Hôm nay,  

Kiến Nghị Bỏ Phiếu, Tiếng Nói Của Người Dân Đang Bị Nhiều Tiểu Bang Bảo Thủ Hạn Chế

06/12/202400:00:00(Xem: 1226)

EMS briefing nov 22
Nguồn ảnh: EMS
 
Quận Cam (VB) - Kiến nghị bỏ phiếu (ballot measure) là luật, vấn đề hoặc chủ đề được đưa vào lá phiếu toàn tiểu bang hoặc thành phố tại Hoa Kỳ để cử tri quyết định thông qua một cuộc bầu cử. Có nhiều loại kiến nghị bỏ phiếu khác nhau trên khắp Hoa Kỳ, bao gồm các đề nghị theo sáng kiến ​​của công dân được cơ quan lập pháp tiểu bang hoặc cơ quan quản lý địa phương đề cập đến. Cũng có các đề nghị được đưa vào lá phiếu theo luật tiểu bang hoặc yêu cầu của hiến pháp.
 
Gần đây, các kiến nghị bỏ phiếu trở thành một phương tiện mạnh mẽ để cử tri đưa ra quyết định về nhiều vấn đề quan trọng đối với họ, thí dụ như cải thiện sức khỏe, quyền phá thai, chế độ nghỉ bệnh có lương, mức lương tối thiểu, quyền tiếp cận nước sạch…
 
Không phải ngẫu nhiên mà các nỗ lực hạn chế quyền sử dụng kiến nghị bỏ phiếu đang gia tăng tại một số tiểu bang bảo thủ. 75 dự luật đã được đưa ra tại các cơ quan lập pháp tiểu bang vào năm 2023 để thay đổi các quy tắc, khiến quy trình kiến nghị bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn. Cho đến nay trong năm 2024, đã có 103 dự luật tấn công quyền kiến nghị bỏ phiếu; và sẽ có thêm nhiều dự luật vào năm tới.
 
Vào ngày 22 tháng 11 2024, Tổ Chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (EMS) tổ chức một cuộc họp báo trên mạng. Những diễn giả thảo luận vì sao người dân nên bảo vệ hình thức dân chủ quan trọng này, để hướng tới một tương lai mà sức khỏe là quyền của tất cả mọi người chứ không chỉ là đặc quyền của một số người. Các diễn giả trong cuộc họp báo:
 
Avenel Joseph, Phó Chủ Tịch Điều Hành Tạm Thời, Robert Wood Johnson Foundation
Chris Melody Fields Figueredo, Giám Đốc Điều Hành, Ballot Initiative Strategy Center Foundation (BISC)
Richard Von Glahn, Giám Đốc Chính Trị, Missouri Jobs with Justice
 
Theo diễn giả Avenel Joseph, kiến nghị bỏ phiếu là một hình thức dân chủ trực tiếp, không phân biệt đảng phái. Nó cho phép cử tri tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa đối với các vấn đề mà họ quan tâm, ngay cả khi chúng không được giải quyết bởi cơ quan lập pháp tiểu bang nơi họ sinh sống. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe, y tế. Theo một nghiên cứu gần đây của Health Affairs, trong số 534 cuộc trưng cầu dân ý của các tiểu bang và các sáng kiến ​​bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp được thông qua từ năm 2014 đến năm 2023, 63.5% liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, phổ biến nhất là liên quan đến phá thai và Medicaid.
 
Chỉ riêng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2024 vừa qua, cử tri ở bảy tiểu bang dùng các kiến nghị bỏ phiếu để bảo đảm quyền phá thai trong hiến pháp tiểu bang của họ. Cử tri ở Nebraska, Alaska và Missouri đã thông qua các biện pháp chấp thuận chế độ nghỉ bệnh có lương. Người dân Missouri cũng đã bỏ phiếu tăng lương tối thiểu lên 15 đô la một giờ.
 
