QUận Cam (VB)- Chỉ chưa đầy một tháng sau khi Trump nhậm chức tổng thống lần thứ hai, quyền tự do báo chí ở Hoa Kỳ đang bị đe dọa nghiêm trọng đối với nhiều cơ quan truyền thông trên toàn quốc. Đài phát thanh KCBS của San Francisco đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang (FCC), sau khi phát sóng đưa tin vào ngày 26/01/2025 về một cuộc bố ráp của Cơ Quan Thực Thi Di Trú Và Hải Quan (ICE). KCBS bị chính quyền đe dọa rút lại giấy phép hoạt động. Các phóng viên Associated Press (AP) bị cấm tham gia các sự kiện tại Tòa Bạch Ốc sau khi từ chối tuân theo lệnh hành pháp của Trump, đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Hoa Kỳ. Các hãng truyền thông lớn như ABC và CBS phải đối mặt với các vụ kiện của Trump ngay cả trước khi ông ta nhậm chức.
Vào ngày 14/02/2025, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (EMS) tổ chức một cuộc họp báo trên mạng. Các diễn giả đã thảo luận về những mối đe dọa chính quyền Trump gây ra đối với quyền tự do báo chí. Họ cũng thảo luận về việc liệu các cơ quan truyền thông và các nguồn tin của họ có nên “tự kiểm duyệt” hay không; quyền của các phóng viên trong việc đưa tin độc lập; và các biện pháp pháp lý để bỏa vệ.
David Loy, giám đốc pháp lý của tổ chức First Amendment Coalition, phát biểu: "FCC đang khẳng định quyền lực gì? Họ cho rằng việc đưa tin tức sẽ được xem như không vì “lợi ích công cộng” nếu chính phủ không thích những tin tức này!" Vai trò chính của FCC là quản lý các cơ quan truyền thông phát sóng như đài phát thanh và đài truyền hình. Báo chí in ấn và kỹ thuật số nằm ngoài thẩm quyền của cơ quan này. Quyền hạn của FCC dựa vào tiêu chuẩn “Lợi Ích Công Cộng”, bắt nguồn Từ Đạo Luật Phát Thanh năm 1927 và Đạo Luật Truyền Thông năm 1934, vào thời điểm khi sóng vô tuyến còn khan hiếm. Đạo luật yêu cầu các đài phát thanh phải hoạt động theo nguyên tắc phục vụ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, trong các vụ kiện có liên quan đến đạo luật này, Quốc Hội, tòa án và chính FCC vẫn chưa rõ ràng về định nghĩa và phạm vi của khái niệm “Lợi Ích Công Cộng”.
Trong một vụ án liên quan đến “vùng xám” của khái niệm “Lợi Ích Công Cộng”, vào Tháng 1 vừa qua, chủ tịch FCC mới của Trump là Brendan Carr đã ra lệnh điều tra NPR và PBS vì phát sóng các thông tin vượt quá ranh giới bị cấm. Thực ra, chính phủ không có thẩm quyền ra lệnh báo chí đưa tin gì, hoặc như thế nào, ai đang làm những gì và có đáng đưa tin bằng ngân sách của chính phủ hay không… Có lý do chính đáng khiến báo chí là tổ chức tư nhân duy nhất được nêu rõ trong Hiến Pháp, với Tu Chính Án Thứ Nhất bảo đảm quyền tự do của báo chí.
David Loy cho rằng mối nguy hiểm nhất cho báo chí là sự kiểm duyệt; và đây không chỉ là vấn đề riêng của các tiểu bang đỏ hay liên bang. Các quan chức địa phương đã từng đe dọa các phóng viên trong nhiều năm, ngay cả ở những tiểu bang xanh như California. Ví dụ, vào tháng 5 năm 2019, cảnh sát San Francisco đã có lệnh khám xét nhà của một nhà báo tự do, xông vào nhà và tịch thu máy tính, điện thoại của anh ta. Nguyên nhân là nhà báo này từ chối nêu tên một nguồn tin liên quan đến cái chết của luật sư Jeff Adachi của San Francisco. Vào tháng 4 năm 2022, một cảnh sát trưởng Quận Los Angeles đã tổ chức một cuộc họp báo, kêu gọi điều tra một nhà báo của LA Times, người đã đưa tin về một đoạn video bị rò rỉ, ghi lại cảnh một cảnh sát đè đầu gối trên đầu một tù nhân bị còng tay trong nhiều phút.
Joel Simon, giám đốc sáng lập của tổ chức Journalism Protection Initiative, phát biểu: “Sự xói mòn các chuẩn mực và biện pháp bảo vệ pháp lý dành cho các nhà báo hiện nay là một xu hướng toàn cầu. Một khi quyền báo chí đã bị chính quyền xâm phạm, rất khó để đòi lại chúng sau đó”.
Hiện nay, quyền của các tổ chức truyền thông đã bị suy yếu rất nhiều, đặc biệt là ở những quốc gia độc tài. Ở nhiều quốc gia, hành vi quấy rối pháp lý nhắm vào giới truyền thông báo chí không chỉ liên quan trực tiếp đến việc đưa tin tức, mà là những vấn đề khác như thuế, cáo buộc gian lận, vi phạm qui định tại nơi làm việc… Trong tình hình báo chí trở thành kẻ thù của chính quyền liên bang như hiện nay, các nhà báo Mỹ nên chuẩn bị rằng điều tương tự sẽ xảy ra với mình!
Các chuyên gia nêu ra những nguồn lực hỗ trợ pháp lý dành cho nhà báo, bao gồm hỗ trợ miễn phí từ nhiều tổ chức như Lawyers for Reporters, ProJourn, Reporters Committee for Freedom of the Press (RCFP)… các đường dây nóng của RCFP và the First Amendment Coalition.
Zach Press, luật sư cấp cao tại Lawyers for Reporters cho rằng việc nhà báo “tự kiểm duyệt” chính mình là không tốt, bởi vì người dân sẽ không nhận được những tin tức cần thiết, trung thực nữa. Câu hỏi mà giới truyền thông nên tự đặt ra là cần làm gì để có đủ tự tin đưa tin trung thực, cho dù chính quyền không muốn. Trong những năm gần đây, nhiều tiểu bang đã thông qua luật Anti-SLAPP. Ví dụ, nếu tòa án bác bỏ một vụ kiện hoặc ra phán quyết chống lại bên nguyên đơn kiện, thì nguyên đơn phải trả phí luật sư của bị đơn và nhiều khoản bồi thường thiệt hại khác. Các tiểu bang áp dụng bao gồm Virginia vào năm 2017; Colorado, Virginia và Texas vào năm 2019; New York vào năm 2020; Washington vào năm 2021; Kentucky và Arizona năm 2022... Đây là một phương cách hữu hiệu để chống lại việc chính quyền đàn áp báo chí. Nếu phía chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm cho một khiếu nại đưa ra chỉ để bôi nhọ một nhà báo, họ sẽ phải thận trong hơn khi phải trả mức tiền phạt nặng nề.
Để kết luận, các chuyên gia cho rằng tự do báo chí bắt đầu từ chính các nhà báo. Không ai có thể bảo đảm rằng FCC hoặc cơ quan khác của chính quyền Trump sẽ không lạm dụng quyền lực của mình. Nhưng một chế độ độc tài sẽ phát triển nhanh khi người dân chịu phục tùng. Khi chúng ta bỏ qua các quyền của mình, chúng sẽ biến mất. Cách tốt nhất để chống lại những kẻ bắt nạt là chiến đấu chống lại chúng. Đúng là có rủi ro. Nhưng báo chí không nên để những rủi ro đó ngăn cản họ thực hiện chức năng thiêng liêng của mình: quyền đưa tin tức.
Gửi ý kiến của bạn