BERLIN – Hôm thứ Hai (16/9), Đức đã quyết định tái khôi phục các biện pháp kiểm soát biên phòng tạm thời tại các khu vực biên giới với Pháp và Hà Lan, một phần trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp và tội phạm xuyên biên giới, theo Reuters.
Quyết định này cho thấy chính sách nghiêm khắc, cứng rắn hơn của chính phủ Đức đối với vấn đề di cư khi số lượng di dân ngày càng gia tăng, đặc biệt là di dân tị tạn đến từ khu vực Trung Đông. Ngoài ra, sự ủng hộ đối với các đảng cực hữu và bảo thủ - thường có quan điểm chống nhập cư - cũng ngày càng tăng, tạo áp lực buộc chính phủ phải có những hành động mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia về di cư lại bày tỏ sự lo ngại, nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp này trong dài hạn. Nhiều ý kiến cho rằng những phương thức như vậy mang tính tượng trưng hơn là thực sự nỗ lực giải quyết vấn đề. Hans Vorlaender, Chủ tịch Hội các chuyên gia về di cư của Đức, cho biết: “Mục tiêu chủ yếu là để răn đe những ai có ý định nhập cảnh trái phép, và thể hiện rằng chính phủ có thể kiểm soát được tình hình.”
Vorlaender cho biết thêm rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp ngăn chặn tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, các mạng lưới buôn lậu người sẽ tìm ra những con đường mới để qua mặt các biện pháp kiểm soát này. Vì vậy, phương pháp bền vững hơn chính là giải quyết các đơn xin tị nạn ngay từ biên giới bên ngoài Liên hiệp Âu Châu (EU).
Kiểm soát chặt chẽ hơn
Tại biên giới phía đông của Đức, trên cây cầu nối liền thị trấn Frankfurt-Oder với Slubice (Ba Lan), cảnh sát Đức đã thiết lập các trạm kiểm soát nghiêm ngặt. Kerstin Rubelt, một cư dân địa phương ủng hộ biện pháp này, cho biết: “Đây là điều đúng đắn và lẽ ra nên làm sớm hơn.”
Tuy nhiên, một nhóm nhỏ các nhà hoạt động ủng hộ người tị nạn đã tổ chức biểu tình để phản đối, mang theo biểu ngữ với nội dung như “Mở rộng Trái tim, Mở rộng Tư tưởng, Mở rộng Biên giới” (Open Hearts, Open Minds, Open Borders).
Rene Pachmann, một tuyên úy trường Công giáo tại European University Viadrina, cho biết: “Vấn đề cần được xem xét không phải là việc di dân nhập cư có hợp pháp hay không, hay họ có phạm tội không. Vấn đề cần được chú trọng là tình trạng phân biệt chủng tộc, được kích thích và thúc đẩy bởi các biện pháp này.”
Nghi ngờ về hiệu quả
Khi số lượng đơn xin tị nạn tại Đức đã giảm 21.7% trong 8 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser tin rằng điều này là nhờ các biện pháp kiểm soát được áp dụng từ năm ngoái, ngăn chặn hơn 30,000 trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp. Tuy nhiên, các chuyên gia về di cư lại tỏ ra hoài nghi, cho rằng khó có thể khẳng định việc giảm số lượng đơn xin tị nạn là nhờ các biện pháp kiểm soát này.
Các biện pháp kiểm soát hiện nay chủ yếu nhắm vào những người xin tị nạn đến từ các quốc gia lân cận EU, vì theo quy định Dublin của EU, người tị nạn phải nộp đơn tại quốc gia EU đầu tiên mà họ đến. Nhưng chỉ có 30% số đơn xin tị nạn tại Đức là theo đúng quy định này.
Marcus Engler, một chuyên gia từ Trung tâm German Center for Integration and Migration Research (DeZIM), cho biết các mô hình di cư thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như bất ổn chính trị tại quê nhà và những thay đổi trong chính sách của EU và chính phủ các nước. Ông nhấn mạnh: “Rất khó để đánh giá một cách khoa học liệu các biện pháp kiểm soát biên phòng có thực sự làm giảm số lượng di dân lậu hay không.”
Theo Maximilian Pichl, giáo sư về luật tị nạn tại trường RheinMain University of Applied Sciences, Đức vẫn tuân thủ luật tị nạn của EU và cung cấp các quy trình giải quyết riêng cho từng trường hợp xin tị nạn. Điều này khiến Đức trở thành điểm đến hấp dẫn cho di dân. Ngoài ra, các cộng đồng và mạng lưới di dân hiện có Đức cũng là một yếu tố thu hút thêm di dân mới.
Chỉ trích và lo ngại
Hiện nay, Đức đã mở rộng kiểm soát biên phòng đến các khu vực biên giới phía bắc và phía tây (giáp với các quốc gia Bỉ, Luxembourg và Đan Mạch), và duy trì kiểm soát chặt chẽ ở các biên giới phía đông và phía nam (giáp với Ba Lan, Tiệp Khắc, Áo và Thụy Sĩ).
Tính đến thứ Hai (16/9), dù lưu lượng giao thông qua các khu vực biên giới vẫn diễn ra suôn sẻ, nhưng việc Đức siết chặt kiểm soát biên phòng lại vấp phải sự phản đối từ các nước láng giềng, như Ba Lan và Áo. Họ cho rằng việc kiểm soát biên giới vi phạm nguyên tắc tự do đi lại trong khối EU, vốn là một trong những nguyên tắc cơ bản của Liên hiệp Âu Châu. Họ lo ngại rằng các biện pháp này có thể làm suy yếu sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên trong EU.
Tại Schengen, Luxembourg – nơi khởi nguồn của ý tưởng “Âu Châu không biên giới” – một cư dân địa phương tên Lucien Max tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát biên phòng. Ông cho biết: “Liệu họ có thể bắt giữ đúng người cần bắt không, hay thực ra chỉ gây phiền toái cho người dân?”
Bộ Nội vụ Đức đã nhấn mạnh rằng mọi hành động mang tính phân biệt chủng tộc từ phía cảnh sát là không thể chấp nhận và vi phạm pháp luật.