Theo bà Joseph, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay đang có nhiều nỗ lực hạn chế quyền sử dụng kiến nghị bỏ phiếu tại một số các tiểu bang bảo thủ.  Các vị dân cử đứng về lợi ích của công ty hoặc đảng phái nhiều hơn là lợi ích cộng đồng mà họ đại diện. Những nỗ lực hạn chế quyền kiến nghị bỏ phiếu thường đến từ các nhóm lợi ích đặc biệt theo đảng phái. Ví dụ, tại Florida vào tháng 11 vừa qua, hơn 57% cử tri đã chấp thuận bảo vệ quyền tiếp cận phá thai cho đến 24 tuần mang thai. Nhưng kiến nghị này đã không được thông qua, do một tu chính án hiến pháp năm 2004 được Đảng Cộng Hòa và các nhóm lợi ích kinh doanh ủng hộ, đã nâng ngưỡng thông qua các kiến nghị bỏ phiếu từ 50% lên 60% cử tri.
 
Diễn giả Richard von Glahn cho biết quy trình kiến nghị bỏ phiếu đã tồn tại ở Missouri trong hơn 100 năm. Nó đóng vai trò như một biện pháp kiểm tra quan trọng đối với cơ quan lập pháp, đặc biệt là trong những năm mà cơ quan này không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
 
Proposition A vừa được thông qua vào tháng 11 năm 2024, bảo đảm chế độ nghỉ bệnh có lương và mức lương tối thiểu 15 đô la vào năm 2026 cho người lao động Missouri. Trước đây, cứ ba người Missouri đang làm việc thì có một người (tương đương khoảng 730.000 người) không được hưởng quyền lợi nghỉ phép có lương. Điều này cũng ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bởi vì nếu người lao động có bảo hiểm y tế, nhưng không dám nghỉ làm một ngày để đi khám bệnh vì không được trả lương, thì bảo hiểm đó chẳng có giá trị gì!
 
Hiện nay tại Missouri, một công nhân toàn thời gian hưởng mức lương tối thiểu hiện kiếm được chưa đến 500 đô la một tuần trước thuế. Đây không phải là mức lương đủ sống ở bất kỳ quận hạt nào trong tiểu bang, theo số liệu từ MIT.
 
Để đưa Kiến Nghị A (Proposition A) vào cuộc bỏ phiếu, gần 900 tình nguyện viên Missouri đã thu thập được hơn 210,000 chữ ký. Trong 10 ngày cuối cùng của cuộc bầu cử, hơn 1,500 tình nguyện viên đã gõ cửa hơn 150,000 ngôi nhà để thông báo cho cư dân hiểu rõ về kiến nghị này. Nhờ vậy nó đã được thông qua với đa số 58%.
 
Fran Marion, một người lãnh đạo chiến dịch vận động này là một nhân viên bán thức ăn nhanh đến từ Thành phố Kansas. Cô kể câu chuyện về thời điểm con gái cô bị bệnh phải nghỉ học ở nhà. Cô ấy phải đi làm để con ở nhà, và để thức ăn vào tủ đựng thức ăn cho con. Đứa con của cô hỏi: “Tại sao mẹ không ở nhà chăm sóc con?” Lẽ ra ở một xứ sở giàu có văn minh như Mỹ, không có người mẹ nào phải đưa ra một lựa chọn như vậy!
 
Vẫn theo Richard, hơn 500 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, đã ủng hộ Proposition A, vì họ biết rằng những người lao động được đối xử công bằng và an toàn chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Họ sẽ sử dụng thu nhập của mình để phát triển nền kinh tế địa phương. Đó cũng không phải là sự chia rẽ đảng phái. Ở các quận hạt nông thôn Missouri, cứ bốn người lao động thì có một người bỏ phiếu cho cả Donald Trump và Proposition A.
 
Theo diễn giả Chris Melody Fields Figueredo, việc dành được thắng lợi từ các kiến nghị bỏ phiếu trong kỳ  bầu cử vừa qua không có nghĩa là công việc của các nhà hoạt động đã kết thúc, đặc biệt là trong những tháng tới. Bà cho biết các cuộc tấn công vào quyền kiến nghị bỏ phiếu đang được BISC theo dõi trên toàn quốc. Những chiến thuật gây khó khăn phổ biến nhất của các nhà làm luật tiểu bang là thông qua các dự luật nâng tỷ lệ ngưỡng (tỉ lệ phiếu bầu cần thiết) để thông qua các kiến nghị; yêu cầu phức tạp hơn để đưa kiến nghị vào cuộc bỏ phiếu; hoặc đưa ra các yêu cầu phân bổ địa lý hạn chế khiến việc thu thập chữ ký trở nên khó khăn hơn. Điều này đặc biệt gây khó khăn đối với các tổ chức cơ sở thiếu kinh phí ở các cộng đồng nông thôn.
 
