Một thử nghiệm lâm sàng lớn ở Nam Phi và Uganda đã cho thấy tiêm thuốc lenacapavir hai lần mỗi năm có thể bảo vệ hoàn toàn (100%) trước nguy cơ bị nhiễm HIV. Lenacapavir một loại thuốc chích ngừa trước (pre-exposure prophylaxis, PrEP) nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV.
Thử nghiệm cũng so sánh hiệu quả của thuốc mới với hai loại thuốc PrEP khác dạng viên uống hàng ngày. Khoa học gia – bác sĩ Linda-Gail Bekker sẽ giải thích về tầm quan trọng của tiến bộ này và những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Về thử nghiệm và mục tiêu
Thử nghiệm Purpose 1 có 5,000 người tham gia, được thực hiện tại 3 địa điểm ở Uganda và 25 địa điểm ở Nam Phi, nhằm kiểm tra hiệu quả của lenacapavir và hai loại thuốc khác.
Lenacapavir (Len LA) là một chất ức chế capsid (vỏ bên ngoài protein của virus) của HIV, được tiêm dưới da 6 tháng/lần. Thử nghiệm này được tài trợ bởi công ty dược Gilead Sciences nhằm kiểm tra nhiều yếu tố. Các đối tượng tham gia thử nghiệm được chia ngẫu nhiên vào các nhóm khác nhau để so sánh các kết quả thu được.
Thử nghiệm này nhằm kiểm tra hai vấn đề chính. Mục tiêu đầu tiên là kiểm tra xem liệu tiêm lenacapavir 6 tháng/ lần có an toàn và hiệu quả hơn viên uống PrEP hàng ngày Truvada F/TDF trong việc bảo vệ phụ nữ từ 16 đến 25 tuổi khỏi bị nhiễm HIV hay không.
Thứ hai, thử nghiệm muốn kiểm tra xem liệu viên uống hàng ngày mới hơn Descovy F/TAF có hiệu quả như F/TDF hay không, vì F/TAF có ưu điểm về tính chất dược động học và kích thước nhỏ hơn.
Thử nghiệm chia nhóm phụ nữ trẻ thành ba nhóm theo tỷ lệ 2:2:1 để tiêm thuốc lenacapavir, uống F/TAF, hoặc uống F/TDF, và sử dụng phương pháp “double blinded,” tức là cả người tham gia và nhà nghiên cứu đều không biết người tham gia đang được nhận loại điều trị nào cho đến khi thử nghiệm kết thúc.
Ở khu vực Đông và Nam Phi, các cô gái trẻ là nhóm đối tượng có tỷ lệ nhiễm HIV mới cao nhất và gặp khó khăn trong việc sử dụng thuốc PrEP hàng ngày vì nhiều lý do, chẳng hạn như bị kỳ thị, khó tìm đến các dịch vụ y tế để nhận thuốc, hay thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của thuốc.
Trong giai đoạn ngẫu nhiên của thử nghiệm, không có ai trong số 2,134 người được tiêm lenacapavir bị nhiễm HIV, chứng tỏ thuốc có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm này. Trong khi đó, có 16 trong số 1,068 người (khoảng 1.5%) dùng Truvada (F/TDF) và 39 trong số 2,136 (khoảng 1.8%) người dùng Descovy (F/TAF) bị nhiễm HIV.
Sau khi xem xét kết quả kiểm tra, ban giám sát an toàn dữ liệu đã khuyến nghị dừng giai đoạn blinded của thử nghiệm. Ban giám sát này gồm các chuyên gia, được thành lập từ khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng. Họ theo dõi dữ liệu không bị che giấu vào những thời điểm cụ thể để giám sát tiến trình và an toàn của thử nghiệm. Ban giám sát đảm bảo rằng thử nghiệm sẽ không được tiếp tục tiến hành nếu có hại hoặc nếu một nhóm điều trị có lợi ích rõ ràng hơn các nhóm khác.
Ý nghĩa của các thử nghiệm này là gì?
Kết quả của các thử nghiệm cho thấy tiêm lenacapavir 2 lần/năm có hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn nhiễm HIV ở phụ nữ trẻ, mang lại hy vọng về một phương pháp phòng ngừa HIV hiệu quả.
Trong năm qua, đã có 1.3 triệu ca nhiễm HIV mới trên toàn thế giới. Dù con số này ít hơn 2 triệu ca nhiễm vào năm 2010, nhưng với tốc độ giảm hiện tại, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của UNAIDS cho năm 2025 (giảm số ca nhiễm HIV mới xuống dưới 500,000 ca trên toàn cầu) hoặc thậm chí là mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030.
PrEP không phải là biện pháp phòng ngừa duy nhất.
PrEP nên được sử dụng cùng với các bộ kit tự xét nghiệm HIV, bao cao su, các biện pháp sàng lọc và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục (STIs), cùng với các biện pháp tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, các anh cũng nên được cho cắt bao quy đầu để giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Mặc dù có những biện pháp này, chúng ta vẫn chưa thể ngăn chặn hoàn toàn các ca nhiễm HIV mới, đặc biệt là ở giới trẻ. Vì các cô, các cậu thường gặp khó khăn trong việc duy trì thói quen uống thuốc hàng ngày hoặc sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.
Các khoa học gia hy vọng rằng việc chỉ phải chủng ngừa HIV 6 tháng/lần sẽ giúp giảm bớt sự phức tạp và những rào cản mà người trẻ gặp phải.
Có nhiều cô gái trẻ sống ở vùng nông thôn hoặc khu vực thiếu điều kiện y tế, và gặp khó khăn trong việc đi khám để nhận thuốc, hoặc bị kỳ thị, bị bạo hành khi động tới các loại thuốc này. Trong những trường hợp này, tiêm phòng hai lần mỗi năm là giải pháp tốt nhất để giúp họ tránh bị nhiễm HIV mà không phải lo lắng đủ đường.
Tiếp theo sẽ là gì?
Thử nghiệm Purpose 1 sẽ tiếp tục với giai đoạn “open label,” tức là những người tham gia sẽ biết họ thuộc nhóm tiêm hay nhóm uống thuốc. Họ cũng sẽ có thể chọn loại PrEP mình muốn sử dụng.
Một thử nghiệm khác, Purpose 2, đang được thực hiện tại nhiều khu vực, bao gồm một số nơi ở Châu Phi, với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm nam giới chuyển giới, người dị tính và người vô tính… Việc thử nghiệm trên các nhóm khác nhau rất quan trọng vì hiệu quả của thuốc có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại quan hệ tình dục (qua đường hậu môn hay âm đạo).
Bao lâu nữa thì thuốc mới sẽ xuất hiện trên thị trường?
Gilead Sciences sẽ nộp kết quả thử nghiệm của thuốc lenacapavir cho các cơ quan chức trách ở Uganda và Nam Phi trong vài tháng tới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng sẽ xem xét dữ liệu và có thể đưa ra khuyến nghị sử dụng thuốc. Hy vọng rằng loại thuốc mới sẽ sớm được chấp nhận và đưa vào các tài liệu hướng dẫn của WHO và các quốc gia trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác, để hiểu rõ để xem thuốc này hoạt động như thế nào trong các tình huống khác nhau, bên ngoài phòng thí nghiệm và trong cuộc sống hàng ngày của con người.
Giá cả của thuốc cũng là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo mọi người đều có thể sử dụng được. Công ty Gilead Sciences sẽ cấp phép cho các công ty sản xuất thuốc generic để giảm giá thành của thuốc. Hy vọng rằng trong tương lai, các chính phủ có thể mua thuốc mới và cung cấp cho người dân, đảm bảo mọi người đều có cơ hội sử dụng thuốc để phòng ngừa HIV.
Nguồn: “HIV breakthrough: drug trial shows injection twice a year is 100% effective against infection” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn