Tổng thống Donald Trump từng công khai tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào các đối thủ chính trị của mình. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng ông có thể lợi dụng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ làm công cụ để giám sát hàng loạt, nhằm vào những người mà ông xem là mối đe dọa.
Giám sát hàng loạt là việc theo dõi người dân trên quy mô lớn. Chính phủ thường sẽ nhắm vào một số nhóm đối tượng, như các nhóm tôn giáo thiểu số, các chủng tộc hoặc sắc tộc nào đó, hoặc di dân… để thu thập thông tin; sau đó sử dụng dữ liệu này để “kiểm soát” họ, chẳng hạn như bắt giữ, trục xuất hoặc bỏ tù.
Brittany Friedman (giảng sư tại USC Dornsife College of Letters, Arts and Sciences, University of Southern California) và Raquel Delerme (đang hoàn thành luận án Tiến sĩ tại Department of Sociology, University of Southern Californa) là những chuyên gia về lĩnh vực kiểm soát xã hội. Họ nghiên cứu cách các chính phủ buộc công dân phải tuân thủ luật lệ, và đã dành nhiều năm nghiên cứu về giám sát.
Dựa trên kinh nghiệm và nhiều năm nghiên cứu, Friedmantin và Delerme tin rằng trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, Hoa Kỳ sẽ chứng kiến một làn sóng giám sát quy mô lớn nhắm vào người da màu và di dân nhập cư.
Gieo rắc khủng hoảng đạo đức
Một trong những chiến thuật chủ chốt mà Trump sử dụng để biện minh cho việc mở rộng giám sát hàng loạt là gây ra khủng hoảng, kinh hoàng đạo đức.
Khủng hoảng đạo đức xảy ra khi các chính trị gia thổi phồng một vấn đề xã hội, thậm chí bóp méo sự thật để thao túng nỗi sợ hãi, kinh hoàng của công chúng.
Thí dụ như những phát ngôn của Trump về vấn đề tội phạm. Mặc dù dữ liệu từ FBI cho thấy tỷ lệ tội phạm ở Hoa Kỳ đã giảm trong nhiều thập niên, Trump vẫn liên tục tuyên bố rằng “tình hình tội phạm đang ngoài tầm kiểm soát.” Khi công chúng bị dẫn dắt bởi nỗi sợ, họ có khuynh hướng ủng hộ các biện pháp mạnh tay hơn để giúp “kiểm soát” tình hình.
Bên cạnh đó, Trump cũng đang tạo ra khủng hoảng đạo đức về vấn đề nhập cư. Ông khẳng định rằng di dân lậu đang cướp mất công ăn việc làm của người Hoa Kỳ. Nhưng thực ra, theo thống kê năm 2022, chỉ 5% trong số 30 triệu lao động nhập cư ở Hoa Kỳ không có giấy phép làm việc. Trong tuyên bố ngày 25 tháng 1 năm 2025 về chính sách nhập cư, Trump còn ví von việc di cư qua biên giới phía Nam như một cuộc “xâm lược,” dùng từ ngữ về chiến tranh để mô tả di dân, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em đang rơi vào bước đường cùng và muốn xin tị nạn.
Sau khi tạo ra khủng hoảng đạo đức, bước tiếp theo là gán cho các nhóm thiểu số hình ảnh “kẻ xấu” để có lý do cho việc mở rộng giám sát.
Trump thường xuyên đan xen hai vấn đề tội phạm và nhập cư với nhau. Ông từng tuyên bố rằng di dân giết người vì mang “gene xấu,” luận điệu của những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump dùng cụm từ không lịch sự “bad hombre” để ám chỉ dân Mễ nhập cư. Cụm từ này không chỉ mang hàm ý tiêu cực mà còn gợi lên hình ảnh những kẻ nguy hiểm, vượt biên vào Mỹ để cướp việc làm và buôn bán ma túy.
