sử dụng để giam giữ người Nhật, Đức và Ý trong Thế Chiến II.
Trong quyết định đưa ra hôm thứ Hai (7/4), TCPV cho biết mọi thách thức pháp lý đối với việc trục xuất theo đạo luật này phải được đệ trình tại tòa liên bang nơi di dân bị giam giữ – tức là Texas, chứ không phải ở Washington, D.C. Tòa cũng nói rõ rằng họ chưa đưa ra kết luận về tính hợp pháp của việc chính quyền Trump sử dụng đạo luật này để tiến hành trục xuất.
Trong vụ kiện do Liên Đoàn Nhân Quyền (ACLU) đại diện pháp lý, một nhóm người Venezuela bị giam giữ bởi cơ quan di trú Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện vào cùng ngày sắc lệnh được ban hành. Họ kiện thay mặt cho chính mình và những người khác ở hoàn cảnh tương tự, với mục tiêu ngăn chặn các vụ trục xuất theo sắc lệnh của Trump.
Trong đơn kiện, họ cho rằng sắc lệnh này đã vượt quá thẩm quyền của Tổng thống, vì AEA chỉ cho phép trục xuất trong các trường hợp: Hoa Kỳ tuyên bố chiến tranh hoặc bị xâm lược. Họ nhấn mạnh rằng tình hình hiện tại không đáp ứng được những điều kiện đó, nên sắc lệnh là bất hợp pháp.
Ngoài ra, họ cũng phản đối cách chính phủ diễn giải đạo luật, và khẳng định rằng bản thân họ không thuộc diện “kẻ thù ngoại bang” của Hoa Kỳ để có thể bị trục xuất theo luật. Tuy nhiên, trong phán quyết lần này, Tối Cao Pháp Viện cho biết họ chưa xem xét đến các lập luận này mà chỉ giải quyết vấn đề về thẩm quyền tòa án thụ lý vụ kiện.
Đạo luật AEA cho phép tổng thống có quyền trục xuất, giam giữ hoặc áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những người trung thành với một thế lực ngoại quốc và có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia trong thời chiến.
Pháp quyền
Bộ trưởng Tư Pháp Pamela Bondi đã ca ngợi phán quyết của TCPV, gọi đây là “một chiến thắng mang tính bước ngoặt cho pháp quyền,” và không ngần ngại chỉ trích Thẩm phán Boasberg đã vượt quá thẩm quyền. Bondi đăng trên mạng xã hội: “Bộ Tư Pháp sẽ tiếp tục đấu tranh trước tòa để mang lại sự an toàn cho nước Mỹ.”
Thẩm phán Boasberg, được Tổng thống Barack Obama (Dân Chủ) bổ nhiệm, đã ra lệnh tạm thời ngừng trục xuất. Tuy nhiên, vào thời điểm lệnh này được ban hành, hai chiếc máy bay chở người bị trục xuất đã cất cánh và đang trên đường đến El Salvador và giao 238 người Venezuela cho giới chức sở tại để đưa vào Trại Giam Tội Phạm Khủng Bố (Terrorism Confinement Center).
Thẩm phán Boasberg hiện đang xem xét liệu chính quyền Trump có vi phạm lệnh của ông khi không buộc các máy bay trục xuất quay đầu sau khi lệnh được ban hành. Bộ Tư Pháp khẳng định rằng khi lệnh bằng văn bản của Boasberg được ban hành, các chuyến bay đã rời khỏi không phận Hoa Kỳ, nên không bắt buộc phải quay lại. Ngoài ra, họ cũng bác bỏ giá trị pháp lý của khẩu lệnh mà Boasberg đưa ra hai giờ trước đó trong phiên tòa, yêu cầu mọi chuyến bay đang chở người bị trục xuất phải quay về.
Phía chính quyền Trump cho rằng lệnh cấm tạm thời của Boasberg xâm phạm thẩm quyền của tổng thống trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia.
Ngày 18 tháng 3, Trump đã công khai kêu gọi Quốc Hội luận tội Boasberg. Hành động này đã khiến Chánh Án TCPV John Roberts lên tiếng phản đối.
Trên mạng xã hội, Trump liên tục công kích cá nhân, gọi Boasberg là một “tên điên cực tả” (Radical Left Lunatic) và một “kẻ gây rối, xúi giục” (troublemaker and agitator). Cần phải nhắc lại là Boasberg từng được Thượng Viện chuẩn thuận vào năm 2011 với tỷ lệ đồng thuận gần như tuyệt đối: 96 phiếu thuận và không có phiếu chống.
Tòa Thượng Thẩm ở Washington, D.C. đã giữ nguyên lệnh của Boasberg sau một phiên tòa đầy căng thẳng với những tranh cãi gay gắt. Thẩm phán Patricia Millett đã nói thẳng với luật sư Bộ Tư Pháp Drew Ensign rằng: “Việc áp dụng AEA hiện nay còn tàn nhẫn hơn cả thời luật được dùng với phát xít Đức.”
Luật sư Ensign đáp lại: “Chúng tôi hoàn toàn phản đối việc mang phát xít Đức ra để so sánh.”
Thân nhân của nhiều người Venezuela bị trục xuất đã phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng họ có liên quan đến các băng đảng tội phạm. Luật sư của một người bị trục xuất – cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp kiêm huấn luyện viên cho thanh thiếu niên đến từ Venezuela – cho biết giới chức Hoa Kỳ đã nhầm lẫn khi gán cho thân chủ của họ là thành viên băng đảng chỉ vì anh có một hình xăm vương miện, vốn là biểu tượng nhằm tôn vinh câu lạc bộ Real Madrid, đội bóng yêu thích của anh.