HOA KỲ – Hôm thứ Ba (29/10), tòa án đã bác bỏ vụ kiện mà Đảng Cộng hòa đệ trình nhằm yêu cầu bang Pennsylvania phải thắt chặt quy trình xác minh phiếu bầu của các cử tri là quân nhân và các cử tri ở nước ngoài, theo Reuters.
Vụ kiện này được sáu DB trong Hạ viện Hoa Kỳ đệ trình ngày 30 tháng 9. Sáu vị DB này đang tái tranh cử vào ngày 5 tháng 11, cho rằng Pennsylvania đã miễn xác minh giấy tờ tùy thân đối với các cử tri ở nước ngoài, làm tăng nguy cơ gian lận phiếu bầu.
Pennsylvania là một trong số ít các bang đang diễn ra cuộc cạnh tranh sát sao, có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuối cùng của cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc giữa hai ứng viên Donald Trump (Đảng Cộng hòa) và Kamala Harris (Đảng Dân chủ).
Thẩm phán Christopher Conner ở Harrisburg đã bác bỏ vụ kiện, lý do là vì bên nguyên đơn đệ đơn quá trễ trong khi các quy trình bầu cử của Pennsylvania đã được áp dụng từ nhiều năm.
Đây là một trong số hàng chục vụ kiện mà Đảng Cộng hòa đã tiến hành trên khắp Hoa Kỳ, nhằm thách thức các quy trình bầu cử hoặc ‘thanh lọc’ những cử tri được cho là không hợp lệ ra khỏi danh sách để ngăn chặn gian lận bầu cử. Tuy nhiên, chiến dịch pháp lý này có vẻ như không được suôn sẻ. Trong ba tuần qua, các đồng minh của Trump đã thua ít nhất 11 vụ kiện tại các tiểu bang đang trong vòng tranh chấp (battleground states).
Chiến dịch tranh cử của Harris hoan nghênh phán quyết này. Một phát ngôn viên của chiến dịch cho biết: “Những người đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta phải được quyền tham gia bầu cử tại quê nhà, và phán quyết này bảo vệ quyền cơ bản đó.”
Trong phán quyết, thẩm phán nhấn mạnh rằng Erick Kaardal, luật sư của nguyên đơn, không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy có sự can thiệp từ nước ngoài đối với các lá phiếu gửi từ nước ngoài gửi về Pennsylvania.
Trong phiên tòa ngày 18 tháng 10, luật Kaardal chỉ nói rằng đó là “những mối quan ngại” chứ không có bằng chứng cụ thể. Thẩm phán Conner viết: “Các nguyên đơn không thể dựa vào những lo ngại mơ hồ về nguy cơ can thiệp từ nước ngoài để biện minh cho sự thiếu cẩn trọng và chậm trễ của mình.”
Trong phiên toà, khi bị phía Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ và các viên chức bầu cử Pennsylvania phản đối, Kaardal lập luận: “Không ai muốn những lá phiếu không hợp lệ hay từ các quốc gia như Iran hay Nga được tính vào kết quả bầu cử.”
Viện Nghiên cứu Bầu cử (Election Research Institute), một tổ chức bảo thủ do luật sư Karen DiSalvo đại diện hợp tác với Kaardal để đệ đơn kiện, cho biết các nguyên đơn thất vọng với phán quyết này và đang cân nhắc các phương án kháng cáo.
Trong tháng 10, tòa án tại Michigan và North Carolina cũng đã bác bỏ các vụ kiện tương tự của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn quyền bỏ phiếu của một số công dân Hoa Kỳ đang sống ở nước ngoài. Đảng Cộng hòa cho rằng Michigan và North Carolina đã sai khi cho phép công dân Hoa Kỳ sống ở nước ngoài được quyền bỏ phiếu dù từng cư trú tại các bang này.