Donald Trump có tài gây hấn, làm cho TQ khó chịu và hoang mang. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên, ông từng cáo buộc TQ “cưỡng đoạt” Hoa Kỳ thông qua các thủ đoạn mậu dịch không công bằng. Nhưng sau đó, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, cũng chính Trump đã gọi Tập Cận Bình là một “hảo bằng hữu.”
Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2024, Trump thường nhấn mạnh rằng ông sẽ cứng rắn với TQ trong nhiệm kỳ thứ hai. Và đến khi sắp nhậm chức, không có dấu hiệu nào cho thấy quan điểm này sẽ thay đổi.
Trump từng ngụ ý sẽ tăng thuế lên đến 60% đối với tất cả hàng hóa nhập cảng từ TQ. Bên cạnh đó, ông cũng tính bổ nhiệm hai nhân vật chủ trương cứng rắn đối đầu với TQ (China hawks) vào các vị trí chủ chốt trong chính phủ. Marco Rubio là ứng viên cho vị trí ngoại trưởng, còn Mark Waltz sẽ trở thành cố vấn an ninh quốc gia. Cả hai vị này đều tin rằng Washington cần có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, và coi TQ là một mối đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Trước viễn cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức hơn từ phía Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã chủ động chuẩn bị bằng cách mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế. Trong những năm gần đây, TQ đã tăng cường qua lại, làm ăn với các khu vực như Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Trung Đông, không chỉ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới mà còn nhằm xây dựng các mối quan hệ chiến lược quan trọng. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu hợp tác với các quốc gia phương Tây khác để đạt được các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh.
Một trong những hướng đi mà TQ có thể tính đến là tăng cường hợp tác với Canada trong lĩnh vực năng lượng. Với nguồn tài nguyên phong phú về dầu mỏ, than đá và sắt, Ottawa có thể giúp Bắc Kinh đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có thể sẽ cải thiện mối quan hệ với Canberra, vì Úc có nguồn lithium dồi dào, một nguyên liệu quan trọng cho sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, mối quan hệ với Liên Âu (EU) vẫn là yếu tố then chốt đối với TQ. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của TQ. Lượng hàng xuất cảng từ TQ sang EU đã tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh chuyển hướng từ sản xuất “ba loại mặt hàng truyền thống” (thiết bị gia dụng, đồ nội thất và quần áo) sang “ba loại mặt hàng mới” là các sản phẩm công nghệ cao như xe điện, pin lithium-ion và pin năng lượng mặt trời.
“Ba loại mặt hàng mới” và thách thức từ EU
“Ba loại mặt hàng mới” này là một phần thiết yếu trong tăng trưởng kinh tế của TQ, và EU đóng vai trò là thị trường tiêu thụ trọng yếu. Nhưng việc chinh phục thị trường EU không hề dễ dàng.
Brussels đã cáo buộc Bắc Kinh trợ giá không công bằng cho các công ty sản xuất xe điện của mình. Từ cuối tháng 10 năm 2024, EU áp mức thuế lên đến 45.3% đối với xe điện TQ.
Dù vậy, TQ vẫn còn cơ hội để cải thiện mối quan hệ với EU, và có một số dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, những tranh cãi gần đây về việc TQ có thể liên quan đến vụ phá hoại cáp truyền thông tại Biển Baltic sẽ không có lợi cho nỗ lực này.
May cho TQ, EU không phải là một khối đại đoàn kết. Kết quả bỏ phiếu về việc áp thuế đối với xe điện TQ vào năm 2024 cho thấy rõ điều này: 10 quốc gia ủng hộ, 5 quốc gia phản đối và 12 quốc gia bỏ phiếu trắng. Bắc Kinh có thể tận dụng lục đục nội bộ trong EU để vận động hành lang, thuyết phục các quốc gia còn do dự bằng cách mở rộng cửa thị trường TQ cho các công ty EU, đồng thời giảm trợ giá cho các công ty TQ cạnh tranh tại Âu Châu.
Quan hệ với Nga và NATO
Mối quan hệ “không giới hạn” giữa TQ và Nga cũng là một vấn đề gây lo ngại cho phương Tây, đặc biệt là Âu Châu. Sau cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2 năm 2022, NATO đã chỉ trích rằng “các tham vọng và chính sách mang tính cưỡng ép của TQ động chạm trực tiếp đến lợi ích, an ninh và giá trị” của phương Tây.
Trước những lo ngại ngày càng gia tăng về hoạt động của TQ tại Âu Châu và Á Châu, NATO đã mời bốn quốc gia gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand và Nam Hàn (Bộ tứ Châu Á – Thái Bình Dương, tiếng Anh là Asia Pacific 4, AP4), tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 năm 2022. Mặc dù các viên chức Âu Châu bác bỏ đề nghị thành lập một liên minh chính thức giữa NATO và các quốc gia Á Châu này, nhưng các cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa hai bên đã diễn ra thường xuyên hơn.
Để xoa dịu những lo ngại từ phương Tây, TQ có thể giải quyết một trong những vấn đề địa lý chính trị gai góc nhất hiện nay: cuộc chiến Ukraine-Nga. Mặc dù điều này có vẻ khó xảy ra, nhưng nỗ lực hòa giải có thể giúp làm giảm bớt hình ảnh tiêu cực của TQ trong mắt phương Tây.
Tầm quan trọng của Hoa Kỳ
Dù có mâu thuẫn, TQ cũng sẽ không thể bỏ qua Hoa Kỳ. Là đối tác mậu dịch lớn thứ ba của TQ sau ASEAN và EU, Hoa Kỳ vẫn là một cường quốc về công nghệ, kinh tế và quân sự.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy từng nói: “Trong tiếng TQ, từ ‘khủng hoảng’ được viết bằng hai ký tự – một cái chỉ ‘sự nguy hiểm’ và ký tự còn lại chỉ ‘cơ hội’.” Nếu đi đúng nước cờ, TQ có thể biến thách thức từ phía Trump thành cơ hội. Dù sao thì Trump cũng có tiếng là khó đoán. Như vào sáng thứ Hai đầu tuần này, sau khi Tik Tok tạm dừng quyền truy cập vào đêm hôm trước do lệnh cấm sắp xảy ra theo luật do Tổng thống Biden ký với sự chấp thuận của Tối Cao Pháp Viện, Trump đã đưa ra gia hạn 3 tháng cho Tik Tok, bảo đảm họ sẽ không phải đối mặt với hình phạt mở lại dịch vụ duy trì hoạt động của TikTok trở lại. Trong một bài đăng trên X, TikTok gọi đây là "lập trường mạnh mẽ cho Tu chính án thứ nhất và chống lại kiểm duyệt tùy tiện", công ty của Trung Quốc này đã cảm ơn Trump vì sự ủng hộ của ông.
Nguyên Hòa tổng hợp
Nguồn: “Why China might need the rest of the west more as Trump arrives in the White House” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn