Ván cờ quyền lực Mỹ-Trung ở Đông Nam Á được thể hiện rõ nét nhất tại khu vực ngoại ô Công viên Quốc gia Ream, miền nam Campuchia. Trung Quốc (TQ) đang xây dựng một căn cứ hải quân tại đây, trên một cơ sở quân sự cũ của Hoa Kỳ, và dường như có ý định ở lại lâu dài. Các chiến hạm của PLA (People’s Liberation Army) đã neo đậu ở khu vực này suốt hàng tháng trời. TQ và Campuchia đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự chung có tên là “Rồng Vàng” (Golden Dragon) từ Cảng tự trị Sihanoukville gần đó. Trong các cuộc tập trận này, TQ trình diễn đội quân “chó robot” (những con robot có bốn chân và được gắn súng trên lưng) trước truyền thông thế giới. Những cuộc tập trận thế này bắt đầu từ năm 2016, không lâu sau khi Campuchia hủy bỏ các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia đã tiến triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Thông tin về việc căn cứ hải quân Ream đang được xây dựng bằng tiền tài của Bắc Kinh rộ lên từ năm 2019. Và trong năm 2024, quan hệ giữa 2 nước càng sâu đậm hơn khi các công ty của TQ dự kiến sẽ khởi công dự án kênh đào Funan Techo (Kênh Phù Nam Techo) – dài 112 dặm (khoảng 180 km) và trị giá 1.7 tỷ MK – nối thủ đô Phnom Penh với Vịnh Thái Lan (Gulf of Thailand). Dự án này sẽ tạo ra một tuyến thương mại mới cho TQ, qua Lào và Campuchia, mà không cần phải đi qua Việt Nam. Theo các thỏa thuận “build-operate-transfer” (xin tạm dịch là “xây dựng – vận hành – chuyển giao,” hay hiểu nôm na là xây, xài, rồi cho), Kênh Phù Nam Techo sẽ thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh trong tối thiểu 50 năm.
Đối với TQ, quyền kiểm soát này phục vụ cho mục đích chiến lược lớn hơn. Khoảng 40% trong số 10 tỷ MK nợ nước ngoài của Campuchia là nợ TQ. Những cạm bẫy đầu tư và nợ nần đã khiến Campuchia dưới thời Hun Manet trở thành một “đồng minh son sắt” của TQ, tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của Tập Cận Bình và ĐCS TQ.
Trước tình hình ngày càng căng thẳng ở Đông Nam Á, Hoa Kỳ và Việt Nam đã mở rộng quan hệ trong thời gian gần đây. Mới tháng trước, quân đội Trung Quốc đã đuổi một chiến hạm của Hoa Kỳ ra khỏi Quần đảo Hoàng Sa sau khi la làng rằng chiến hạm này đã đi vào lãnh thổ của mình. Trong khi đó, Philippines cũng đang có cuộc chiến ngoại giao căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông; một số tàu thuyền của Philippines đã bị tông và xịt vòi rồng. Mặc dù một tòa án quốc tế đã bác bỏ các yêu sách càn rỡ của TQ về nhiều khu vực ở Biển Đông, Bắc Kinh vẫn tiếp tục ngang nhiên chiếm đóng, xây dựng thêm nhiều đảo mới cũng như duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực này.
Campuchia hiện nay là quân cờ quan trọng trên bàn cờ quyền lực của TQ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngay sau khi Hun Manet nhậm chức Thủ tướng vào năm 2023, Ngoại trưởng TQ là người đầu tiên chúc mừng và viếng thăm. Phnom Penh cũng đang cố gắng “học hỏi” Bắc Kinh về các chiến thuật và công nghệ hiện đại, chẳng hạn như camera CCTV, phần mềm nhận biết khuôn mặt, và cả công nghệ “tường lửa” Internet, để theo dõi và đàn áp những người chỉ trích chính quyền và nhà hoạt động xã hội. Nhiều cơ quan báo chí tự do đã đóng cửa, đặc biệt là một số nữ nhà báo bị quấy nhiễu đến mức phải chạy ra nước ngoài.
Thật không may, cho đến nay Hoa Kỳ vẫn im hơi lặng tiếng. Trong chuyến công du đến Campuchia gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết mục tiêu của ông là “ngồi xuống và cùng thảo luận về một con đường tích cực và lạc quan hơn trong tương lai,” và rằng chuyến thăm này “không nhất thiết phải đạt được những thành tựu to lớn gì.” Có thể thấy chính quyền Biden dường như đang hiểu sai về tình hình Đông Nam Á hiện nay khi coi Campuchia là một đối tác dễ chịu, dễ gần. Thực tế, Hun Manet đang chơi trò “lá mặt lá trái” với Bắc Kinh và Washington.
Năm ngoái, các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã cố gắng đưa chính quyền Manet vào “khuôn khổ” bằng cách đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào những nhân vật đàn áp tự do và nhân quyền ở Campuchia. Họ cũng đệ trình một dự thảo luật nhằm xác định rõ ràng những chính sách của Hoa Kỳ đối với Campuchia. Dù nỗ lực này không thành công, nhưng đây là biện pháp cần thiết để Hoa Kỳ chống lại ảnh hưởng của TQ trong khu vực.
Hiện tại là thời điểm quan trọng cho cả Hoa Kỳ và Đông Nam Á. Nếu Hoa Kỳ quá mềm mỏng với các lãnh đạo độc tài như Manet, sẽ khiến cho việc xâm phạm nhân quyền và dân quyền trong khu vực trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Ngoài ra, điều này cũng đặt ra câu hỏi cho các nhà lập pháp Hoa Kỳ: lên tiếng kêu gọi ngăn chặn sự leo thang của TQ trong khu vực, nhưng lại chưa đủ mạnh tay để bảo vệ các giá trị dân chủ mà cả Hoa Kỳ và Đông Nam Á đều rất coi trọng.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Why Cambodia Matters to the U.S.-China Rivalry” được đăng trên trang Time.com.
Gửi ý kiến của bạn