
Hoa Kỳ mở đàm phán với Nga và Ukraine nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Hắc Hải. Washington hy vọng tiến tới lệnh đình chiến toàn diện vào tháng Tư, với sự hậu thuẫn trực tiếp từ Tổng thống Trump. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
(RIYADH/KYIV, ngày 24 tháng 3, Reuters) – Sau buổi làm việc với các nhà ngoại giao Ukraine vào Chủ Nhật, phái đoàn của Hoa Kỳ dự kiến sẽ gặp gỡ phía Nga vào thứ Hai, với kỳ vọng đạt được thỏa thuận đình chiến trên Hắc Hải (Black Sea) và xa hơn là kết thúc chiến sự tại Ukraine.
Đây là một phần trong chuỗi đàm phán, diễn ra trong thời điểm Trump đang đẩy kế hoạch kết thúc xung đột Nga-Ukraine. Tuần trước, ông đã điện đàm với cả Zelenskiy và Putin.
Theo một nguồn tin am hiểu kế hoạch đàm phán, phái đoàn của Hoa Kỳ do Andrew Peek (Giám đốc cấp cao thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc) và Michael Anton (viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao) dẫn đầu. Họ đã có cuộc gặp với phái đoàn Ukraine vào tối Chủ Nhật, và sẽ đối thoại chính thức với phía Nga vào Thứ Hai.
Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của vòng đàm phán này là đạt được một thỏa thuận đình chiến tại khu vực Hắc Hải, để khôi phục tự do lưu thông hàng hải trong khu vực.
Phát biểu trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS hôm Chủ Nhật, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Mike Waltz cho biết các phái đoàn của Hoa Kỳ, Nga và Ukraine hiện đang có mặt tại cùng một cơ sở ở thủ đô Riyadh, Ả Rập Saudi.
Bên cạnh vấn đề đình chiến trên Hắc Hải, Waltz cho biết các phái đoàn cũng sẽ bàn thảo về “đường ranh kiểm soát” giữa hai quốc gia, bao gồm các “biện pháp xác minh, gìn giữ hòa bình” và việc “đóng băng chiến tuyến, giữ nguyên hiện trạng.” Ông nói thêm rằng các bên đang đề cập đến những biện pháp “xây dựng lòng tin,” trong đó có việc trả lại các trẻ em Ukraine bị Nga đưa đi trong thời gian chiến sự.
Về phía Nga, đại diện tham dự là Grigory Karasin – cựu viên chức ngoại giao và hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang – cùng Sergei Beseda, cố vấn cho Giám đốc Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga (FSB).
Về phía Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, người dẫn đầu phái đoàn, cho biết trên Facebook rằng cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Ukraine cũng bao gồm các đề nghị nhằm bảo vệ các hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng trọng yếu, vốn là mục tiêu tấn công liên tục trong thời gian qua.
Sau những bước tiến của quân đội Nga trong năm 2024, Trump đã đảo ngược chính sách trước đây của Hoa Kỳ về cuộc chiến Ukraine. Ông bắt đầu đàm phán trực tiếp với Moscow và tạm ngưng viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời yêu cầu Kyiv thực hiện các bước nhằm chấm dứt xung đột.
Đặc sứ Hoa Kỳ Steve Witkoff – người đã gặp Putin tại Moscow hồi đầu tháng 3 – đã lên tiếng xoa dịu lo ngại từ phía các đồng minh NATO của Washington. Nhiều quốc gia trong liên minh này lo ngại rằng việc đạt được thỏa thuận với Moscow có thể khiến Nga “bạo dạn” hơn, và dẫn đến nguy cơ nước này xâm lược các quốc gia láng giềng khác. Witkoff cho biết: “Tôi không nghĩ ông ấy (Putin) muốn thôn tính cả Âu Châu. Tình hình hiện nay khác xa so với những gì đã xảy ra trong Thế Chiến II. Tôi cảm thấy ông ấy muốn hòa bình.”
Trump từ lâu đã cam kết sẽ chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc nhất tại Âu Châu kể từ sau Thế Chiến II. Tuy nhiên, chuyện Trump cố xum xoe quanh Putin lại khiến các đồng minh Âu Châu không khỏi lo ngại. Họ e rằng đây có thể là bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ – vốn luôn tập trung bảo vệ Âu Châu khỏi sự bành trướng của Nga trong suốt tám thập niên qua.
Chiến tranh đã khiến hàng trăm ngàn người chết và bị thương, hàng triệu người mất nhà cửa, và nhiều thị trấn bị tàn phá hoàn toàn. Putin gần đây tuyên bố rằng “về nguyên tắc,” ông đồng thuận với đề nghị ngừng bắn của Hoa Kỳ, nhưng cũng nhấn mạnh rằng quân đội Nga sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi một số điều kiện quan trọng được giải quyết.
Hôm Thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết Hoa Kỳ và Ukraine đang thảo luận để làm rõ “các phương thức ngừng bắn khác nhau có thể áp dụng, những chi tiết cụ thể trong từng phương thức, cách giám sát và kiểm soát các thỏa thuận đó, cũng như phạm vi của các điều khoản liên quan.”
Thứ Ba tuần trước, Putin đã chấp thuận đề nghị của Trump về việc cả Nga và Ukraine ngưng các cuộc tấn công vào hệ thống năng lượng của nhau trong vòng 30 ngày, và ra lệnh cho quân đội Nga thực hiện. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa đạt đến mức độ mà Washington và Kyiv mong muốn – đó là một lệnh ngừng bắn toàn diện trong vòng 30 ngày trên toàn chiến tuyến.
Phát biểu vào Thứ Bảy, Trump cho biết những nỗ lực nhằm kiểm soát đà leo thang trong xung đột Nga–Ukraine hiện đang “phần nào được kiểm soát.” Theo hãng tin Bloomberg, Hoa Kỳ hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện trong vài tuần tới, với mục tiêu đạt được lệnh đình chiến trước ngày 20 tháng 4.
Dù các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra ráo riết, cả Nga và Ukraine vẫn tiếp tục báo về các cuộc tấn công đang diễn ra. Lực lượng Nga vẫn chậm rãi tiến quân tại khu vực miền Đông Ukraine – nơi Moscow tuyên bố đã sát nhập.