
(NEW YORK, ngày 5 tháng 3, AP) – Chính quyền Trump vừa công bố danh sách hơn 440 tòa nhà liên bang có thể bị đóng cửa hoặc rao bán, bao gồm cả trụ sở chính của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ). Theo đánh giá của chính quyền Trump, các tòa nhà này bị xem là “không thuộc hoạt động cốt lõi của chính phủ.”
Danh sách do Sở Quản Trị Công Vụ (General Services Administration, GSA) công bố, bao gồm nhiều công trình khác nhau và trải rộng trên gần như tất cả các bang. Trong đó có nhiều loại bất động sản khác nhau, từ tòa án, tòa nhà văn phòng cho đến bãi đậu xe.
Tại Washington, D.C., một số tòa nhà liên bang quan trọng có tên trong danh sách này bao gồm tòa nhà J. Edgar Hoover (trụ sở hiện tại của FBI), tòa nhà Robert F. Kennedy (trụ sở Bộ Tư Pháp), tòa nhà Old Post Office (nơi từng được Trump sử dụng để kinh doanh khách sạn), và trụ sở của Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có trụ sở của nhiều cơ quan lớn như Bộ Lao động. Bộ Gia Cư và Thiết Kế Đô Thị (HUD).
Ngoài ra còn có Major General Emmett J. Bean Federal Center ở Indiana, Sam Nunn Atlanta Federal Center ở Atlanta, và Speaker Nancy Pelosi Federal Building ở San Francisco. Hiện nay, khoảng 80% trong số 2.4 triệu nhân viên liên bang đang làm việc bên ngoài khu Washington, D.C.
Thông cáo của GSA cho biết: “Chúng tôi đang rà soát những tòa nhà và cơ sở không thiết yếu trong các hoạt động của chính phủ để thanh lý. Bán bớt các bất động sản này rồi, ngân sách sẽ không còn bị lãng phí để chi trả cho những tòa nhà liên bang bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả,” đồng thời “dùng tiền đó để đầu tư vào các không gian làm việc chất lượng cao, phù hợp hơn với nhu cầu hoạt động của các cơ quan.”
Những quyết định này là một phần trong kế hoạch chưa từng có của chính quyền Trump và tỷ phú Elon Musk nhằm cắt giảm quy mô lực lượng lao động liên bang và tiết kiệm ngân sách. Họ cho rằng việc bán đi các bất động sản này có thể tiết kiệm hàng trăm triệu MK cho chính phủ.
Bên cạnh đó, chính quyền Trump cũng đang siết chặt quy định về làm việc tại văn phòng, yêu cầu nhân viên liên bang phải đến cơ quan hàng ngày chứ không làm việc từ xa.
Nhiều tòa nhà bị liệt kê trong danh sách thanh lý phần lớn thuộc các cơ quan mà Trump từng công khai chỉ trích, đặc biệt là FBI và DOJ. Ngoài ra, trụ sở FBI và HUD còn là những công trình tiêu biểu của kiến trúc brutalist – phong cách thiết kế phổ biến vào giữa thế kỷ 20 với các khối bê tông lớn, đường nét thô ráp và ít trang trí. Trump ghét kiểu thiết kế này đã lâu, luôn đòi thay thế bằng kiến trúc tân cổ điển (neo-classical) mang nét truyền thống với các cột trụ, mái vòm và chi tiết tinh xảo hơn.
Việc cắt giảm các tòa nhà văn phòng liên bang cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump. Tháng trước, GSA đã gửi thông báo đến các giám đốc khu vực, yêu cầu họ chấm dứt hợp đồng thuê toàn bộ 7,500 văn phòng liên bang trên khắp Hoa Kỳ.
Theo một nhân viên ẩn danh, trong buổi họp sau đó, các giám đốc khu vực của GSA được giao mục tiêu chấm dứt tới 300 hợp đồng thuê văn phòng mỗi ngày.
Bộ Cải tổ Chính phủ (DOGE) do Elon Musk đứng đầu cũng đã công bố danh sách hàng loạt hợp đồng thuê bất động sản bị hủy trên trang web chính thức của cơ quan. Điều này làm dấy lên lo ngại về tương lai của các dịch vụ công được cung cấp từ những văn phòng này.
Danh sách 443 tòa nhà bị rao bán không chỉ bao gồm các văn phòng hành chánh mà còn có nhiều công trình mang tính lịch sử và văn hóa quan trọng. Trong đó có một tòa nhà liên bang lớn và tòa án tại Los Angeles, một tòa nhà liên bang ở Oklahoma City (được xây để thay thế tòa nhà bị phá hủy trong vụ đánh bom năm 1995), trung tâm dữ liệu của Sở Thuế vụ (IRS) tại Tây Virginia, cùng với các trung tâm khác của IRS tại Ogden (Utah), Memphis (Tennessee), Atlanta (Georgia), Austin (Texas), Andover (Massachusetts) và Holtsville (New York).
Ngoài ra, Bảo tàng Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington, D.C., các tòa nhà liên bang mang tên các biểu tượng đấu tranh dân quyền Martin Luther King Jr. ở Atlanta và Rosa Parks ở Detroit cũng có mặt trong danh sách.
Đáng chú ý, bến xe buýt Montgomery, Alabama, một địa điểm quan trọng trong phong trào dân quyền, cũng nằm trong diện thanh lý. Đây chính là nơi diễn ra Phong trào Boycott Xe buýt Montgomery (1955-1956), khởi nguồn từ việc Rosa Parks từ chối nhường ghế cho một ông da trắng. Hiện nay, bến xe này đã trở thành Bảo tàng Freedom Rides.
Trong thông cáo của mình, GSA khẳng định rằng phần lớn các bất động sản bị liệt kê trong danh sách thanh lý đều là văn phòng làm việc của chính phủ.
Thông cáo có viết: “Trong nhiều thập niên, do thiếu hụt ngân sách bảo trì, các tòa nhà này trở nên lạc hậu và không còn phù hợp với lực lượng lao động liên bang. Chúng tôi sẽ xem xét từng cái, đâu ra đó, để đảm bảo rằng tiền thuế của người dân không còn bị lãng phí cho nhiều tòa nhà trống không. Việc thanh lý những bất động sản không cần thiết này cũng giúp giảm đáng kể chi phí bảo trì lâu dài, có thể giúp tiết kiệm hơn 430 triệu MK mỗi năm.”
443 tòa nhà hiện thuộc sở hữu và được quản trị bởi GSA, với tổng diện tích cho thuê lên tới gần 80 triệu foot vuông.