Hôm nay,  

Hoa Kỳ Bước Vào Giai Đoạn Mới Của Kỷ Nguyên Độc Tài Trump

18/03/202514:41:00(Xem: 1316)
hinh tin 4
Chính quyền Trump đã bất chấp phán quyết của tòa án liên bang để trục xuất di dân và tuyên bố vô hiệu hóa lệnh ân xá của Biden. Nếu không bị ngăn chặn, nhiệm kỳ này của Trump có thể là chương mở đầu của một chế độ độc tài nước Mỹ. (Nguồn: pixabay.com)

  

Cuối tuần qua, chính quyền Trump đã tiếp tục đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng Hiến pháp chưa từng có khi công khai phớt lờ hai lệnh cấm trục xuất từ tòa án liên bang.

 

Trong sự việc đầu tiên, bác sĩ Rasha Alawieh, một chuyên gia ghép thận tại Đại học Brown, đã bị cưỡng ép rời khỏi Hoa Kỳ dù hôm thứ Sáu (14/3), thẩm phán đã ra lệnh dừng ngay lập tức việc trục xuất. Sau đó, chính quyền tiếp tục trục xuất khoảng 250 người Venezuela đến El Salvador, dù một thẩm phán liên bang đã ra lệnh dừng ngay lập tức các chuyến bay. Bộ Tư Pháp viện cớ rằng họ không thể ngăn chặn vụ trục xuất Alawieh vì lệnh tòa đến quá muộn.

 

Tòa Bạch Ốc thậm chí còn cho rằng thẩm phán không có quyền can thiệp đối với những di dân Venezuela và Trump có toàn quyền trục xuất bất kỳ ai không phải công dân Mỹ mà không cần phải chịu sự giám sát của tư pháp.

 

Mỗi một tuyên bố trước đó của Trump đã đủ gây tranh cãi, nhưng ông còn đẩy sự việc lên một tầm cao mới: sáng thứ Hai (17/3), ông tuyên bố hủy bỏ lệnh ân xá mà Tổng thống Joe Biden đã ký cho các thành viên Ủy ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6/1.

 

Trong bài đăng trên Truth Social, Trump thẳng thừng cho rằng các lệnh ân xá này “VÔ HIỆU, KHÔNG CÒN GIÁ TRỊ VÀ KHÔNG CÓ TÁC DỤNG,” với lý do Biden đã “ký bằng Autopen.” (Autopen: chữ ký máy, không phải viết tay).

 

Nhìn chung, những hành động và tuyên bố này đều cho thấy Trump đang từng bước biến nhiệm kỳ tổng thống của mình thành một chế độ chuyên quyền (autocracy) – hoặc có lẽ chính xác hơn, một nền quân chủ. Bộ Tư Pháp của ông ta đã đẩy lý thuyết mơ hồ về “quyền lực theo Điều II của Hiến pháp” lên một mức độ chưa từng có, cho rằng Trump có toàn quyền trục xuất bất kỳ di dân nào mà không cần tuân thủ quy trình pháp lý, cũng như bất chấp mọi lệnh tòa án cản đường ông.

 

Đặc biệt, Trump không coi quan điểm này là một nguyên tắc chung áp dụng cho mọi tổng thống, mà chỉ dành riêng cho chính ông ta. Đây không phải là một hệ thống nguyên tắc khách quan, mà là một công cụ phục vụ cho những tham vọng và lợi ích cá nhân của Trump, ẩn mình dưới cái vỏ của những lập luận pháp lý do phe bảo thủ tô vẽ ra nhằm hợp thức hóa quyền lực của ông ta.

 

Cho đến hiện tại, có thể thấy rõ chiến lược của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ thứ hai là lợi dụng sự hỗn loạn để lách luật, biến tình trạng mơ hồ thành vỏ bọc cho những hành vi coi thường pháp luật của họ. Vụ trục xuất bác sĩ Rasha Alawieh chính là một minh chứng rõ ràng cho điều đó.

 

Alawieh có đầy đủ giấy tờ hợp pháp để làm việc tại Brown Medicine, nhưng vào thứ Năm (13/3), bà vẫn bị các nhân viên di trú bắt giữ và đưa vào danh sách trục xuất. Cái đáng nói là chính phủ vẫn chưa công bố lý do cho quyết định này.

