E. Coli trong cà rốt. Listeria trong bánh waffle đông lạnh và thịt nguội đóng gói sẵn. Salmonella trong dưa leo và trứng. Những tin tức về các vụ thu hồi thực phẩm xuất hiện dồn dập, thật khó để nắm bắt hết tất cả.
Một số vụ thu hồi chỉ là để phòng hờ, nhưng cũng có không ít trường hợp người tiêu dùng thực sự đã bị ngộ độc thực phẩm. Theo một khảo sát của Gallup năm 2024, niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ vào độ an toàn của nguồn cung cấp thực phẩm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, nhất là trong 5 năm gần đây.
Vậy chúng ta có nên lo lắng về nguồn cung cấp thực phẩm hiện nay? Dưới đây là những thông tin giúp quý vị hiểu rõ hơn về vấn đề thu hồi thực phẩm và cách bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Nguồn cung cấp thực phẩm hiện nay có an toàn không?
Đồ ăn, đồ uống ngày càng trở nên kém an toàn? Không hẳn là vậy. Theo Sara Bratager, chuyên gia về an toàn thực phẩm và truy tìm nguồn gốc tại Viện Công nghệ Thực phẩm (Food Technologists), ngày càng có nhiều các vụ thu hồi thực phẩm là do những công nghệ kiểm tra, giám sát, và truy tìm nguồn gốc ngày càng tiến bộ. Bà cho biết: “Khi các vấn đề trong chuỗi cung ứng thực phẩm được theo dõi chặt chẽ hơn, thì chúng ta sẽ phát hiện và thu hồi được nhiều sản phẩm không an toàn hơn.”
Nicole Arnold, giảng sư và là chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học Bang Ohio, cho biết thêm là không nên nhầm lẫn giữa các vụ thu hồi thực phẩm và các đợt bùng phát bệnh do thực phẩm. Bà giải thích: “Thu hồi thực phẩm là khi một sản phẩm bị rút khỏi thị trường vì có lý do nghi ngờ rằng nó có thể gây bệnh cho người tiêu dùng. Trong khi đó, bùng phát bệnh do thực phẩm là khi ít nhất hai người mắc bệnh sau khi tiêu thụ cùng một loại thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm khuẩn.”
Nhiều sản phẩm bị thu hồi chỉ để đề phòng chứ chưa có ai mắc bệnh. Darin Detwiler, chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học Northeastern và là tác giả cuốn sách “Food Safety: Past, Present, and Predictions” cho biết: “Mầm bệnh không có phân biệt đối xử – chúng có thể xuất hiện trong bất kỳ loại thực phẩm nào và gây nguy hiểm cho bất kỳ ai.” Nhưng ông cũng lưu ý rằng những nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất bao gồm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, thai phụ, người cao niên và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Làm thế nào để biết thực phẩm mình mua có nguy cơ bị nhiễm khuẩn hay không?
Hãy bình tĩnh! Mua trúng sản phẩm bị thu hồi không có nghĩa là sản phẩm đó chắc chắn bị nhiễm khuẩn hay sẽ khiến quý vị bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn vào. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, quý vị nên theo dõi thông tin về các vụ thu hồi thực phẩm. Giáo sư Donald W. Schaffner, chuyên gia khoa học thực phẩm tại Đại học Rutgers, khuyến nghị mọi người nên thường xuyên đọc tin tức qua báo, truyền hình, hoặc vào các trang web chuyên về an toàn thực phẩm như FoodSafety.gov.
Ngoài ra, một số siêu thị có lưu thói quen mua sắm của khách hàng (như qua thẻ thành viên hoặc biên lai điện tử) và sẽ thông báo trực tiếp nếu quý vị đã mua phải sản phẩm bị thu hồi.
Để kiểm tra xem sản phẩm mình mua có nằm trong danh sách thu hồi không, hãy tìm số lô hàng (lot number) trên bao bì hoặc ngày mua. Sara Bratager giải thích, thí dụ nếu túi cà rốt mà quý vị mua nằm trong danh sách thu hồi, thì có thể toàn bộ cà rốt trong túi bị nhiễm khuẩn, hoặc chỉ một củ cà rốt trong túi bị, hoặc cũng có thể chẳng có củ nào bị.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không thể nhận biết thực phẩm bị nhiễm khuẩn chỉ bằng cách nhìn hay ngửi. Đó là lý do tại sao các chuyên gia thường khuyến cáo nên vứt bỏ hoặc đem ủ phân những sản phẩm bị thu hồi, thay vì tiếc tiền mà cố sử dụng. Một số cửa hàng sẽ hoàn tiền nếu quý vị đem trả lại sản phẩm bị thu hồi hoặc chỉ cần đưa biên lai mua hàng ra để được hoàn tiền.
Làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm tại nhà?
“Người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng vai trò này có giới hạn,” Barbara Kowalcyk, giám đốc Viện An toàn và An ninh Dinh dưỡng Thực phẩm (Institute for Food Safety and Nutrition Security) tại Đại học George Washington, cho biết.
Để giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần chú trọng đến việc bảo quản, vệ sinh và chế biến thực phẩm đúng cách tại nhà.
Bảo quản thực phẩm:
Sau khi mua về, quý vị nên làm lạnh các loại thực phẩm dễ hư hỏng trong vòng 2 giờ. Thức ăn thừa cũng nên được bảo quản trong tủ lạnh trong khoảng thời gian tương tự. Schaffner nhấn mạnh:“Đảm bảo cài đặt tủ lạnh ở nhiệt độ 40°F (4°C) hoặc thấp hơn. Ngăn đá thì nên cho ở mức 0°F (-18°C) hoặc thấp hơn.”
Giữ vệ sinh đúng cách:
Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cả trước và sau khi chế biến thực phẩm. Ngoài ra, nên thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chế biến thực phẩm như thớt, bàn bếp… hay thậm chí cả bồn rửa, để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.
Rau củ quả cần được rửa sạch trước khi ăn hoặc chế biến, nhưng cũng không nên ỷ y cho rằng rửa sạch là có thể loại bỏ vi khuẩn, đặc biệt đối với các sản phẩm đã bị thu hồi. Arnold nhấn mạnh: “Rửa rau củ quả chỉ có thể giảm bớt mầm bệnh chứ không loại bỏ hoàn toàn, đặc biệt khi vi khuẩn đã bám sâu vào các kẽ hở hoặc xâm nhập vào bên trong thực phẩm.”
Detwiler cảnh báo, nếu quý vị rửa và gọt những thực phẩm bị nhiễm khuẩn (như cà rốt bị nhiễm E. coli), vi khuẩn có thể lan ra bồn rửa hoặc các bề mặt khác, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.
Không nên rửa thịt, cá, hoặc hải sản sống gần chỗ nấu nướng vì nước bắn ra có thể làm vi khuẩn lan sang các bề mặt hoặc các thực phẩm xung quanh.
Tránh lây nhiễm chéo:
Đồ sống và đồ chín phải để riêng. Để các loại thịt, cá và trứng sống xa khỏi rau củ quả hoặc các loại thực phẩm khác. Đồ sống trong tủ lạnh thì nên cất ở ngăn dưới cùng để tránh nước nhỏ giọt xuống các thực phẩm khác. Không sử dụng chung dao, thớt giữa thực phẩm sống và chín để tránh vi khuẩn lây lan. Sau khi nấu nướng, nên rửa thớt, dao bằng nước nóng và xà phòng, hoặc sử dụng dung dịch khử trùng (1 muỗng chlorine bleach pha với 1 gallon nước) để làm sạch.
Nấu ở nhiệt độ phù hợp:
Schaffner cho biết:“Nấu chín là một trong những biện pháp giữ an toàn thực phẩm hiệu quả nhất.” Tuy nhiên, hiệu quả phụ thuộc vào thời gian nấu và nhiệt độ của thiết bị. Vì vậy, nên sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ thực phẩm để đảm bảo thức ăn chín đều, đặc biệt, các loại thịt, cá nên được nấu nhiệt độ thấp nhất là 165°F (74°C). Kowalcyk nhấn mạnh: “Màu sắc và kết cấu của thực phẩm không phải là dấu hiệu đáng tin cậy để xác định đồ ăn đã thực sự chín hoàn toàn.”
Nhưng thật ra mà nói, hiếm ai ôm khư khư nhiệt kế để đo nhiệt độ lò hoặc đồ ăn mỗi khi nấu nướng. Và dù nấu chín có thể diệt khuẩn, nhưng khi thực phẩm đã được xác định có nguy cơ nhiễm khuẩn, thì quý vị cũng không nên mạo hiểm sử dụng. Bratager khuyến cáo: “Đừng chơi trò may rủi với sức khỏe của mình. Hãy vứt bỏ những thực phẩm bị thu hồi để bảo đảm an toàn.”
Nguồn: “Here’s why we’ve seen so many food recalls—and how to stay safe” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn