Đối với một số năm, việc xác định sự kiện chính trong năm là điều thật khó, đó là chưa nói đến việc tóm gọn nó trong một từ. Điều đó không xảy ra trong năm 2024; sự trở lại Bạch Ốc của Donald Trump sau bốn năm vắng bóng không chỉ quan trọng đối với quốc gia quyền lực nhất thế giới mà còn đối với các nước láng giềng và toàn cầu. Vậy từ nào có thể nắm bắt sự pha trộn giữa ngạc nhiên, phấn khích và lo ngại mà mọi người cảm thấy khi MAGA quay lại nắm quyền?
Trước tiên, hãy nói đến một kịch bản giả định. Nếu Kamala Harris thắng cử, tạp chí The Economist hẳn đã có một danh sách từ khóa khác cho danh hiệu “từ của năm”. Chiến dịch của Kamala được mô tả là tập trung vào “cảm xúc” hơn là chính sách. Sự hấp dẫn của bà đối với giới trẻ được gói gọn trong từ “brat” (thuật ngữ lóng của giới trẻ, diễn đạt tính trẻ trung, xuề xòa, không lễ nghi, thích tiệc tùng vui vẻ); Charli XCX, một ngôi sao nhạc pop người Anh, đã dành lời khen đó cho bà Harris. Nhưng bà Harris đã không chiến thắng, và do đó từ “brat” có lẽ chỉ đi vào lịch sử như một câu trả lời cho một câu đố kiến thức thường thức.
Để tìm ra từ khóa định nghĩa năm nay, cần nhìn lại - và nhìn xa hơn. Tiếng Anh có rất nhiều thuật ngữ chính trị bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, vì nhiều ý tưởng chính trị của nó được lấy từ những người như Plato và Aristotle. Nếu bạn nghiên cứu từ vựng, bạn sẽ thấy một số gốc từ nổi bật. Ví dụ, arche (người cai trị) xuất hiện trong các từ monarchy, oligarchy và anarchy (lần lượt là cai trị bởi một người, một nhóm nhỏ, hoặc không có dân).
Tiếng Hy Lạp còn có một gốc từ khác cho “quyền cai trị”, đó là kratia, và từ này xuất hiện thường xuyên hơn. Nó có mặt trong các từ chính trị như democracy (dân chủ), aristocracy (quý tộc), gerontocracy (lão quyền), theocracy (thần quyền) và plutocracy (chuyên chế tài phiệt). Ngoài ra còn có meritocracy (trị vì bằng tài năng), một từ hiện đại được nhà xã hội học người Anh Alan Fox tạo ra vào năm 1956 bằng cách kết hợp một gốc từ Latin với một gốc từ Hy Lạp.
Từ điển tiếng Anh Oxford cũng chứa đầy những từ hiếm hơn như ochlocracy (trị vì bởi đám đông), gynaeocracy (trị vì bởi phụ nữ) và thalassocracy (thống trị trên biển).
Hai chữ “-cracy” khác dường như phù hợp trong năm bầu cử này. Một là ‘theatrocracy’, nghĩa là trị vì bởi những ngôi sao kịch nghệ. Điều này nghe có vẻ như ám chỉ sự thống trị của giới tinh hoa truyền thông viết bài cho các mục văn hóa trên báo chí. Nhưng từ này có nguồn gốc từ Plato, người đã mô tả những người có kỹ năng khơi gợi cảm xúc của đám đông trong nhà hát trở thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ. Từ này, với cái nhìn sâu sắc, có thể là từ của năm 2016, khi một cựu ngôi sao truyền hình thực tế có tài năng lôi cuốn đám đông lần đầu tiên được bầu làm tổng thống.
Năm nay, sau khi Donald Trump tái đắc cử vào ngày 5 tháng 11, cả thế giới lo lắng theo dõi những vị trí hàng đầu Ông bổ nhiệm. Một số lựa chọn, như Susie Wiles cho chức chánh văn phòng và Marco Rubio, một thượng nghị sĩ lâu năm, làm ngoại trưởng, được đánh giá là đủ năng lực. Nhưng một loạt các đề cử trong tuần kết thúc vào ngày 15 tháng 11 đã dẫn đến sự gia tăng tìm kiếm một từ “-cracy” khác trên Google.
Từ đó là ‘kakistocracy’: trị vì bởi những người tồi tệ, đốn mạt nhất. Gốc từ đầu tiên, kakos, rất ít xuất hiện chung với các từ khác trong tiếng Anh. “Kakistocracy” không có trong các nguồn gốc cổ đại; dường như nó được tạo ra trong tiếng Anh như một từ trái nghĩa với aristocracy (trị vì bởi những người cao cả nhất). Từ này đã tăng mạnh trên Google Trends ngay sau ngày ông Trump tái đắc cử và nhảy vọt một lần nữa sau các đề cử kể trên.
Vẫn còn phải chờ xem triều đại mới của ông Trump sẽ chính thức tụ họp những thành phần tồi tệ đến mức nào. Trong nhiệm kỳ trước, ông dường như sa thải nhiều tay chân thuộc hạ hơn số chuyến đi của Ông trên Air Force One. (Nhiều người trong số họ sau đó trở thành nhà phê bình mạnh mẽ). Nhưng lần này thì khác, ông đã chọn người của mình dựa trên lòng trung thành là trên hết. Và nhiều người ủng hộ ông rất hài lòng, coi các lựa chọn của ông như việc chuẩn bị một đội binh quyết tiến để hạ gục một “nhà nước ngầm” mà họ căm ghét.
Kakistocracy mang âm thanh sắc bén như tiếng kính vỡ. Và điều này là tốt hay xấu phụ thuộc vào việc bạn có nghĩ rằng kính đáng bị vỡ hay không. Nhưng sự ngắn gọn và khả năng tóm gọn nỗi sợ hãi của một nửa nước Mỹ và phần lớn thế giới đã khiến nó trở thành từ của năm 2024 và của tạp chí The Economist.
Khánh Ân biên dịch
Nguồn: tạp chí The Economist, bài The Economist’s word of the year for 2024, đăng ngày 29 tháng 11, 2024.