
(WASHINGTON, ngày 18 tháng 3, Reuters) – Một thẩm phán liên bang tại Washington đã ra lệnh tạm thời ngăn chặn quân đội Hoa Kỳ thực thi sắc lệnh của Trump về việc cấm người chuyển tính phục vụ trong quân đội. Phán quyết này được đưa ra trong vụ kiện của 20 quân nhân đương nhiệm và những người đang có nguyện vọng nhập ngũ.
Thẩm phán Ana Reyes thuộc Tòa Án Liên Bang tại Washington cho biết sắc lệnh ngày 27 tháng 1 của Trump – một trong số nhiều chính sách của ông ta nhằm hạn chế quyền lợi của cộng đồng người chuyển tính – có thể vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ, đặc biệt là điều khoản cấm phân biệt giới tính.
Reyes tuyên bố: “Thật trớ trêu khi hàng ngàn quân nhân chuyển tính đã hy sinh, đánh đổi cả mạng sống của mình, để bảo vệ quyền bình đẳng cho nhiều người khác, nhưng giờ đây chính họ lại bị tước mất quyền lợi đó bởi lệnh cấm này.”
Reyes được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm. Phán quyết của bà nhận được sự hoan nghênh từ các bên ủng hộ quyền của người chuyển tính. Luật sư Jennifer Levi, đại diện cho các nguyên đơn trong vụ kiện, ca ngợi quyết định của tòa án là hành động “quyết đoán và mạnh mẽ.”
Bà cho biết: “Phán quyết này thể hiện rõ sự cứng rắn và công tâm. Tòa án đã lập luận rõ ràng, chỉ ra những tác động tiêu cực mà lệnh cấm gây ra đối với những quân nhân chuyển tính – họ chỉ muốn phục vụ tổ quốc một cách chính trực.”
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về sự việc này.
Sau khi Trump ban hành sắc lệnh vào ngày 27 tháng 1, quân đội Hoa Kỳ đã nhanh chóng thực thi các biện pháp hạn chế đối với cộng đồng quân nhân chuyển tính. Ngày 11 tháng 2, quân đội thông báo rằng họ sẽ không còn cho phép người chuyển tính nhập ngũ và sẽ chấm dứt mọi hỗ trợ y tế liên quan đến quá trình chuyển đổi giới tính cho quân nhân đang phục vụ. Cuối tháng 2, quân đội tiếp tục tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình cho giải ngũ những quân nhân chuyển tính.
Trump lập luận rằng việc chấp nhận một bản dạng giới khác với giới tính sinh học là “không phù hợp với cam kết danh dự, trung thực và kỷ luật của một quân nhân, ngay cả trong đời sống cá nhân.”
Tuy nhiên, thẩm phán Reyes đã bác bỏ lập luận này, chỉ ra rằng chính phủ không thể chứng minh một cách thuyết phục rằng người chuyển tính không đáp ứng được các tiêu chuẩn của quân đội. Bà cũng nhấn mạnh rằng chính phủ đã thừa nhận các nguyên đơn là những quân nhân xuất sắc.
Bà cho biết: “Những quân nhân này chính là minh chứng sống cho việc người chuyển tính vẫn có bản lĩnh của chiến binh, thể chất và tinh thần vững vàng, cùng sự trung thành, chính trực và tinh thần kỷ luật cao. Nếu họ là những quân nhân ưu tú, tại sao lại đuổi họ đi? Phía bị đơn không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này.”
Trước đây, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, ông ta cũng đã ban hành một sắc lệnh tương tự. Khi đó, những quân nhân chuyển tính đã nhập ngũ vẫn được phép tiếp tục phục vụ, nhưng không nhận thêm người chuyển tính mới vào quân đội.
Các nguyên đơn trong vụ kiện lần này cho rằng sắc lệnh của Trump là bất hợp pháp, dựa trên một phán quyết năm 2020 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Trong phán quyết đó, tòa án đã khẳng định rằng phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động đối với người chuyển tính là một dạng phân biệt giới tính, vốn bị cấm theo luật liên bang.
Các luật sư bên chính phủ Trump cãi rằng quân đội có quyền cấm những cá nhân mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định không phù hợp với nghĩa vụ quân sự. Theo họ, điều này cũng áp dụng với người chuyển tính, tương tự như những người mắc bệnh tâm thần lưỡng cực (bipolar disorder) hoặc ăn uống hỗn loạn (eating disorders).
Tại phiên tòa ngày 12 tháng 3, các luật sư của chính phủ đã kêu gọi thẩm phán Reyes tôn trọng quyết định của chính quyền đương nhiệm rằng người chuyển tính không đáp ứng đủ tiêu chuẩn phục vụ trong quân đội. Tuy nhiên, thẩm phán Reyes liên tục yêu cầu họ cung cấp bằng chứng cụ thể để chứng minh quan điểm của mình. Bà cũng rất bất bình trước những lập luận có tính chất miệt thị và xúc phạm người chuyển tính trong sắc lệnh của Trump.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, quân đội Hoa Kỳ hiện có khoảng 1.3 triệu quân nhân đang tại ngũ. Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ quyền của người chuyển tính ước tính có khoảng 15,000 quân nhân chuyển tính đang phục vụ trong quân đội. Tuy nhiên, các viên chức quân đội lại cho rằng con số này chỉ vào khoảng vài ngàn người.