Điện thoại thông minh (smartphone) của chúng ta có “phân biệt giới tính” không? Nhiều “trợ lý ảo thông minh” được thiết kế với giọng nói (voice assistants) như Siri, Alexa và Cortana sử dụng giọng nữ và bị chỉ trích vì khiến người dùng có khuynh hướng coi phụ nữ là “kẻ bề tôi.” Nhưng liệu các công nghệ này có thật sự thúc đẩy định kiến về giới tính, hay chỉ đang phản ánh hiện thực của xã hội chúng ta?
Những chỉ trích về giới tính của các trợ lý voice assistants xuất hiện cùng với những lần ra mắt rầm rộ của các tiếng nói độc quyền – rất nhiều giọng nữ – đi kèm với điện thoại smartphone và các công nghệ khác. Sự phản đối càng tăng khi số lượng người sử dụng trợ lý voice assistants ngày càng nhiều, dự kiến sẽ đạt 8.4 tỷ người trên toàn thế giới vào cuối năm 2024.
Tại sao lại có sự phản đối?
Trong một báo cáo về các phần mềm voice assistants của UNESCO năm 2019, Saniye Gülser Corat, giám đốc cơ quan của UNESCO về bình đẳng giới tính, cho biết: “Những cỗ máy biết nghe lời và tuân theo mệnh lệnh được thiết kế mang giọng nữ đang xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta như nhà cửa, xe cộ và văn phòng. Khả năng phục tùng của các cỗ máy này ảnh hưởng đến cách mọi người nói chuyện với phụ nữ và tạo ra mô hình hành vi rằng phụ nữ nên luôn sẵn sàng phục vụ, phục tùng.”
Theo báo cáo từ cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các trợ lý thông minh như Siri và Alexa thường có giọng nữ vì các công ty công nghệ cho rằng người dùng tin tưởng và ưa thích nghe giọng nữ hơn.
Nghe giọng bắt hình dong
Naim Zirau, đồng tác giả của một nghiên cứu năm 2021 về voice assistants, giới tính và độ cao của âm thanh tại Đại học St. Gallen, Thụy Sĩ, cho biết: “Giọng nói rất phức tạp và đa chiều.” Các yếu tố như tuổi tác, giới tính của người nghe và nhiệm vụ của phụ tá di động đều ảnh hưởng đến phản ứng của chúng ta.
Nhóm nghiên cứu của Zirau đã phát triển một giao diện giọng nói với các giọng nói có âm điệu khác nhau, và cho giao các nhiệm vụ hỗ trợ đặt vé máy bay hoặc thực hiện một cuộc khảo sát tài chính. Kết quả cho thấy, chỉ cần nghe giọng nói mà họ có thể liên tưởng đến một giới tính cụ thể, là đã khiến họ đưa ra những giả định rập khuôn về ‘phụ tá ảo’ đó.
Người dùng thường gán các định kiến cho giọng nữ là “tinh tế” và “dễ đồng cảm” trong khi giọng nam thì được đánh giá là có tính “lấn lướt.” Hơn nữa, dù có tùy chọn “không chọn giới tính” (undecided) cho giọng nói, thì ngay cả khi nghe giọng nói không rõ ràng là giọng nam hay nữ, những người tham gia nghiên cứu vẫn có khuynh hướng gán cho giọng đó một giới tính nhất định. Zirau nhận xét: “Mọi người thường nhìn nhận giới tính theo kiểu không phải nam thì là nữ, không phải nữ thì là nam.”
Theo một số nhà nghiên cứu, chúng ta có thể xác định giới tính của một giọng nói rất nhanh, chỉ trong năm giây. Tuy nhiên, sở thích về giọng nói của chúng ta có thể mâu thuẫn với nhau. Thí dụ, một cuộc khảo sát năm 2020 cho thấy dù đa số cả nam giới và nữ giới đều thích nghe giọng nữ trên loa thông minh (smart speaker), nhưng chất giọng địa phương lại có ảnh hưởng lớn đến việc người dùng có tin tưởng giọng nói đó hay không, bất kể đó là giọng nam hay giọng nữ. Và các nghiên cứu khác chỉ ra rằng sự tin tưởng của mọi người đối với các giọng nói cũng thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội.
Hiệu ứng “Phụ nữ thật tuyệt vời”
Tại sao việc giọng nói của máy tính là giọng nam hay nữ lại thu hút đến vậy? Chris Mayhorn, trưởng khoa tâm lý học của Đại học North Carolina State University, cho biết con người có khuynh hướng “nhân cách hóa” máy móc và tự động sử dụng các chuẩn mực xã hội khi nghe thấy giọng nói nào đó.
