
Socrates đã đúng khi nói: “Hiểu biết đích thực là biết rằng mình không biết gì cả.” Bởi vì thừa nhận rằng mình không biết hết mọi thứ sẽ mang đến cho chúng ta cơ hội học hỏi nhiều hơn. (Nguồn: pixabay.com)
Ông bà ta có câu: “Thùng rỗng kêu to.” Và hóa ra theo góc nhìn khoa học thì điều này cũng có phần đúng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người sở hữu trí tuệ về sự khiêm tốn thường sẽ thông minh hơn.
Nghiên cứu mới được công bố trên Journal of Positive Psychology. Tác giả chính là Elizabeth J. Krumrei-Mancuso, từ Trường Pepperdine University, đã làm việc cùng với nhóm của bà để nghiên cứu một khái niệm mà họ gọi là trí tuệ về sự khiêm tốn (intellectual humility). Trí tuệ về sự khiêm tốn là khả năng chấp nhận sai lầm về mặt trí tuệ (intellectually fallible) một cách cởi mở và điềm đạm.
Ngược lại với nó là sự tự tin thái quá về trí tuệ (intellectual overconfidence), là khi ai đó chắc chắn về những gì họ tin tưởng ở mức độ cực đoan, ngay cả khi đối mặt với khả năng có thể có sai lầm.
Báo cáo nghiên cứu giải thích: “Nghiên cứu chứng minh rằng những người hay tự phụ rằng kiến thức của mình chắc chắn đúng có thể đưa ra những kết luận sai lầm từ những bằng chứng mơ hồ. Đó là các cá nhân có khuynh hướng bóp méo thông tin để phù hợp với niềm tin về nhận thức luận của họ. Và điều này có thể ảnh hưởng đến việc giải thích thông tin và tiếp nhận kiến thức của họ.”
Trong cuộc trò chuyện với trang Psypost, Krumrei-Mancuso giải thích rằng có một mô hình thú vị khi nói đến những người có trí tuệ về sự khiêm tốn. Bà nói: “Khi nói đến niềm tin, người ta có khuynh hướng đánh giá cao sự cởi mở của những người khác, nhưng người ta cũng có thể coi những người không kiên định với niềm tin của mình là yếu đuối, hoặc có thể coi những người hay thay đổi quan điểm là không ổn định hoặc hay dễ bị thao túng.”
Ngoài ra, bà nói rằng điều thúc đẩy nghiên cứu là ý tưởng rằng khả năng sai lầm về trí tuệ cũng có một số lợi ích.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện năm thí nghiệm riêng biệt với tổng cộng 1,200 người. Những người tham gia sẽ được hỏi một loạt câu hỏi, và sau đó được đánh giá theo thang điểm trí tuệ về sự khiêm tốn.
Các nhà nghiên cứu viết: “Thang đo bao gồm các mục con như Biết Tuốt (con-trait), đánh giá thái độ quá tự mãn về sự vượt trội về trí tuệ, và một mục con về Trí Tuệ Cởi Mở (pro-trait), đánh giá sự cởi mở trong việc học hỏi từ người khác.”
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng những người tham gia có trí tuệ về sự khiêm tốn sẽ có kiến thức chung tốt hơn, và sự khiêm nhường không liên quan đến khả năng nhận thức tổng thể của họ. Nghiên cứu kết luận rằng, những người có trí tuệ về sự khiêm tốn thường sẽ có tổng thể trí tuệ kết tinh (crystallized intelligence – hay còn gọi là trí thông minh cứng) cao hơn, chứ không phải là tổng thể trí tuệ linh hoạt (fluid intelligencet – hay còn gọi là trí thông minh mềm) cao hơn.
Khi nói về việc này, trong số những người tham gia nghiên cứu, ai có thể thừa nhận rằng mình không biết hết mọi thứ dường như sẽ cởi mở hơn trong việc tìm hiểu và có nhiều khả năng học hỏi hơn. Cho nên, có vẻ như Socrates đã đúng khi nói: “Hiểu biết đích thực là biết rằng mình không biết gì cả” (The only true wisdom is knowing you know nothing). Bởi vì có thể thừa nhận rằng mình không biết hết mọi thứ sẽ mang đến cho chúng ta cơ hội học hỏi nhiều hơn.
Tất nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng cần phải nghiên cứu thêm về chủ đề này. Trọng tâm chính của họ là thu hút sự chú ý của mọi người đến trí tuệ về sự khiêm tốn, và họ đã làm rất tốt điều đó.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Humble People Are More Intelligent, According To A Recent Study” của Harley Manson, được đăng trên trang awarenessact.com.
Gửi ý kiến của bạn