(BERLIN, ngày 23 tháng 2, Reuters) – Friedrich Merz, lãnh đạo đảng bảo thủ đối lập, chuẩn bị trở thành Thủ tướng Đức sau khi đắc cử vào Chủ Nhật. Trong quá trình gấp rút chuẩn bị thành lập chính phủ, Merz, 69 tuổi, tuyên bố sẽ giúp Âu Châu “độc lập thực sự” khỏi Hoa Kỳ.
Merz đang phải đối mặt với một thách thức lớn: xây dựng một liên minh cầm quyền ổn định khi chính trường Đức đang rối ren. Sau cuộc bầu cử, đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) đã bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai, đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Sự trỗi dậy của AfD diễn ra sau khi chính phủ liên minh ba bên do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo sụp đổ, khiến cho tình hình chính trị Đức trở nên chia rẽ và khó đoán hơn bao giờ hết.
Dù AfD giành được số phiếu cao kỷ lục, các đảng chính thống tại Đức đều tuyên bố sẽ không hợp tác với đảng này. Tuy nhiên, AfD lại nhận được sự ủng hộ từ những nhân vật quyền lực tại Hoa Kỳ, bao gồm tỷ phú công nghệ Elon Musk – một đồng minh thân cận của Tổng thống Donald Trump.
Merz chưa từng nắm giữ chức vụ nào trong chính phủ, nhưng giờ đây ông sẽ phải lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Âu Châu trong một giai đoạn đầy thử thách. Nước Đức đang đối diện với khủng hoảng kinh tế, xã hội bị chia rẽ sâu sắc vì vấn đề nhập cư, trong khi tình hình an ninh cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Đức đang bị kẹt giữa một bên là Hoa Kỳ và một bên là Nga – TQ ngày càng quyết đoán, buộc nước này phải định hình lại chiến lược ngoại giao và quốc phòng của mình.
Ngay sau khi giành chiến thắng, Merz đã có những phát biểu cứng rắn nhắm vào Hoa Kỳ. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông thẳng thắn chỉ trích những tuyên bố từ Washington là “hoàn toàn vô lý,” thậm chí so sánh với sự can thiệp thù địch từ Nga.
“Chúng ta đang chịu áp lực rất lớn từ cả hai phía, vì vậy ưu tiên tuyệt đối của tôi bây giờ là làm cho Âu Châu đoàn kết và thống nhất. Chúng ta có thể làm được điều đó,” Merz phát biểu trong một buổi họp với các nhà lãnh đạo khác.
Điều đáng chú ý là mặc dù Merz công kích Hoa Kỳ, nhưng Trump lại hoan nghênh kết quả bầu cử ở Đức. Trên nền tảng Truth Social, Trump đăng: “Cũng giống như ở Hoa Kỳ, người dân Đức đã chán ngán những chính sách vô lý, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và nhập cư – đều là những cái gai đã tồn tại suốt nhiều năm.”
Trước đây, Merz từng được xem là một người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đối tác giữa Âu Châu và Hoa Kỳ (Atlanticist), nhưng nay ông đã thay đổi quan điểm. Ông thẳng thừng chỉ trích chính quyền Trump, cho rằng họ gần như thờ ơ trước số phận của Âu Châu. Trong bài phát biểu, Merz nhấn mạnh: “Ưu tiên số một của tôi là củng cố sức mạnh Âu Châu càng nhanh càng tốt, để chúng ta có thể dần được sự độc lập thực sự khỏi Hoa Kỳ.”
Thậm chí, Merz còn đặt câu hỏi về tương lai của NATO, băn khoăn liệu hội nghị thượng đỉnh lần tiếp theo của một tổ chức, vốn được xem là nền tảng bảo đảm an ninh Âu Châu trong nhiều thập niên, có nên giữ nguyên mô hình như hiện nay hay không.
Cuộc bầu cử toàn quốc hôm Chủ Nhật diễn ra khi Đức đang phải đối mặt với hàng loạt vụ tấn công bạo lực, mà trong số đó có nhiều can phạm là di dân nhập cư. Kết quả dự đoán do đài truyền hình ZDF công bố cho thấy khối bảo thủ CDU/CSU của Friedrich Merz giành được 28.5% số phiếu, trở thành đảng lớn nhất nhưng không đủ để nắm thế đa số. Đáng chú ý, đảng cực hữu AfD đạt 20.5% số phiếu, gần như gấp đôi so với cuộc bầu cử trước.
Thủ lãnh AfD Alice Weidel cho biết: “Chúng tôi vẫn sẵn sàng bắt tay hợp tác để thành lập chính phủ,” đồng thời khẳng định “Lần tới, chúng tôi sẽ giành chiến thắng.”
Nhưng việc thành lập chính phủ mới không hề dễ dàng với Merz. Dù CDU/CSU giành được số phiếu cao nhất, nhưng đây lại là kết quả tệ thứ hai trong lịch sử hậu chiến của họ. Điều này khiến Merz rơi vào thế khó trong các cuộc đàm phán liên minh. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông cần một hay hai đối tác để đạt được đa số, bởi số phận của các đảng nhỏ vẫn chưa ngã ngũ, có thể làm xáo trộn cán cân quyền lực trong nghị viện.
Nếu Merz buộc phải thành lập một liên minh ba bên, chính phủ mới có thể gặp nhiều bất ổn, khiến việc điều hành đất nước trở nên khó khăn hơn và làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đức trên trường quốc tế.
Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz chịu thất bại nặng nề, chỉ giành được 16.5% số phiếu – mức thấp nhất của họ kể từ sau Thế Chiến II. Scholz không giấu được sự thất vọng và thừa nhận đây là một kết quả “đầy cay đắng.” Đảng Xanh chỉ giành được 11.8% số phiếu, không đạt được kỳ vọng. Trong khi đó, đảng cực tả Die Linke đạt 8.7% nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri trẻ.
Tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 83%, mức cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Theo số liệu thống kê, nam giới có khuynh hướng bỏ phiếu cho các đảng cánh hữu nhiều hơn, trong khi phụ nữ lại nghiêng về các đảng cánh tả.
Các đảng theo chủ trương thị trường tự do, như Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng mới thành lập Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW), đang dao động quanh mức 5% – ngưỡng tối thiểu để giành ghế trong Quốc hội Đức.
Carsten Brzeski, Giám đốc kinh tế toàn cầu của tập đoàn ngân hàng ING, nhận xét: “Nếu chính phủ mới không có chiến lược rõ ràng, họ có thể chỉ loay hoay ứng phó với tình huống chứ không tạo ra sự thay đổi thực sự. Đây là cơ hội cuối cùng để cải tổ đất nước và ngăn chặn AfD tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn trong tương lai. Nếu các bên không thống nhất được một hướng đi quyết liệt, chính phủ mới sẽ rơi vào tình trạng trì trệ, khiến chính trị Đức thêm hỗn loạn. Không chỉ vậy, nếu chính phủ mới không thể thay đổi mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ e dè, khiến nguồn vốn đầu tư vào Đức bị chững lại, làm suy yếu nền kinh tế vốn đã lao đao suốt hai năm qua.”
Scholz có thể sẽ giữ vai trò tạm quyền trong vài tháng
Merz là một chính trị gia theo đường lối tự do kinh tế cứng rắn. Dưới sự lãnh đạo của ông, đảng bảo thủ CDU/CSU đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang cánh hữu. Trái ngược hoàn toàn với cựu Thủ tướng Angela Merkel, người theo đuổi đường lối ôn hòa và lãnh đạo nước Đức suốt 16 năm, Merz chủ trương một chính sách quyết đoán hơn, nhất là trong các vấn đề kinh tế và đối ngoại.
Một trong những điểm khác biệt rõ rệt giữa Merz và người tiền nhiệm là lập trường về vấn đề Ukraine. Ông tuyên bố sẵn sàng ủng hộ việc cung cấp phi đạn tầm xa Taurus cho Ukraine, nhưng phải có điều kiện đi kèm. Chính quyền của Scholz trước đó đã né tránh vấn đề này vì sợ làm gia tăng căng thẳng với Nga. Dù vậy, Merz vẫn nhấn mạnh rằng Âu Châu cần duy trì sự gắn kết chặt chẽ với NATO.
Cuộc bầu cử vừa qua diễn ra sau sự sụp đổ của chính phủ Scholz vào tháng 11 năm ngoái. Nội các của ông – gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đã rơi vào khủng hoảng do mâu thuẫn về vấn đề chi tiêu ngân sách, khiến liên minh ba bên tan rã.
Hiện tại, các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ mới có thể kéo dài hàng tháng, buộc Scholz phải tiếp tục giữ vai trò Quyền Thủ tướng trong vài tháng. Nhiều người lo ngại trì hoãn càng lâu thì hậu quả càng nghiêm trọng, vì nước Đức đang rất cần những chính sách mạnh mẽ để phục hồi nền kinh tế sau hai năm suy thoái liên tiếp. Hàng loạt công ty, xí nghiệp lớn đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu.
Ngoài ra, chừng nào Đức chưa thể ổn định chính trị thì chừng đó vẫn còn khoảng trống lãnh đạo ngay tại trung tâm Âu Châu. Khu vực này đang phải đối mặt với các mối đe dọa lớn, thí dụ như Trump đang hăm he khơi mào xung đột mậu dịch, và tìm cách gạt Âu Châu ra một bên trong thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine.