
(WASHINGTON, ngày 5 tháng 3, AP) – Dù tuyệt chủng vẫn là một dấu chấm hết vĩnh viễn, các khoa học gia tại công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences đang thử nghiệm một hướng đi gần nhất với việc “hồi sinh” các loài động vật cổ đại: chỉnh sửa gene của động vật sống để chúng có những đặc điểm giống với các loài đã tuyệt chủng, chẳng hạn như voi ma mút lông xoăn (woolly mammoth).
Voi ma mút lông xoăn từng lang thang trên những vùng lãnh nguyên băng giá của Âu Châu, Á Châu và Bắc Mỹ trước khi tuyệt chủng cách đây khoảng 4,000 năm.
Năm 2021, công ty Colossal từng khiến dư luận chú ý khi công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm hồi sinh voi ma mút lông xoăn, sau đó là loài chim dodo. Theo giám đốc điều hành Ben Lamm, kể từ đó, công ty đã tập trung nghiên cứu DNA cổ đại để xác định những đặc điểm sinh học quan trọng của các loài đã tuyệt chủng, với mục tiêu “đem các đặc tính này lên động vật còn sống thông qua công nghệ chỉnh sửa gene.”
Nhưng cộng đồng khoa học bên ngoài vẫn còn nhiều tranh cãi về tính khả thi và hiệu quả của chiến lược này đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Christopher Preston, chuyên gia về động vật hoang dã và môi trường tại Đại học Montana, không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết: “Bạn không thực sự hồi sinh bất cứ thứ gì cả – bạn không thể mang quá khứ quay trở lại.”
Mặc dù kết quả nghiên cứu đã được công bố trực tuyến, nhưng vẫn chưa chính thức xuất hiện trên bất kỳ tạp chí khoa học nào, và cũng chưa trải qua quá trình kiểm chứng từ các chuyên gia khác trong ngành.
“Về mặt công nghệ, đây là một bước tiến khá ấn tượng,” Vincent Lynch, nhà sinh vật học tại Đại học Buffalo, nhận xét. Ông cho biết thêm, việc chỉnh sửa gene ở chuột đã được thực hiện từ những năm 1970, nhưng những công nghệ mới như CRISPR “giúp quá trình này hiệu quả và dễ dàng hơn nhiều.”
Đội ngũ các nhà khoa học của Colossal đã tỉ mỉ rà soát các cơ sở dữ liệu gene của chuột, nhằm xác định những gene có liên quan đến cấu tạo lông và quá trình chuyển hóa chất béo. Beth Shapiro, trưởng khoa học gia của Colossal, giải thích rằng mỗi biến thể di truyền này “đã tồn tại ở một số loài chuột hiện nay, nhưng chúng tôi đã kết hợp tất cả những biến thể đó lại trong một con chuột duy nhất.”
Hai đặc điểm về lông và khả năng chuyển hóa chất béo được lựa chọn vì có liên quan đến khả năng chịu lạnh – một yếu tố sống còn giúp voi ma mút lông xoăn có thể sống trong môi trường khắc nghiệt của thảo nguyên Bắc Cực thời tiền sử.
Colossal cho biết, việc thử nghiệm trên chuột trước tiên là để kiểm chứng tính khả thi của quy trình, trước khi có thể tiến tới chỉnh sửa phôi của voi Á Châu – loài họ hàng gần nhất còn sống của voi ma mút lông xoăn.
Tuy nhiên, vì voi Á Châu là một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, sẽ có “vô số quy trình và thủ tục phức tạp” cần phải vượt qua trước khi bất kỳ kế hoạch nào có thể được thực hiện trên thực tế. Được biết, Colossal đã huy động được hơn 400 triệu MK tài trợ cho dự án đầy tham vọng này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về ý tưởng “hồi sinh loài tuyệt chủng” (de-extinction). Preston từ Đại học Montana cho biết: “Bạn có thể thay đổi kiểu lông của một con voi Á Châu, hoặc giúp nó thích nghi với cái lạnh, nhưng như thế không có nghĩa là bạn đang mang một con voi ma mút lông xoăn trở lại. Đó chỉ là sự biến đổi trên một cá thể voi Á Châu mà thôi.”
Dẫu vậy, việc cải tiến kỹ thuật chỉnh sửa gene chính xác trên động vật có thể mang lại những ứng dụng tiềm năng khác trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã hoặc chăn nuôi, theo Bhanu Telugu, chuyên gia về công nghệ sinh học động vật tại Đại học Missouri.
Trong khi đó, Lamm cho hay phương pháp này có thể giúp chống lại bệnh tật ở con người. Hiện nay, Colossal đã tách ra hai công ty con chuyên về lĩnh vực y tế.
“Đây là một phần trong mô hình kinh doanh của chúng tôi,” Lamm nói.