Không chỉ nhắm vào di dân, Trump còn nhắm vào cộng đồng gốc da đen. Tháng 8 năm 2024, trong một buổi vận động tại Atlanta, Georgia – thành phố có đa số dân số là người gốc da đen – Trump đã gọi nơi đây là “bãi chiến trường” (killing field). Trước đó một tháng, ông cũng dùng hình ảnh tương tự để mô tả Washington, D.C.
Những mục tiêu chính của giám sát hàng loạt
Lịch sử Hoa Kỳ cho thấy rằng các cuộc khủng hoảng đạo đức thường được sử dụng để làm lý do cho việc giám sát và đàn áp các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là người Mỹ La Tinh, dân bản địa và người gốc da đen.
Vào thế kỷ 18, chính quyền thuộc địa ở Bắc Mỹ đã thông qua nhiều đạo luật coi thổ dân bản địa là “bọn mọi rợ dã man” (savages), một mối đe dọa chính trị, cần phải đồng hóa hoặc tiêu diệt.
Một trong những phương thức giám sát và đàn áp sớm nhất ở Hoa Kỳ là các đội tuần tra nô lệ (slave patrols) ở miền Nam, xuất hiện từ đầu những năm 1700. Họ săn lùng nô lệ bỏ trốn, bắt giữ cả những người da đen tự do để bán họ trở lại kiếp nô lệ. Đồng thời, bất kỳ ai giúp đỡ nô lệ bỏ trốn cũng có thể bị bắt giữ, kể cả người da trắng.
Khi một nhóm người trở thành đối tượng của khủng hoảng đạo đức và bị chính phủ giám sát hàng loạt, hệ lụy sẽ ám ảnh suốt nhiều thế hệ. Đến nay, tỷ lệ người da đen và dân bản địa bị bắt giữ vẫn cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ dân số của họ. Trẻ em cũng không thoát khỏi số phận nghiệt ngã, số bé gái người bản địa bị giam giữ nhiều gấp 4 lần bé gái da trắng; còn số bé gái da đen thì nhiều gấp đôi.
Những phương pháp giám sát từng được sử dụng trong quá khứ
Những số liệu về giám sát trong thế kỷ 21 không phải ngẫu nhiên mà có. Chúng phản ánh hàng thập niên giám sát có chủ đích nhắm vào người da màu.
Trong những năm 1950, FBI dưới thời J. Edgar Hoover đã triển khai các chương trình như COINTELPRO và Ghetto Informant Program, trên danh nghĩa điều tra cộng sản, nhưng thực chất nhắm vào người da màu và các nhà hoạt động dân quyền. Từ Martin Luther King Jr. đến DB John Lewis, nhiều nhà hoạt động da màu đã bị giám sát, điều tra và bỏ tù.
Đến thập niên 1960, chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục sử dụng giám sát hàng loạt để kiểm soát cộng đồng da đen. Chính sách “cuộc chiến chống tội phạm” (war on crime) của Tổng thống Lyndon Johnson và “cuộc chiến chống ma túy” (war on drugs) dưới thời Richard Nixon đều có mục tiêu chính là người da đen.
Trong những thập niên sau đó, các chính trị gia tiếp tục tạo ra những cơn khủng hoảng đạo đức mới nhắm vào cộng đồng người da đen. Thí dụ như là câu chuyện về “crack babies” vào những năm 1980-1990.
Truyền thông Mỹ khi đó tuyên bố rằng phụ nữ da đen sử dụng bạch phiến crack cocaine khi mang thai sẽ sinh ra những đứa trẻ bị tổn thương não, kém phát triển trí tuệ và có nguy cơ cao sẽ trở thành tội phạm. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học sau này đã bác bỏ hoàn toàn những tuyên bố này. Không hề có một thế hệ “crack babies” nào tồn tại, và những vấn đề phát triển ở trẻ em chủ yếu là do nghèo đói, điều kiện sống thiếu thốn, chứ không phải do người mẹ sử dụng ma túy.
Ngay cả trước khi có công nghệ giám sát hiện đại như camera CCTV hay phần mềm gián điệp máy tính, chính phủ đã rất thành công trong việc kiểm soát xã hội thông qua những phương thức như vậy. Ngày nay, những chiến thuật này vẫn được áp dụng nhưng với quy mô và mức độ tinh vi hơn.
Trung tâm hợp tác tình báo (fusion centers)
Khi nhắc đến giám sát hàng loạt, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Bộ Nội An (DHS) – cơ quan liên bang được thành lập sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. DHS là một phần trong hệ thống tình báo của chính phủ, bao gồm hơn 20 cơ quan chuyên trách về giám sát và an ninh. Kể từ khi thành lập, DHS đã đóng vai trò trung tâm trong các chương trình giám sát hàng loạt, đặc biệt nhắm vào người Hồi giáo tại Mỹ.
Nhưng DHS không hành động đơn độc. Họ nhận dữ liệu từ các trung tâm hợp tác tình báo, hay còn gọi là fusion centers.
Theo phúc trình năm 2023 từ Trường Luật Rutgers, fusion centers là các đơn vị tình báo thuộc cảnh sát địa phương, có nhiệm vụ thu thập thông tin và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan an ninh liên bang.
Thí dụ, Trung tâm Tình báo Hoạt động Khu vực New Jersey có nhiệm vụ giám sát hoạt động an ninh tại ba bang: New York, New Jersey và Connecticut. Họ sử dụng công nghệ quân sự tiên tiến để thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân được coi là “mối đe dọa,” chủ yếu là cộng đồng da đen, La Tinh, Ả Rập, và những chỗ có hoạt động chính trị mạnh mẽ, chẳng hạn như các nhóm Black Lives Matter và các tổ chức hỗ trợ di dân nhập cư. Dữ liệu này được chia sẻ với FBI và CIA, dẫn đến số vụ bố ráp, bắt giữ nhiều hơn, mà không có bằng chứng nào cho thấy việc giám sát hàng loạt này giúp giảm bớt tội phạm hoặc ngăn chặn khủng bố.
Guantanamo và các nhà tù bí mật
Với cam kết tăng cường quân sự hóa biên giới và mở rộng nhà tù, các chuyên gia dự đoán chi tiêu cho giám sát hàng loạt sẽ tăng vọt dưới thời Trump. Làn sóng khủng hoảng đạo đức ông gây ra từ năm 2015 lộ ra mục tiêu chính: di dân nhập cư và người da đen.
Đáng sợ hơn, nhiều nạn nhân của giám sát hàng loạt đôi khi “bốc hơi” không để lại dấu vết. Năm 2015, tờ The Guardian tiết lộ rằng cảnh sát Chicago từng “bắt cóc” và giam giữ nhiều người tại các nhà tù bí mật (black sites) từ năm 2009. Tại đây, nạn nhân (phần lớn là người da đen) không được gọi cho gia đình hay luật sư, và bị giam giữ đến 24 giờ. Họ bị thẩm vấn dưới danh nghĩa “vì an ninh quốc gia,” nhưng không hề có bất kỳ cáo buộc chính thức nào.
Một trong những nhà tù bí mật khét tiếng nhất của Hoa Kỳ nằm tại căn cứ quân sự Guantanamo Bay ở Cuba. Sau sự kiện ngày 11 tháng 9, CIA đã sử dụng nơi đây để giam giữ và thẩm vấn bí mật những nghi phạm khủng bố.
Giờ đây, chính quyền Trump dường như đang hồi sinh mô hình nhà tù bí mật này, nhưng thay vì giam giữ các nghi phạm khủng bố, Guantanamo lại trở thành nơi giam giữ di dân nhập cư Venezuela.
Từ tháng 1 năm 2025, khoảng 150 di dân Venezuela đã bị đưa đến Guantanamo. Hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ Hoa Kỳ có quyền hợp pháp để giam giữ di dân nhập cư tại một căn cứ quân sự ở nước ngoài hay không, nhưng các chuyến bay trục xuất vẫn tiếp tục diễn ra.
Điều đáng lo ngại hơn nữa, danh tính của nhiều người bị giam giữ vẫn chưa được công khai.
VB biên dịch
Nguồn: “We study mass surveillance for social control, and we see Trump laying the groundwork to ‘contain’ people of color and immigrants” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn