Theo Bác sĩ trưởng Vivek Murthy của Hiệp Hội Y Sĩ Hoa Kỳ, thức uống có cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư có thể phòng tránh được, vì vậy các loại thức uống này nên được gắn nhãn cảnh báo tương tự như trên bao thuốc lá.
Cuộc tranh luận gay gắt về cái lợi và cái hại của việc uống rượu, bia (ở mức độ vừa phải) càng trở nên căng thẳng hơn khi Hướng dẫn Dinh dưỡng Hoa Kỳ (Dietary Guidelines for Americans) sắp được cập nhật.
Trong suốt nhiều thập niên, uống rượu, bia vừa phải từng được cho là có lợi, giúp giảm nguy cơ đau tim và tai biến mạch máu não. Niềm tin này đã được khắc sâu vào các khuyến khích dinh dưỡng dành cho người dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh quan điểm đó là sai lầm, cho thấy ngay cả khi tiêu thụ rượu, bia trong mức được khuyến khích, nguy cơ mắc nhiều loại ung thư vẫn gia tăng.
Hiện tại, nhãn dán cảnh báo trên các loại đồ uống có cồn dạng chai và lon cũng chỉ nhắc đến nguy cơ uống rượu khi mang thai, lái xe hoặc các nguy hại sức khỏe chung chung. Nhưng theo Bác sĩ Murthy, rượu, bia là thủ phạm trực tiếp gây ra 100,000 ca ung thư và 20,000 ca tử vong tại Hoa Kỳ mỗi năm. Vì vậy, ông kêu gọi điều chỉnh các nhãn dán cảnh báo, ghi thêm thông tin cụ thể là làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư ruột già và ít nhất năm loại ung thư ác tính khác đã được chứng minh qua các nghiên cứu khoa học.
Trong một buổi phỏng vấn, Bác sĩ Murthy cho biết: “Không ít người vẫn nhầm tưởng rằng uống rượu, bia trong hoặc dưới mức khuyến nghị – một ly mỗi ngày cho phụ nữ và hai ly cho nam giới – thì sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe và cuộc sống của họ. Nhưng dữ liệu khoa học đã bác bỏ nhận định này, đặc biệt khi xét về nguy cơ ung thư.”
Chỉ có Quốc hội Hoa Kỳ mới có quyền ban hành quy định yêu cầu gắn nhãn cảnh báo mới như Bác sĩ Murthy đề nghị, và hiện chưa rõ liệu chính quyền sắp tới có ủng hộ thay đổi này hay không.
Tính tới hiện tại thì Trump không phải là “bợm rượu.” Người được ông đề cử làm Bộ trưởng Bộ Y Tế Hoa Kỳ (HHS), Robert F. Kennedy Jr., cũng đã thề từ bỏ rượu chè, hút chích từ nhiều thập niên trước, và còn cho biết mình thường xuyên tham dự các buổi họp của AA (Alcoholics Anonymous – nhóm hỗ trợ người nghiện rượu, bia).
Không ai phủ nhận rằng việc rượu chè bê tha là có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo những người ủng hộ việc uống ở mức độ vừa phải (bao gồm các nhà sản xuất rượu vang, bia, rượu mạnh, và một số bác sĩ, khoa học gia), mỗi ngày nhấm nháp một chút có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch – nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ.
Dù vậy, các nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra những hạn chế trong phương pháp của các nghiên cứu trước, từ đó bác bỏ quan điểm từng được đồng thuận là đúng đắn.
Bác sĩ Murthy cho biết, dù hiện nay phần lớn các ca tử vong do ung thư xảy ra ở những người uống rượu, bia nhiều hơn mức khuyến nghị, nhưng ngay cả khi uống chỉ một ly mỗi ngày hoặc ít hơn, thì nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư miệng và ung thư họng cũng gia tăng đáng kể. Ông cũng chỉ ra rằng cứ sáu ca ung thư vú thì có một trường hợp là do uống rượu, bia. Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra rằng uống rượu, bia vừa phải vẫn có nguy cơ bị một số bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh rung tâm nhĩ (atrial fibrillation).
Khuyến nghị tiêu thụ rượu, bia trong Hướng dẫn Dinh dưỡng Hoa Kỳ cập nhật sắp tới sẽ dựa trên hai phúc trình đánh giá khoa học tổng hợp mới đây.
