KINH TẾ SUY THOÁI
Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Atlanta cho biết ước tính về Tổng Sản Phẩm Nội Địa (gross domestic product - GDP) của Hoa Kỳ trong quý đầu tiên năm 2025 sẽ giảm -2.8 %, một dấu hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế.
Vào cuối tháng 2, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Atlanta dự đoán GDP chỉ giảm -1.5% trong quý 1, 2025. Tuy nhiên sau khi US Census Bureau và Institute for Supply Management công bố dự đoán về chi tiêu tiêu dùng cá nhân và đầu tư cố định tư nhân trong quý đầu tiên đã giảm từ 1.3 % và 3.5 % xuống còn 0.0 % và 0.1 %, Ngân Hàng Dự Trữ đã tiên đoán GDP giảm -2.8%, một con số đáng kể.
Kinh tế Hoa Kỳ sẽ còn suy thoái tệ hơn nữa sau khi chính quyền Trump hủy bỏ một số cơ quan, sa thải hàng loạt công chức liên bang, cắt giảm chi tiêu các chương trình an sinh xã hội. Tổng cộng là $2,000 tỉ.
Cách tính GDP dựa trên phương pháp chi tiêu bao gồm: chi tiêu của người tiêu dùng (Private consumption - C), chi tiêu của chính phủ (Government spending - G), đầu tư kinh doanh (Business investment - I) và xuất cảng (Exports - X) trừ nhập cảng (Imports - M):
GDP = C + G + I + (X - M).
GDP sẽ phải giảm xuống nữa vì chính quyền chi tiêu (G) giảm để bù vào ngân sách thiếu hụt do việc giảm thuế $4,500 tỉ. Chi tiêu của tư nhân (C) cũng sẽ giảm vì mất việc làm và lạm phát. Xuất cảng ròng (X - M) cũng sẽ giảm đáng kể vì thuế quan tăng. Chính quyền Trump chỉ còn một hi vọng là các đại gia và các đại công ty được giảm thuế đầu tư trở lại vào kinh tế, nhưng điều này đã không xẩy ra vào nhiệm kỳ (1) của Tổng Thống Trump. Tôi tin là Trump còn nhớ công thức căn bản này mà các sinh viên kinh tế phải thuộc nằm lòng ngay khi bước vào lớp kinh tế đầu tiên ở đại học.
Việc tăng thuế nhập cảng và sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng - chiếm 2/3 GDP - cũng là những nguyên nhân lớn làm suy giảm kinh tế lần đầu tiên kể từ năm 2020 khi xẩy ra đại dịch COVID 19. Chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm hơn 1,200 điểm sau thông báo tăng thuế nhập cảng của Trump. Thuế quan do các nhà nhập khẩu Mỹ chi trả, nhưng họ thường chuyển chi phí đó cho các nhà bán lẻ, và sau cùng người tiêu dùng lãnh đủ.
Chính quyền Trump tranh cử trên kế hoạch tăng trưởng mạnh và lạm phát thấp, tuy nhiên các chỉ số kinh tế cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, người tiêu dùng ngày càng phải đối phó với sự bất ổn và lạm phát tăng đột biến. Việc sa thải hiện đang rất hiếm xảy ra bên ngoài các nỗ lực cắt giảm của chính phủ liên bang, nhưng tỷ lệ tuyển dụng ở mức 3.4% là một trong những mức thấp nhất trong thập kỷ qua.
THUẾ QUAN VÀ TÌNH TRẠNG LẠM PHÁT
Lạm phát dường như đã bị đánh bại vào cuối nhiệm kỳ của Tổng Thống Biden nhưng giá cả lại bắt đầu tăng nhanh trở lại vào đầu nhiệm kỳ của Trump, đặc biệt là do giá trứng và chi phí nhiên liệu tăng.
Cuộc khảo sát mới nhất của Đại học Michigan, được công bố vào 21/2/2025, cho thấy tâm lý người tiêu dùng Hoa Kỳ đã giảm vào tháng 2 trong tháng thứ hai liên tiếp, giảm mạnh 10% so với tháng 1. Cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ đang mất niềm tin vào nền kinh tế, chủ yếu là do lo ngại về thuế quan của Trump có khả năng làm tăng lạm phát.
Một cuộc thăm dò của CNN trước đó một ngày cũng cho thấy sự bi quan đang gia tăng vì giá cả: Gần hai phần ba người trưởng thành trên toàn quốc tại Hoa Kỳ, 62%, cho biết họ cảm thấy Trump chưa làm đủ để giải quyết lạm phát.
Trump đã áp dụng mức thuế 10% trên toàn diện đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Thuế quan nhằm mục đích tăng doanh thu, đưa các nước khác vào bàn đàm phán, thu hẹp khoảng cách thương mại và khôi phục sản xuất của Hoa Kỳ.
Kể từ hôm nay 4/3/2025, chính quyền Trump bắt đầu áp dụng thuế quan đối với Canada và Mexico, chấm dứt chính sách thương mại tự do mà ông đã tiếp tục trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi ông ký Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada mà ông ủng hộ. Mexico, Trung Quốc và Canada chiếm 15.6%, 13.5%, và 12.6% tổng số trị giá hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ trong năm 2024.
Thuế quan 25% áp dụng cho toàn diện (và 10% đối với năng lượng của Canada) sẽ đe dọa làm tăng giá ô tô, gỗ xẻ, nhiên liệu, nông sản và nhiều mặt hàng khác. Và cả Canada và Mexico đều đe dọa sẽ trả đũa Mỹ bằng thuế quan của riêng họ, có khả năng gây tổn hại đến ngành công nghiệp của Hoa Kỳ.
Thuế thép và nhôm mở rộng sẽ có hiệu lực trong vài tuần nữa. Chính quyền Trump đã đưa ra mức thuế tương hỗ tương (reciprocal tariff) đối với ô tô, gỗ xẻ, dược phẩm, vi mạch và một số sản phẩm khác, tương đương với mức thuế mà các quốc gia khác áp dụng cho Hoa Kỳ. Chính sách mới đó vẫn đang được xem xét và có thể có hiệu lực sớm nhất là vào ngày 2 tháng 4, Trump đã hứa.
Theo CNN, vi mạch (microchip) hiện có trong hầu như mọi thứ, sẽ làm tăng giá nhiều thứ như điện thoại và máy tính – xe hơi, tủ lạnh, bộ điều nhiệt (thermostat) và nhiều mặt hàng gia dụng khác có thể trở nên đắt đỏ hơn. Giá gỗ liên quan đến thị trường nhà ở. Hoa Kỳ không có đủ nguồn cung nhà ở để đáp ứng nhu cầu, và việc tăng giá gỗ, một thành phần cấu trúc quan trọng để xây dựng nhà, có thể làm tăng chi phí xây dựng.
CHÍNH SÁCH DI DÂN VÀ KINH TẾ
Như đã đề cập đến nhiều lần trước đây, chính sách hạn chế nhập cư và trục xuất hàng loạt di dân bất hợp pháp của Trump cũng có thể tác động đến kinh tế.
Theo Bloomberg, Trump đã cam kết chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Cho đến nay, bộ máy di dân quá tải vẫn chưa đạt được tốc độ để đạt được kỷ lục khoảng 432,000 vụ trục xuất mà cựu Tổng thống Barack Obama đã đạt được vào năm 2013, chưa nói đến mục tiêu 1 triệu của Phó Tổng thống JD Vance. Chiến dịch này sẽ gây gián đoạn kinh tế. Những người không có giấy tờ chiếm 5% lực lượng lao động của Hoa Kỳ, và con số này tăng lên hơn một phần năm trong ngành xây dựng và gần một nửa trong ngành nông nghiệp, những ngành quan trọng mà tình trạng thiếu hụt lao động có thể nhanh chóng làm tăng chi phí.
Chính quyền Trump đưa ra một kế hoạch nhằm giảm giá cho người Mỹ, bao gồm việc kết hợp cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định về năng lượng và cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Nhưng xem ra không hiệu quả vì vấn đề thuế quan và chính sách di dân.
KẾT LUẬN
Dự đoán của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Atlanta, Hoa Kỳ trong quý (1) của năm 2025 sẽ giảm -2.8 %, không làm ai ngạc nhiên. Hầu hết các kinh tế gia đã thấy trước hậu quả này. Sắp tới đây lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng và Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình trạng vừa có lạm phát, vừa có thất nghiệp và vừa có suy thoái kinh tế (stagflation), một tình trạng bết bát mà không một kinh tế gia nào mong đợi.
Theo cuộc thăm dò dư luận của Pew Research Center được thực hiện vào cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, 2025, kinh tế nằm trong số những vấn đề lớn nhất mà đất nước phải đối phó. Đánh giá của công chúng về nền kinh tế vẫn chủ yếu là tiêu cực. Khoảng một phần tư người lớn ở Hoa Kỳ (24%) cho biết nền kinh tế đang trong tình trạng tuyệt vời hoặc tốt, trong khi nhiều người hơn cho biết nền kinh tế chỉ ở mức trung bình (45%) hoặc kém (31%).
Trong vài tháng tới, tình trạng kinh tế dự đoán sẽ không sáng sủa hơn mà chỉ có thể đen tối thêm, sau khi chính quyền Trump thi hành các chương trình giảm thuế, giảm chi tiêu, trục suất di dân bất hợp pháp và đặc biệt là thuế quan.
Tổng Thống Trump kêu gọi dân Mỹ chịu đựng nỗi đau ngắn hạn của kế hoạch thuế quan để được hưởng những lợi ích dài hạn. Nhưng dường như ông đã đánh mất hết niềm tin của công chúng vì tật ăn nói bốc đồng và hứa hẹn bừa bãi.
Để dễ so sánh, vào quý (4) của 2024, dưới thời Tổng Thống Biden, GDP tăng trưởng 2.3%, lạm phát 2.9%, tỉ lệ thất nghiệp là 4.1%. Tăng trưởng tiền lương vượt xa lạm phát. Chỉ số chứng khoán Dow Jones là 43K.
THAM KHẢO
(1) Anthony Zurcher, “Trump's tariffs risk economic turbulence - and voter backlash.” BBC, March 4, 2025.
(2) Andrew Stanton, "Trump Gets Economic Red Flag One Day Before Address to Congress." Newsweek, March 3, 2025.
(3) Federal Reserve Bank of Atlanta, "GDP Now." March 3, 2025.
(4) Bloomberg, “Can Trump Deliver on His Promises? These 12 Metrics Will Tell Us.” March 4, 2025.
(5) David Goldman, “If Trump wants to fix the inflation crisis, he has a funny way of showing it.” CNN, February 24, 2025.