Rau cải đắng như cải Brussels, cải xoăn, và bông cải xanh, mướp đắng thường bị "xa lánh" vì vị đắng. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện đang chỉnh sửa gen để làm giảm vị đắng, giúp những loại rau này dễ ăn hơn.
Các hợp chất tạo vị đắng, chẳng hạn glucosinolate trong cải Brussels, không chỉ làm rau khó ăn mà còn là nguồn lợi ích sức khỏe, như giảm viêm, chống oxy hóa, và ngừa ung thư. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học loại bỏ hoặc giảm bớt những enzyme gây đắng, các lợi ích này cũng có thể giảm.
Công nghệ chỉnh sửa gen như CRISPR-Cas9 đã được sử dụng để cải thiện nhiều loại cây trồng. Công ty Pairwise đã trồng loại cải xanh mù tạt ít đắng hơn và đã đưa sản phẩm ra thị trường. Tương tự, công ty Fresh Del Monte tạo ra dứa "Pinkglow" ít chua hơn cũng bằng cách thay đổi gen.
Dù vậy, giảm vị đắng không phải lúc nào cũng tốt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những hợp chất đắng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, như hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện kháng insulin, và ngăn ngừa béo phì. Một số chất này có thể được tái tạo trong ruột nhờ vi sinh vật, nhưng không đầy đủ như khi ăn sống.
Các nhà khoa học đang cố gắng cân bằng giữa việc cải thiện hương vị và giữ lại giá trị dinh dưỡng. Ví dụ, cải Brussels đã được lai tạo vào những năm 1990 để giảm glucosinolate nhưng vẫn giữ năng suất cao. Nhờ đó, lượng tiêu thụ cải Brussels ở Mỹ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.
Chỉnh sửa gen có thể giúp rau quả hấp dẫn hơn, khuyến khích mọi người ăn nhiều hơn, từ đó cải thiện sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, sự cân bằng là rất quan trọng để không làm mất đi giá trị cốt lõi của thực phẩm.