Năm năm trước, phúc trình khoa học làm cơ sở cho việc soạn thảo Hướng dẫn dinh dưỡng 2020-2025 đã thừa nhận rằng đồ uống có cồn là chất gây ung thư và nói chung là không tốt cho sức khỏe, đồng thời đề nghị giảm mức khuyến nghị cho nam giới xuống còn một ly mỗi ngày (tương đương 14 gram).
Nhưng phiên bản cuối cùng của Hướng dẫn Dinh dưỡng cho giai đoạn 2020-2025 vẫn giữ nguyên mức khuyến nghị cho nam giới là hai ly mỗi ngày. Dù vậy, chính phủ cũng thừa nhận rằng có nhiều bằng chứng mới cho thấy ngay cả khi uống trong mức khuyến nghị, nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm ung thư và một số bệnh tim mạch, vẫn có thể gia tăng.
Kể từ đó, ngày càng nhiều nghiên cứu tiếp tục chỉ ra sự liên quan giữa đồ uống có cồn và ung thư. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi nhãn cảnh báo trên các loại đồ uống có cồn đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Nhãn cảnh báo hiện tại được áp dụng từ năm 1988 và chưa từng thay đổi – dù người ta đã quá rành về mối liên kết giữa rượu, bia và ung thư vú trong suốt nhiều thập niên. Lần đầu tiên vấn đề này được nhắc đến trong Hướng dẫn Dinh dưỡng Hoa Kỳ là vào năm 2000. Đến năm 2016, phúc trình của Tổng Y Sĩ tiếp tục khẳng định rằng việc lạm dụng rượu, bia có liên quan đến bảy loại ung thư khác nhau.
Gần đây hơn, khảo xét khoa học do Viện National Academies of Sciences, Engineering and Medicine thực hiện theo ủy quyền của Quốc hội đã phát hiện ra mối liên quan giữa việc uống rượu, bia và sự gia tăng nhẹ nguy cơ bị ung thư vú, nhưng chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào về mối liên kết với các loại ung thư khác. Ngoài ra, khảo xét cũng tái khẳng định giả thuyết cho rằng uống rượu, bia vừa phải có thể làm giảm nguy cơ chết do đau tim, tai biến, và giảm số ca tử vong nói chung so với không uống.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì khẳng định rằng không có mức tiêu thụ rượu, bia nào là an toàn. Hiện nay đã có 47 quốc gia yêu cầu gắn nhãn cảnh báo trên các loại đồ uống có cồn, nhưng cũng chẳng đề cập đến nguy cơ ung thư.
Tính đến nay, chỉ có Nam Hàn áp dụng nhãn cảnh báo về ung thư gan trên đồ uống có cồn, nhưng các nhà sản xuất vẫn được phép sử dụng các nhãn thay thế không nhắc đến ung thư. Ireland dự kiến sẽ áp dụng loại nhãn cảnh báo mới vào năm 2026, ghi rõ rằng “đồ uống có cồn có liên quan trực tiếp đến các bệnh ung thư gây tử vong.”
Ngành công nghiệp rượu, bia có ‘truyền thống’ phản đối mạnh mẽ các nhãn cảnh báo nhắc đến ung thư, và nhiều quốc gia sản xuất rượu, bia đã đem kiện những nhãn cảnh báo này theo luật thương mại quốc tế, cho rằng chúng có thể cản trở tự do mậu dịch.
Sự phản đối mạnh mẽ của ngành đã khiến một nghiên cứu do chính phủ Canada tài trợ bị ‘chết yểu.’ Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của các nhãn cảnh báo đề cập đến ung thư trên đồ uống có cồn, nhưng đã không thể hoàn thành do áp lực từ các bên liên quan.
Trong khuyến cáo của mình, Tổng Y Sĩ đã tóm tắt ngắn gọn các nghiên cứu và đánh giá khoa học được công bố trong 20 năm qua, trong đó có một nghiên cứu quy mô toàn cầu với dữ liệu từ 28 triệu người tại 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tất cả đều cho thấy mức độ tiêu thụ rượu, bia càng cao thì nguy cơ ung thư càng lớn.
