Làm sao để cải thiện liên hệ giữa cha mẹ và con cái? Đây là mối trăn trở rất phổ biến của các phụ huynh có con em bắt đầu vào lứa tuổi teen. Tiếng Việt có thể ghi là tuổi thiếu niên, tuổi dậy thì, tuổi nổi loạn, tuổi đang lớn, tuổi lớn vỡ da, hay tuổi vô ơn (dịch tiếng Pháp)…
Rất nhiều gia đình Việt Nam bị trở ngại về việc truyền thông trong gia đình khi các con bắt đầu vào lứa tuổi 12 tới 19. Liên hệ giữa cha mẹ và con cái đang êm đẹp bỗng nhiên bị tắc nghẽn một cách nghiêm trọng, đưa tới những hậu quả như:
- Con cái không vâng lời cha mẹ, đòi hỏi cha mẹ phải hiểu những hành động kỳ lạ hay khác thường các em. Nhiều khi gia đình giân hờn nhau và không nói chuyện với nhau, cả hai bên đều nghĩ rằng bên kia không hiểu, không thương mình v.v…Gia đình chỉ còn là nơi ăn ngủ, mạnh ai người ấy sống theo lối mình muốn!
- Con cái khộng còn học hành chăm chỉ, không còn điểm A như khi trước. Ngoài giờ tới trường, lúc về nhà các em chỉ ưa chơi game trong Internet, cell phone. Các em sống trong “thế giới ảo” cùng bạn bè, hay sống cô đơn, tách biệt, không còn liên hệ với cha mẹ hay anh chị em trong gia đình nữa. Đa số cha mẹ không thông cảm hay chia sẻ được với con em; ngoài bữa cơm có khi không biết con đang làm bài hay chơi game trong phòng, vì cửa phòng các em đã đóng chặt! Trong nhiều gia đình, cha mẹ cũng rất bận rộn với việc làm kiếm sống, và đôi khi vì các thú giải trí khác hẳn với con em.
- Mất sự cảm thông với cha mẹ, anh chị trong gia đình, trẻ tìm ra bên ngoài để có sự công nhận, chia sẻ của bạn bè. Nếu bạn không tốt thì các em sẽ dễ bị lôi kéo vào con đường xấu. Một số em tìm quên trong nghiện ngập, băng đảng.
- Một số các em đã âm thầm chịu đựng sự cô đơn, bế tắc, rơi vào bệnh trầm cảm, và cuối cùng đi tìm cái chết vì nghĩ đó là con đường giải thoát khỏi các bế tắc.
Sáng ngày Chủ Nhật 28 tháng 4, các vị tăng ni trẻ tuổi, đa số là các giáo thọ của tu viện Lộc Uyển, đã có một buổỉ vấn đáp cho các phụ huynh quan tâm tới vấn đề này, tại trung tâm Thực Tập Chánh Niệm MPC của Nam Cali (số 12221 đường Brokkhurst, Garden Grove). Quí thầy và quí sư cô xuống sinh hoạt kỳ này là các tu sĩ trẻ gốc Việt, tuy sống đời tu hành trong các tự viện, nhưng lại có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn trẻ có hai văn hóa Việt-Mỹ, cũng hiểu biết khá nhiều về tâm tình của các phụ huynh gốc Việt. Quý thầy cô trong tăng đoàn Làng Mai được thực tập lối sống Tỉnh Thức (Chánh Niệm) hàng ngày, trong một tăng đoàn có thực chất ngay từ tuổi trên dưới 20. Vài vị đặc biệt đã xuất gia từ năm 13-14 tuổi, nên có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết giới trẻ, vì họ đã có thời là thanh thiếu niên sống với gia đình.
Hàng năm tu viện Lộc Uyển (Escondido- San Diego) cũng như các tu viên Làng Mai quốc tế tại Pháp, Đức. Thái Lan, Hồng Kông, Sydney v.v… mở nhiều khóa thực tập lối sống Tỉnh Thức, cho cả hai giới phụ huynh và thanh thiếu niên. Ngoài tiếng Việt, các thiền sinh được tu học theo ngôn ngữ của mình như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha ...
Từ khi tu việc Lộc Uyển được thành lập năm 2000, hàng năm đều có các khóa thực tập Chánh Niệm cho gia đình -cha mẹ con cái cùng tham dự. Có các khóa dành riêng cho người lớn, dành cho tuổi thiếu niên, và cho cả thanh niên trưởng thành 18 tới 35 (gọi là khóa tu Wake Up). Các thiền sinh được thực tập cách sống Tỉnh Thức, nhận biết thân tâm mình đang có những cảm xúc, suy nghĩ ra sao; và biết cách giải quyết những điều gây phiền não hay đau khổ. Sau đó, họ học cách chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc.
Sau khi nghe các câu hỏi của những phụ huynh có mặt, đa số nêu lên những khó khăn và các vấn đề “cọ xát” trong liên hệ gia đình, các vị tăng ni đã giải thích, mỗi người một cách, để giúp phụ huynh hiểu và thương con em mình một cách tích cực hơn.
Một sư cô nói tới chuyện đam mê của tuổi trẻ. Chính sư cô khi chưa đi tu, cũng đã có thời gian ưa coi đua xe, vì muốn có cảm giác mạnh. Tuổi trẻ ai cũng muốn thử nghiệm các cảm giác mạnh, nên có thể thích thể thao, phim ảnh nhiều “actions”, chơi games để có cơ hội thử sức hay thử trí thông minh của mình.
Một sư cô khác kể về một cậu cháu rất mê game. Khi từ tu viện về thăm, sư cô chịu tìm hiểu trò chơi mà cháu mình ưa thích rồi chơi chung với cháu. Sau đó cậu bắt đầu tâm sự. Sư cô đã rủ được cậu cháu chơi trò “làm bánh” chung với mình. Sư cô có cơ hội phân tích cho cháu về chuyện chơi game, nếu mê game mà không có thì giờ học hành thì nó sẽ làm hại mình ra sao….
Sư cô cho rằng các em thường không được phụ huynh chia sẻ với mình những gì các em ưa thích, mà chỉ bị “lên lớp”, la rầy…nên càng ngày các em càng tự cô lập, không muốn trao đổi với bố mẹ nữa. Nếu người lớn có lòng tin ở con mình, không quá nghiêm khắc, biết cách làm thân với con trẻ, chia sẻ điều các em thích, thì sẽ có nhiều cơ hội hướng dẫn các em hơn.
Khi vấn đề liên hệ đã có khó khăn, các thầy cô đề nghị phụ huynh nên hỏi con cái (một cách từ tốn) lý do khiến các em có ức chế; nếu cha mẹ biểu lộ sự thông cảm và cho con em thấy được lòng thương yêu của mình, thì các em cũng sẽ thay đổi cái nhìn về người lớn.
Nói chung trong buổi vấn đáp, quí thầy cô Lộc Uyển thường đứng trong vai trò con em để trình bầy cho các phụ huynh về nỗi khổ của con trẻ khi bị cha mẹ kèm cặp, không được tôn trọng, không tin tưởng!
Một vài phụ huynh đã biết nhìn lại vấn đề, tìm cách thay đổi chính mình, để có thể nói với con những lời hòa ái, hiểu biết hơn. Nhất là biết khen thưởng các em khi có cố gắng trong các sinh hoạt, không chỉ về chuyện đạt điểm cao ở trường…Các em như cây non, được cha mẹ công nhận và khuyến khích cũng như có được nước tưới và mặt trời rọi soi, các em sẽ phát triển theo chiều hướng tốt.
Trong buổi vấn đáp kỳ này, một bà mẹ trẻ (Hồng Uyển) trong nhóm tổ chức MPC đã kể câu chuyện của con gái tên Ann, nhờ được theo cha mẹ về tu viện Lộc Uyển từ nhỏ, mà đã hấp thụ được cách tự chăm sóc mình khi có những cảm xúc dâng trào. Năm ngoái, bố cháu Ann bất chợt bị bệnh nặng, không biết sống chết lúc nào. Ann rất lo sợ, nên khi mẹ và anh trai rủ vô nhà thương thăm bố, Ann từ chối: “Con không sẵn sàng lúc này, con không muốn đi thăm bố ngay… Con không muốn nghe bất cứ thông tin nào về bố. Khi nào sẵn sàng, con sẽ nói!...”
