
(NEW YORK, ngày 10 tháng 3, Reuters) – Tòa án đã ra phán quyết tạm dừng lệnh trục xuất Mahmoud Khalil, sinh viên người Palestine tại Đại học Columbia. Vụ trục xuất này là một phần trong chiến dịch trấn áp của chính quyền Trump đối với những người biểu tình chống Israel. Phiên tòa xét xử được lên lịch vào thứ Tư (12/3).
Trump đã công khai chỉ trích Khalil trên mạng xã hội, gọi cậu là một “sinh viên hải ngoại cực đoan ủng hộ Hamas,” đồng thời tuyên bố sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ khác. Hiện tại, Khalil đã bị đưa đến một nhà tù liên bang dành cho di dân nhập cư ở Louisiana để chờ tiến trình trục xuất.
Việc Khalil bị bắt giữ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Những người biểu tình trên đường phố New York, Bộ trưởng Tư pháp bang New York và Tổ chức dân quyền American Civil Liberties Union (ACLU) đều lên tiếng tố cáo hành động của Bộ Nội An (DHS), cho rằng đây là xâm phạm quyền tự do ngôn luận.
Tình hình căng thẳng đã dẫn đến các cuộc đụng độ ngắn giữa cảnh sát và hàng trăm người biểu tình tại khu vực Lower Manhattan. Theo nhân chứng của Reuters, ít nhất một người đã bị bắt giữ trong cuộc xô xát này.
Khalil không phải là một nhân vật xa lạ trong phong trào sinh viên ủng hộ Palestine. Cậu là một trong những gương mặt nổi bật của phong trào biểu tình tại Đại học Columbia, phong trào này đã làm dấy lên làn sóng phản đối tại nhiều trường đại học trên khắp Hoa Kỳ và thế giới vào năm ngoái.
Trump tiếp tục gia tăng áp lực bằng những tuyên bố gay gắt trên mạng xã hội, khẳng định rằng vụ bắt giữ Khalil mới chỉ là sự khởi đầu của hàng loạt hành động trấn áp tiếp theo.
Hôm thứ Hai (10/2), Thẩm phán Jesse Furman của Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ đã ra lệnh tạm hoãn việc trục xuất Mahmoud Khalil “cho đến khi tòa án có quyết định khác.” Các luật sư của Khalil đã đề nghị Thẩm phán Furman yêu cầu đưa Khalil trở lại New York. Họ cáo buộc chính phủ cố ý đưa Khalil đến một nhà tù liên bang ở Louisiana – nơi cách New York hơn 2,000 km – nhằm tách cậu ra xa các luật sư của mình.
Trong khi đó, Trump tuyên bố trên mạng xã hội rằng vụ bắt giữ Khalil chỉ là “vụ đầu tiên trong số nhiều vụ sắp tới.” Dù chính quyền chưa cáo buộc hay truy tố Khalil với bất kỳ tội danh nào, Trump vẫn tuyên bố rằng sự hiện diện của cậu ở Hoa Kỳ là “trái với lợi ích quốc gia và chính sách đối ngoại.”
Cùng ngày, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã gửi thư cảnh báo đến 60 trường đại học lớn, bao gồm Harvard, Columbia, Yale và bốn trường thuộc hệ thống Đại học California. Trong thư yêu cầu các trường này phải có biện pháp giải quyết những cáo buộc về chủ nghĩa bài Do Thái trong trường mình. Nếu không, họ có thể bị cắt giảm hàng trăm triệu MK tiền tài trợ liên bang.
Ngay cả trước khi Khalil bị bắt, một số sinh viên cho biết họ đã nhìn thấy các đặc vụ liên bang xuất hiện xung quanh khu ký túc xá Columbia từ thứ Năm tuần trước (tức một ngày trước khi chính quyền Trump tuyên bố hủy bỏ 400 triệu MK tiền tài trợ và hợp đồng liên bang dành cho trường, với lý do nhà trường đã để xảy ra các vụ quấy rối bài Do Thái trong và xung quanh khuôn viên trường).
Theo Student Workers of Columbia, các đặc vụ liên bang không chỉ nhắm vào Khalil mà còn đang tìm cách bắt giữ ít nhất một sinh viên quốc tế khác. DHS và ICE từ chối bình luận về thông tin này.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng hồ sơ thị thực là thông tin mật nên không thể công khai chi tiết sự việc.
Không khí sợ hãi bao trùm
Theo luật sư Amy Greer của Khalil, cậu bị bắt vào tối thứ Bảy, ngay trước mặt vợ mình, một công dân Hoa Kỳ đang mang thai tám tháng. Các đặc vụ DHS tuyên bố rằng thị thực sinh viên của Khalil đã bị thu hồi.
Vợ Khalil lập tức trình ra thẻ xanh của chồng, cho thấy cậu đã là thường trú nhân hợp pháp và không còn cần đến thị thực sinh viên nữa. Tuy nhiên, các đặc vụ không những không thèm xem xét mà còn đe dọa sẽ bắt giữ luôn vợ Khalil nếu cô không rời khỏi khu vực sảnh tòa nhà.
Sau đó, họ tuyên bố rằng thẻ xanh của Khalil cũng đã bị thu hồi, rồi ngay lập tức còng tay và áp giải cậu đi. Trước đó vài giờ, Khalil đã bày tỏ lo ngại với Reuters rằng cậu có cảm giác chính quyền đang nhắm vào mình.
Khalil và các nhà hoạt động khẳng định rằng họ không bài trừ Do Thái mà chỉ đang chỉ trích chính sách của Israel và sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với Israel. Họ nhấn mạnh rằng trong phong trào biểu tình tại Columbia có cả sinh viên Do Thái tham gia.
Vào thứ Hai (10/3), các giảng viên người Do Thái tại Columbia đã tổ chức một cuộc biểu tình và họp báo bên ngoài một tòa nhà của trường để thể hiện sự ủng hộ với Khalil. Họ giương cao biểu ngữ với dòng chữ “Người Do Thái nói không với trục xuất.”
Marianne Hirsch, giáo sư chuyên ngành Văn học so sánh và văn học Anh tại Đại học Columbia, chia sẻ: “Không khí lạnh lẽo bao trùm. Đó là cảm giác sợ hãi và tuyệt vọng.” Hirsch lớn lên tại Romania, song thân của bà là những người sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust.
Dù chính quyền Trump lấy mối lo ngại về chủ nghĩa bài Do Thái làm cái cớ cho những hành động của mình, bản thân Tổng thống và các đồng minh của ông lại nhiều lần bị cáo buộc dung túng cho chủ nghĩa này.
Sau cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng (white nationalist) tại Charlottesville, Virginia vào năm 2017, (khi đó, một số người tuần hành với đuốc và hô vang rằng “Người Do Thái sẽ không thay thế chúng ta”) Trump từng tuyên bố rằng “cả hai phía, phía nào cũng có người tốt kẻ xấu.”
Năm 2022, Trump tiếp tục gây tranh cãi khi dùng bữa với Nick Fuentes, một nhân vật theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng.