BERLIN – Hôm thứ Tư (17/7), Đức dự định sẽ giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới, bất chấp nguy cơ Trump trở lại Tòa Bạch Ốc có thể sẽ khiến phần hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine cũng bị hạn chế, theo Reuters.
Theo dự thảo ngân sách năm 2025, mức viện trợ của Berlin dành cho Kyiv sẽ giảm từ khoảng 8 tỷ euro (4,35 tỷ MK) trong năm 2024 xuống còn 4 tỷ euro vào năm 2025.
Đức hy vọng Ukraine sẽ có thể xoay sở được phần lớn nhu cầu quân sự của họ nhờ vào khoản vay 50 tỷ MK từ nguồn tài sản bị đóng băng của Nga mà Nhóm G7 đã chuẩn thuận, và rằng Ukraine sẽ không cần phải đốt sạch số tiền này vào vũ khí.
Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết: “Nguồn tài trợ cho Ukraine đã được đảm bảo trong tương lai gần nhờ vào các công cụ tài chính của Âu Châu và các khoản vay từ Nhóm G7.”
Washington đã thúc đẩy việc “ứng trước” các khoản vay để Ukraine có thể nhận được một khoản tiền lớn ngay lập tức thay vì nhận theo nhiều đợt. EU đã đồng ý với ý tưởng này vì sẽ giảm phần nào nguy cơ Kyiv bị “cháy túi” nếu Donald Trump quay trở lại Tòa Bạch Ốc.
Tuần này, khắp Âu Châu ngập tràn lo lắng khi hay tin Trump chọn TNS J.D. Vance làm ứng viên phó tổng thống của mình. Vance nổi tiếng là người phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine và cảnh báo rằng EU sẽ phải giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ để bảo vệ lục địa của mình.
Trump đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ các viên chức phương Tây khi gợi ý rằng ông sẽ không bảo vệ các quốc gia không đạt mục tiêu về ngân sách dành cho quốc phòng của NATO và thậm chí sẽ còn xúi giục Nga tấn công họ.
Berlin đã bị chỉ trích vì liên tục không đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng của NATO. Kho vũ khí của Đức vốn đã vơi sau nhiều thập niên không được đầu tư đầy đủ, nay lại càng thêm cạn kiệt do phải cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cho đến nay, Berlin đã tặng ba hệ thống phòng không Patriot cho Kyiv, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác; số lượng hệ thống phòng không Patriot ở Đức hiện chỉ còn chín cái.
Liên minh các Đảng chính trị ở Đức gặp khó khăn trong việc tuân thủ mục tiêu dành 2% GDP đầu tư cho quốc phòng do các quy định tự áp đặt nhằm giới hạn việc vay mượn của nhà nước.
Mặc dù Đức sẽ giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, họ vẫn sẽ tuân thủ mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2025, tổng cộng là 75.3 tỷ euro. Sau khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào năm 2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố thành lập quỹ đặc biệt “Zeitenwende” (trong tiếng Đức có nghĩa là bước ngoặt lịch sử) trị giá 100 tỷ euro để tăng cường khả năng quân sự. Trong quỹ đặc biệt này, có 22 tỷ euro sẽ được dùng cho quốc phòng, cộng thêm 53.3 tỷ euro từ ngân sách thường xuyên, nhưng tổng số vẫn ít hơn so với con số 6.7 tỷ euro mà Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius yêu cầu.
Chi phí hoạt động hàng năm của Bộ Quốc phòng Đức đang tăng nhanh hơn so với ngân sách. Vì vậy, họ buộc phải cắt giảm đáng kể đơn đặt hàng đạn dược cho năm 2025, cũng như giảm 260 triệu euro chi cho việc mua sắm các trang thiết bị và giảm hơn 200 triệu euro cho nghiên cứu phát triển.
Kế hoạch tài chính trung hạn tính đến năm 2028 cho thấy quỹ đặc biệt dành cho lực lượng vũ trang sẽ cạn kiệt, và sẽ cần tới 80 tỷ euro để đáp ứng các nhu cầu quốc phòng vào năm 2028. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2028, sẽ có một khoảng trống 39 tỷ euro trong ngân sách, trong đó cần 28 tỷ euro để tuân thủ mục tiêu chi tiêu của NATO mà không có quỹ đặc biệt.
Các quyết sách để giải quyết vấn đề này sẽ chỉ được xem xét sau cuộc bầu cử năm 2025. Ông Ingo Gaedechens từ đảng đối lập CDU cho biết: “Số tiền 80 tỷ euro dự kiến cho năm 2028 chỉ là những con số nằm trên giấy. Liên minh cầm quyền thậm chí còn thẳng thắng thừa nhận là họ sẽ không gom đủ tiền.”