
(TORONTO, ngày 26 tháng 2, Reuters) – Số vụ trục xuất tại Canada đã tăng vọt trong năm ngoái, đạt mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Phần lớn những người bị trục xuất là những người nộp đơn xin tị nạn nhưng bị bác bỏ.
Tính đến cuối tháng 11 năm 2024, số vụ trục xuất đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2015 – thời điểm chính phủ Đảng Tự do do Thủ tướng Justin Trudeau lãnh đạo lên nắm quyền. Không chỉ vậy, chính phủ Canada còn quyết định tăng ngân sách để đẩy mạnh trục xuất trong năm nay.
Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trudeau đang nỗ lực chứng tỏ với người dân Canada rằng họ đang siết chặt kiểm soát tình hình nhập cư, giữa lúc số lượng đơn xin tị nạn tồn đọng ngày càng nhiều và làn sóng phản đối người nhập cư lan rộng vì lo ngại cuộc khủng hoảng nhà ở sẽ trầm trọng thêm.
Theo Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA), nguyên nhân khiến số vụ trục xuất gia tăng mạnh là do lượng đơn xin tị nạn đã “tăng rất nhiều” kể từ năm 2020. Trước tình hình này, chính phủ buộc “phải đẩy nhanh mức độ cưỡng chế trục xuất nhằm đảm bảo quy trình diễn ra hiệu quả và kịp thời.”
Dữ liệu do Reuters thu thập – đã loại trừ những trường hợp tự nguyện rời đi cũng như những người bị trả lại Hoa Kỳ theo thỏa ước song phương – cho thấy từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 19 tháng 11 năm 2024, Canada đã trục xuất tổng cộng 7,300 người. Con số này cao hơn 8.4% so với tổng số vụ trục xuất trong năm 2023 và tăng đến 95% so với năm 2022.
Dữ liệu cũng tiết lộ rằng trong số 7,300 người bị trục xuất trong 11 tháng đầu năm 2024, có đến 79% là những người đã bị từ chối đơn xin tị nạn. Con số này tăng so với mức 75% vào năm 2023 và 66% vào năm 2022.
Ngoài ra, khoảng 11% số người bị trục xuất là do vi phạm các điều kiện lưu trú tại Canada chứ không liên quan đến đơn xin tị nạn, chẳng hạn như ở quá hạn visa. Khoảng 7% khác bị trục xuất vì phạm tội tại Canada hoặc ở nước ngoài.
Phát ngôn viên của Bộ trưởng An toàn Công cộng Canada, David McGuinty, không đưa ra bình luận nào về dữ liệu trục xuất mới này.
Trong khi đó, phát ngôn viên của CBSA, Luke Reimer, cho biết trong một email rằng số lượng các vụ trục xuất có thể dao động theo thời gian. Email có viết: “Số lượng người bị trục xuất do nhận quyết định từ chối tị nạn đã tăng lên mỗi năm kể từ khi đại dịch kết thúc. Những biện pháp này là cần thiết để bảo đảm uy tín của hệ thống tị nạn của Canada.”
Canada hiện đang đối mặt với số lượng đơn xin tị nạn kỷ lục. Mặc dù số hồ sơ mới nộp theo tháng đã giảm từ 19,821 vào tháng 7 xuống còn 11,838 vào tháng 1, nhưng tính đến tháng trước, tổng số đơn tồn đọng vẫn lên tới 278,457 – mức cao nhất trong nhiều thập niên.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là những người bị trục xuất có thể vẫn đang trong quá trình kháng cáo. Aisling Bondy, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Tị nạn Canada (Canadian Association of Refugee Lawyers), bày tỏ lo ngại rằng chính sách trục xuất cứng rắn có thể dẫn đến những quyết định sai lầm.
Bà cho biết: “Họ có thể bị trục xuất ngay cả khi có sai sót nghiêm trọng trong quá trình đánh giá mức độ nguy hiểm mà họ sẽ đối mặt nếu bị trả về quê hương. một số người có thể bị đưa về những nơi mà họ có nguy cơ bị đàn áp hoặc gặp nguy hiểm đến tính mạng.”
Tuy nhiên, Reimer khẳng định rằng CBSA “chỉ thực hiện lệnh trục xuất khi mọi thủ tục pháp lý có thể trì hoãn quyết định này đã được giải quyết hết.”
Audrey Macklin, giáo sư luật tại Đại học Toronto và là Chủ tịch của Human Rights, cho rằng chính phủ đang cố gắng chứng minh sự quyết liệt trong vấn đề nhập cư. Bà giải thích: “Nếu chính phủ muốn chứng minh rằng họ đang thực sự kiểm soát biên giới, cách nhanh nhất là gia tăng số vụ trục xuất. Và khi làm như vậy, họ sẽ nhắm vào những người dễ tìm và dễ trục xuất nhất – thường là những người xin tị nạn.”
Macklin cũng nhận định rằng nỗi lo bị trục xuất có thể khiến nhiều người cân nhắc lại việc xin tị nạn ở Canada.
Canada đang trên đà đẩy mạnh hoạt động trục xuất trong những năm tới. Để thực hiện mục tiêu này, cuối năm ngoái, chính phủ đã cam kết phân bổ 30.5 triệu đô la Canada (21.3 triệu MK) trong vòng ba năm nhằm tăng cường cưỡng chế trục xuất.
CBSA cũng đã chi 65.8 triệu đô la Canada cho các vụ trục xuất trong năm tài chính 2023-2024, tăng mạnh so với mức 56 triệu đô la Canada của năm trước. Đồng thời, Ottawa cũng đã cam kết chi 1.3 tỷ đô la Canada để củng cố an ninh biên giới, nhằm xoa dịu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, vốn đã hăm he đe dọa áp thuế mạnh đối với hàng nhập cảng từ Canada.
Số người có nguy cơ bị trục xuất sẽ tiếp tục gia tăng. Chính phủ Canada đang cắt giảm số lượng di dân nhập cư, bao gồm cả diện tạm trú và thường trú. Theo kế hoạch, hơn 1.2 triệu người – bao gồm lao động và sinh viên – sẽ phải rời Canada trong năm 2026, và thêm 1.1 triệu người nữa sẽ rời đi vào năm 2027.
Bộ trưởng Di trú Marc Miller khẳng định rằng Canada sẽ trục xuất những người không tự rời khỏi đất nước. Ông cho hay: “Việc rời đi hay không là lựa chọn của họ. Nhưng nếu họ cố tình ở lại, họ sẽ phải chịu hậu quả, trong đó có việc trục xuất sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý.”