Ví dụ, vào tháng 11 vừa qua, Issue 1 — một biện pháp của Ohio đề nghị thành lập một ủy ban cư dân để phân chia các khu vực bầu cử của quốc hội và tiểu bang, khiến việc phân chia lại khu vực bầu cử trở nên khó khăn hơn đối với đảng cầm quyền đã không đạt được ngưỡng 50%, chủ yếu là do ngôn ngữ trong kiến nghị khó hiểu, khiến cư dân nhầm lẫn.
 
Cũng trong kỳ bầu cử vừa qua, Florida đã sử dụng tiền của người nộp thuế để ngăn chặn một kiến nghị bỏ phiếu đã được đa số người dân chấp thuận về quyền phá thai. Chính quyền cử cảnh sát đến nhà dân yêu cầu ký vào một văn bản xác nhận ủng hộ việc nâng ngưỡng thông qua kiến nghị lên 60%. Ở bất kỳ tiểu bang nào khác, 57% sẽ là đa số đủ để thông qua mọi kiến nghị. Nhưng ở Florida thì không, cho dù kiến nghị đã giành được nhiều hơn 1 triệu phiếu bầu so với Thống Đốc Ron DeSantis.
 
Bà Figueredo cho rằng ở nhiều tiểu bang khác cũng sẽ có sự cản trở tương tự, nơi mà kiến nghị bỏ phiếu được người dân ủng hộ nhiều hơn các vị dân cử. Bởi vì người dân không thấy những kiến nghị này mang tính đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Họ đang phải vật lộn để kiếm sống, nên chỉ muốn tăng mức lương tối thiểu, đơn giản vậy thôi!
 
Điều này cho thấy sự bất công từ nhiều chính phủ tiểu bang đang tồn tại ở Hoa Kỳ. Cần phải chống lại khuynh hướng này. Người dân có quyền tin tưởng vào bản thân và cộng đồng trước tiên. Các kiến nghị bỏ phiếu là cầu nối để khôi phục lòng tin đối với nền dân chủ của Hoa Kỳ, bằng cách cho phép người dân trực tiếp cải thiện các điều kiện về đời sống, sức khỏe thông qua lá phiếu của mình. Nó cần được bảo vệ ở một quốc gia dẫn đầu thế giới tự do dân chủ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
MEXICO CITY – Hôm thứ Ba (21/1), Nữ Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum nhấn mạnh bà sẽ bảo vệ chủ quyền và độc lập quốc gia, đồng thời vẫn sẽ tìm cách đối thoại với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trump bắt đầu nhiệm kỳ mới với một loạt các sắc lệnh, trong đó có những biện pháp nhằm siết chặt vấn đề nhập cư, theo Reuters.
(CHICAGO, ngày 21 tháng 1, Reuters) – Đợt bùng phát cúm gia cầm tại tiểu bang Georgia, nơi sản xuất gà nhiều nhất Hoa Kỳ, sẽ khiến các quốc gia nhập cảng thịt lớn trên thế giới áp đặt các lệnh cấm mậu dịch. Nếu điều này xảy ra, nhiều trang trại và nhà chế biến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Sử gia Ấn Độ Shashank Shekhar Sinha đã thách thức lý thuyết được chấp nhận rộng rãi rằng Phật giáo đã biến mất từ thế kỷ 13 ra khỏi Ấn Độ, nơi Phật giáo ra đời. Trong cuốn sách mới nhất của ông, nhan đề "Casting the Buddha: A Monumental History of Buddhism in India" (NXB Macmillan, New Delhi, 2024), Sinha chỉ ra rằng người Ấn Độ đã có những cuộc tranh luận về giáo lý của Phật giáo và đã đón nhận nhiều giáo lý trong số đó trong nhiều thế kỷ sau khi Phật giáo bị tuyên bố là "đã chết" ở Ấn Độ.
BRUSSELS – Hôm thứ Hai (20/1), Ủy viên Môi trường EU Jessika Roswall cho biết, Ủy ban Âu Châu (EC) chuẩn bị đưa ra lệnh cấm sử dụng các hợp chất PFAS, hay còn được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” (forever chemicals), trong các sản phẩm tiêu dùng, ngoại trừ một số trường hợp thực sự cần thiết cho một số ngành công nghiệp, theo Reuters.
Vào tối Thứ Bảy 18 tháng 1, 2025, dạ tiệc Mừng Xuân Ất Tỵ 2025 của Hội Y Sĩ Việt Nam Miền Nam California (VPASC) được tổ chức tại Hyatt Regency thành phố Irvine
Trước khi chính thức nhậm chức lần thứ hai, Donald Trump đã cam kết ban hành khoảng 100 sắc lệnh hành pháp nhằm tái định hình toàn diện các chính sách của chính phủ. Từ việc siết chặt thực thi luật nhập cư, giảm bớt các sáng kiến đa dạng, cho đến bãi bỏ các quy định về môi trường, các sắc lệnh này không chỉ phản ánh tham vọng của Trump mà còn mang mục tiêu xóa bỏ phần lớn di sản chính trị mà Joe Biden để lại. Trump không phải là vị Tổng thống đầu tiên sử dụng sắc lệnh hành pháp, và chắc chắn cũng không phải là vị cuối cùng. Theo Sharece Thrower, giảng sư về Khoa học chính trị tại Đại học Vanderbilt, sắc lệnh hành pháp đã trở thành công cụ quen thuộc trong chính trị Hoa Kỳ; chúng mang đến nhiều lợi thế cho Tổng thống, nhưng cũng có những giới hạn đáng kể.
Một đoạn clip ghi lại cử chỉ của Elon Musk tại lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên nhiều tranh cãi vì rất giống "lời chào của Hitler", theo đài truyền hình SVT, Thụy điển. Trong buổi lễ diễn ra tại Capital One Arena, Elon Musk cám ơn các cử tri và thực hiện cử chỉ đập vào ngực mình rồi giơ tay thẳng lên theo đường chéo. Hành động này nhanh chóng thu hút sự chú ý và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Các nhà phê bình đã chỉ trích rất gay gắt, nhiều người cho rằng đó là "lời chào kiểu Hitler" trong khi những người khác lại cho rằng đó chỉ là một cái vẫy tay chào khán giả.
Lễ nhậm chức lần hai của Trump không giống với bất kỳ lễ nhậm chức nào trước đây. Thay vì kêu gọi đoàn kết dân tộc như truyền thống, Trump chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Biden, nhấn mạnh rằng nước Mỹ dưới thời ông Biden đã rơi vào tình trạng "sụp đổ." Bài phát biểu của tân tổng thống mang đậm phong cách vận động tranh cử, tập trung vào các chính sách cụ thể thay vì những thông điệp ý nghĩa quốc gia truyền cảm hứng hay lời cảm ơn đến người tiền nhiệm. Điều này phản ánh tính cách lãnh đạo đặc trưng của Trump: không ngại đối đầu và luôn đặt bản thân làm trung tâm.
Vụ kiện do Nippon Steel Corp. đệ trình chống lại chính quyền Biden sẽ bắt đầu vào ngày 3 tháng 2/2025, theo Kyodo News đưa tin hôm thứ Hai trích dẫn các tài liệu của tòa án. Công ty Nhật Bản đã kiện chính quyền cùng với US Steel
Ngày 20 tháng 1 năm 2025, lịch sử Hoa Kỳ lật qua một trang sử mới. Qua một thủ tục chuyển quyền hiến định, tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 và sẽ thay đổi một số chính sách cơ bản cho nhiệm kỳ sắp tới...
Ngày 19 tháng 1, người dùng tại Mỹ đã có thể sử dụng Tiktok trở lại, sau khi ứng dụng này tự ngừng hoạt động vào cuối tuần, thời hạn chót để công ty chủ Trung Quốc ByteDance thoái vốn tại Mỹ.
WASHINGTON – Hôm Chủ Nhật (19/1), trong buổi vận động hoành tráng tại Capital One Arena ở Washington, Donald Trump tuyên bố trước hàng ngàn người ủng hộ cuồng nhiệt rằng ông sẽ giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử, áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về nhập cư ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, theo Reuters.
BERLIN – Theo một tài liệu mật mà Reuters được xem hôm thứ Bảy (18/1), Đại sứ Đức tại Hoa Kỳ Andreas Michaelis đã cảnh báo rằng chính quyền Trump sắp tới sẽ tước đi sự độc lập của các cơ quan thực thi pháp luật và truyền thông, đồng thời trao “quyền đồng quản trị” cho các tập đoàn công nghệ lớn.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.