Liên Hiệp Quốc – Hôm thứ Hai (15/7), Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, trong năm 2023 có rất nhiều trẻ em đã bị bỏ lỡ các đợt tiêm chủng quan trọng cho các bệnh như bạch hầu, uốn ván và ho gà do sự gia tăng xung đột và chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới, làm cho việc vận chuyển và cung cấp vaccine đến những khu vực này trở nên khó khăn, theo Reuters.
Theo ước tính của LHQ, vào năm 2023, có khoảng 14.5 triệu trẻ em không được tiêm vaccine, so với con số 13.9 triệu trẻ em vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với thời kỳ đại dịch COVID-19 với khoảng 18 triệu trẻ em bị bỏ lỡ các đợt tiêm chủng.
LHQ ước tính rằng có thêm 6.5 triệu trẻ em chỉ nhận được một liều vaccine DTP chứ không được tiêm đầy đủ tất cả ba liều cần thiết, khiến các em không được bảo vệ hoàn toàn khỏi các bệnh nguy hiểm. Chỉ có 84% trẻ sơ sinh trên toàn cầu đã được tiêm đầy đủ các liều vaccine, tỷ lệ này vẫn chưa đủ để ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh như bạch hầu, uốn ván và ho gà.
Theo báo cáo của Quỹ bảo trợ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2023, những quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh cũng là nơi có nhiều trẻ em không được tiêm chủng nhất.
Trong đó, Sudan là nơi có sự sụt giảm lớn nhất về tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu khi 15 tháng nội chiến đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ y tế. Tỷ lệ tiêm chủng ở Sudan đã giảm từ 75% vào năm 2022 xuống còn 57% vào năm 2023, với gần 701,000 trẻ em ở Sudan không được tiêm chủng chống lại các bệnh nguy hiểm như sởi và bạch hầu. Số trẻ em không được tiêm chủng ở khu vực Gaza cũng tăng từ 1,000 trong năm 2021 lên 17,000 trong 9 tháng đầu năm 2023.
UNICEF cho biết, Sudan, Yemen và Afghanistan là ba quốc gia mới nằm trong danh sách 20 quốc gia có nhiều trẻ em không được tiêm chủng nhất trong năm 2023. Hơn một nửa số trẻ em không được tiêm chủng trên thế giới sống ở các quốc gia có hoàn cảnh bất ổn hoặc dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột, dù số trẻ em sinh ra ở các quốc gia này chỉ chiếm 28% số trẻ em trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo của LHQ cũng có những điểm tích cực: số trẻ em không được tiêm chủng ở châu Phi đã giảm, tỷ lệ tiêm vaccine HPV đã được cải thiện trên toàn thế giới, và Ukraine cũng cải thiện tỷ lệ tiêm chủng mặc dù đang trong chiến tranh với Nga.