
(BOSTON, ngày 5 tháng 3, Reuters) – Tòa án liên bang tại Boston đã ra phán quyết ngăn chặn chính quyền Trump thực hiện kế hoạch cắt giảm ngân sách tài trợ cho nghiên cứu khoa học.
Nhiều trường đại học và chính quyền các bang do Đảng Dân Chủ lãnh đạo cảnh báo rằng nếu kế hoạch này được khai triển, hàng loạt nhân viên nghiên cứu sẽ bị sa thải, các phòng thí nghiệm sẽ buộc phải đóng cửa, và các nghiên cứu khoa học – đặc biệt là trong lĩnh vực y tế – sẽ bị gián đoạn, dở dang.
Thẩm phán Angel Kelley của Tòa Án Liên Bang tại Boston đã ban hành lệnh cấm trên phạm vi toàn quốc theo yêu cầu của bên nguyên đơn, bao gồm 22 Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang (thuộc Đảng Dân chủ), cùng với các hiệp hội y khoa và các trường đại học.
Thẩm phán Kelley (được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm) cho rằng chính sách này ảnh hưởng đến hàng ngàn khoản tài trợ hiện có với tổng trị giá hàng tỷ MK trên toàn quốc. Bà chỉ trích rằng chính quyền Trump đã “áp đặt thay đổi này một cách bất chợt, trong một sớm một chiều, mà không hề cân nhắc đến hậu quả đối với các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra.”
Kelley nhấn mạnh: “Hậu quả trước hết là: các thử nghiệm lâm sàng quan trọng phải ngừng lại, cản trở sự phát triển của các nghiên cứu và phương pháp điều trị y khoa tiên tiến, cũng như đóng cửa các cơ sở nghiên cứu mà không quan tâm đến việc chăm sóc bệnh nhân hiện tại.”
Với những lo ngại trên, ngày 10 tháng 2, bà đã tạm thời ngăn NIH thực hiện các khoản cắt giảm để có thời gian xem xét các lập luận trong vụ kiện. Sau đó, bà tiếp tục gia hạn lệnh này trong khi cân nhắc liệu có nên ban hành lệnh cấm vĩnh viễn hay không.
Bộ trưởng Tư Pháp Massachusetts Andrea Joy Campbell (Đảng Dân Chủ) là người dẫn đầu khởi xướng vụ kiện, hoan nghênh phán quyết và gọi đây là “một thắng lợi quan trọng đối với cộng đồng nghiên cứu trên toàn quốc.”
Chính quyền Trump tuyên bố sẽ kháng cáo, khẳng định rằng quyết định của họ hoàn toàn hợp pháp và nằm trong phạm vi thẩm quyền. Trong khi đó, Bộ Y Tế và Nhân Sinh Hoa Kỳ (DHHS), cơ quan giám sát NIH, từ chối bình luận.
Các khoản cắt giảm này là một phần trong kế hoạch giảm chi tiêu ngân sách, thu nhỏ quy mô lực lượng lao động liên bang và tái cơ cấu nhiều cơ quan chính phủ kể từ khi Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
Tranh cãi bùng nổ sau khi Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NIH) tuyên bố sẽ giảm mạnh mức hỗ trợ chi phí gián tiếp (indirect costs) cho các viện nghiên cứu, bao gồm kinh phí duy trì phòng thí nghiệm, lương giảng viên, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng.
Ngay lập tức, các bang do Đảng Dân Chủ lãnh đạo, Association of American Medical Colleges, Association of American Universities, cùng với nhiều tổ chức học thuật và y tế khác, đã khởi kiện. Họ lập luận rằng việc cắt giảm này là bất hợp pháp và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống nghiên cứu khoa học.
Khi công bố thay đổi chính sách, NIH nhấn mạnh rằng các trường đại học danh tiếng như Harvard, Yale và Johns Hopkins đã tính phí hơn 60% cho các chi phí gián tiếp, mặc dù họ sở hữu quỹ hiến tặng hàng tỷ MK.
Tuy nhiên, nhiều trường đại học khác không có nguồn quỹ lớn như vậy, và bên nguyên đơn cho rằng chính sách mới của NIH sẽ khiến hàng loạt nhân viên nghiên cứu bị mất việc, nhiều phòng thí nghiệm bị đóng cửa, và các thử nghiệm lâm sàng quan trọng bị dang dở.
Chính quyền Trump quyết định giảm mức hoàn trả chi phí gián tiếp xuống còn 15%, thay vì mức trung bình 27% - 28% như trước đây. Theo NIH đăng trên mạng xã hội X, chính sách này có thể giúp chính phủ tiết kiệm khoảng 4 tỷ MK mỗi năm.
Trong phiên tòa ngày 21 tháng 2, một luật sư của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã phản bác tuyên bố này, cho rằng bài đăng của NIH đã “hiểu sai bản chất của chính sách.” Ông giải thích rằng số tiền này thực tế không phải là một khoản tiết kiệm, mà sẽ được tái phân bổ để tài trợ cho các nghiên cứu mới.
NIH cho biết trong năm tài chánh 2023 họ đã chi hơn 35 tỷ MK cho các dự án nghiên cứu tại hơn 2,500 tổ chức. Khoảng 9 tỷ MK trong số đó được sử dụng để chi trả cho chi phí gián tiếp và chi phí chung của các tổ chức.
Trong phán quyết hôm thứ Tư, Thẩm phán Kelley kết luận rằng NIH đã vi phạm luật khi thực hiện kế hoạch cắt giảm này. Bà dẫn ra một điều khoản trong đạo luật tài trợ được Quốc hội thông qua năm 2018, quy định rằng NIH không được thực hiện các cắt giảm đồng loạt đối với mức hoàn trả chi phí gián tiếp.
Kelley cũng nhắc lại rằng chính quyền Trump hồi năm 2017 từng đề nghị hạ mức hoàn trả xuống còn 10%, nhưng không được chuẩn thuận. Theo bà, mức 15% hiện tại không chỉ vi phạm luật pháp mà còn thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với các quy định quản trị tài chánh.