 

Sau khi luật sư của Rasha Alawieh đề nghị tòa án can thiệp, Thẩm phán Leo Theodore Sorokin đã ngay lập tức ban hành lệnh cấm trục xuất vào thứ Sáu (14/3). (Phần lớn các tài liệu liên quan đến sự việc vẫn chưa được công bố rộng rãi.) Thế nhưng, bất chấp phán quyết của tòa, các nhân viên di trú vẫn buộc Alawieh phải rời khỏi Hoa Kỳ.

 

Luật sư của Alawieh cáo buộc chính quyền “cố tình” bất tuân phán quyết của tòa án, và Thẩm phán Sorokin yêu cầu chính phủ giải thích. Đáp lại, Bộ Tư Pháp viện cớ là họ không kịp báo cho nhân viên hải quan tại sân bay Boston, nên thành ra Alawieh vẫn bị đưa lên chuyến bay đến Lebanon. Theo lập luận của họ, chính quyền không hề phớt lờ lệnh của thẩm phán Sorokin, mà chỉ là do các nhân viên của họ làm việc “nhanh tay lẹ chân” quá nên tòa án không trở tay kịp mà thôi.

 

Còn trong vụ trục xuất khoảng 250 di dân Venezuela đến một nhà tù ở El Salvador, chính quyền Trump không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Trump lôi Đạo Luật Kẻ Thù Là Người Nước Ngoài (Alien Enemies Act) năm 1798 để biện minh cho hành động này, cáo buộc (dù không có bằng chứng cụ thể) rằng họ có liên quan đến các băng nhóm tội phạm.

 

Ngay sau đó, Tổ chức ACLU đệ đơn kiện vào thứ Bảy. Đến 6:52 chiều cùng ngày, Thẩm phán James Boasberg ra lệnh ngừng ngay lập tức việc trục xuất, nhấn mạnh rằng “tất cả các chuyến bay chở những di dân này, dù chưa cất cánh hay đang bay, đều phải quay trở lại Hoa Kỳ… ngay lập tức, không được chậm trễ.

 

Nhưng chính quyền Trump không tuân thủ. Theo ACLU, những chuyến bay chở di dân không quay đầu mà vẫn tiếp tục hành trình đến El Salvador. Tờ Axios loan tin rằng các viên chức trong chính quyền đã bàn bạc xem có nên cho phi cơ quay lại không. Tuy nhiên, cuối cùng họ quyết định là “không,” dựa trên “tư vấn từ cố vấn pháp lý” rằng “lệnh của thẩm phán không còn hiệu lực” vì “phi cơ đã ra khỏi không phận Hoa Kỳ.” (Cách diễn giải này hoàn toàn bóp méo nội dung phán quyết của Boasberg.) Sau sự việc, Tổng thống El Salvador mỉa mai trên Twitter: “Ây da… Không kịp rồi,” và dòng tweet này nhanh chóng được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio chia sẻ lại.

 

Trước làn sóng chỉ trích, Trưởng phòng Báo Chí Bạch Ốc Karoline Leavitt tuyên bố rằng chính quyền không “từ chối tuân thủ” lệnh của tòa án, mà do lệnh này “không có cơ sở pháp lý” vì vào thời điểm ban hành, di dân đã ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo ACLU, lệnh của thẩm phán rõ ràng áp dụng cả với những di dân đang trên đường đến El Salvador, chứ không chỉ những người còn ở trong nước. Vậy nên, Tòa Bạch Ốc đã tự ý quyết định rằng họ có quyền không tuân thủ bất kỳ phán quyết nào của tòa án mà họ cho là “không hợp pháp.

 

Nếu một lý do đơn giản như vậy có thể dùng để phủ nhận một phán quyết của tòa án, thì mọi phán quyết tư pháp đều chỉ mang tính khuyến nghị hoặc gợi ý. Khi đó, nguyên tắc tam quyền phân lập sẽ sụp đổ, và nước Mỹ sẽ không còn là một nền dân chủ mà trở thành một chế độ quân chủ do dân bầu. Nghe có vẻ cường điệu, nhưng đây chính là bản chất của lập luận mà Bộ Tư Pháp đã đưa ra.

 

Các luật sư của DOJ lập luận rằng Trump thậm chí chẳng cần tới Đạo Luật Kẻ Thù Là Người Nước Ngoài 1978 để thực hiện các vụ trục xuất. Thay vào đó, họ tuyên bố rằng tổng thống hiển nhiên có “quyền theo Điều II của Hiến pháp,” trong việc tự quyết định ai là “mối đe dọa đối với Hoa Kỳ” và nếu có, thì có thể “trục xuất ngay lập tức mà không cần bất kỳ thủ tục nào.

 

Lập luận này được xây dựng trên quan điểm rằng tổng thống có quyền “chống các cuộc xâm lược” và “điều hành chính sách đối ngoại” mà không cần tòa án giám sát. Do đó, họ tuyên bố rằng “tòa án liên bang không có quyền” phản đối hoặc cản trở quyết định của tổng thống khi đang chống lại “một cuộc xâm lược,” bao gồm cả việc tự ý quyết định trục xuất di dân (chỉ vì không ưa). Theo kết luận của DOJ, Thẩm phán Boasberg không có thẩm quyền xét xử vụ kiện liên quan đến 250 di dân Venezuela – tức là phán quyết của ông hoàn toàn không có giá trị.

 

Lý lẽ của Trump về quyền lực tổng thống sẽ khiến hai nhánh quyền lực còn lại của chính phủ trở thành hữu danh vô thực. Hàng chục năm nỗ lực lập pháp của Quốc Hội, nhằm quy định rõ ai có thể bị trục xuất và trong hoàn cảnh nào, sẽ chỉ là một loạt “gợi ý tham khảo” và tổng thống thích thì nghe, không thích thì bỏ ngoài tai.

 

Tương tự, mọi phán quyết của tòa án, bao gồm cả những điều khoản bảo vệ hiến pháp, sẽ không còn tính ràng buộc, cưỡng chế, mà chỉ đơn thuần là một sự khuyến nghị. Giáo sư luật Steve Vladeck cảnh báo rằng trong lịch sử Hoa Kỳ, TCPV chưa bao giờ ủng hộ quan điểm rằng tổng thống có quyền lực “tuyệt đối và không bị giám sát” trong các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là việc xác định, giam giữ và trục xuất di dân mà không cần tòa án xem xét.

 

Quan điểm gần giống nhất là từ ý kiến cá nhân của Thẩm phán Clarence Thomas vào năm 2015, nhưng ngay cả Thẩm phán Antonin Scalia, một nhân vật bảo thủ hàng đầu, cũng từng mỉa mai là cách diễn giải này “giống (chế độ quân chủ) thời George III hơn là (mô hình tổng thống) thời George Washington.

 

Sau một tuần đầy hỗn loạn và coi thường pháp luật, vừa mới rạng sáng thứ Hai (17/3), Trump lại khiến cả nước kinh hoàng: tuyên bố rằng lệnh ân xá mà Biden ban hành cho các thành viên Ủy ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6/1 là “vô hiệu,” với lý do đơn giản: chúng được ký bằng máy autopen. Tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với quan điểm chính thức của Văn phòng Cố vấn Pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, vốn vẫn công nhận chữ ký autopen là hợp lệ.

 

Thực tế, chưa từng có tòa án nào bác bỏ quan điểm này, nhưng điều đó không ngăn Trump vin vào một thuyết âm mưu do tổ chức bảo thủ Heritage Foundation cổ súy để phủ nhận lệnh ân xá của Biden.

 

Nhưng đây không chỉ đơn thuần là một chiêu trò chính trị. Những tuyên bố hợm hĩnh, ngông cuồng này phơi bày rõ ràng bản chất thực sự trong cách Trump nhìn nhận quyền lực tổng thống: tối thượng và chỉ dành riêng cho ông ta.

 

Đây là lý do tại sao các luật sư Bộ Tư Pháp dưới thời Trump có thể không ngần ngại mà đứng trước các thẩm phán liên bang và công chúng Hoa Kỳ để khẳng định rằng Trump có quyền lực hiến pháp vô hạn – trong khi nói về Biden thì lại cáo buộc ông lạm quyền và có hành động trái pháp luật. Điều này cho thấy quyền lực tổng thống không thuộc về chức danh này, mà là đặc quyền riêng của Donald J. Trump.

 

Giờ đây, chúng ta đã chính thức bước vào “cuộc khủng hoảng hiến pháp” (constitutional crisis). Cả thẩm phán Sorokin và Boasberg đều không phải những viên chức ký lệnh cho có, và họ yêu cầu chính quyền Trump phải thực hiện nghiêm túc các phán quyết của tòa án. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra.

 

Mọi lời biện hộ, lý lẽ lấp liếm đều là vô nghĩa. Tòa án không còn lý do gì để tiếp tục bị “dắt mũi” bởi những trò lắt léo và mánh khóe của đội ngũ pháp lý của Trump – cứ hỏi tới thì giả lả rằng việc chậm trễ tuân thủ chỉ là vô tình chứ họ chẳng hề muốn vậy. 

 

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump chỉ mới qua tám tuần, mà các thẩm phán liên bang đang đứng trước một quyết định lịch sử: hoặc mạnh tay trừng phạt những kẻ xem thường tòa án, hoặc chấp nhận trở thành bù nhìn. Chỉ còn lại hai lựa chọn này, không có cái thứ ba. Nếu bây giờ mà tòa án chùn bước và nhân nhượng, tuyến phòng thủ cuối cùng sẽ sụp đổ, nền dân chủ Hoa Kỳ sẽ chỉ còn lại một cái vỏ rỗng, và Trump sẽ tiếp tục thao túng Điều II của Hiến pháp để thâu tóm quyền lực tối thượng về mình.

Nguyên Hòa biên dịch

Nguồn: “We’ve Officially Entered the Next Phase of Trump’s Dictatorship Era” được đăng trên trang Slate.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá vào thứ Sáu và ngày Chủ Nhật, ngài sống lại trong vinh quang. Đây là những ngày rất đặc biệt của các tín hữu Thiên Chúa Giáo đang đón mừng Chúa Phục sinh trên toàn thế giới...
- Khi các đại học liên minh chống lại, Bạch Ốc lạnh cẳng, nói thư gửi đến Đại học Harvard ngày 11 tháng 4 là "trái phép". Nhưng Harvard nói thư có ký tên 3 quan chức Trump, có tiêu đề đầu trang - Đại học Harvard quyên góp tiền để tự vệ, sau khi Trump đóng băng 2,2 tỷ đô la tiền tài trợ và 60 triệu đô la tiền hợp đồng. Nhiều cựu sinh viên gửi tiền giúp trường cũ. - Liên minh các đại học để bảo vệ tự do học thuật, chống luật phi pháp của Trump, hiện có 18 đại học tham gia
- Tòa Tối Cao sẽ xét từ ngày 15/5 về đề xuất của Trump hạn chế Hiến pháp: quyền công dân theo nơi sinh soạn ra lúc đầu là riêng cho nô lệ da đen - Jonathan Chait của tờ The Atlantic: Trump đã dò ra kẽ hở Hiến pháp, có thể giam vĩnh viễn cả người nhập cư và công dân Mỹ nếu có lãnh tụ nước ngoài (như El Salvador) chịu nhận giam giùm
Lời khuyên “tránh tiếp xúc với ánh sáng màn hình điện tử trước khi ngủ” đã quá quen thuộc, nhưng liệu đó có phải là toàn bộ câu chuyện? Một nghiên cứu về giấc ngủ chỉ ra rằng, thủ phạm thực sự có thể không nằm ở thời lượng sử dụng thiết bị, mà là ở cách chúng ta sử dụng mạng xã hội hàng đêm và để cảm xúc dễ bị ảnh hưởng bởi các nội dung trên mạng. Tình trạng thiếu ngủ ngày càng phổ biến trong xã hội. Đây là một mối lo ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng lại ít được quan tâm đúng mức, nhất là ở giới trẻ và thanh thiếu niên.
Trong thời đại mà công nghệ đang từng bước thay thế vai trò của con người tại nơi làm việc, từ xe tự lái và robot đến trí tuệ nhân tạo (AI), có một lĩnh vực khoa học mới tập trung vào việc tối ưu hóa hiệu suất của con người: thần kinh học về lao động (neuroergonomics). Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đang tìm cách sử dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất làm việc của con người. Ngoài ra, lĩnh vực này còn mở ra những câu hỏi sâu sắc về đạo đức, quyền riêng tư và tương lai của người đi làm.
Ẩn sâu dưới làn nước xanh thẳm của Hố Xanh Lớn (Great Blue Hole) nổi tiếng ở Belize, các khoa học gia vừa tìm thấy những bằng chứng chỉ ra một khuynh hướng khí hậu đáng lo ngại: các cơn bão nhiệt đới tại vùng Caribbean đang ngày một nhiều hơn, thường xuyên hơn và dự kiến sẽ còn gia tăng mạnh mẽ trong những thập niên tới. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khoan và thu thập một lõi trầm tích từ đáy Hố Xanh Lớn – một hố sụt nằm cách bờ biển Belize khoảng 80 km (50 dặm). Sau khi phân tích lõi trầm tích này, họ nhận ra rằng tần suất các trận bão trong khu vực đã gia tăng đều đặn trong suốt 5,700 năm qua. Kết quả này được công bố trong một nghiên cứu đăng ngày 14 tháng 3 trên tạp chí Geology.
Trong hơn một thế kỷ, cấu trúc cơ bản của một ngày và một tuần học của các trường trung học Mỹ vẫn được tổ chức theo dạng 6 hoặc 7 tiết một ngày; mỗi tiết kéo dài 40-60 phút, năm ngày một tuần. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều nhà giáo dục đang xem xét việc tái cấu trúc ngày học, với mục đích làm cho trường học trở nên hấp dẫn hơn, bổ ích hơn. Nhu cầu xem xét lại cấu trúc cơ bản của ngày học đang nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng.
Khi giảng dạy môn phương pháp nghiên cứu (research methods) cho sinh viên đại học, H. Colleen Sinclair (giảng sư nghiên cứu tâm lý xã hội thuộc Louisiana State University) thường bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản: “Có ai trong lớp mang theo tờ 20 đô la không?” Dù ngày nay hiếm ai còn mang tiền mặt trong người, nhưng vẫn có sinh viên rút ra một tờ tiền.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Linköping, Thụy điển, đã phát triển một loại pin có độ đặc tương tự như kem đánh răng – và có thể uốn nắn ra bất kỳ hình dạng nào. Nhờ tính linh hoạt, pin có thể được tích hợp theo những cách hoàn toàn mới vào công nghệ tương lai.
Phân tích nơi đây sẽ là lời của Hải Âu Thiền Sư, ghi nơi cuối trang 224 và đầu trang 225, chụp lại từ bản PDF của sách Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V. Cũng cần ghi chú, rằng ngài Hải Lượng Thiền Sư là Ngô Thì Nhậm, xuất gia sau khi rời quan trường và được tôn làm Tổ Thứ 4 của Trúc Lâm Thiền Phái, vì ngài là người hồi phục dòng Thiền Trúc Lâm. Trong khi đó, Hải Âu Thiền Sư là một vị sư chú giải trong các buổi thuyết pháp.
- Philip Allen Lacovara (cựu phó tổng cố vấn pháp lý Hoa Kỳ): các hãng luật lớn đầu hàng Trump, ký hợp đồng với Trump đã phạm sai lầm lớn, trong khi Trump chà đạp Hiến pháp và tòa án - Trump yêu cầu chủ tịch Fed giảm lãi suất ngay lập tức. Trump kêu gọi sa thải Powell - Tháng 3: Nhà bán chậm kỷ lục 6 năm. Nhà xây giảm hơn 14%.
Ngày càng có nhiều nhà giáo dục đang xem xét việc tái cấu trúc ngày học, với mục đích làm cho trường học trở nên hấp dẫn hơn, bổ ích hơn. Nhu cầu xem xét lại cấu trúc cơ bản của ngày học đang nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng.
Vào thứ Bảy ngày 19 tháng 4 năm 2025, các dân cử, lãnh đạo cộng đồng và cư dân tại Little Saigon, Quận Cam sẽ cùng nhau tham gia buổi lễ tưởng niệm 50 Năm Tháng Tư Đen. Buổi lễ sẽ do Hội Dân Chủ Việt Mỹ (Vietnamese American Democratic Club – VADC) tổ chức.
(WASHINGTON, ngày 16 tháng 4, Reuters) – Hội đồng cố vấn bên ngoài của Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Bệnh (CDC) khuyến nghị những người từ 50 đến 59 tuổi nên chích ngừa một liều RSV nếu có nguy cơ cao bị bệnh nặng do virus này gây ra.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.