
(WASHINGTON, ngày 5 tháng 3, Reuters) – Hơn 700 nhà ngoại giao thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) đã cùng ký vào một bức thư gửi Ngoại trưởng Marco Rubio để phản đối quyết định giải thể USAID. Theo họ, hành động này không chỉ làm suy yếu vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đồng thời tạo ra những khoảng trống quyền lực, mở đường cho TQ và Nga gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Bức thư dự kiến sẽ được chuyển qua kênh “bất đồng chính kiến” nội bộ của Bộ Ngoại Giao – cho phép các nhà ngoại giao (ẩn danh) bày tỏ quan ngại về chính sách, không lo bị trả đũa. Nội dung thư nhấn mạnh rằng quyết định đóng băng gần như toàn bộ viện trợ nước ngoài của chính quyền Trump vào ngày 20 tháng 1 không chỉ gây hại cho các nhà ngoại giao và lực lượng Hoa Kỳ ở nước ngoài, mà còn đe dọa tính mạng của hàng triệu người trên thế giới đang phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ Hoa Kỳ.
Theo một viên chức ẩn danh, hơn 700 người đã ký vào bức thư này. Trích bản sao của thư: “Việc đóng băng và chấm dứt các chương trình viện trợ nước ngoài mà không có bất kỳ cuộc kiểm thảo thấu đáo nào đang gây nguy hại đến quan hệ đối tác với các đồng minh quan trọng của chúng ta, làm xói mòn lòng tin của quốc tế đối với Hoa Kỳ, và tạo cơ hội cho các đối thủ mở rộng ảnh hưởng của họ.”
Tổng thống của Đảng Cộng Hòa, ôm giấc mộng “Nước Mỹ Trên Hết” (America First), đã ra lệnh tạm dừng toàn bộ viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày. Quyết định này ngay lập tức khiến USAID – cơ quan phụ trách các chương trình viện trợ quốc tế của Hoa Kỳ – phải ngừng hoạt động trên toàn cầu, đẩy các nỗ lực cứu trợ nhân đạo trên thế giới vào tình trạng hỗn loạn.
Việc đóng băng viện trợ nhân đạo đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng và không thể khắc phục, khiến hàng triệu người trên thế giới rơi vào cảnh khốn cùng. Dù chính quyền có nói là sẽ miễn trừ cho một số chương trình viện trợ nhân đạo, nhưng trên thực tế, nguồn ngân sách vẫn bị chặn đứng, khiến tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trump đã giao cho Elon Musk nhiệm vụ giải thể USAID, một phần trong chiến dịch cải tổ bộ máy chính phủ liên bang. Cả Trump và Musk đều cho rằng viện trợ nước ngoài là một hình thức lãng phí và dễ bị lạm dụng ngân sách.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao khẳng định USAID không phải là một tổ chức từ thiện đơn thuần, mà là một công cụ quan trọng để bảo vệ lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ trên thế giới. Thư viết rằng: “Viện trợ nước ngoài không phải là đi khắp nơi làm từ thiện khơi khơi. Trái lại, đó là một công cụ chiến lược giúp ổn định nhiều khu vực, ngăn chặn xung đột và thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ.”
Khi được hỏi về bức thư này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao chỉ trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi không bình luận về những chuyện nghe phong thanh.”
Trong năm tài chánh 2023, Hoa Kỳ đã chi 72 tỷ MK cho các chương trình viện trợ trên toàn thế giới, trải rộng trên nhiều lĩnh vực thiết yếu như chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại các khu vực có xung đột, cung cấp nước sạch, điều trị HIV/AIDS, bảo đảm an ninh năng lượng và chống tham nhũng.
Nhưng sau khi khảo xét 6,200 chương trình viện trợ dài hạn, chính quyền Trump đã quyết định cắt giảm gần 5,800 chương trình với tổng trị giá lên đến 54 tỷ MK (tương đương 92% ngân sách viện trợ). USAID phải sa thải hoặc cho tạm nghỉ hàng ngàn nhân viên.
Ngoài ra, chính phủ còn trì hoãn việc thanh toán các khoản nợ cho các đối tác thực hiện dự án viện trợ. Thư viết: “Hậu quả là uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và tạo áp lực lớn lên nền kinh tế trong nước, nhất là khi thế giới đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt.”
Trước tình hình này, nhiều tổ chức và công ty từng ký hợp đồng với USAID đã đệ đơn kiện chính quyền Trump, cáo buộc rằng quyết định giải thể cơ quan này không chỉ bất hợp pháp mà còn gây thiệt hại nặng nề. Theo các nguyên đơn, nguồn vốn đã bị cắt bỏ hoàn toàn, ngay cả đối với những dự án đã hoàn tất, khiến cho hàng trăm triệu MK bị phong tỏa mà không có lý do chính đáng.
Vào thứ Tư, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã ra phán quyết bác bỏ đề nghị của chính quyền về việc tạm giữ các khoản thanh toán, khẳng định rằng chính phủ phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chánh đối với những hợp đồng đã ký. Trước đó, tòa sơ thẩm liên bang cũng đã yêu cầu chính quyền Trump phải nhanh chóng giải quyết các khoản tiền nợ cho các đối tác khai triển chương trình viện trợ.