Nghiên cứu mới của Chris Mayhorn cho thấy người dùng thường tin tưởng giọng nữ hơn khi được tư vấn về thuốc men, và cảm thấy giọng nữ “hòa hoãn thân ái” hơn giọng nam – một dạng định kiến xã hội mà một số người còn gọi là hiệu ứng “Phụ nữ thật tuyệt vời” (women-are-wonderful effect).
Mayhorn giải thích thêm, không phải mọi người cho rằng máy tính hay trợ lý voice assistants là một ai đó có giới tính thực sự. Đúng hơn, họ mang các định kiến và chuẩn mực xã hội của mình áp dụng vào mọi thứ xung quanh, bao gồm cả máy móc và công nghệ như voice assistants.
Các công ty công nghệ cũng góp phần vào điều này bằng cách đặt tên và tạo giọng nữ cho các phần mềm phụ tá di động. Và dù nhiều công ty đã loại bỏ các dấu hiệu như “nữ” và “nam” khỏi các tùy chọn giọng nói, nhưng từ ban đầu, hầu hết các voice assistants đều được xác định là nữ trong hệ điều hành của họ. Thậm chí một số phần mềm voice assistants còn được lập trình để đáp lại những lời cợt nhả, ve vãn bằng những câu bông đùa, đưa đẩy.
Một phát ngôn viên của Microsoft từng nói với tờ Wall Street Journal vào năm 2017 rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một phụ tá hữu ích, đỡ đần được nhiều việc và đáng tin cậy, nên giọng nữ là lựa chọn phù hợp hơn.”
Các công ty khác thì không giải thích rõ ràng về lý do tại sao họ chọn giọng nữ cho các phụ tá di động để thực hiện những nhiệm vụ như lập kế hoạch, lên lịch trình, trả lời thư từ và gửi lời nhắc: tất cả những nhiệm vụ này thường được coi là công việc của phụ nữ trong gia đình và ở nơi làm việc.
“Cuối cùng, mục tiêu của các công ty là tìm ra những yếu tố giúp tăng sự tương tác của người dùng với phần mềm của họ,” Zirau, hiện là kỹ sư AI cao cấp tại IBM cho biết.
Một tương lai không rạch ròi giới tính?
Trong tương lai, liệu các phần mềm voice assistants mang giọng nữ có giảm bớt và sẽ có nhiều phần mềm được thiết kế trung tính hơn? Có thể. Hiện tại, mặc dù các hệ thống voice assistants đều có cả tùy chọn giọng nam và nữ, nhưng giọng trung tính vẫn chưa được sử dụng nhiều.
Apple là một ngoại lệ, họ có cung cấp tùy chọn giọng trung tính cho Siri, các giọng này được ghi âm bởi thành viên của cộng đồng LGBTQ+. Tuy nhiên, giọng trung tính không phải là tùy chọn cài sẵn trên hệ thống. Ngoài ra, nghiên cứu tâm lý về cách người dùng phản ứng và tương tác với các giọng nói không phân rõ giới tính vẫn còn mới mẻ và chưa có nhiều thông tin.
Chỉ mới chục năm trước, trợ lý thông minh, hay voice assistants, nghe vẫn còn rất lạ lẫm, nhưng đến nay thì công nghệ này hầu như đã quá quen thuộc với mọi người. Trong năm 2022, có khoảng 142 triệu người sử dụng voice assistants, và con số này dự kiến sẽ đạt 157.1 triệu người vào năm 2026, gần bằng một nửa dân số Hoa Kỳ. Đại dịch Covid-19 và việc sử dụng điện thoại smartphone ngày càng nhiều đã góp phần vào sự gia tăng mạnh mẽ của các phần mềm phụ tá di động.
Nghiên cứu của Mayhorn cũng cho thấy người cao niên hiện đang sử dụng voice assistants nhiều hơn trước, thậm chí còn sử dụng còn sành sỏi hơn cả các sinh viên đại học. Có thể thấy công nghệ này ngày càng được nhiều người đón nhận và đánh giá cao.
Voice assistants đang trở nên rất phổ biến và dự kiến sẽ được hơn một nửa người dân Hoa Kỳ sử dụng vào năm 2026. Tuy nhiên, đây vẫn là công nghệ tương đối mới mẻ, chỉ mới được trình làng khoảng 13 năm. Vì vậy, chúng ta vẫn còn thời gian để xem xét và giải quyết những nguy hại tiềm ẩn từ định kiến về giới tính trong các phần mềm phụ tá di động. Một giải pháp hữu ích là tăng cường sự đa dạng giới tính trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng cuối cùng thì chỉ có thời gian mới trả lời được liệu những kỳ vọng về giới tính của voice assistants có thể thay đổi hay không.
Nguồn: “Why do so many virtual assistants have female voices?” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn