Bộ não của chúng ta không ngừng sàng lọc thông tin, loại bỏ những kiến thức không còn cần thiết để nhường chỗ cho thông tin mới quan trọng hơn. Tuy nhiên, khi tuổi tác tăng, khả năng này suy giảm, khiến việc tiếp nhận kiến thức mới trở nên khó khăn hơn. Đây là một trong những kết luận quan trọng từ luận án nghiên cứu gần đây của Đại học Örebro, Thụy điển.
Trong khi ở những người trẻ tuổi, bộ não hoạt động hiệu quả trong việc "dọn dẹp" các thông tin không cần thiết, thì khi tuổi già đến, quá trình này dần yếu đi. Điều này dẫn đến việc thông tin cũ "can thiệp" vào trí nhớ ngắn hạn, cản trở khả năng học hỏi kiến thức mới. Hiện tượng này được gọi là "nhiễu loạn chủ động", một dạng rối loạn trí nhớ phổ biến ở người lớn tuổi.
Luận án từ Đại học Örebro đã tập trung nghiên cứu sự thay đổi trong cấu trúc và chức năng của bộ não khi hiện tượng này xảy ra. Các nhà khoa học nhận thấy rằng ở những người lớn tuổi bị rối loạn trí nhớ, sự giao tiếp giữa các vùng của não trở nên kém hiệu quả hơn, đặc biệt là chất lượng của các sợi thần kinh kết nối giữa những vùng này suy giảm.
Một yếu tố quan trọng khác liên quan đến sự suy giảm trí nhớ là vùng hippocampus, một phần của não có vai trò chủ chốt trong việc ghi nhớ các sự kiện và thông tin. Khi tuổi già đến, vùng này bắt đầu co lại, gây ra nhiều vấn đề trong việc phân loại và lưu trữ thông tin mới. Sự suy giảm của hippocampus làm tăng nguy cơ "nhiễu loạn chủ động", khiến bộ não khó phân biệt giữa thông tin cũ và mới, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học hỏi.
Tiến sĩ Pernilla Andersson, nhà nghiên cứu chính trong luận án, giải thích: "Hippocampus đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhận bối cảnh của các sự kiện. Khi vùng này thu nhỏ, khả năng xử lý thông tin mới giảm đi rõ rệt, và trí nhớ suy giảm đáng kể."
Mặc dù có sự suy giảm chức năng trí nhớ ở nhiều người lớn tuổi, tuy vậy không phải ai cũng gặp phải vấn đề này. Có một sự khác biệt lớn về khả năng trí nhớ giữa những người cùng độ tuổi. Một số người vẫn duy trì trí nhớ tốt, trong khi những người khác lại gặp khó khăn. Điều này cho thấy sự đa dạng trong quá trình lão hóa nhận thức và cần được nghiên cứu nhiều hơn để hiểu rõ nguyên nhân.
Tiến sĩ Andersson cho biết thêm: "Chúng tôi vẫn chưa biết hết những yếu tố quyết định ai sẽ gặp rối loạn trí nhớ khi già và ai không. Đây là lĩnh vực nghiên cứu mà tôi mong muốn tiếp tục khám phá."
Mặc dù các nghiên cứu về quá trình lão hóa nhận thức vẫn đang trong giai đoạn phát triển, một số nghiên cứu đã cho thấy các phương pháp như thiền chánh niệm (mindfulness) có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát nhiễu loạn chủ động. Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định các biện pháp cụ thể giúp giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ khi về già.
Hiện nay, vẫn chưa có lời khuyên cụ thể nào về cách ngăn ngừa tình trạng này. Nhưng với những tiến bộ trong nghiên cứu não bộ, hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm tìm ra những giải pháp hiệu quả để duy trì trí nhớ và khả năng học hỏi ngay cả khi tuổi đã cao.
Gửi ý kiến của bạn