Ngoài ra còn có các nghiên cứu khác tập trung vào một số loại ung thư cụ thể, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư miệng. Nguy cơ mắc ung thư vú tăng 10% và ung thư miệng tăng 40% đối với những người uống một ly mỗi ngày so với những người không uống.
Phúc trình cũng giải thích cơ chế sinh học mà rượu, bia gây ra những thay đổi ở cấp độ tế bào để dẫn đến ung thư. Khi vào cơ thể, rượu, bia sẽ phân tách (break down) thành acetaldehyde, một chuyển hóa chất có thể liên kết và làm hư hại DNA. Tổn thương này khiến các tế bào bắt đầu phát triển vô độ, không được kiểm soát, rồi hình thành khối u ác tính.
Các thí nghiệm trên động vật đã chứng minh rằng chuột uống nước có chứa ethanol (chất có trong các loại đồ uống có cồn) hoặc acetaldehyde đều phát triển nhiều khối u trên khắp cơ thể.
Và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rượu, bia gây rối loạn hiện tượng oxýt hoá (oxidative stress) trong cơ thể – tình trạng lượng gốc tự do vượt quá khả năng chống oxýt hóa tự nhiên của cơ thể, dẫn đến tổn thương các tế bào (bao gồm cả DNA) và tăng tình trạng viêm.
Ngoài ra, rượu, bia còn làm thay đổi nồng độ hormone, đặc biệt là estrogen (một loại hormone đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ung thư vú), đồng thời khiến các chất gây ung thư như khói thuốc lá dễ dàng xâm nhập vào cơ thể hơn, làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng và cổ họng.
Phúc trình của Hiệp Hội Y Sĩ cũng đi sâu vào phân tích chi tiết về cách rượu làm tăng nguy cơ sức khỏe, đồng thời giải thích sự khác biệt giữa nguy cơ tuyệt đối và nguy cơ tương đối.
Thí dụ, nguy cơ tuyệt đối mắc ung thư vú trong suốt cuộc đời của một người phụ nữ là khoảng 11.3% (tương đương 11 trên 100 người) đối với những người uống ít hơn một ly mỗi tuần. Nguy cơ này tăng lên 13.1% (13 trên 100 người) nếu uống trung bình một ly mỗi ngày, và lên đến 15.3% (15 trên 100 người) nếu uống hai ly mỗi ngày.
Ở nam giới, nguy cơ tuyệt đối mắc ung thư do rượu gây ra tăng từ 10% (tương đương 10/100 người) nếu uống dưới một ly mỗi tuần, lên đến 11.4% (11/100 người) nếu uống trung bình một ly mỗi ngày. Nếu tăng lên hai ly mỗi ngày, nguy cơ này sẽ đạt 13% (13/100 người).
Phần lớn người dân Hoa Kỳ không hay biết rằng việc uống rượu, bia có liên quan đến ung thư.
Một khảo sát năm 2019 của Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ thực hiện trên người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên cho thấy, chưa đến 50% người dân Hoa Kỳ coi uống rượu là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Ngược lại, có đến 89% nhận biết rằng thuốc lá là chất gây ung thư.
Thế nhưng, theo phúc trình của Hiệp Hội Y sĩ, rượu, bia lại là nguyên nhân đứng thứ ba gây ung thư có thể phòng ngừa, chỉ sau thuốc lá và béo phì.
Bác sĩ Murthy khẳng định rằng uống rượu, bia càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng cao. Dù vậy, mức độ nguy hại không giống nhau ở tất cả mọi người, mà còn phụ thuộc vào bệnh sử của gia đình, đặc điểm di truyền và môi trường sống. Ông chia sẻ: “Tôi cũng mong có thể đưa ra một giới hạn rõ ràng và chắc chắn để nói với mọi người rằng mức tiêu thụ này là an toàn. Nhưng chúng ta đều biết là uống càng ít càng tốt, càng đỡ bị ung thư.”
Ông cũng giải thích thêm: “Nếu thỉnh thoảng chỉ uống rượu, bia vào những dịp đặc biệt, hoặc chỉ một hay hai ly mỗi tuần, nguy cơ sẽ thấp hơn rất nhiều so với uống đều đều mỗi ngày.”
Nguồn: “Surgeon General Calls for Cancer Warnings on Alcohol” được đăng trên trang NYTimes.com.
Gửi ý kiến của bạn