Hồng Uyển cũng là người tu tập Chánh Niệm từ lâu. Cô hiểu con gái mình chưa sẵn sàng đối diện với thực tế bố bị bệnh rất nặng cho nên có thái độ như vậy. Cô tuy hơi phiền lòng, nhưng không ép con gái.
Khoảng 3-4 tháng sau, Ann nói với mẹ “Bây giờ con có thể vô thăm bố rồi”! Hồng Uyển rất xúc động khi kể về thời điểm đó. Khi còn nhỏ đi theo bố mẹ về Lộc Uyển, Ann rất vui vì được chơi đùa và ca hát thỏa thích với các bạn cùng lứa tuổi. Mỗi năm một chút, quý tăng ni trẻ chỉ dạy thêm các em cách ngồi im, theo dõi hơi thở (mươi phút), cách đi đứng thong dong. Các em ăn cơm trong im lặng để tập nhận biết các loại rau đậu trong miệng v.v… Mỗi năm một chút các em được hướng dẫn cách sống Chánh Niệm, đã biết thở có ý thức, biết đi đứng trong Chánh Niệm. Các em thực tập sâu hơn để nhận biết được những gì đang xảy ra trong thân tâm của chính mình. Dần dần, các em được học những phương pháp đối trị với cảm xúc hay các ý tưởng tiêu cực khiến trẻ lo sợ, buồn phiền. Các em cũng học kỹ thuật chấp nhận, ôm ấp các tâm thức tiêu cực rồi chuyển hóa chúng.
Dù Ann mới 16 tuổi nhưng cháu đã biết dừng lại khi có biến cố lớn trong gia đình. Cháu đã giữ im lặng, không làm chi hết, để có thể lắng nghe và chăm sóc những nỗi lo buồn em đang trải qua, cho tới khi Ann thấy có đủ năng lực đối diện với sự sợ hãi về căn bệnh mà bố đang phải chống chọi. Ann đã trưởng thành trong chuyện biết chăm sóc những cơn sóng cảm xúc của mình.
Giai đoạn tuổi teen của các em rồi sẽ qua đi rất mau. Trẻ sẽ lớn và hiểu biết hơn, từ đó những vấn đề về liên hệ khó khăn giữa cha mẹ-con cái có lẽ chỉ còn là những kỷ niệm nho nhỏ. Tình thương yêu vô điều kiện mà cha mẹ nào cũng có. Chỉ cần kèm theo sự hiểu biết, bao dung con em trong giai đoạn hoang mang vì muốn tìm ra bản ngã của mình. Hiểu Biết và Thương Yêu chính là điều mà các em đã tìm thấy trong các vị tăng ni trẻ ở Lộc Uyển qua thái độ sống và cách hành xử.
Các câu chuyện về sự chuyển hóa tốt đẹp của trẻ vị thành niên và cha mẹ thường xuyên được ghi nhận trong mọi khóa tu theo truyền thống Làng Mai. Pháp môn Thiền Chánh niệm do Thiền Sư Nhất Hạnh phát triển ra toàn thế giới từ thập niên 1980. Dù Sư Ông đã viên tịch từ năm 2022, các tu viện vẫn tiếp nối con đường hoằng pháp của Người một cách mạnh mẽ, tiếp tục đem Chánh Niệm vào đời sống thường ngày cho những ai muốn học và có duyên tu học.
Có thể tìm hiểu thêm về các khóa tu và ghi danh sớm cho con em trên trang nhà của Tu Viện Lộc Uyển: https://deerparkmonastery.org/
Tại miền Nam California, trung tâm thực tập Chánh Niệm (Mindfulness Practice Center MPC) đã sinh hoạt từ năm 2023, cũng có các buổi thực tập với các nhóm thiền sinh nhiều lứa tuổi, như tăng thân Xóm Dừa, Nụ Hồng (tiếng Việt) và nhóm trẻ Wake Up of Little Saigon (tiếng Anh)
Email của Trung Tâm Thực Tập Chánh Niệm: SoCal.MPC @gmail.com
Chân Huyền